Giáo xứ Bạch Long

  • 27/05/2024
  • Giáo xứ Bạch Long nằm sát bãi biển Đồng Châu, cách Tòa Giám Mục khoảng 35 km về phía Đông Nam; phía Tây giáp xứ Lương Điền; phía Đông - Bắc giáp sông Trà Lý.

     

     

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
    Năm thành lập 
    Giáo họ : 1905
    Năm thành lập Giáo xứ : 1939
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1932
    Bổn mạng : Lễ Truyền Tin (25/3)
    Số giáo dân : 1.289 (Toàn xứ); 408 (họ Nhà xứ)
    Địa chỉ : Nhà thờ Bạch Long, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Bạch Long nằm sát bãi biển Đồng Châu, cách Tòa Giám Mục khoảng 35 km về phía Đông Nam; phía Tây giáp xứ Lương Điền; phía Đông - Bắc giáp sông Trà Lý.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Thời vua Thành Thái tam niên (1901) có cụ Trương Đình Nhu, cụ Bùi Thực, cụ Phạm Ngọn, cụ Trần Vị và cụ Hà Thanh cùng với 19 cụ khác đến đây khai hoang, lập nghiệp và định cư, đồng thời lập nên họ đạo Bạch Long. Năm 1905, cụ Bùi Thực cùng với bà con giáo dân dựng ngôi nhà nguyện bằng rạ. Cùng trong năm này, Đức cha Định (Maximo Feznandez) - Giám mục Giáo phận Trung - ban Sắc thành lập họ đạo Bạch Long (thuộc xứ Lương Điền), nhận lễ Truyền Tin làm quan thầy.

    Năm 1937, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới thay thế ngôi nhà thờ được xây năm 1917 đã bị cơn bão năm Kỷ Tỵ (1929) làm sụp đổ hoàn toàn.

    Năm 1939, Đức cha Gioan Casado Thuận - Giám mục Giáo phận Thái Bình - ban Sắc nâng Giáo họ Bạch Long lên hàng giáo xứ.

    Biến cố di cư năm 1954, giáo dân Giáo xứ Bạch Long di cư vào Nam, chỉ còn lại vỏn vẹn 17 gia đình với 48 nhân danh. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Bạch Long vẫn không ngừng phát triển và vươn lên, số nhân danh ngày càng gia tăng.

    Ngày 10/3/1994, cha xứ cùng với bà con giáo dân đã trùng tu ngôi thánh đường và tập trung xây dựng ngôi nhà chung 2 tầng, gồm 6 phòng.

    Ơn gọi trong Giáo xứ:

    Phát huy truyền thống của tiền nhân trong đời sống đức tin, Bạch Long đã có nhiều người con dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ: cha Giuse Phạm Văn Nghiêm (+); cha Giuse Phạm Văn Thiều (+); cha Giuse Trần Văn Thắng (+); cha Giuse Trần Xuân Thảo (Xuân Lộc); cha Giuse Trần Quốc Huy (+) và cha Giuse Trần Văn Thụy (Long Xuyên).

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ:

    Từ khi thành lập đến nay, Giáo xứ có các cha coi sóc: cha Giuse Trần Gia Vĩnh (1936- 1942); cha Giuse Đinh Huy Năng (1942- 1954); cha Gioan Baotixita Trần Du Đồng (1954-1973); cha Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn (1973-1980); cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Học (1980-1985); cha Giuse Vũ Công Phước (1985-1994); cha Phêrô Trần Khắc Thi (1994- 2003); cha Antôn Bùi Xuân Huyên (2003- 2013); cha Vinhsơn Vũ Văn Hướng (2013- 2014); cha Giuse Phạm Công Dũng (2014), hiện nay là cha quản nhiệm Vinhsơn Trần Văn Hùng.

    Giáo xứ Bạch Long hiện có các Giáo họ: Đồng Châu Nội, Đồng Châu Ngoại, Chỉ Kính, An Định, Hưng Long, Tân Lạc, Trung Thịnh, Hưng Thịnh, Định Cư, Phú Xuyên và Quý Đức (giáo họ Phú Xuyên và Quý Đức hiện nay không còn nhà thờ).

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Mảnh đất Bạch Long là miền đất xa xôi, lương giáo sống xen kẽ, lại thêm biến cố năm 1954, nhưng tinh thần sống đạo không hề giảm sút. Giáo xứ vẫn duy trì và phát triển các hoạt động hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Con Đức Mẹ, hội Hiền mẫu, Ca đoàn, ban Kèn nữ, ban Trống, ban Giáo lý, Giới trẻ, ban Lễ sinh và Thiếu nhi Thánh thể.

    Hiện nay, Giáo xứ ưu tiên lớn nhất là mục vụ truyền giáo. Để thực hiện mục tiêu này, cha xứ cùng Giáo xứ đã đưa ra những chương trình hoạt động cụ thể như nâng cao trình độ giáo lý viên, phổ cập giáo lý cho mọi thành phần dân Chúa, đề cao giáo dục đức tin và văn hóa, đồng thời tổ chức sinh hoạt vui chơi thể thao, không phân biệt lương- giáo.

    GIÁO HỌ AN ĐỊNH

    GIÁO HỌ AN ĐỊNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX (khoảng năm 1918)
    Năm thành lập Giáo họ : 1920
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1990
    Bổn mạng : Thánh Antôn (13/6)
    Giáo dân : 88
    Địa chỉ : Nhà thờ An Định, thôn Đông Hải, xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 8 km về hướng Đông.

    HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vào khoảng năm 1918, gia đình các cụ: Giuse Minh, Giuse Đước, Giuse Lục, Giuse Vũ, Giuse Chất, Giuse Tình, Giuse Nhâm, Giuse Ngạn cùng một vài gia đình tôn giáo bạn đến vùng đất An Định khai hoang, lập nghiệp và dần hình thành nên Giáo họ An Định, nhận thánh Antôn làm bổn mạng.

    Năm 1920, Giáo họ An Định chính thức được thành lập. Ban đầu, Giáo họ dựng một ngôi nhà tranh tre, vách đất và lợp cói làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Biến cố năm 1954, giáo dân An Định hầu hết di cư vào Nam, chỉ còn lại duy nhất một hộ gia đình cụ Ngạn ở lại trông coi Giáo họ và bảo vệ kho tàng đức tin của tiền nhân.

    Năm 1982, bãi phù sa được nhà nước quai đê, lấn biển và khai hoang vùng kinh tế, nên được đón thêm 2 gia đình nữa sáp nhập vào Giáo họ. Năm 1983, số giáo dân đã gia tăng lên 10 hộ gia đình.
    Năm 1990, Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ bằng gạch đỏ, xi-măng, cốt thép và lợp ngói mấp với chiều dài 25m, rộng 10m, cao 7.5m và tháp chuông cao 25m.

    Tuy là một Giáo họ ít người, An Định hiện vẫn là một điểm sáng về đức tin bởi sự sốt sáng, hy sinh và tinh thần hiệp nhất của mọi người con trong Giáo họ.

    GIÁO HỌ HƯNG LONG

     

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1925
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2015
    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
    Giáo dân : 210
    Địa chỉ : Nhà thờ Hưng Long, xóm 3,
    xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Đông.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, một số người Công giáo từ Phú Nhai - Nam Định tới vùng đất bãi Cồn Đen hoang vu, um tùm lau sậy để khai hoang, lập ấp và định cư. Các cụ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm thay nhau gánh đất, vượt thổ và tôn tạo nên mảnh đất nhà thờ hiện nay với tổng diện tích trên 3000m2. Tại đây, các cụ đã dựng một ngôi nhà tranh tre, vách đất làm nhà nguyện nhỏ để sớm hôm tập trung cầu nguyện và nhận Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi làm quan thầy.

    Đến năm 1925, cha Giuse Trần Gia Vĩnh và cha Giuse Đinh Huy Năng cùng Giáo họ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ bằng vôi vữa, cột gỗ, lợp bổi với diện tích 45m2.

    Do biến động xã hội năm 1954, hầu hết bà con giáo dân nơi đây di cư vào miền Nam định cư và sinh sống, chỉ còn lại 13 gia đình với 45 nhân danh.

    Từ 1954 - 1977, Giáo họ xây dựng lại nhà thờ rộng hơn, lợp ngói và cột gỗ.

    Năm 1990, với sự giúp đỡ của ân nhân xa gần hai miền Nam - Bắc, Giáo họ đã thi công ngôi nhà thờ mới (chiều dài 58m, rộng 15m, cao 20m, tháp chuông cao 37m) thay thế ngôi nhà thờ cũ đã bị bão năm 1986 làm sập đổ hoàn toàn. Ngôi Thánh đường này được đại tu năm 2006.

    Ngày 19/3/2015, được phép của Bề trên Giáo phận, Giáo họ hân hoan khởi công xây dựng phần thân nhà thờ và tháp chuông dưới sự hướng dẫn của cha quản nhiệm Vinhsơn Trần Văn Hùng.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Với 210 nhân danh, Giáo họ Hưng Long đang có sự thăng tiến về mọi mặt: đời sống đức tin cũng như đời sống kinh tế xã hội ổn định và phát triển. Sinh hoạt tôn giáo diễn ra đều đặn. Các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ và ban Ca hoạt động ngày càng có chiều sâu.

    GIÁO HỌ HƯNG THỊNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
    Năm thành lập Giáo họ : 1920
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2013
    Bổn mạng : Mẹ Thiên Chúa (01/01)
    Số giáo dân : 83
    Địa chỉ : Nhà thờ Hưng Thịnh, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
    Cách họ nhà xứ khoảng 4km về hướng Đông.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng đầu thế kỷ XX, mảnh đất Hưng Thịnh được đón các cụ: Đặng Văn Tường, Nguyễn Khánh, Bá Tình, Trần Văn Hòe và cụ Bát từ tỉnh Nam Định sang khai hoang, lập ấp. Sau một thời gian, có thêm 3 cụ khác cùng đến lập nghiệp và sinh sống. Để có nơi thờ phượng Chúa và kính mến Đức Mẹ, các cụ đã bàn với nhau và xin một mảnh đất canh điền của bà Phạm Phụ để lập nên ngôi nhà thờ bằng đất, mái tre, lợp rạ với diện tích 1200m2.

    Năm 1920, Giáo họ Hưng Thịnh được thành lập nhận Đức Maria Mẹ Thiên Chúa làm bổn mạng.

    Năm 1930, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới. Ngày 02/9/1943 cơn bão đã làm sập đổ hoàn toàn, các cụ tiếp tục dựng xây ngôi nhà thờ mới bằng tường đất, mái tre, lợp rạ.

    Năm 1954, Giáo họ xây nhà thờ bằng gạch và vôi, lợp bổi. Tuy nhiên, cơn bão năm 1986 đã làm sập đổ toàn bộ nhà thờ. 

    Tháng 02/1995, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 34m, rộng 13m, cao 22m. Năm 2009, Giáo họ xây mới gian cung thánh với chiều dài 7m, rộng 10m và cao 27m. Sau 4 năm thi công, ngôi nhà thờ đã được hoàn thành vào năm 2013.
     

    II - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

    Tuy là một Giáo họ ít người, Hưng Thịnh luôn tin tưởng vào tình thương của Chúa và hiệp nhất với nhau trong mọi công việc để hòa cùng với dòng chảy của Giáo phận trong 80 năm hình thành và phát triển.

    GIÁO HỌ TRUNG THỊNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1925
    Năm thành lập 
    Giáo họ : 1932
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2007
    Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông đồ (29/6)
    Số giáo dân : 36
    Địa chỉ : Nhà thờ Trung Thịnh, xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 5km về hướng Đông Bắc.

    HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Mảnh đất Trung Thịnh được đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào năm 1925. Ban đầu, 6 gia đình với 20 nhân danh ở thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định đã rời quê cha, đất mẹ để đến vùng bãi sú Cồn Đen lập ấp - gọi tên là ấp Hưng Thịnh.

    Trước đây, Trung Thịnh là khu nghỉ mát của cán bộ. Đến năm 1930, khi di dời khỏi đây, họ đã để lại ngôi nhà 7 gian, cấp 4, lợp cỏ bổi cho bà con có đạo. Bà con sử dụng ngôi nhà này làm nơi cầu nguyện do cụ Đinh Văn Khứ trực tiếp trông coi và bảo quản.

    Ngày 29/6/1932, trùng vào lễ kính thánh Phêrô Tông đồ, Giáo họ Trung Thịnh được thành lập và nhận ngài làm bổn mạng.

    Vì mảnh đất nằm ngoài đê biển, thường xuyên bị ngập lụt, nên vào năm 1950, Giáo họ mua được 2.000m2 ruộng, đào ao, vượt thổ để chuyển nhà thờ vào trong đê.

    Tháng 02/1953, Giáo họ chính thức di chuyển ngôi nhà thờ vào trong đê và hoàn thành vào tháng 6/1954.

    Do biến động xã hội năm 1954, giáo dân hầu hết di cư vào Nam, chỉ còn lại duy nhất một gia đình cụ trùm Đinh Văn Khứ và 3 người con ở lại.

    Năm 1986, cơn bão số 6 làm sập đổ hoàn toàn ngôi nhà thờ. Những năm tiếp theo, đất đai nhà thờ bị lấy ra chia cho các hộ dân. Về sau, một số gia đình đã dâng hiến thêm mới có được 425m2 đất.

    Ngày 20/5/2007, được sự động viên của cha chánh xứ Antôn Bùi Xuân Huyên, Giáo họ khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m và tháp chuông cao 25m. Sau hơn ba năm dựng xây, ngôi thánh đường được hoàn thành và cắt băng vào ngày 03/11/2011.

    Là một Giáo họ ít người, Trung Thịnh vẫn nỗ lực sống đời sống đức tin ngày một sâu sắc và bền chặt. Trong Giáo họ, mọi người sống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau.

    GIÁO HỌ TÂN LẠC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
    Năm thành lập Giáo họ : 1930
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2013
    Bổn mạng : Sinh nhật Đức Mẹ (8/9)

    Số giáo dân : 46
    Địa chỉ : Nhà thờ Tân Lạc, thôn Tân Lạc,
    xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 1km về phía Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng đầu thế kỷ XX, các cụ: Giuse Trần Thụy, Đaminh Nguyễn Đức Thư, Giuse Trần Thanh, Phanxicô Trần Như Điền và Giuse Trần Khiêm đã gieo hạt giống đức tin vào mảnh đất Tân Lạc và do cụ Giuse Trần Thụy làm trưởng.

    Năm 1902, các cụ xây dựng ngôi nhà nguyện 5 gian đầu tiên, tường đất, mái tre, lợp cỏ và nhận Sinh nhật Đức Mẹ làm quan thầy. Theo dòng thời gian, ngôi nhà nguyện bị sụp đổ do bão lớn, Giáo họ lại bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà thờ mới 6 gian kiên cố bằng gạch. Biến động xã hội năm 1954, giáo dân ồ ạt kéo nhau di cư vào Nam sinh sống, chỉ còn lại 2 anh em cụ Đaminh Nguyễn Lạp và cụ Đaminh Nguyễn Mạc.

    Năm 1992, được sự trợ giúp của ân nhân xa gần, cha Giuse Vũ Công Phước cùng Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m. Sau đó, Giáo họ xây tiếp tháp chuông với chiều cao 25m.

    Do hoàn cảnh lịch sử, ngôi nhà thờ bị xuống cấp trầm trọng, cha xứ Antôn Bùi Xuân Huyên và Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới ngày 10/8/2013.


    II - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

    Tuy ít người, Giáo họ Tân Lạc luôn kiên trung trong đức tin. Các đoàn hội : ban Ca. Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ và ban Kèn (kết hợp với nhà xứ) luôn hăng hái, tích cực đóng góp công sức trong tất cả các hoạt động của Giáo xứ cũng như Giáo họ.

    GIÁO HỌ ĐỒNG CHÂU NỘI

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1907
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2011
    Bổn mạng : Đức Maria Vô Nhiễm (8/12) Số giáo dân : 60

    Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Châu Nội, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 3km về phía Tây Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, mảnh đất Đồng Châu Nội được đón nhận đức tin vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Năm 1897, Đức cha Bùi Chu cử thầy Giuse Trần Văn Hương và thầy Dụng cùng 7 hộ gia đình đến vùng đất này để khai hoang, trồng cói. Sau đó, các ngài dựng một nhà nguyện nhỏ, xung quanh đắp tường đất, mái lợp cây lau để cầu kinh sớm tối và được gọi là Đồng Cói. Năm 1906, cơn bão mạnh đã làm sập đổ hoàn toàn.

    Năm 1907, có thêm 5 hộ gia đình nữa tới đây lập nghiệp và dựng lại nhà thờ. cùng năm này, Giáo họ được thành lập với tên Đồng Châu Nội nhận Đức Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng.

    Năm 1934, Giáo họ làm lại nhà thờ bằng gạch đỏ, mái lợp cỏ cói, cụ Rĩ làm trùm cả. Năm 1940, Giáo họ có 215 nhân khẩu và cụ Đản làm trùm.

    Năm 1954, bà con giáo dân của Giáo họ hầu hết di cư vào Nam, chỉ còn lại 9 hộ gia đình. Năm 1955, cơn bão lớn đã làm sập đổ nhà thờ. Năm 1957, Giáo họ xây lại ngôi nhà thờ mới bằng gạch đỏ, mái lợp ngói xi- măng.

    Năm 1994, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m và tháp chuông cao 25m và được trùng tu năm 2008. Năm 2011, Giáo họ xây gian cung thánh và tum nhà thờ.
     

    II - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

    Trong hành trình hướng tới tương lai, Đồng Châu Nội quyết tâm sống đời sống đức tin bền bỉ. Đồng thời, Giáo họ luôn ý thức mình phải thăng tiến về mọi mặt hơn nữa để có thể làm chứng nhân cho Chúa nơi môi trường xung quanh.

    GIÁO HỌ ĐỒNG CHÂU NGOẠI

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1920
    Năm thành lập Giáo họ: 1924
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2011
    Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)

    Số giáo dân : 146
    Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Châu Ngoại, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 3km về phía Đông Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Đồng Châu Ngoại năm 1920. Khi đó, nơi đây là một cồn cát trắng, hoang vu ở phía Đông. Người đầu tiên đặt chân trên mảnh đất này là cụ Giuse Trương Văn Mậu, người Đồng Lạc, tỉnh Nam Định. Sau đó, 8 gia đình đến từ Châu Nhai, Đồng Quan, Đông Phú, Bác Trạch, Cam Lai và Phú Nhai- Bùi Chu đến sinh sống.

    Ban đầu, các tín hữu dựng một nhà nguyện bằng tre nứa tại phía Bắc làm nơi cầu nguyện sớm tối và nhận thánh Vinh-sơn làm quan thầy.

    Năm 1924, Giáo họ Đồng Châu Ngoại chính thức được thành lập. Năm 1938, Giáo họ di dời nhà thờ về vị trí hiện nay.

    Năm 1952, Giáo họ mua nhà hội quán bằng gỗ lim của xứ Đồng Quan về làm ngôi nhà thờ thứ ba với chiều dài 15.5m, rộng 5m. Năm 1954, phần lớn giáo dân di cư vào miền Nam, chỉ còn lại 7 gia đình. Vì thế, ngôi nhà thờ đang thi công phải tạm hoãn cho tới năm 1961 mới hoàn thành.

    Cơn bão năm 1986 đã phá sập hoàn toàn ngôi nhà thờ. Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ trên nền móng cũ, với sự trợ giúp của Đức cha Giuse Đinh Bỉnh và cha Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh.

    Ngày 13/3/2011, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 37m, rộng 10m, tum cao 27m và 2 tháp chuông cao 37m.
     

    II - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG

    Vững bước trên con đường tiến về Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận, Giáo họ Đồng Châu Ngoại luôn ý thức giá trị của đời sống làm chứng cho Chúa giữa dòng đời. Để có thể thi hành sứ mạng ấy, mỗi người con dân trong Giáo họ đã và đang tham gia cách tích cực trong các công việc của Giáo xứ cũng như Giáo họ.

    GIÁO HỌ ĐỊNH CƯ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX Năm thành lập Giáo họ : 1910
    Năm xây dựng nhà thờ : 1936 (đại tu 2002)
    Bổn mạng : Thánh Cả Giuse (19/3)

    Số giáo dân : 86
    Địa chỉ : Nhà thờ Định Cư, xã Đông Trà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 8km về hướng Đông Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, một số tín hữu từ Nam Định đến vùng đất Định Cư, thuộc tỉnh Thái Bình khai hoang, lập ấp. Ban đầu, họ dựng một nhà nguyện nhỏ bằng tranh tre, vách lá để có nơi cầu nguyện sớm tối.

    Theo lời kể của cụ Chiến (năm nay 80 tuổi), Giáo họ Định Cư được thành lập năm 1910, nhận thánh Cả Giuse làm bổn mạng.

    Năm Kỷ Tỵ (1929), Giáo họ đang thi công xây dựng ngôi nhà thờ được bằng khẩu thì bị cơn bão ngày 24/6 đánh sập đổ hoàn toàn. Sau đó, Giáo họ tiếp tục xây dựng nhà thờ cho tới năm 1936 mới hoàn tất với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m, tháp cao 25m.

    Biến cố năm 1954, giáo dân phần lớn di cư vào Nam sinh sống, số còn lại rất ít. Từ năm 1954 - 1978 số giáo hữu gia tăng nhanh, nhưng cuối năm 1978 vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên nhiều bà con đi vùng kinh tế mới và số còn lại chỉ vỏn vẹn khoảng 50 người.

    Năm 2002, cha xứ Phêrô Trần Khắc Thi cùng Giáo họ đại tu ngôi thánh đường.

    Ơn gọi trong giáo họ

    Giáo họ Định Cư có những người con dấn thân trên đường phục vụ là cha Giuse Đinh Toàn và cha Benzamin Trần (Hoa Kỳ).
     

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tuy là một Giáo họ nhỏ bé, nằm tại một miền đất xa xôi, lương - giáo sống chung nhưng tinh thần sống đạo của những người con Định Cư không hề giảm sút. Giáo họ vẫn duy trì và kiên vững bảo vệ hạt giống đức tin của tiền nhân đã gieo vào mảnh đất này. Các hội đoàn (ban Ca, ban Giáo lý) sinh hoạt đều đặn, sẵn sàng cộng tác với cha xứ, Giáo xứ trong tinh thần phục vụ và mở mang nước Chúa.

    GIÁO HỌ CHỈ KÍNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1917
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2003

    Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
    Giáo dân : 126
    Địa chỉ : Nhà thờ Chỉ Kính, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 2km về phía Đông Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Mảnh đất Chỉ Kính được đón nhận ánh sáng đức tin vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Lúc đầu, nơi đây còn là một khu đất sình lầy hoang vắng, chỉ có các loại cây sú vẹt. Một số cụ từ các nơi về đây để thăm dò, tìm kiếm nơi định cư và sinh sống.

    Năm 1917, Giáo họ chính thức được thành lập lấy tên là Xóm Nội, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng, thuộc xứ Lương Điền. Sau đó, cụ trùm Gioakim Toán cùng Giáo họ dựng một nhà nguyện 5 gian bằng tre, vách đất để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 1929, thời cụ Vinhsơn Hồ làm trùm chánh, số giáo dân tăng lên đến 500 nhân danh, Giáo họ được đổi tên thành Chỉ Kính.

    Năm 1939, khi Bạch Long được nâng lên hàng Giáo xứ, họ Chỉ Kính thuộc về xứ này. Năm 1943, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ 9 gian và được tu sửa năm 1957.
    Biến cố 1954, hầu hết giáo dân di cư vào miền Nam, chỉ còn lại vỏn vẹn 3 gia đình ở lại. Vì thế, tinh thần sống đạo của số hộ gia đình này cũng vì thế mà suy yếu đi nhiều. Năm 1962, cụ trùm Gioakim Hợp xây dựng lại ngôi nhà thờ mới nhưng cơn bão lớn làm sập đổ.

    Năm 1968 thời cụ trùm Vinhsơn Ngạc, Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ mới và được trùng tu năm 1976.

    Năm 2003, cha Antôn Bùi Xuân Huyên và Giáo họ xây dựng tân thánh đường với chiều dài 25m, rộng 12m, cao 10m, tháp chuông cao 25m và hoàn thành ngày 28/8/2004.
     

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua những thăng trầm của lịch sử, người dân của Giáo họ Chỉ Kính nhận ra tình Chúa vẫn yêu thương Giáo họ. Đáp lại tình Chúa, mỗi người con của Giáo họ luôn hăng say, nhiệt tình trong mọi công việc chung.

     

    Nguồn: Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình

    Bài viết liên quan