Giáo xứ Ngọc Đồng

  • 09/01/2025
  • Giáo xứ Ngọc Đồng (hay còn gọi là Ngọc Đường) cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 90km về hướng Tây Bắc; phía Đông Bắc giáp xứ Lê Xá; phía Nam giáp xứ Vĩnh Phúc; phía Tây giáp xứ Đức Ninh; phía Tây Bắc giáp xứ Sài Quất; phía Nam giáp xứ Hưng Yên.

     

    GIÁO XỨ NGỌC ĐỒNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng năm 1676

    Năm thành lập Giáo xứ : 1698

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1938

    Năm cung hiến : 15/7/2001.

    Tước hiệu: Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân : 828 (Toàn xứ), 598 (Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Ngọc Đồng, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

    I-VỊ TRÍ

    Giáo xứ Ngọc Đồng (hay còn gọi là Ngọc Đường) cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 90km về hướng Tây Bắc; phía Đông Bắc giáp xứ Lê Xá; phía Nam giáp xứ Vĩnh Phúc; phía Tây giáp xứ Đức Ninh; phía Tây Bắc giáp xứ Sài Quất; phía Nam giáp xứ Hưng Yên.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo các cụ Tiên chỉ Trưởng thượng truyền lại, làng Ngọc Đồng là một trong những làng cổ kính của Bắc Việt do Tướng quân Phạm Bách Hổ (Phạm Phòng Át) (1 trong số 12 sứ quân) thành lập khoảng thế kỷ X. Sau khi ông mất, dân làng tôn ông làm Thần Thành Hoàng.

    Năm 1676, các thừa sai Đaminh đặt chân đến Phố Hiến, mở đầu cho công cuộc truyền giáo ở Giáo phận Đàng Ngoài. Ngày đó, các thừa sai đến Bắc Việt cập bến Phố Hiến, thường qua Ngọc Đồng để lên Thăng Long. Vì thế, Ngọc Đồng đón nhận Đức tin từ rất sớm.

    Khi nhà Nguyễn bách hại đạo tại tỉnh Nam Định, Hưng Yên là nơi lánh nạn cho các vị thừa sai. Đức cha Martinô Gia (Domingo Marti), Giám mục tiên khởi Địa phận Trung, đã đặt Tòa Giám Mục ở đây và kiêm cha xứ Ngọc Đồng. Ngoài ra, Đại chủng viện Lục Thủy Hạ được di chuyển về Ngọc Đồng để đào tạo các chủng sinh, linh mục nhằm có người phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng.

    Năm 1938, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho ngôi thánh đường xuống cấp và hư hỏng trầm trọng, nên cha xứ Lobera Yên, cha Toma Trần Công Tính và bà con giáo hữu đã cố gắng khởi công xây dựng lại ngôi thánh đường mới với chiều dài 60m, rộng 20m, cao 30m, cây tháp cao 40m và được khánh thành năm 1941.

    Theo dòng thời gian, ngôi thánh đường dần xuống cấp nên cha xứ và bà con giáo dân nơi đây phải tu sửa lại nhiều lần.

    Năm 2001, cha Tôma Đoàn Xuân Thỏa và Giáo xứ đại tu ngôi thánh đường và được cung hiến ngày 15/7/2001 do Đức cha Fx. Nguyễn Văn Sang chủ sự.

    Các chứng nhân tử đạo

    Thời Tự Đức cấm đạo, được báo ở Ngọc Đồng có Lý Tô đang rèn gươm giáo (để chống cướp), quan Giám binh nghĩ rằng dân sắm võ trang chống lại triều đình. Vì thế, ngày 09/01/1858, ông đem 5.000 binh lính đến bao vây làng Ngọc Đồng, bắt cha Đaminh Huấn, hàng chục tu sỹ, chủng sinh, các chức sắc và một số đông giáo dân.Nhiều ngôi nhà bị đốt cháy và nhiều người bị thiệt mạng.

    Mặc dầu bị bách hại, tín hữu Ngọc Đồng vẫn kiên vững để minh chứng cho Đức tin. Giáo xứ Ngọc Đồng đã đóng góp cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình một Thánh linh mục là Phêrô Nguyễn Bá Tuần và 26 Hiền phúc tử đạo: Hiền phúc Chiêu (số 243) Đaminh Nghĩa (số 611); Đaminh Mỹ (số 619); Đaminh Lý Tô (số 620); Giuse Uynh (số 621); Phêrô Việt (số 622); Giuse (Đaminh) Sắc (số 623); Đaminh Niên (số 624); Phêrô Côn (số 625); Đaminh Hoàn (số 626); Đaminh Đảm (số 627); Giuse Chính (số 628); Phêrô Mầu (số 629); Anrê Khoan (số 642); Đaminh Quỳnh (số 643); Đaminh Võng (số 644); Đaminh Bôi (số 645); Đaminh Phái (số 646); Đaminh Biên (số 647); Giuse Hành (số 648); Đaminh Quỳnh (số 649); Phêrô Tửu (số 636); Đaminh Cứ (số 657); Đaminh Tít (số 664); Giuse Mậu (số 665); Đaminh Vọng (số 1266). Ngoài ra, Giáo xứ còn có các chứng nhân: Lịch; Thường, Chu, Duyệt, Chiến, Maria Tri và Thầy giảng Đaminh Nghĩa.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Đức cha Marti Gia; cha Đaminh Mậu OP; cha Dương; cha Đaminh Huấn; cha thánh Giuse Trần Văn Tuân; cha Bỉnh; cha chính Careras Hiền; cha Vĩnh; cha Thức; Đức cha Riano Hòa cha Năng; Đức cha Thuận; cha Pages Thái; Đức cha Fernandez Định; cha chính Foronda Hiền; Đức cha Munagorri Trung; cha Moreno Trinh; cha Thiều; cha Khang; cha Tôma Trần Công Tính; cha Lobera Yên; cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Tôma Đoàn Xuân Thỏa; cha Giuse Nguyễn Tri Chúc, cha Giuse Phạm Văn Thiện, cha Gioan.B. Đỗ Bá Dương và hiện nay là cha Đaminh Vũ Minh Trí.

    Các giáo họ trực thuộc: Hoàng Độc và Thanh Cù

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Giáo xứ Ngọc Đồng vẫn không ngừng vươn lên trong đời sống Đức tin. Hiện nay, Ngọc Đồng không còn là nơi trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giáo phận, nhưng vẫn luôn có các linh mục trực tiếp sự coi sóc. Cùng với đó, thường xuyên có quý dì dòng nữ Đaminh Thái Bình hiện diện để cộng tác với cha xứ và Giáo xứ trong các công việc chung.

    Trong Giáo xứ, các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, các Ca đoàn, hội Gia Trưởng, hội Hiền Mẫu, hội Kim nhạc, Thiếu nhi Thánh thể... vẫn duy trì và hoạt động hết sức sôi nổi và tích cực.

    Ngoài các đoàn hội, Giáo xứ còn mở các lớp giáo lý theo từng độ tuổi. Các em rất hăng say học hỏi về giáo lý và chia sẻ Lời Chúa hàng tuần.

     

    GIÁO HỌ HOÀNG ĐỘC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng năm 1676

    Năm thành lập Giáo họ : 1750

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1925

    Bổn mạng : Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01/01)

    Số giáo dân : 130

    Địa chỉ : Nhà thờ Hoàng Độc, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ 3km về hướng Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng giữa thế kỷ XVII, ánh sáng Tin Mừng đã đến mảnh đất Hoàng Độc và được người dân nơi đây mau mắn đón nhận. Ban đầu, các tín hữu tập trung cầu nguyện tại các tư gia. Sau một thời gian, số các bổn đạo ngày càng gia tăng, các tín hữu dựng tạm ngôi nhà nguyện nhỏ bằng vách đất, lợp rơm rạ và lá cọ để cầu nguyện.

    Năm 1750, Giáo họ Hoàng Độc được thành lập, thuộc xứ Ngọc Đồng, nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng.

    Năm 1925, các tín hữu khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới và khánh thành năm 1938. Trước năm 1954, nhà thờ bị trúng bom và hư hỏng nặng phần mái, tường và tháp chuông. Biến cố năm 1954, hầu hết giáo dân di cư vào miền Nam, chỉ còn một số ít gia đình ở lại và gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đạo. Nhưng với lòng hy sinh, các tín hữu quyết gìn giữ và bảo vệ Đức tin, sửa sang lại nhà Chúa bằng cách mua lá cọ để lợp lại mái nhà thờ, hằng ngày tiếp tục cầu nguyện. Năm 1957, nhà thờ được tu sửa, mái cọ được thay thế bằng mái ngói.

    Năm 1958, nhà thờ bị nhà nước trưng dụng làm kho chứa thóc.

    Năm 1967, nhà thờ bị dùng làm trường học cấp III. Năm 1970, nhà thờ bị dùng làm kho chứa thóc một lần nữa.

    Năm 1972, nhà thờ bị dùng làm xí nghiệp may. Năm 1981, nhà thờ bị biến thành nhà tù. Năm 1983, nhà thờ được trả lại, bà con giáo dân quy tụ về cầu nguyện sớm tối.

    Sau đó, được sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, nhà thờ được tu sửa nhiều lần vào các năm 1991, năm 2000, năm 2006 và năm 2012.

    Ơn gọi trong Giáo họ: Hoàng Độc tự hào vì đã đóng góp cho Giáo hội những người con ưu tú phục vụ trong cánh đồng truyền giáo: cha Dom. Nguyễn Đức Bằng (+); cha Dom. Nguyễn Hữu Toản (+); cha Dom. Nguyễn Ngọc Đễ (Úc châu); cha Jos. Nguyễn Hữu Cường (Cần Thơ); cha Jos. Nguyễn Chấn Hưng (Đà Lạt); cha Jos. Nguyễn Mạnh Hùng (Xuân Lộc); cha Pet. Nguyễn Bá Ân (Sài gòn); cha Pet. Nguyễn Bình Phương (Sài gòn); cha Vinc. Nguyễn Cao Cường (Canada); cha Ga B. Nguyễn Đình Hoan; 2 thầy Phó tế và 4 nữ tu.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua biết bao khó khăn, người tín hữu Hoàng Độc dù ở xa hay gần vẫn tin tưởng vào Chúa, kiên trì bảo vệ Đức tin mà cha ông đã bao năm gầy dựng. Để Giáo họ phát triển về mọi mặt, Hoàng Độc đã thành lập các hội đoàn. Các hội viên trong từng đoàn hội rất nhiệt thành phục vụ mọi người, phát huy tinh thần của mỗi đoàn thể, sống đoàn kết không phân biệt tôn giáo.

     

    GIÁO HỌ THANH CÙ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1910

    Năm đại tu nhà thờ hiện tại : 1908

    Bổn mạng : Sinh nhật Đức Mẹ (08/9)

    Số giáo dân : 80

    Địa chỉ : Nhà thờ Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Đông.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng cuối thế kỷ XIX, hạt giống Tin Mừng đã được gieo trên mảnh đất Thanh Cù. Chẳng bao lâu, hạt giống ấy đã bén rễ và sinh hoa kết trái. Ban đầu, các tín hữu nơi đây dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ để làm nơi nguyện cầu sớm tối.

    Năm 1908, để phù hợp với nhu cầu của các tín hữu, ngôi nhà thờ mới bằng gỗ lim được xây dựng với chiều dài 14m, rộng 5m, chia thành 7 gian, thiết kế theo kiến trúc Á Đông và tháp chuông cao 8m.

    Năm 1910, Giáo họ Thanh Cù được thành lập, nhận Lễ Sinh nhật Đức Maria làm bổn mạng.

    Biến cố năm 1954, hầu hết số giáo dân Thanh Cù di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp, số khác tản mác đi các tỉnh lân cận, số người ở lại còn rất ít. Từ đó, đời sống đạo của các tín hữu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn kiên cường giữ gìn gia sản Đức tin và bảo vệ ngôi thánh đường của tiền nhân để lại.

    Khó khăn nối tiếp khó khăn, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ bị trúng bom làm sập đổ 5 gian. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, Giáo họ không thể tu sửa. Từ đó, Đức tin bị phôi phai và không phát triển, mọi sinh hoạt đều bị lắng xuống.

    Năm 1997, được sự giúp đỡ, ủng hộ nhiệt tình của bà con xa gần, cha xứ Tôma Đoàn Xuân Thỏa cùng Giáo họ chung tay xây dựng và sửa chữa lại ngôi thánh đường Thanh Cù, đời sống đạo lại được khởi sắc.

    Các chứng nhân tử đạo

    Dưới triều vua Tự Đức cấm đạo, Giáo họ Thanh Cù rất đỗi tự hào vì đã đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình ba ngành Thiên tuế: Hiền phúc Đaminh Bường (số 650), hai chứng nhân Đaminh Sử và Đaminh Bằng.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Tiếp bước cha ông, những người con ưu tú của Thanh Cù dâng hiến cuộc đời cho Giáo hội và dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân trong ơn gọi tu trì: cha Đaminh Trần Thiện Thanh Toàn (tu học tại Mỹ) và các tu sỹ nam nữ đang phục vụ ở trong và ngoài Giáo phận.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một giáo họ nhỏ bé, nhưng các thành viên trong từng hội đoàn luôn sôi nổi, nhiệt tình trong mọi công việc của Giáo họ, Giáo xứ. Sống trong môi trường có nhiều anh em lương dân, các tín hữu Thanh Cù sống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ với nhau lúc vui cũng như khi buồn, không phân biệt tôn giáo.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan