Giáo xứ Đền Thánh Bác Trạch

  • 23/05/2024
  • Đền Thánh Bác Trạch cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 23 km về phía Đông; phía Tây giáp Giáo xứ Cao Mại.

     

    GIÁO XỨ ĐỀN THÁNH BÁC TRẠCH

     

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng thế kỷ XVII
    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng cuối thế kỷ XVII
    Năm thành lập Giáo xứ : 1720
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 13/10/2006
    Năm Cung hiến và Sắc phong Đền Thánh : 27/4/2014
    Tước hiệu Đền thánh : Lòng Chúa Thương Xót; lễ kính CN II PS
    Số giáo dân : 5.808 (Toàn xứ); 3.458 (Nhà xứ)
    Địa chỉ : Đền Thánh Bác Trạch, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Đền Thánh Bác Trạch cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 23 km về phía Đông; phía Tây giáp Giáo xứ Cao Mại.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng thế kỷ XVII, Bác Trạch được đón nhận Tin Mừng cùng thời với các xứ Kẻ Diền, Kẻ Hệ, Kẻ Mèn, Sa Cát... do các cha thừa sai dòng Tên và dòng Đaminh. Sau khi các thừa sai dòng Tên rời Việt Nam theo lệnh Tòa Thánh, một số giáo họ của Bác Trạch được trao lại cho các cha dòng Đaminh.

    Ngày 26/08/1735, dưới thời Lê - Trịnh, cha thánh Phanxicô Tế được cử về coi xứ Kẻ Mèn và xứ Bác Trạch.

    Năm 1735, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng bằng tường đất, mái rạ. Do đó, năm 1770, ngôi nhà thờ được xây dựng lại. Với quá trình phát triển, ngôi thánh đường xây năm 1770 không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, nhà thờ được xây dựng lại nhiều lần vào các năm: 1880, 1895, 1938.

    Năm 2006, cha xứ Augustinô Nguyễn Quang Huy và Giáo xứ hân hoan khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới với chiều dài 92m, rộng 42m, cao 57m, hai tháp cao 62m. Ngôi tân thánh đường đã được cắt băng khánh thành và cung hiến, đón nhận Sắc phong ''Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót'' vào ngày 27/4/2014 do Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli chủ sự.

    Các chứng nhân tử đạo

    Thời vua Tự Đức cấm đạo (1848-1862), Bác Trạch có hai người con ưu tú đã làm xanh Vườn Vạn Tuế Thái Bình là hiền phúc Đaminh Trâm (số 578) và Phêrô Thuận (số 1285). Ngoài ra, Đền thánh còn có các chứng nhân tử đạo khác : Đaminh Uông, sinh năm 1822; Đaminh Lượng sinh năm 1838 và Đaminh Thược, sinh năm 1807 tử đạo tại pháp trường Nghĩa Hưng, Nam Định năm 1859. Hài cốt các ngài hiện đang an nghỉ tại khuôn viên Đền Thánh.

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Giáo xứ Đền thánh Bác Trạch có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận: Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh; cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo; cha Giêrônimô Nguyễn Ngọc Hinh; cha Giuse Nguyễn Văn Tuyên; cha Giêrônimô Trần Minh Tiến; cha Giêrônimô Trần Văn Ngữ; cha Giêrônimô Phạm Ngọc Giá (+); cha Giêrônimô Đặng Cao Bằng; cha Giêrônimô Nguyễn Linh Thao; cha Giuse Phạm Quang Tự (+); cha Giêrônimô Trần Anh Nhật; cha Giuse Nguyễn Văn Ban và thầy Phó tế Giêrônimô Trần Văn Thế.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Cha thánh Tế; cha thánh Gia; cha Huấn; cha chính Ninh; cha chính Thái; cha Tương; cha Tràng Vọng; cha Bình; cha Hòa; cha Tín; cha Từ; cha Kiên OP; cha Tràng Nam; cha Quang; cha Hạnh; cha Nhuận; cha Cảnh; cha Phạm Ngọc Liễn; cha Đỗ Trọng Kim; cha Giuse Phạm Kim Bảng; cha Giuse Trần Trọng Hậu; cha Vinhsơn Nguyễn Khắc Hiếu; cha Đaminh Đinh Huy Năng; cha Triêm; cha Thái; cha Vinhsơn Nguyễn Lịch Thiệp; cha Hiệt; cha Nguyễn Đình Khoát; cha Tú; cha Đaminh Đặng Hiếu Liêm; cha Gioan Baotixita Phạm Hữu Lượng; cha Khuông; cha Tôma Trần Hữu Cẩm; cha Batôlômeô Nguyễn Quang Ân; cha Gioan Baotixita Trần Du Đồng; cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Học; cha Giuse Vũ Công Phước; cha Augustinô Nguyễn Quang Huy và hiện nay là Đức ông Tôma Trần Trung Hà.

    Các giáo họ trực thuộc: Phương Trạch, Cao Bác, Quảng Châu, Vát Cấp và bốn giáo khu thuộc họ nhà xứ.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Đền thánh Lòng Chúa Thương Xót Bác Trạch là một xứ lớn, có nhiều hội đoàn hoạt động: Huynh đoàn Đaminh, hội Mân Côi, hội Hiền mẫu, hội Con Đức Mẹ, hội Thánh Tâm Chúa Giêsu, hội Truyền tin, hội Gia trưởng, hội thánh Giuse Thợ, hội Bác ái, hội Khuyến học, ban Kèn nam nữ, ban Trống, Ca đoàn, ban Giáo lý, Giới trẻ, Lễ sinh, Thiếu Nhi Thánh Thể, Trang trí, Phụng Kiệu, ban Âm thanh - Ánh sáng, ban An ninh, ban Truyền thông, ban Cây xanh, ban Giúp kẻ liệt.

    Hiện nay, Đức ông - Giám đốc Đền thánh cùng Hội Đồng Giáo xứ, Giáo họ và các ban ngành đoàn hội đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo đức tin cho con em trong xứ. Đồng thời, các ban ngành đoàn hội không ngừng tích cực hoạt động bác ái trong và ngoài Giáo xứ, lương - giáo đoàn kết, nâng đỡ, chia sẻ, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và làm chứng cho Lòng Chúa Thương Xót.

     

    GIÁO HỌ CAO BÁC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
    Năm thành lập Giáo họ : 1936
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2008
    Bổn mạng : Thánh Antôn (13/6) và Têrêsa (01/10)
    Giáo dân : 152
    Địa chỉ : Nhà thờ Cao Bác, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 2km về phía Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển :

    Mảnh đất Cao Bác đón nhận ánh sáng Tin Mừng vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, do ba cụ từ Giáo họ Quan Cao ra vùng đất này sinh sống và lập ấp (cụ Phanxicô Xavie Nguyễn Ngọc Đam, cụ Đaminh Nguyễn Văn Bộ và cụ Đaminh Nguyễn Văn Cư). Sau một thời gian, hạt giống Tin Mừng trổ sinh hoa trái và hình thành Giáo họ Cao Bác.

    Cuối năm 1936, Đức cha Juan Casado Thuận ban sắc thành lập Giáo họ Cao Bác và nhận thánh Anton Padua làm bổn mạng thứ nhất và thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm bổn mạng thứ hai.

    Ban đầu, Giáo họ Cao Bác xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên, móng gạch, vách gỗ mái rạ. Năm 1950, cộng đoàn thay tường gỗ bằng tường gạch.

    Năm 1936, nhà nước đào sông Kiến Giang khơi dòng thủy lợi làm ảnh hưởng trực tiếp tới thánh đường Giáo họ nên nhà thờ dời vào khu đất mới cách nhà thờ cũ 200m về phía Tây Nam. Năm 1964, ngôi nhà thờ mới được xây dựng bằng gạch, mái tre, lợp rạ. Cơn bão năm 1982 làm sập đổ hoàn toàn ngôi thánh đường. Sau nhiều năm không có nhà thờ, năm 1988, cha Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh - khi đó đang bị quản thúc tại gia - ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ cho 100 tín hữu sớm hôm có nơi cầu nguyện.

    Sau gần 20 năm, ngôi nhà thờ đã xuống cấp trầm trọng. Ngày 15/8/2008, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy và bà con trong họ đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ hiện nay với chiều dài 35m và chiều rộng 15m. Năm 2013, Giáo họ xây dựng tượng đài Lòng Chúa thương xót và năm 2014, Giáo họ xây dựng ngôi nhà mục vụ.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một Giáo họ nhỏ trong xứ với 152 nhân danh nhưng các hoạt động của Giáo họ cũng rất sôi nổi với các đoàn hội: ban Ca đoàn, hội Gia trưởng, hội Têrêxa, hội Lòng Chúa thương xót, Huynh Đoàn Đaminh.

     

    GIÁO HỌ PHƯƠNG TRẠCH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Nửa sau thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1885
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2009
    Bổn mạng : Thánh Marcô (25/4)
    Giáo dân : 130
    Địa chỉ: Nhà thờ Phương Trạch, xã Phương Công, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về phía Đông.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo gia phả Phạm Tộc, làng Phương Trạch còn có tên gọi là làng Nhang Ngải Phương. Khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, cụ Phạm Trạch Xuân, người Hà Đông đến mảnh đất này lập ấp và khai sáng. Cụ sinh được 3 người con trai. Người con cả của cụ đã ra làng Lưu Phương (xã Tây Phong hiện nay) lập ấp mới. Người con thứ 2 là Phạm Trạch Nhũ đã kết bạn với một người công giáo và ông đã xin gia nhập Đạo Kitô, chịu phép rửa và lấy thánh hiệu là Luca.

    Một thời gian sau, một số gia đình Công giáo từ nơi khác đến đây định cư và sinh sống. Nhờ đó, một cộng đoàn Công giáo được hình thành. Ban đầu, nhóm tín hữu này đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng tường đất, mái lợp rạ để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Năm 1885, Đức cha Venceslao Onate Thuận Op, Giám mục địa phận Trung ban sắc thành lập Giáo họ Phương Trạch và nhận thánh Mác-cô làm quan thầy.

    Năm 1910, Giáo họ đã xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch đỏ, cột, kèo bằng gỗ, mái lợp ngói và tháp chuông được xây liền vào mặt tiền nhà thờ. Cơn bão năm 1986 đã làm ngôi nhà thờ bị thiệt hại nặng nề, nhưng đến năm 1990, ngôi nhà thờ mới được đại tu.

    Sau gần 100 năm tồn tại, ngôi thánh đường đã xuống cấp trầm trọng. Trước tình hình đó, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy và bà con Giáo họ khởi công dựng xây lại ngôi nhà thờ mới vào năm 2009 với chiều dai 35m, rộng 17m, cao 16m, tháp chuông cao 35m và một linh đài kính Đức Mẹ La Vang. Tất cả công trình đã hoàn tất và được khánh thành vào 06/5/2012.

    Ơn gọi trong Giáo họ: Cha Giuse Phạm Đức Bình

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một cộng đoàn có số giáo dân khiêm tốn của Giáo xứ Bác Trạch, tuy nhiên, mọi hoạt động của Giáo họ Phương Trạch vẫn diễn ra sôi nổi và đầy sức sống. Hiện nay, Giáo họ có các hội đoàn: Ban Ca đoàn, hội Trống, Ban Giáo lý, ban Giới trẻ, ban Phụng kiệu, hội Tràng hạt, huynh đoàn giáo dân Đaminh.

     

    GIÁO HỌ QUẢNG CHÂU

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XX
    Năm thành lập Giáo họ : 05/11/1936
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2012
    Bổn mạng : Thánh Tâm Chúa Giêsu (27/6)
    Giáo dân: 520 (làm ăn xa 200)
    Địa chỉ : Nhà thờ Quảng Châu, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách họ nhà xứ khoảng 2km về phía Tây Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Mảnh đất Quảng Châu gồm hai khu vực được gọi là Quảng Đức và Hạ Đầm tọa lạc tại phía Đông sông Trà Nheo (sông đào vào thập niên 30, thế kỷ XX).

    Vào khoảng thập niên 20 thế kỷ XX, một số cụ người Công giáo từ họ Nam Trại (nay là xứ Nam Thái) đã đến đây lập ấp và sinh sống. Khoảng mười năm sau, các cụ xin Bề trên thành lập Giáo họ mới và Đức cha Gioan Casado Thuận - Giám mục tiên khởi giáo phận Thái Bình - đã ban Sắc thành lập Giáo họ với tên gọi Quảng Châu và nhận Thánh Tâm Chúa Giêsu làm quan thầy.

    Sau khi đón nhận sắc phong thành lập Giáo họ, bà con giáo dân đã bắt tay xây dựng ngôi thánh đường mới bằng gạch, rui, mè và kèo bằng gỗ và mái lợp ngói. Năm 1937, ngôi nhà thờ bị sập mái ngói, sau đó được lợp lại bằng rạ. Cơn bão năm 1958 làm tường phía Đông nhà thờ bị đổ hoàn toàn, vì thế, Giáo họ quyết tâm xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 25m, rộng 8m.

    Với dòng thời gian, ngôi nhà thờ đã xuống cấp. Ngày 02/12/2012, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy và bà con giáo dân khởi công dựng xây ngôi nhà thờ mới với chiều dài 69m, rộng 18m, cung thánh cao 30m, tháp cao 35m.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ Quảng Châu được chia thành 3 khu với tổng số nhân danh là 320. Hiện nay, Giáo họ có các ban ngành: Ca đoàn, Ban Kim nhạc nam, ban Trống, ban Phụng Kiệu, ban Trang Trí, ban Giáo lý, ban Giới trẻ, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, hội Mân Côi, hội Con Đức Mẹ, hội Hiền Mẫu, hội Trương Nam nhi, hội Đồng nhi nữ, hội Thánh Tâm, ban Điển hộ (an ủi kẻ liệt), hội Gia trưởng.

    GIÁO HỌ VÁT CẤP

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XVIII
    Năm thành lập Giáo họ : 1770
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 29/03/2003
    Bổn mạng : Thánh Bartôlômêô Tông đồ (24/8) và thánh Catarina Siena (29/4)
    Số giáo dân họ : 296
    Địa chỉ : Nhà thờ Vát Cấp, xã Bắc Hải, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3.5 km về phía Tây Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo gia phả Phạm tộc, khoảng giữa thế kỷ XVIII, cụ Phạm Ngọc Thênh từ làng Hoàng Tam, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định sang vùng đất Vát Cấp lập ấp. Tại đây, cụ kết hôn với cụ bà Maria Nguyễn Thị Mơ là người Công giáo thuộc Giáo xứ Quần Cống, Giáo phận Bùi Chu sang đây làm thuê. Cụ Thênh trở lại đạo Công giáo và nhận thánh Bartôlômêô làm quan thầy. Một thời gian sau, nhiều người Công giáo từ tỉnh Nghệ An và Duyên Hà (Thái Bình) về đây lập nghiệp và sinh sống. Vì thế, một cộng đoàn nhỏ đã ra đời. Ban đầu, các cụ dựng một ngôi nhà nguyện tường đất, mái lợp rạ làm nơi tụ họp sớm tối cầu nguyện.

    Năm 1770, Bề trên giáo phận Đông Đàng Ngoài ban Sắc thành lập Giáo họ Vát Cấp và nhận thánh Bartôlômêô và thánh Catarina Siena làm bổn mạng.

    Sau khi trở thành Giáo họ, cộng đoàn đã xây dựng một ngôi nhà thờ lớn hơn, nhưng cũng chỉ bằng tường đất, mái rạ.

    Ngày 29/03/2003, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới thay thế ngôi nhà thờ cũ được xây dựng năm 1911. Khi nhận nhiệm sở xứ Bác Trạch, ngày 13/03/2004, cha Augustinô Nguyễn Quang Huy cùng bà con Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ và khánh thành ngày 26/8/2011.

    Ơn gọi trong Giáo họ : Trên cánh đồng truyền giáo, Vát Cấp đóng góp cho Giáo Hội người con thân yêu là cha Giuse Trần Ngọc Bích đang phục vụ tại Giáo phận Đà Lạt.

    II - CÁC ĐOÀN HỘI VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ được chia thành 2 khu. Các đoàn hội hoạt động sôi nổi: Hội Con Đức Mẹ, hội Thiếu nhi Thánh Thể, ban Ca đoàn, ban Trắc, ban Trống, ban Phụng Kiệu, huynh đoàn giáo dân Đaminh, ban Giới trẻ, ban Giáo lý, hội Thánh Tâm...

     

    Nguồn: Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình

     

    Bài viết liên quan