Giáo xứ Lương Điền

  • 28/05/2024
  • Giáo xứ Lương Điền gần cửa biển Đồng Châu, cách Toà Giám Mục Thái Bình khoảng 27km về phía Đông Đông Nam; phía Đông Nam giáp xứ Bạch Long; phía Tây giáp xứ Lạc Thành; phía Tây Bắc giáp thị trấn Tiền Hải.

    GIÁO XỨ LƯƠNG ĐIỀN

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1720

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng sau năm 1721

    Năm thành lập Giáo xứ : 1893

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2003

    Bổn mạng : Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8)

    Số giáo dân : 899 (Toàn xứ); 219 (họ Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Lương Điền, thôn Lương Điền, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Lương Điền gần cửa biển Đồng Châu, cách Toà Giám Mục Thái Bình khoảng 27km về phía Đông Đông Nam; phía  Đông Nam giáp xứ Bạch Long; phía Tây giáp xứ Lạc Thành; phía Tây Bắc giáp thị trấn Tiền Hải.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Năm 1720, ông Phạm Bá Nghiêm quê ở Bách Trạch được  vua Lê phong bá tước. Vì có quan hệ bà con với những người hào trưởng ở Lương Điền, năm 1721, ông đã mời các thừa sai từ Kẻ Diền đến rao giảng Tin Mừng tại đất Lương Điền. Những người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận Tin Mừng, từ đó hình thành nên Giáo họ Lương Điền, thuộc xứ Bác Trạch, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng.

    Khi mới thành lập, Giáo họ dựng được một ngôi nhà nguyện nhỏ, mái lá, tường tranh.

    Năm 1770, cộng đoàn dân Chúa Lương Điền đã lớn mạnh, Giáo họ bắt đầu xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên. Sau đó, ngôi thánh đường được xây dựng lại và hoàn thành ngày 05/01/1834.

    Năm 1893, Đức Cha Wenceslao Onate Thuận tách Lương Điền ra khỏi xứ Bác Trạch và ban sắc nâng lên hàng giáo xứ.

    Trải qua năm tháng chịu ảnh hưởng của nhiều trận bão lớn, nhà thờ cũ đã bị hư hại, giáo xứ xây dựng ngôi nhà thờ lần thứ 3 vào năm 1894 và được tu sửa năm 2003.

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Trong vườn hoa thiêng của Giáo Hội, giáo xứ Lương Điền đã hiến dâng những người con ưu tú cho Chúa: Cha Giuse Vũ Đức Hướng, cha Giuse Phan Văn Phú, cha Giuse Trần Đình Thăng (Phú Cường), cha Giuse Vũ Văn Thuỳ (Sài Gòn), cha Đaminh Nguyễn Văn Duy (Ban Mê Thuột) và cha Giuse Lý Văn Thưởng, OP.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Từ ngày thành lập đến nay, Giáo xứ có các cha coi sóc: cha Thực; cha Nghị; cha Khuông; cha Huỳnh; cha Mỹ, cha Đaminh Trần Khắc Điện; cha Đaminh Triết; cha Viễn; cha Tự; cha Tỉnh; cha Năng; cha Đaminh Trần Khắc Thiện; cha Gioan Baotixita Trần Du Đồng; ch Phêrô Chanel Nguyễn Kiêm Toàn; cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Học; cha Giuse Vũ Công Phước, cha Phêrô Trần Khắc Thi; cha Vinhsơn Vũ Văn Hướng, cha Giuse Phạm Công Dũng, và hiện nay là Cha Augustinô Phạm Quang Tường.

     III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Lương Điền là một trong các giáo xứ có truyền thống đạo đức, vì thế các đoàn hội được hình thành từ rất sớm: Huynh đoàn Đaminh, hội Thánh Giám hội Phạt tạ Thánh Tâm, hội Con Đức Mẹ, hội Gia Trưởng, Ca đoàn, ban Kèn…Để nuôi dưỡng đời sống đức tin, hàng ngày nhà htờ xứ tổ chức các giờ kinh sáng, trưa, tối và thánh lễ mỗi ngày. Chúa nhật có thánh lễ dành riêng cho giới trẻ và thiếu nhi; các thứ năm và sáu đầu tháng có Chầu Thánh Thể trọng thể.

    Để có được đời  sống đức tin vững mạnh trong thời đại hôm nay, cha xứ đã cùng Giáo xứ tổ chức các  khoá hội thảo ngắn hạn cho các hội đoàn và các giới, đồng thời mở các lớp giáo lý, tổ chức các buổi học hỏi Thánh Kinh cho các em trong xứ. Nhằm tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích, giáo xứ còn tổ chức các hoạt động thể thao, hội trại, mở các lớp học nhạc, vi tính, Anh văn cho các em thiếu nhi trong các dịp hè.

     

    GIÁO HỌ CAM LAI

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1828

    Năm thành lập Giáo họ : 25/9/1830

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1949

    Bổn mạng : Thánh Gioan Baotixita (24/6)

    Giáo dân : 334

    Địa chỉ : Nhà thờ Cam Lai, thôn Cam Lai, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 1km về phía Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vào năm 1828, thời vua Minh mạng, cụ Gioan Baotixita Phạm Tú Bường cùng 30 cụ quê làng Bồng Lai, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đến làng Tiền Châu, tỉnh Thái Bình lập ấp gọi là làng Cam Lai (trong số 31 cụ xuống lập ấp có 28 cụ là người Công giáo). (30/31: con số nào đúng)

    Vào năm 1830, cha Tràng Lương người Tây Ban Nha cắm đất xây ngôi nhà htờ đầu tiên bằng tre mái cỏ, tường bằng đất để giáo dân có chỗ cầu nguyện.

    Năm 1905, Giáo họ xây dựng ngôi nhà htờ thứ 2 với chiều dài 30m, rộng 15m, tường xây gạch, kèo gỗ trạm trổ, lợp ngói mũi.

    Năm 1949, cha xứ Giuse Trần Khắc Thiệu và Giáo họ đã xây dựng ngôi nhà thờ thứ 3, nhưng phải dừng lại do biến cố di cư năm 1954. Đến năm 1992, cha Giuse Vũ Công Phước cùng với giáo họ hoàn thiện ngôi nhà thờ này.

    Năm 2003, cha Vinhsơn Vũ Văn Hướng và Giáo họ hoàn thiện-khánh thành nhà thờ mới với chiều dài 58m, rộng 15m, cao 20m, tháp chuông cao 37m. Năm 2012, Giáo họ đã xây dựng nhà giáo lý với chiều dài 20m, rộng 12m, cao 4.5m.

    Ơn gọi trong giáo họ

    Từ ngày thành lập đến nay, giáo họ đã đóng góp cho Giáo Hội nhiều  vị chủ chăn: Đức Giám mục Ga.B Bùi Tuần (Long Xuyên); cha Ga.B Cẩm và Ga.B Toản (Bùi Chu); cha Ga.B Bùi Chu Thi (+); cha Ga.B Vũ Khánh (+); cha Ga.B Vũ Mại CMC (+); cha Ga.B Vũ Vũ Văn Toan (+); cha Ga.B Vũ Văn Hải; cha Ga.B Vũ Văn Đăng CSSr; cha Ga.B Phạm Văn Vĩnh (Xuân Lộc); cha Ga.B Phạm Minh Hiệu (Sài Gòn) và cha Ga.B Phạm Ngọc Châu (+).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tiếp nối truyền thống đạo đức của cha ông, Giáo họ Cam Lai hăng say tổ chức học hỏi Lời Chúa và Giáo lý. Sống chung trong cộng đồng lương giáo, Giáo họ thường xuyên quan tâm đến việc sống làm chứng bằng chính cuộc sống thường ngày của mình, nhất là qua việc từ thiện.

     

    GIÁO HỌ KÍNH DANH

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1949

    Năm thành lập Giáo họ : 1949

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2011

    Bổn mạng : Đức Mẹ Vô Nhiễm (08/12)

    Giáo dân : 58

    Địa chỉ : Nhà thờ Kính Danh, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 4km về phía Đông.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Năm 1949, một nhóm giáo dân thuộc họ Cam Lai, xứ Lương Điền sinh sống tại đây và được cha xứ Đaminh Trần Khắc Thiệu cho thành lập Giáo họ với tên gọi là Cam Lai Trại. Cùng năm đó, cha xứ với bà con giáo họ đã dựng được một ngôi nhà htờ bằng tre gỗ lợp mái cỏ.

    Năm 1960, cha Gioan Baotixita Trần Du Đồng về dâng lễ tại Giáo họ đúng ngày lễ Kính Danh Chúa Giêsu nên cha đã đặt tên cho Giáo họ là  Kính Danh, nhận Đức Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng.

    Năm 1988, Giáo họ đã xây dựng ngôi nhà thờ với chiều dài 17m, rộng 5m.

    Năm 2011, cha xứ Vinsơn Vũ Văn Hướng cùng với Giáo họ xây ngôi nhà thờ mới với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m, tháp cao 25m. Ngày 30/5/2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ dâng thánh lễ tạ ơn và cắt băng khánh thành nhà thờ mới.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ tuy rất nhỏ và ít người nhưng mọi người trong Giáo họ rất nhiệt tình trong mọi công việc chung của Giáo xứ. Sống chung với bà con lương dân nhưng mọi người đoàn kết, không phân biệt lương giáo, thể hiện qua việc thăm hỏi, giúp đỡ chia sẻ với nhau trong các công việc chung cũng như riêng.

     

    GIÁO HỌ TRINH CÁT

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1835

    Năm thành lập Giáo họ : 1931

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2010

    Bổn mạng : Thánh Antôn (13/6)

    Giáo dân : 45

    Địa chỉ : Nhà thờ Trinh Cát, xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 500m về hướng Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vào khoảng năm 1835, ông Gioakim Đinh Văn (Hậu Văn) và ông Đaminh Đinh Nhưng dẫn gia đình đi lập nghiệp tại Trinh Cát, Tiền Hải, Thái Bình. Vào thời điểm dó, làng Trinh Cát toàn tòng là người lương dân nên trong làng có nhiều chùa, miếu, am.

    Sau 5 năm sinh sống tại nơi đất mới, hai cụ mua một thửa đất rộng khoảng 3000m2 nằm ngay trục lộ chính giữa 3 làng: Lương Điền, Trinh Cát và Cam Lai. Năm 1841, hai cụ dựng đền thánh Antôn bằng vật liệu thô sơ, nhận ngài làm bổn mạng.

    Năm 1872, hai cụ cùng con cháu dòng họ Đinh dựng một ngôi nhà thờ cột bằng gỗ lim, lợp cỏ bổi, tường đóng gỗ, với chiều dài 12m, rộng 6m.

    Năm đói Ất Dậu 1945, con cháu họ Đinh bị chết đói khá nhiều, do hoàn cảnh khó khăn nên đã gỡ gỗ vách nhà thờ làm quan tài chôn con cháu bị chết đói.

    Năm 1954, một số lớn con cháu của dòng họ Đinh di cư vào miền Nam ở rải rác nhiều nơi, chỉ còn một số ít ở lại để coi sóc và gìn giữ nhà thờ.

    Năm 1986, cơn bão lớn làm sập đổ hoàn toàn nhà thờ, chỉ còn trơ trụi phần nền.

    Năm 2005, cha xứ Vinhsơn Vũ Văn Hướng đã xin lại phần đất của của nhà thờ-lúc đó bị xã hội sử dụng, và vận động con cháu dòng họ Đinh đóng góp để xây hàng rào bao quanh 3000m2 đất nhà thờ.

    Năm 2010, cha xứ và cộng đoàn đã khởi công xây dựng nhà thờ mới với chiều dài 25m, rộng 10m, cao 7,5m, tháp chuông cao 25m và đã hoàn thành năm 2012.

    Ơn gọi trong giáo họ

    Giáo họ có nhiều người con dấn thân trong ơn gọi mục tử: Cha Đaminh Đinh Quang Bính (+); cha Antôn Đinh Xuân Hùng; cha Giuse Nguyễn Quốc Khải CSSr; cha Antôn Đinh Quang Lâm và cha Phêrô Nguyễn Văn Khấn.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một Giáo họ nhỏ, các gia đình chủ yếu lại sống tại phần đất họ nhà xứ Lương Điền, nhưng mọi người trong Giáo họ rất nhiệt tình trong mọi công việc chung. Các thành viên tham gia các hội đoàn với họ nhà xứ.

     

    GIÁO HỌ LẠC THIỆN

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1891

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2001

    Bổn mạng : Kính Danh Thánh Chúa Giêsu (03/01)

    Giáo dân : 243

    Địa chỉ : Nhà thờ Lạc Thiện, xã Đông Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 2,5 km về hướng Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng năm 1850, mảnh đất Lạc Thiện là một bài bồi, lau sậy bùn lầy và hoang vu chưa có người sinh sống. Cụ Đaminh Vũ Công Thức cùng con cháu từ Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình về đây sinh sống và truyền bá Tin Mừng. Họ đã chung tay xây dựng nên một ngôi nhà nguyện để làm nơi thờ phượng.

    Năm 1910, khi có nhiều người từ nơi khác đến sinh sống, số nhân danh lên tới 400, mọi người cùng nhau xây dựng ngôi nhà thờ Kính Danh Thánh Chúa Giêsu. Năm 1934, ngôi nhà thờ được đại tu do sự giúp đỡ của gia đình ông bà Trần Văn Ngữ.

    Năm 1954, hầu hết số giáo dân di cư vào Nam, chỉ còn số ít người ở lại.

    Năm 2001, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang cho phép Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 34m, rộng 13m, cao 12m.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Xuất thân từ vùng có truyền thống sống đạo tốt lành, Giáo họ Lạc Thiện có đầy đủ các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Phạt tạ Thánh Tâm, hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Ca đoàn, Giới trẻ, ban Trống. Các hội viên trong các đoàn hội có đời sống đức tin vững vàng, luôn yêu thương giúp đỡ nhau trong đời sống, có tinh thần làm việc chung, vâng lời cha xứ và trung thành với Giáo hội.

     

     

    Nguồn: Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình

    Bài viết liên quan