Giáo xứ Sài Quất

  • 09/01/2025
  • Giáo xứ Sài Quất nằm cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 75km về hướng Tây Bắc; phía Tây Bắc giáp xứ Trung Châu; phía Đông Bắc giáp xứ Ngô Xá; phía Nam giáp xứ Đức Ninh.

     

    GIÁO XỨ SÀI QUẤT

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ Sài Quất : 1842

    Năm thành lập Giáo xứ : 1890

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1915

    Năm cung hiến : 09/9/2001.

    Tước hiệu : Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi

    Bổn mạng : Thánh Đaminh (08/8) và Thánh Phêrô Lê Tùy (Quan thầy đệ nhị) 11/10

    Số giáo dân : 672 (Toàn xứ), 460 (Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Sài Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

    I-VỊ TRÍ

    Giáo xứ Sài Quất nằm cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 75km về hướng Tây Bắc; phía Tây Bắc giáp xứ Trung Châu; phía Đông Bắc giáp xứ Ngô Xá; phía Nam giáp xứ Đức Ninh.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo truyền khẩu, thời vua Minh Mạng bách hại đạo, để tránh sự đàn áp bắt bớ, một số tín hữu Công giáo (không biết từ đâu đến) đã lập một trại nhỏ tại thôn Sài Quất. Sau khi vua Minh Mạng qua đời, những hạt giống Tin Mừng đầu tiên này đã phát triển trên mảnh đất Sài Quất thân yêu.

    Đến thời vua Thiệu Trị, đạo Công giáo có được đôi chút tự do, hạt giống Đức tin tại Sài Quất tiếp tục triển nở. Năm 1842, Giáo họ Sài Quất được thành lập và trở thành họ lẻ của xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng. Các tín hữu ban đầu dựng tạm một ngôi nhà nhỏ mái tranh, vách đất để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Khoảng năm 1882, cha Giêrônimô Huy cùng Giáo họ dựng một ngôi nhà thờ nhỏ lấy tên là Đền Thánh Antôn.

    Năm 1890, Đức cha Vencesles Onate Thuận, Giám mục Tông toà Địa phận Trung, tách Giáo họ Sài Quất ra khỏi xứ Ngọc Đồng và nâng lên hàng giáo xứ, bổ nhiệm cha Đaminh Diệu về coi sóc. Để có nơi cầu nguyện và cử hành thánh lễ, cha và Giáo xứ xây cất một ngôi nhà thờ gỗ khang trang và chắc chắn.

    Năm 1915, cha Luca Lương về thay cha Đaminh Diệu coi sóc Giáo xứ. Cha và Giáo xứ đã nhượng lại ngôi nhà thờ gỗ cho Giáo xứ Lực Điền và xây dựng ngôi nhà thờ khác bằng gạch đỏ và cốt sắt.

    Năm 1926, cha Luca Lượng và Giáo xứ tiếp tục xây dựng ngôi thánh đường mới. Trải qua 17 năm xây dựng, ngôi thánh đường đã được hoàn thành vào năm 1932.

    Biến cố năm 1954, giáo dân Sài Quất di cư vào miền Nam gần hết. Mặc dù trải qua nhiều gian nan nguy khó, số tín hữu bé nhỏ còn lại luôn tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa.

    Ngày 03/4/1990, cha Giuse Nguyễn Văn Ban được bổ nhiệm trông coi Giáo xứ Sài Quất, cha và bà con giáo dân đã tu sửa toàn bộ khu vực nhà thờ (sửa lại tum và hai mái hạ, đóng trần nhà thờ, sơn son thếp vàng bàn thờ, sửa lại tháp chuông và đúc chuông mới) và nhà xứ.

    Năm 1999, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà chung hai tầng và đổ bê tông sân nhà thờ.

    Ngày 09/9/2001, ngôi thánh đường được cung hiến cách long trọng với tước hiệu Thánh đường Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi.

    Ngày 17/02/2006, cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh về coi sóc Giáo xứ. Mặc dù có nhiều thách đố của thời buổi kinh tế thị trường, nhiều người phải đi làm ăn xa, nhưng số tín hữu bé nhỏ còn lại luôn tín thác nơi tình yêu Thiên Chúa và giữ vững Đức tin.

    Ngày 01/01/2010, Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi nhà giáo lý ngay trên mảnh đất nhà Thương của tổ tiên để lại, nhằm duy trì các lớp giáo lý, vun trồng và gìn giữ Đức tin cho thế hệ tương lai. Sau ba năm xây dựng, ngôi nhà giáo lý đã hoàn thành tốt đẹp và đưa vào sử dụng từ ngày 01/01/2013.

    Các chứng nhân tử đạo

    Từ đời vua Thiệu Trị đến đời vua Tự Đức, Sài Quất đã có bảy vị Hiền phúc (nhà xứ có 2 vị, Ninh Tập 1 vị, Sài Thị 4 vị) mang ngành lá chiến thắng tử đạo tô điểm cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình thêm hương sắc. Tại họ Nhà xứ có: Gioan Kênh (số 663); Đaminh Chiêu (số 674) và một Hiền phúc thuộc người Ninh Tập là Phêrô Quý (số 668).

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Cha Hier. Huy; cha Dom. Diệu; cha Luca Lương; cha Luca Lượng; cha Tôma Trần Công Tính; Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Giuse Nguyễn Văn Ban; Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh, cha Đaminh Trần Văn Thức, và hiện nay là cha Phêrô Nguyễn Hữu Phước.

    Các giáo họ trực thuộc: Phó Nham, Sài Thị, Ngọc Nha và Thọ Nham. Hiện nay, Giáo họ Ngọc Nha và Thọ Nham không còn nhà thờ.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một giáo xứ có bề dày lịch sử, các sinh hoạt mục vụ diễn ra tương đối nề nếp. Hiện nay, Giáo xứ có các hội đoàn sinh hoạt: Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh Thể, Huynh đoàn Đaminh, hội Thánh Giuse, hội Hiền mẫu, hội Mân Côi, Ca đoàn Tử đạo, Ca đoàn Mẹ vô nhiễm, ban Truyền thông, ban Lễ sinh, ban Kim nhạc. Các hội đoàn luôn cộng tác với cha xứ cách tích cực, sốt sắng và năng động làm cho các hoạt động của Giáo xứ sinh nhiều hoa trái.

    Từ khi cha Đaminh Trần Văn Thức được bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ, ngài và mọi giáo hữu tiếp tục phát huy, xây dựng tình đoàn kết trong Giáo xứ. Đồng thời, ngài tập trung nhiều hơn cho giới trẻ qua việc học hỏi giáo lý, phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, nhất là ngài mở các lớp văn hóa cho các em không phân biệt lương giáo.

     

    GIÁO HỌ PHÓ NHAM

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX.

    Năm thành lập Giáo họ : 1880

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2001

    Bổn mạng : Thánh Gioan Tông Đồ (27/12)

    Số giáo dân : 75

    Địa chỉ : Nhà thờ Phó Nham, thôn Quảng Lạc, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 5km hướng Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, Phó Nham đón nhận Tin Mừng vào cuối thế kỷ XIX. Các tín hữu đầu tiên đã dựng ngôi nhà nguyện nhỏ nằm ven sông Hồng để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 1880, Giáo họ Phó Nham được thành lập, thuộc xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Gioan Tông Đồ làm bổn mạng.

    Năm 1890, bà con giáo dân đã di chuyển nhà thờ vào trong đê.

    Năm 1936, Giáo họ xây lại ngôi nhà thờ với chiều dài 27m, rộng 7m, cao 5.5m.

    Sau biến cố 1954, phần lớn giáo dân di cư vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống, chỉ còn 10 gia đình ở lại.

    Năm 1890, Giáo họ Sài Quất được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ Phó Nham thuộc về Giáo xứ mới.

    Năm 1990, cha Giuse Nguyễn Văn Ban được bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ Sài Quất, ngài nhận thấy nhà thờ Giáo họ đã xuống cấp, không còn đủ an toàn. Vì thế, năm 2001, ngài và Giáo họ quyết định xây lại ngôi nhà thờ và được khánh thành vào năm 2002.

    Ngày 25/4/2006, cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh cho xây tháp chuông phía trước nhà thờ. Đến nay, Giáo họ mới hoàn thành phần thô của tháp chuông.

    II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tuy số nhân danh ít, người tín hữu Phó Nham vẫn giữ được nét đạo đức của cha ông để lại qua việc giữ các giờ kinh nguyện hằng ngày. Đặc biệt, người tín hữu nơi đây rất tích cực cộng tác với cha xứ trong mọi công việc xây dựng cộng đoàn Giáo họ.

    Từ khi về nhận nhiệm sở mới, cha Đaminh dành nhiều thời gian để gặp gỡ, động viên mọi người, quan tâm cách đặc biết đến các em giới trẻ là tương lai của Giáo họ, Giáo xứ.

     

    GIÁO HỌ SÀI THỊ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : 1798

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2004

    Bổn mạng : Thánh Gioakim và Thánh Anna (26/7)

    Số giáo dân : 110

    Địa chỉ : Nhà thờ Sài Thị, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 500m về hướng Đông Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo truyền khẩu, thời Minh Mạng bách hại đạo, để tránh sự đàn áp bắt bớ, một số tín hữu không biết từ đâu đến lập trại tại Sài Thị và trở thành những người đầu tiên ươm mầm Đức tin nơi mảnh đất này.

    Năm 1798, Giáo họ Sài Thị được thành lập và trở thành họ lẻ của xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Gioakim và thánh Anna làm bổn mạng.

    Năm 1890, Giáo họ Sài Quất được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ Sài Thị thuộc về xứ mới.

    Trước năm 1954, ngôi nhà thờ cũ được dỡ xuống, Giáo họ xây dựng một nhà thờ mới to đẹp hơn để đáp ứng nhu cầu thờ phượng Chúa của người tín hữu.

    Năm 1954, phần lớn các tín hữu trong Giáo họ di cư vào miền Nam, số còn lại rất ít. Tuy vậy, giáo dân Sài Thị luôn tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa, kiên trì giữ vững Đức tin giữa muôn ngàn thử thách.

    Năm 1990, gia đình ông Cao Chu Kiêm vừa bán, vừa công đức mảnh đất 718 m2 cùng với một ngôi nhà cổ 5 gian, mái ngói của gia đình ông cho Giáo họ. Giáo họ đã tu sửa ngôi nhà này làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 2004, với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, Giáo họ xây lại ngôi nhà thờ mới trên khu đất ngôi nhà thờ cũ với chiều dài 24m, rộng 7m, cao 7m và được khánh thành năm 2005.

    Năm 2010, Giáo họ xây nhà Mục vụ gồm ba gian, mái bằng với diện tích 75m2.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo họ Sài Thị thật diễm phúc đóng góp cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình bốn ngành lá tử đạo là các Hiền phúc: Đaminh Kiểng (số 669); Đaminh Bất (số 670); Phêrô Kèo (số 675); Đaminh Lộc (số 676).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Sài Thị là giáo họ được thành lập sớm nhất của Giáo xứ Sài Quất, nên đời sống Đức tin nơi đây rất sốt sắng, các hội đoàn cùng bà con giáo dân trong họ luôn tích cực cộng tác với cha xứ trong mọi công việc của Giáo họ, Giáo xứ. Hiện nay, dưới sự dẫn dắt của cha xứ Đaminh Trần Văn Thức, các sinh hoạt mục vụ trong Giáo họ có sự đổi mới và thăng tiến từng ngày. Cha dành nhiều thời gian gặp gỡ, động viên mọi người trong Giáo họ. Đặc biệt, Cha luôn chú trọng giáo dục Đức tin, đời sống nhân bản và tri thức cho các em thiếu nhi và giới trẻ.

     

    GIÁO HỌ NGỌC NHA

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng năm 1920

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : (không còn)

    Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)

    Số giáo dân : 3

    Địa chỉ : Giáo họ Ngọc Nha, thôn Ngọc Nha Thượng, xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Đông Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng đầu thế kỷ XX, ánh sáng Đức tin đã đến mảnh đất Ngọc Nha và người dân nơi đây đã mau mắn tiếp nhận.

    Theo lời kể của một số bậc cao niên, Giáo họ Ngọc Nha được thành lập vào khoảng năm 1920 và là họ lẻ của Giáo xứ Sài Quất, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng.

    Ban đầu, Giáo họ cất một ngôi nhà thờ nằm tại khu đất thuộc thôn Ngọc Nha Thượng để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 1954, giáo dân của giáo họ di cư vào miền Nam gần hết, chỉ còn khoảng mười người ở lại. Với số giáo hữu ở lại quá ít ỏi, đời sống tinh thần và vật chất gặp rất nhiều khó khăn nên ngọn lửa Đức tin nơi đây dần lịm tắt.

    Hiện nay, trên danh nghĩa, Giáo họ chỉ có 3 nhân danh, nhà thờ và khu đất của Giáo họ đều không còn.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Ngay sau khi về nhậm xứ Sài Quất, cha Đaminh đã đến thăm hỏi giáo dân của Giáo họ Ngọc Nha, đặc biệt những người đã được rửa tội, với mục tiêu ban đầu là gợi lên tâm tình tôn giáo nơi cộng đoàn này. Với hoàn cảnh hiện nay, Ngọc Nha rất cần sự cầu nguyện, quan tâm, giúp đỡ của tất cả mọi người trong và ngoài Giáo xứ. Hy vọng vào một ngày không xa, ngọn đèn Đức tin nơi Ngọc Nha sẽ được cháy sáng trở lại.

     

    GIÁO HỌ THỌ NHAM

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng 1820

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : (không còn)

    Bổn mạng : Thánh Augustinô (28/8)

    Số giáo dân : 5

    Địa chỉ . Giáo họ Thọ Nham, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Bắc.

    I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Giáo họ Thọ Nham được đón nhận ảnh sáng Tin Mừng vào đầu thế kỷ XIX. Ban đầu, các tín hữu dựng một nhà nguyện nhỏ để có nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 1820, Giáo họ Thọ Nham được thành lập, thuộc xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Augustinô làm bổn mạng. Trong thời gian này, Giáo họ đã xây một ngôi nhà thờ mới nằm trên phần đất thờ hiện nay.

    Năm 1954, hầu hết giáo dân của Giáo họ di cư vào miền Nam, chỉ còn một vài gia đình ở lại. Với số giáo dân ở lại quá ít, cùng với nhiều khó khăn về đời tinh thần và vật chất, những tín hữu nơi đây đã dần xa dời đời sống đạo; đất đai, nhà thờ và tài sản của Giáo họ đã bị xã hội quản lý và chia cho người dân.

    II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện nay, Giáo họ chỉ có sáu người, trong đó có hai cụ khoảng 90 tuổi. Với tấm lòng mục tử, cha chánh xứ Đaminh đã luôn dành những tình cảm đặc biệt cho Giáo họ với ước muốn khơi lại lòng đạo cho Giáo họ. Cha luôn thường xuyên quan tâm, động viên, thăm hỏi mọi người và đem Mình Thánh Chúa để cho các cụ lãnh nhân. Cũng như những giáo họ đồng hoàn cảnh, Thọ Nham rất cần sự cầu nguyện, quan tâm, giúp đỡ của tất cả mọi người trong và ngoài Giáo xứ. Hy vọng vào một ngày không xa, ngọn Đức tin nơi Thọ Nham sẽ được cháy sáng trở lại.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan