GIÁO XỨ NINH CÙ
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XVII
Năm thành lập Giáo họ : 1704
Năm nâng thành lập Giáo xứ : 1721
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : (không rõ)
Bổn Mạng: Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (15/8)
Số giáo dân : 151 (Toàn xứ), 46 (Nhà xứ)
Địa chỉ: Nhà thờ Ninh Cù, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Ninh Cù cách Tòa Giám mục khoảng 30km về phía Đông Bắc, nằm cạnh sông Hóa, giáp với Giáo phận Hải Phòng.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Theo truyền khẩu, trước đây, Ninh Cù có tên gọi là Trang Ninh Cù, thuộc Tổng Ninh Cù, huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình.
Căn cứ vào lịch sử thành lập xứ Kẻ Bái, 200.00 tổ tiên của mảnh đất Ninh Cù được đón nhận Tin Mừng từ đời vua Lê Thần Tông, khoảng giữa thế kỷ thứ XVII. Lúc đầu, Ninh Cù là một họ lẻ thuộc xứ Kẻ Bái. Ninh Cù cũng còn được gọi là Kẻ Hệ.
Năm 1734, cha Mattêô Alônsô Licici Đậu, linh mục dòng Đaminh, người Tây Ban Nha về coi sóc Giáo xứ Kẻ Hệ. Ngôi nhà thờ xây từ năm 1704 đã quá chật hẹp và xuống cấp, Cha và bà con giáo dân đã xây dựng ngôi thánh đường khang trang hơn, rộng lớn hơn.
Năm 1743, Giáo hội Việt Nam bị bách hại, cha Đậu bị bắt trong khi đang dâng thánh lễ, bị tù đầy, đánh đập và xử trảm cùng với cha Phanxicô Federich Tế - linh mục dòng Đaminh, người Tây Ban Nha. Các ngài đã kiên vững, trung thành và anh dũng bảo vệ đức tin. Các ngài đã đón nhận triều thiên tử đạo ngày 22/01/1745 ở ngoại ô Thăng Long.
Khoảng giữa thế kỷ thứ XIX (1852 - 1857), Đức cha thánh An (José Diaz Sanjurjo) đã lập một Tu viện dòng nữ Đaminh tại Ninh Cù. Đầu thế kỷ thứ XX, các nữ tu đã xây dựng một nhà thương để chăm sóc những người già lão, bệnh tật, cô đơn không phân biệt lương giáo.
Biến cố 1954, phần đông giáo dân đã di cư gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống đức tin.
Năm 1998, Cha Đaminh Đặng Văn Gia và bà con giáo dân đã đại tu ngôi thánh đường.
Do nhu cầu mục vụ, năm 2004, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà chung để phục vụ nhu cầu mục vụ và các sinh hoạt của Giáo xứ. Ngoài ra, Giáo xứ còn mở rộng khuôn viên nhà thờ và nhà xứ, tạo cho cảnh quan của Giáo xứ thêm sạch sẽ và khang trang như hôm nay.
Các chứng nhân tử đạo
Thời vua Tự Đức bách hại đạo, các tín hữu Ninh Cù rất trung kiên, giữ vững đức tin. Ninh Cù đã đóng góp vào vườn Vạn tuế Thái Bình 16 vị Hiền phúc tử đạo: Đaminh Nhu (số 805); Đaminh Khanh (số 810); Gioan Khôi (số 811); Đaminh Phấn (số 812); Đaminh Tòng (số 813); Đaminh Lê (số 814); Giuse Cán (số 815); Đaminh Thiêm (số 816); Đaminh Chấn (số 817); Đaminh Bảo (số 842); Đaminh Khâm (số 843); Đaminh Mang (số 844); Đaminh Phong (số 845); Phêrô Lãnh (số 846); Đaminh Chương (số 847); Đaminh Thảo (số 849).
Ơn gọi trong Giáo xứ
Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, Ninh Cù còn có những người con ưu tú dâng hiến cuộc đời cho Chúa, phục vụ tha nhân trong ơn gọi tu trì. Đó là các linh mục, tu sỹ nam nữ, chủng sinh đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận: cha Đaminh Kim (+, Giáo phận Bắc Ninh, an nghỉ tại xứ Thanh Xuân); cha Vinhsơn Nguyễn Công Quán (Pháp); cha Tùng; cha Thao (Hoa Kỳ); cha Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB (Giáo xứ Xuân Hiệp, Giáo phận Sài Gòn); cha Giuse Phạm Thanh Liêm, Sj; cha Vinhsơn Phạm Đình Khoan, Sj (Sài Gòn); cha Vinhsơn Phạm Văn Mầm (Sài Gòn); cha Đaminh Phạm Đình Hảo (Bà Rịa-Vũng Tàu); cha Đaminh Phạm Minh Tiến (Mỹ Tho); cha Vinhsơn Nguyễn Minh Huấn (Sài Gòn).
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Giáo xứ Ninh Cù tuy nhỏ bé nhưng luôn được sự quan tâm chăm sóc của các Đấng bậc trong và ngoài Giáo phận. Vì thế ngay từ những ngày đầu, Giáo xứ đã có các cha về coi sóc trực tiếp:
Thời Tự Đức cấm đạo: Cha Tuệ; cha Đaminh Đức; cha Đaminh Cẩn; cha Vị; cha Hiển.
Thời kỳ Phân sáp: Cha chính Du; cha Cao; cha Chủ; cha Trác; cha Trang; cha Văn; cha Phú; cha Trí; cha Duyệt; cha Điển; cha Tri; cha Quý; cha Chuẩn; cha Chấn.
Đầu thế kỷ XX: Cha Đức (1912); cha Cổn (1915); cha Đaminh Nguyên (1921); cha Vinhsơn Trần Tất Đạt; cha Trần Ngọc Chấn (1935); cha Thụ (1948); cha Đỗ Vạn Toàn.
Sau năm 1954: Cha Tôma Vũ Nguyên Sùng (1974); Cha Augustinô Vũ Văn Hương (1994); Cha Đaminh Đặng Văn Gia (2008); Cha Phêrô Đinh Văn Hùng (2008 - 2014); cha Augustinô Phạm Quang Tường (2014 - 2016), cha cha Đaminh Phạm Thành Thạo….và hiện nay là cha Phêrô Nguyễn Văn Quỳ.
Các giáo họ trực thuộc: Giáo họ An Bài
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo xứ kỳ cựu của Giáo phận, Ninh Cù luôn giữ được nhiều nét truyền thống tốt đẹp của cha ông thuở ban đầu là theo sát tinh thần của Tin Mừng. Hiện nay, số giáo dân Giáo xứ Ninh Cù còn rất ít, mọi hoạt động của Giáo xứ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà con tín hữu Ninh Cù vẫn luôn quan tâm đến đời sống đức tin cho các con em mình, nhất là trong việc học hỏi giáo lý.
Trên hành trình hướng tới tương lai, dù còn nhiều khó khăn, giáo dân Ninh Cù vẫn một niềm sắt son tin tưởng vào Chúa, luôn giữ vững Đức tin, làm chứng cho Chúa giữa môi trường xã hội xung quanh. Và Ninh Cù rất cần đến sự cầu nguyện, quan tâm giúp đỡ của tất cả mọi người trong và ngoài Giáo phận, để trong tương lai không xa, Ninh Cù lại khởi sắc trước một vườn hoa thiêng liêng muôn màu của Giáo phận Thái Bình.
GIÁO HỌ AN BÀI
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1799
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1910
Bổn Mạng: Thánh Phanxicô Xaviê (03/12)
Số giáo dân : 105
Địa chỉ : Nhà thờ An Bài, thị trấn An Bài, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 7km về hướng Tây Bắc.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Mảnh đất An Bài (còn có tên gọi là Nhân Lý) được đón nhận ánh sáng Đức tin vào khoảng giữa thế kỷ thứ XVIII.
Năm 1799, Giáo họ An Bài được thành lập, thuộc Giáo xứ Lai Ổn. Lúc này, Giáo họ có khoảng 15 gia đình. Tuy số giáo dân còn khiêm tốn nhưng tinh thần sống đạo sốt sắng, đức tin vững vàng. Giáo họ đã xây dựng được một ngôi nhà nguyện nhỏ để mọi người sớm tối cùng nhau cầu nguyện.
Giáo họ đang trên đà phát triển thì xuất hiện Sắc chỉ cấm đạo của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và cao điểm nhất là khi vua Tự Đức (1847 - 1862) ra chiếu chỉ phân sáp, cấm đạo nên việc giữ đạo gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cuối năm 1862, vua Tự Đức ban hành lệnh ân xá cho các tù nhân đạo Gia-tô và tạm thời tha đạo. Tuy nhiên, Giáo Hội Việt Nam lại chịu tổn thất rất nặng nề dưới thời Văn Thân. Giáo họ An Bài cùng chung hoàn cảnh đó. Mặc dầu phải đổ máu mình, con dân An Bài vẫn trung kiên giữ vững niềm tin mình và trung thành với Thiên Chúa.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo họ có 2 chứng nhân tử đạo: Cha Đaminh Giuse Khang, linh mục dòng Đaminh và Giuse Trương, 60 tuổi, Lý Trưởng
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hiện nay Giáo họ có 33 nhân danh. Giáo họ cũng đã thành lập được Hội đồng Mục vụ Giáo họ. Các đoàn hội khác chỉ có ít thành viên nhưng cũng đang cố gắng duy trì các hoạt động để phục vụ Giáo xứ, Giáo họ.
Giáo họ An Bài tuy nhỏ bé nhưng vẫn đang miệt mài vun đắp nên những giá trị cao quý trong đời sống Đức tin, góp phần tô điểm trong vườn hoa muôn sắc của Giáo phận để làm cho Giáo phận ngày một phát triển hơn.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 65 | Tổng lượt truy cập: 4,565,821