GIÁO XỨ TRUNG CHÂU
Năm đón nhận tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1890
Năm nâng lên hàng Giáo xứ: 1946
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1916
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Số giáo dân : 498 (Toàn xứ), 150 (Nhà xứ) Địa chỉ : Nhà thờ Trung Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
I-VỊ TRÍ
Trung Châu, còn gọi là Trung Chu cách Toà Giám mục Thái Bình khoảng 80km về hướng Tây Bắc; phía Đông Bắc giáp xứ An Vỹ; phía Bắc giáp xứ Hàm Tải; phía Nam giáp xứ Sài Quất và phía Tây giáp với Sông Hồng.
II- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Trung Châu đón nhận Tin Mừng vào đầu thế kỷ XVIII. Ngày đó, Trung Châu thuộc xứ Ngọc Đồng, nhận Sinh nhật Đức Mẹ làm quan thầy.
Năm 1890, Trung Châu là một trong 12 họ lẻ của xứ Sài Quất.
Năm 1946, Đức cha Santos Ubierna Ninh, Giám mục Tông tòa Địa phận Thái Bình, ban Sắc nâng Giáo họ Trung Châu lên hàng giáo xứ. Nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.
Các chứng nhân tử đạo
Thời Tự Đức cấm đạo, Trung Châu có nhiều chứng nhân Đức tin, trong số đó có 5 Hiền phúc đang chờ ngày được Giáo hội tôn phong Chân Phước: Giuse Dịu (số 666); Phêrô Sòi (số 667); Phanxicô Tính (số 671); Phanxicô Sỹ (số 672); Phanxicô Hạng (số 673). Các ngài là những tấm gương sáng ngời về Đức tin cho mọi Kitô hữu và tô điểm thêm vẻ hào hùng của Vườn Vạn Tuế Thái Bình.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Kể từ khi thành lập, Trung Châu đã có các linh mục coi sóc: cha Hiếu; cha Thọ; cha Khuông; cha Oánh; cha Khuyến; cha Trực; cha Tôma Trần Công Tính; cha Giuse Nguyễn Văn Ban; cha Giuse Nguyễn Văn Kha; cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Đaminh Trần Văn Thức, cha Antôn Tô Duy Lâm, cha Giuse Trần Xuân Thăng...
Các giáo họ trực thuộc: Nam Mẫu, Ninh Tập, Bắc Châu, Ngọc Châu. Ngoài ra, xứ Trung Châu còn có Giáo họ Tây Trù (không còn nhà thờ) và Giáo họ Phương Đường (có nhà thờ nhưng nhà nước quản lý).
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy là một giáo xứ xa Tòa Giám mục, giáo dân ít, nhưng tinh thần sống đạo của người tín hữu Trung Châu vẫn nhiệt tình và sốt sắng. Từ khi có cha xứ trực tiếp coi sóc, mọi sinh hoạt trong Giáo xứ được thăng tiến về nhiều mặt: đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất. Để từng bước đi vào ổn định và nâng cao đời sống Đức tin của Giáo xứ, các hội đoàn cũng như các các ban ngành hăng say cộng tác với cha xứ chu toàn bổn phận, giúp Giáo xứ vững vàng tiến về tương lai.
GIÁO HỌ BẮC CHÂU
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1906
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : Đầu thế kỷ XX
Bổn mạng : Đức Mẹ Vô Nhiễm (08/12)
Số giáo dân : 20
Địa chỉ : Nhà thờ Bắc Châu, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Đông Nam.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền khẩu, khoảng cuối thế XVIII, ánh sáng Tin Mừng đã đến với vùng đất Bắc Châu. Ban đầu, vùng đất Bắc Châu là một gò cát bồi của vùng sông nước sình lầy, um tùm lau sậy. Một số cụ là người Công giáo đã về đây khai hoang vượt thổ lập nghiệp và mở đầu cho một cuộc sống và sứ vụ mới.
Khi ổn định cuộc sống, các ngài đã dựng tạm ngôi nhà giáo để làm nơi họp nhau cầu nguyện sớm tối. Khi số tín hữu ngày một đông, ngôi nhà giáo trở nên chật hẹp và xuống cấp, do đó các tín hữu quyết định xây dựng ngôi nhà thờ mới để thờ phượng Thiên Chúa.
Năm 1906, Giáo họ Bắc Châu được thành lập, thuộc xứ Sài Quất, nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm bổn mạng.
Năm 1946, Giáo họ Trung Châu được tách ra từ xứ Sài Quất và được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ Bắc Châu thuộc về giáo xứ mới.
Biến cố 1954, nhiều tín hữu đã di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp, số ở lại còn rất ít. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa giúp, các tín hữu Bắc Châu vẫn kiên trung, vững vàng, bảo vệ và gìn giữ gia sản Đức tin cũng như gia sản vật chất (ngôi nhà thờ cổ kính) của các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.
Theo dòng thời gian, ngôi nhà thờ cổ kính này đã xuống cấp trầm trọng, nhưng Giáo họ chưa có điều kiện để tân tạo.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Bắc Châu là giáo họ nhỏ, nhưng người tín hữu nơi đây rất nhiệt tình, hăng say giữ đạo và sống đạo. Trong môi trường phần lớn là anh em lương dân, giáo dân Bắc Châu luôn sống đoàn kết, chia sẻ với nhau lúc vui cũng như khi buồn không phân biệt lương giáo.
Phía trước còn rất nhiều khó khăn, các tín hữu Bắc Châu luôn cần có sự động viên về cả tinh thần cũng như vật chất của tất cả mọi người trong và ngoài Giáo phận để những ước mong chính đáng của mình trở thành hiện thực.
GIÁO HỌ NĂM MẪU
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1915
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2012
Bổn mạng : Antôn Padua (13/6)
Số giáo dân : 220
Địa chỉ : Nhà thờ Nam Mẫu, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây Bắc.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Mảnh đất Nam Mẫu được đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào đầu thế kỷ XX. Ban đầu, các ngài đã dựng một ngôi nhà nguyện đơn sơ để họp nhau cầu nguyện sớm tối.
Năm 1915, Giáo họ Nam Mẫu được thành lập, thuộc xứ Sài Quất, nhận thánh Antôn Padua làm bổn mạng.
Năm 1936, ngôi nhà thờ đầu tiên được dựng xây. Năm 1946, thời cha Lương Thiện Khuyến phụ trách Giáo xứ, Giáo họ có gần 20 hộ gia đình. Và đến Năm 1950, thời cha Trần Trung Trực làm chánh xứ Trung Châu, Giáo họ có 30 hộ gia đình.
Biến cố 1954, mười hộ gia đình Công giáo di cư vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống, số hộ còn lại là 20. Do ảnh hưởng lịch sử, ngôi nhà thờ lúc này chỉ còn 4 gian, bằng tranh tre, vách đất, mái lá mía, với diện tích 60m2.
Năm 1960, Giáo họ lợp mái ngói nhà thờ thay cho mái cũ . Năm 1967, ngôi nhà thờ bị trúng bom và sụp đổ hoàn toàn.
Năm 1976, cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên cùng Giáo họ xây dựng lại nhà thờ, mái lợp lá mía. Ngoài ra, Giáo họ xây dựng ngôi nhà phòng diện tích 24m2.
Năm 1989, cha Giuse Nguyễn Văn Ban cùng Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ thành 6 gian, khung gỗ, mái ngói, khoảng 85m2 và mua một quả chuông 60kg.
Năm 2012, với lòng quảng đại của quý ân nhân xa gần, Giáo họ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới. Sau hai năm xây dựng, ngôi nhà thờ đã hoàn thành và được cắt băng băng ngày 26/12/2014, do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo họ Nam Mẫu đã thành lập được các đoàn hội: Ca đoàn, ban Kèn nam, huynh đoàn Đaminh, Giới trẻ và các em Thiếu nhi. Các sinh hoạt đoàn hội của Giáo họ diễn ra rất sôi nổi, sẵn sàng cộng tác với cha xứ và Giáo xứ phục vụ mọi người không phân biệt lương giáo.
GIÁO HỌ NINH TẬP
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1912
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1912
Bổn mạng : Thánh Giuse thợ (01/5)
Số giáo dân : 28
Địa chỉ : Nhà thờ Ninh Tập, xã Đại Tập, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Cuối thế kỷ XIX, ánh sáng Đức tin đã chiếu soi vào mảnh đất Ninh Tập và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận. Ban đầu, các tín hữu đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ đơn sơ để họp nhau cầu nguyện sớm tối.
Năm 1912, Giáo họ Ninh Tập được thành lập, nhận thánh Giuse Thợ làm bổn mạng.
Năm 1912, Giáo họ xây dựng một ngôi nhà thờ khác và được trùng tu nâng cấp năm 1946.
Năm 1947, Giáo họ xây dựng ngôi nhà phòng phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Biến cố 1954, giáo dân của Giáo họ tản cư khắp nơi để sinh sống và lập nghiệp, chỉ còn lại rất ít người. Kể từ đây, đời sống Đức tin của những người ở lại cũng bị giảm sút.
Năm 1974, ngôi nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng nên được dỡ xuống. Lúc đó, Giáo họ tạm lấy ngôi nhà phòng làm nhà thờ để họp nhau cầu nguyện.
Năm 1999, Giáo họ sửa chữa lại ngôi nhà thờ.
Năm 1992, Giáo họ tôn tạo lại nhà thờ cũng như khuôn viên xung quanh.
Năm 2015, Giáo họ cơi nới nhà thờ cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của giáo dân.
Ơn gọi trong Giáo họ
Ninh Tập rất đỗi tự hào vì đã đóng góp cho Giáo hội những người con ưu tú dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ tha nhân trong đời sống tu trì: cha Giuse Đỗ Quang Bảo (Hoa Kỳ); cha Giuse Đỗ Văn Tuân (Sài Gòn); cha Giuse Đỗ Quang Hùng (Phú Cường) và cha Giuse Nguyễn Văn Vinh (Nhật Bản).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo họ ít người, tuy nhiên, đời sống Đức tin nơi đây vẫn diễn ra cách mạnh mẽ. Vào các chiều trong ngày, tiếng kinh nguyện của bà con Giáo họ lại vang lên trong ngôi thánh đường cầu xin Thiên Chúa để kéo tình thương, sự bình an của Ngài xuống cho mỗi người con dân nơi đây.
GIÁO HỌ NGỌC CHÂU
Năm đón nhận Tin Mừng : 1851
Năm thành lập Giáo họ : 15/02/1910
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 02/9/2011
Bổn mạng : Trái tim Vô Nhiễm Mẹ Maria
Số giáo dân : 26
Địa chỉ : Nhà thờ Ngọc Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền khẩu, Ngọc Châu được đón nhận ánh sáng Đức tin do các thừa sai từ Giáo xứ Ngọc Đồng đến rao giảng ngày 20/01/1851. Ban đầu, mảnh đất này có 4 người đón nhận Tin Mừng.
Từ năm 1951-1900, các tín hữu đầu tiên sinh hoạt tôn giáo theo họ nhà xứ Trung Châu. Tháng 03/1905, cụ Đaminh Lê Văn Hướng dâng cúng một ngôi nhà 5 gian, bằng tranh tre, mái lá để làm nhà nguyện cho cộng đoàn.
Ngày 15/02/1910, Ngọc Châu đón nhận Sắc phong thành lập Giáo họ, nhận Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ Maria làm bổn mạng.
Theo chiều dày lịch sử, ngôi nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng. Năm 1920, Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ.
Tháng 7/1971, do cơn lũ lụt lớn làm nhà thờ sụp đổ hoàn toàn.
Ngày 02/9/2011, cha xứ và bà con hân hoan cử hàng thánh lễ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với tổng diện tích 720m2, chiều dài 18m, rộng 8m và cao 8m.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Ngọc Châu là một Giáo họ nhỏ bé nên mọi sinh hoạt của Giáo họ đều diễn ra dưới sự điều hành của Hội đồng Giáo họ. Mặc dù vậy, các tín hữu nơi đây sống đoàn kết, yêu thương và chia sẻ với nhau khi vui cũng như lúc buồn.
GIÁO HỌ PHƯƠNG ĐƯỜNG
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1935
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1906
Bổn mạng : Antôn Padua (13/6)
Số giáo dân : 10
Địa chỉ : Nhà thờ Phương Đường, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khoảng đầu thế kỷ XX, ánh sáng Tin Mừng đã đến với mảnh đất Phương Đường và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận. Ban đầu, các tín hữu đã dựng ngôi nhà nguyện nhỏ để cùng nhau sớm tối cầu nguyện.
Năm 1935, Giáo họ Phương Đường được thành lập, nhận thánh Antôn Padua làm bổn mạng.
Biến cố 1954, dòng người di cư vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống, số người ở lại còn rất ít.
Năm 1964, nhà thờ bị tịch thu làm nhà trẻ và sử dụng vào công việc xã hội.
Năm 2014, ngôi nhà thờ bị bỏ hoang và xã hội vẫn quản lý chưa trả lại cho bà con giáo dân Phương Đường.
II -TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Vì quá ít người và không được sử dụng nhà thờ thờ làm nơi thờ phượng Chúa nên mọi hoạt động của Giáo họ đều lắng xuống theo dòng thời gian. Hy vọng trong tương lai không xa, ngôi nhà thờ của Giáo họ lại vang lên những lời kinh, tiếng hát để thờ phượng Thiên Chúa và là nơi để tất cả mọi người không phân biệt lương giáo chạy đến để lãnh nhận những ơn lành, sự bình an của Thiên Chúa xuống trên mỗi người, gia đình cũng như làng xóm.
GIÁO HỌ TÂY TRÙ
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1937
Năm xây dựng nhà thờ : (không còn)
Bổn mạng : Thánh Anna (26/7)
Số giáo dân : 44
Địa chỉ : Nhà thờ Tây Trù, thôn Phương Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4.5km về hướng Tây Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Mảnh đất Tây Trù được đón nhận hạt giống Đức tin vào đầu thế kỷ XX. Chẳng bao lâu, hạt giống ấy đã nảy mầm và đơm hoa kết trái. Trước năm 1916, các tín hữu tiên khởi dựng một ngôi nhà thờ 3 gian bằng tranh tre, vách đất và có 240m2 đất.
Khoảng năm 1925, ngôi nhà thờ cũ đã xuống cấp, lúc này, Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ 5 gian vững chắc hơn, mái lợp lá gội trên diện tích đất 400m2 và một cái ao rộng trên 200m2.
Năm 1937, Giáo họ Tây Trù được thành lập, trực thuộc Giáo xứ Trung Châu, nhận thánh Anna làm bổn mạng.
Trước năm 1954, số giáo dân đã tăng lên đến 15 hộ gia đình với 116 nhân danh.
Do hoàn cảnh chiến tranh, ngôi nhà thờ đã bị tàn phá hoàn toàn. Bà con giáo dân cũng sao nhãng việc đạo đức, đời sống Đức tin cũng bị sa sút kể từ đó.
Năm 1973, đất nhà thờ bị lấy ra và cấp cho 2 hộ gia đình liệt sỹ và đất ao cá nhà thờ cũng bị san lấp chia cho 2 gia đình khác sinh sống cho đến nay. Hiện nay, Giáo họ không còn đất nhà thờ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Sống trong vùng có ít người Công giáo và không có nhà thờ làm nơi thờ phượng nhưng những tín hữu Tây Trù vẫn kiên tâm giữ vững Đức tin, một lòng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đặc biệt, người giáo dân Tây Trù sống rất đoàn kết với nhau, sẵn sàng chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn với mọi người, không phân biệt tôn giáo. Mong ước của Giáo họ là có được nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa và là nơi để bà con giáo hữu họp nhau cầu nguyện sớm tối.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 55 | Tổng lượt truy cập: 4,598,977