GIÁO XỨ CAO MỘC
Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo xứ : 1800
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1855
Bổn mạng : Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8)
Số giáo dân : 1.267 (Toàn xứ), 174 (Nhà xứ) Địa chỉ : Nhà thờ Cao Mộc, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Cao Mộc nằm kề sông Diêm Hội cách Tòa Giám mục khoảng 30 km về hướng Đông Bắc; phía Nam giáp xứ Phương Mai; phía Bắc giáp xứ Tràng Lũ, phía Đông Bắc giáp xứ Ninh Cù (Kẻ Hệ).
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Qua truyền khẩu, Cao Mộc đón nhận ánh sáng Đức tin từ thế kỷ XVII, do các thừa sai dòng Tên đến từ Kẻ Bái. Một thời gian sau, Giáo họ Cao Mộc được thành lập, thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm quan thầy.
Sau đó, Cao Mộc được nâng lên hàng giáo xứ, do các cha dòng Tên coi sóc, trụ sở xứ đặt tại họ Tào Xá. Cha thánh Gia (Jacinto Castennela 1743 - 1773) ở Tào Xá coi vùng Cao Mộc. Khi các Cha dòng Tên không còn ở Việt Nam, Cao Mộc sáp nhập vào xứ Bác Trạch, do cha Lý dòng Đaminh coi sóc.
Năm 1800, Cao Mộc trở thành một Giáo xứ biệt lập. Trụ sở xứ đặt ở Cao Mộc, vùng đất toàn tòng, do cha Hàn coi sóc, một linh mục nổi tiếng có tài bào chế thuốc nam. Khi đó, Cao Mộc có 19 giáo họ, thuộc địa bàn của 16 xã, trong đó có 3 xã toàn tòng là: Cao Mộc, Đông Khê và Tân Hưng. Theo dòng thời gian, nhiều giáo xứ được tách ra từ Cao Mộc: Giáo xứ Thuần Túy, Giáo xứ Phương Xá, Giáo xứ Tràng Lũ, Giáo xứ Tân Hưng, Giáo xứ Đông Khê và Giáo xứ Phương Mai.
Đầu thế kỷ XX, Cao Mộc có một nhà thương do các nữ tu điều hành và chăm sóc những người già yếu, bệnh tật, neo đơn, không phân biệt lương giáo.
Năm 1917, cha Sedano Thái đã tu sửa lại ngôi thánh đường và đúc thêm bộ chuông.
Năm 1937, ngài và giáo xứ xây ngôi nhà chung hai tầng (dài 17m, rộng 8m, cao 8m).
Cha Đaminh Đặng Văn Gia cùng giáo dân đã xây dựng nhà giáo lý (dài 17m, rộng 4m, cao 3.5m).
Trải qua hơn một thế kỷ, ngôi thánh đường xuống cấp. Năm 2009, cha Phêrô Đinh Văn Hùng cùng Giáo xứ đại tu ngôi nhà thờ và hai cây tháp. Đây là ngôi thánh đường cổ kính, được làm bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng, dài 48m, rộng 16m, cao 12m.
Các chứng nhân tử đạo: Thời vua Tự Đức cấm đạo, Cao Mộc có ba vị đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin: Gioan Thắng (số 508), Gioan Thìn (số 510, họ Rồi Công) và cha Gioan Trác (số 593, người làng Văn Xá).
Ơn gọi trong Giáo xứ: Những người con gốc Cao Mộc đã trở thành thợ lành nghề trong vườn nho của Chúa: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống (Giám mục Giáo phận Phan Thiết); cha Giuse Phạm Quang Trung (hưu tại C.x Lộ Đức, Xuân Lộc); cha Đaminh Nguyễn Xuân Thược (Long Xuyên); cha Đaminh Nguyễn Văn Tòng (Xuân Lộc); cha Giuse Nguyễn Văn Tự (Long Xuyên); cha Đaminh Nguyễn Trinh Quang. OP (Sài Gòn); cha Phêrô Kiều Công Tùng (Giáo sư ĐCV thánh Giuse Sài Gòn); cha Đaminh Nguyễn Hoàn Dương (du học Úc); cha Đaminh Nguyễn Anh Tuấn (Hoa Kỳ); cha Giuse Nguyễn Văn Ban (Thái Bình); cha Giuse Nguyễn Văn Xưa (Úc); cha GioaKim Lê Hậu Hán (Sài Gòn); cha Giuse Nguyễn Thái Cường (Xuân Lộc); cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh (Long Xuyên); cha Đaminh Nguyễn Ngọc Long (Đức); cha Bêđa M. Nguyễn Tâm Năng, CMC (Hoa Kỳ) và cha Đaminh Nguyễn Văn Lộc. Ngoài ra, Cao Mộc còn có nhiều tu sỹ nam nữ, chủng sinh đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cao Mộc tri ân quý cha đã từng coi sóc Giáo xứ: cha Hàn; cha Trí; cha Hòa; cha Thuận, cha Cẩm; cha Vĩnh; cha Trứ; cha Từ; cha Vị (sau đổi tên là Lập); cha Năng; cha Thái (sau đổi tên là Trác); cha Sự; cha Cần; cha Huấn; cha Giảng; cha Nghiêm; cha Quang; cha Khiêm; cha Sedano Thái (1909 - 1943); cha Vĩnh (1943 - 1954); cha Tôma Vũ Nguyên Sùng (1954 - 1960); cha Ciuse Trần Trọng Hậu (1960 - 1969); cha Giuse Đinh Bỉnh (1969 - 1978); cha Giuse Trần Xuân Chiêu (1981 – 1993); cha Đaminh Đặng Văn Gia (1993 - 2008); cha Phêrô Đinh Văn Hùng (2008 - 2014), cha Augustinô Phạm Quang Tường, cha Phêrô Nguyễn Văn Bang và hiện nay là cha Giêrônimô Nguyễn Văn Anh (Vĩnh).
Các giáo họ trực thuộc: Rồi Công Đông, Rồi Công Tây, Thân Thượng và Tào Xá.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hiện nay, Giáo xứ có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Ca đoàn, ban Kèn, ban Trống, ban Trắc. Các đoàn hội luôn sống tinh thần liên đới, cộng tác với nhau trong việc tổ chức các đại lễ, đồng thời hướng tới việc truyền giáo bằng việc sống Tin Mừng giữa đời thường.
GIÁO HỌ RỒI CÔNG ĐÔNG
Năm đón nhận Tin Mừng: Cuối tkỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ: 1976
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại: 1991
Bổn mạng: Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel (29/9)
Số giáo dân: 259
Địa chỉ: Nhà thờ Rồi Công Đông, thôn Hồng Phong, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Rồi Công đón nhận Tin Mừng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII.
Năm 1810, cha Thụy về coi sóc Tràng Lũ, Ngài dựng cho Rồi Công một nhà nguyện nhỏ 3 gian. Lúc đó, Rồi Công có 9 hộ gia đình với 27 nhân danh. Khi cha Rụ về coi sóc thay cha Thụy, ngài và tín hữu Rồi Công dựng ngôi nhà nguyện vách đất, cột lim và lợp rạ. Đến năm 1838, số nhân danh là 120.
Khi cha Thái về xứ Cao Mộc, Ngài cho thầy già Kiêm về dựng ngôi nhà thờ bảy gian (dài 17m, rộng 4.4m, cao 5.5m) và cây tháp. Từ năm 1953 - 1955, nhà thờ được sửa lại bằng gỗ lim và lợp ngói.
Sau biến cố 1954, Rồi Công chỉ còn 10 hộ gia đình với 50 nhân danh.
Năm 1976, cha Giuse Đinh Bỉnh coi sóc vùng này, ngài đã xin Bề trên thành lập Giáo họ Rồi Công. Cùng năm đó, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ ban Sắc thành lập Giáo họ Rồi Công Đông, trực thuộc xứ Cao Mộc và nhận Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel làm bổn mạng.
Ngày 25/12/1976, ban trùm đầu tiên của Giáo họ được bầu chọn. Đến năm 1978, Giáo họ dựng 4 gian nhà phòng để có chỗ cho các sinh hoạt trong Giáo họ.
Năm 1991, Giáo họ khởi công làm móng nhà thờ mới (dài 31m, rộng 11m).
Năm 1992, Giáo họ mua được toàn bộ phần gỗ của nhà thờ Phục Lễ. Nhờ công sức của mọi người trong họ cùng với sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, Giáo họ đã khánh thành ngôi nhà thờ vào ngày 13/11/1993. Khuôn viên nhà thờ được đổ bê tông vào năm 2000 và quả chuông nặng 300kg được đúc năm 2010. Ngôi nhà giáo lý (dài 17m, rộng 5m và cao 5,2) được cắt băng khánh thành vào ngày 25/9/2011.
II - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Hiện tại, Giáo họ có các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Hiền mẫu, hội Gia Trưởng, thiếu nhi. Giáo họ đang cố gắng củng cố các hội đoàn và tạo điều kiện cho các em được học hỏi giáo lý để hiểu biết sâu xa hơn về đạo nhằm giữ vững Đức tin, gia sản vô giá mà cha ông đã để lại cho con cháu.
GIÁO HỌ RỒI CÔNG TÂY
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo họ : 29/9/1806
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997
Bổn mạng : Tổng lãnh Thiên Thần Micae (29/9)
Số giáo dân : 280
Địa chỉ: Nhà thờ Rồi Công Tây, thôn Quốc Tuấn, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 6km về hướng Tây.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Giáo họ Rồi Công Tây được thành lập vào năm 1806 và nhận Thánh Micae làm bổn mạng. Khi đó, số nhân danh là 303.
Năm 1907, Giáo họ xây dựng ngôi thánh đường bằng gỗ lim, mái lợp ngói (dài 30m, rộng 10m).
Năm 1997, ngôi thánh đường được xây dựng lại (dài 36m và rộng 12m), mái trên là phần vật liệu của ngôi nhà thờ cũ, hai mái hạ đổ bê tông và khánh thành ngày 08/12/1998.
Giáo họ cũng tiến hành xây dựng: Ngôi nhà chung (dài 14m, rộng 6m) vào năm 2001; Đài Đức Mẹ Fatima vào năm 2001 và nhà giáo lý (dài 12m rộng, rộng 7m) với ba phòng học vào năm 2011.
Năm 2014, Giáo họ tiến hành trùng tu lại cây tháp đã được xây năm 1938. Ngày 01/01/2015, Đức Cha Phanxicô Xaviê - nguyên Giám mục Giáo phận về chủ sự thánh lễ tạ ơn khánh thành tháp chuông.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ có 2 linh mục gốc quê hương: Cha Micae Phạm Hữu Trung (dòng Vinhsơn Đà Lạt) và cha Micae Phạm Hữu Tâm (dòng Đồng Công).
II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo họ hiện có các hội đoàn: Ban kèn nam, Ban trống, Giới hiền mẫu, Giới gia trưởng, Huynh đoàn Đaminh, Ca đoàn, Giáo lý viên, thiếu nhi. Các đoàn hội từng ngày đang phát triển lớn mạnh và đi vào chiều sâu, thông qua các hoạt động thăm hỏi động viên những người già neo đơn không nơi nương tựa, những người có hoàn cảnh khó khăn, những người cần đến tình thương và sự chăm sóc .
Hòa với niềm vui chung của Giáo phận Thái Bình mừng Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập, Giáo họ Rồi Công Tây cùng chung sức chung lòng với các giáo họ khác quyết sống đời Phúc Âm giữa những anh em đồng loại ngay trên chính mảnh đất quê hương xứ sở mình.
GIÁO HỌ TÀO XÁ
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo họ : 1712
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1712
Bổn mạng : Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08/12)
Số giáo dân : 219
Địa chỉ : Nhà thờ Tào Xá, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Tào Xá đón nhận Tin Mừng vào khoảng cuối thế kỷ XVII do các thừa sai dòng Tên đến từ Kẻ Bái. Khi đó, gia đình ông bà Tuần Hồ đã dâng hiến mảnh đất khu vực trung tâm của làng để các thừa sai trú ngụ và sau đó ngôi nhà nguyện nhỏ được dựng tại khu đất này.
Năm 1712, Tào Xá xây dựng ngôi nhà thờ tường gạch, gỗ lim, lợp ngói (dài 36m, rộng 10.5m, cao 7m). Cũng năm đó, Giáo họ Tào Xá được thành lập và nhận thánh Đaminh làm bổn mạng. Kể từ khi tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được công bố (08/12/1854), Giáo họ nhận Đức Maria với tước hiệu này làm bổn mạng.
Năm 1743, Tào Xá được nâng lên hàng giáo xứ với tên gọi là Kẻ Tàu, thuộc làng Tàu Xá, tổng Bình Cách, huyện Đông Quan. Đến năm 1800, Đức cha Định dời trụ sở Giáo xứ về Cao Mộc. Từ đó, Kẻ Tàu (Tào Xá) là một Giáo họ thuộc Giáo xứ Cao Mộc.
Theo thời gian, nhiều công trình được xây dựng: tháp chuông (1915), ngôi nhà chung, nhà giáo lý (1999), linh đài Đức Mẹ (2002).
Ngày 22/4/2012, Tào Xá mừng kỷ niệm 300 năm thành lập Giáo họ (1712 - 2012).
Các chứng nhân tử đạo
Trong Vương Vạn Tuế Thái Bình, Tào Xá vinh dự đóng góp một người con là Hiền phúc Dom. Nguyễn Thế Chính (số 509).
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ có những người con ưu tú dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa: cha Irênê Nguyễn Văn Điều, Cha Gioan Baotixita Trần Chí Hiếu (Hoa Kỳ) và thầy Phó tế Giuse Đỗ Trọng Bình (Long Xuyên).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Với hồng ân Chúa, Giáo họ Tào Xá đang ngày một lớn mạnh về mọi mặt, đặc biệt trong đời sống Đức tin. Tuy không phải là một giáo họ đông đúc, Tào Xá vẫn tổ chức các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Hiền Mẫu, hội Gia Trưởng, Ban ca. Tất cả mọi sinh hoạt của các đoàn hội luôn được Giáo họ và cha xứ quan tâm khích lệ, nhằm phát triển một Tào Xá năng động, nhiệt thành và luôn hết mình phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
GIÁO HỌ THÂN THƯỢNG
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1892
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :1923
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
Số giáo dân : 94
Địa chỉ : Nhà thờ Thân Thượng, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1874, hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương Thân Thượng.
Năm 1884, các tín hữu đầu tiên dựng 5 gian nhà bằng tre, lợp rạ, tường vách làm nơi cầu nguyện.
Năm 1892, Giáo họ Thân Thượng được thành lập trong sự vui mừng của tín hữu nơi đây. Khi đó, số nhân danh trong Giáo họ cũng chỉ là con số khiêm tốn, thêm vào đó là biến cố di cư năm 1954 càng làm cho Giáo họ càng thêm neo người.
Hiện nay, Giáo họ có 31 hộ gia đình với 94 nhân danh. Tuy nhiên, người dân Thân Thượng vẫn kiên vững trong đức tin, đồng tâm hiệp lực xây dựng Giáo họ ngày một lớn mạnh.
Để biểu lộ lòng tin và lòng mến, người tín hữu Thân Thượng đã xây dựng được các công trình: Tháp chuông cao 19m (1918), ngôi nhà thờ (1923), nhà phòng 7 gian (1942).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy nhỏ bé nhưng Giáo họ cũng có các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Hiền Mẫu, hội Gia Trưởng, ban ca. Đến với Thân Thượng người người đều cảm nhận sự đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong Giáo họ. Sự đoàn kết đã làm cho Thân Thượng luôn giữ vững Đức tin trước những phong ba của cuộc sống thường ngày và từng ngày thăng tiến, triển nở về mọi mặt: vật chất cũng như tinh thần.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 69 | Tổng lượt truy cập: 4,549,709