Giáo xứ Vạn Đồn

  • 06/01/2025
  • Nhà thờ Vạn Đồn cách Tòa Giám mục 35km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển Đông 5km; phía Tây giáp xứ Vân Am và phía Đông Nam giáp xứ Bích Du.

     

    GIÁO XỨ VẠN ĐỒN

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo xứ : 1923

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2011

    Năm khánh thành & Cung hiến : 22/02/2014.

    Tước hiệu : Đức Mẹ Mân Côi

    Bổn mạng : Tổng lãnh Thiên Thần Micae (29/9)

    Số giáo dân : 645 (Toàn xứ); 218 (Nhà xứ)

    Địa chỉ: Nhà thờ Vạn Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

    I-VỊ TRÍ

    Nhà thờ Vạn Đồn cách Tòa Giám mục 35km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển Đông 5km; phía Tây giáp xứ Vân Am và phía Đông Nam giáp xứ Bích Du.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khi mới thành lập, Vạn Đồn là một họ lẻ của xứ Kẻ Hệ (Ninh Cù), nhận Đức Mẹ Mân Côi và Tổng lãnh Thiên Thần Micae làm quan thầy. Năm 1826, Giáo họ dựng ngôi nhà nguyện làm nơi cầu nguyện sớm tối. Sau thời kỳ bách hại đạo (vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX), nhà thờ Vạn Đồn được xây dựng và đã được đại tu vào năm 1986.

    Năm 1923, Đức cha Phêrô Munagorri Trung - Giám mục Tông tòa Địa phận Trung - đã cắt ba họ Vạn Đồn, Quảng Nạp, Bình Lạng của xứ Kẻ Hệ và hai họ Diêm Điền, Ngoại Trình của xứ Thượng Phúc để lập nên xứ Vạn Đồn.

    Năm 1925, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà chung bằng gỗ lim (dài 18m, rộng 6m, cao 8m).

    Năm 2000, linh đài Đức Mẹ được xây dựng phía cuối nhà thờ. Năm 2004 - 2005, Giáo xứ xây dựng nhà giáo lý với tổng diện tích 500m2. Bên cạnh đó, khuôn viên nhà thờ và nhà xứ cũng được mở mang, tu sửa, tạo nên sự hài hòa và khang trang.

    Năm 2011, cha Giuse Phạm Văn Thiện cùng với Giáo xứ khởi công xây dựng ngôi thánh đường (dài 40m, rộng 18m, cao 14m) và tháp chuông cao 33m. Ngôi thánh đường đã được Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám Mục Giáo phận, về cắt băng khánh thành và cung hiến ngày 22/02/2014, với tước hiệu Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi.

    Năm 2014, Giáo xứ xây dựng khu lăng các Hiền phúc tử đạo phía tay trái đường vào nhà thờ.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo xứ Vạn Đồn có truyền thống kiên vững Đức tin, đã đóng góp nhiều ngành lá tử đạo cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình. Thời vua Tự Đức cấm đạo, Vạn Đồn có 20 vị Hiền phúc: Phêrô Quang (số 821); Gioan Cử (số 822); Micae Tường (số 823); Phanxicô Chúc (số 824); Hiền Phúc Nôm (số 825); Phêrô Bằng (số 826); Phaolô Bằng (số 827); Phêrô Bảo (số 828); Phêrô Thước (số 829); Đaminh Đô (số 830); Phêrô Trí (số 831); Micae Luật (số 832); Đaminh Mẹo (số 833); Phanxicô Uy (số 834); Micae Thực (số 835); Micae Truật (số 836); Phêrô Tính (số 838); Gioan Biên (số 839); Micae Huy (số 840); Đaminh Vinh (số 841). Hiện nay, Vạn Đồn còn là nơi an nghỉ của 42 chứng nhân tử đạo.

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Vạn Đồn không chỉ vinh dự và tự hào vì có nhiều vị tôi tớ Chúa mà còn đóng góp cho Giáo Hội 31 linh mục và nhiều nam nữ tu sỹ. Trong số đó, tiêu biểu là Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ (Giám mục Giáo phận Long Xuyên, qua đời 2009) và Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt (Giám mục giáo phận Bắc Ninh). Như vậy, Vạn Đồn vừa là vùng đất của máu đào tử đạo, vừa là vùng đất của ơn gọi tu trì, thật đúng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Giáo xứ Vạn Đồn được chăm sóc mục vụ bởi quý cha: Đaminh Cao Xuân Túc; Tôma Vũ Nguyên Sùng; Augustinô Vũ Văn Hương; Giuse Phạm Văn Thiện... và hiện nay là cha Giuse Nguyễn Văn Kha.

    Các giáo họ trực thuộc: Bình Lạng, Quảng Nạp, Tu Trình, Ngoại Trình và Diêm Điền.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ hiện có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh Thể, Ca đoàn, ban Kèn, ban Trống, ban Trắc, Giáo lý viên. Các lớp giáo lý được duy trì vào các buổi tối. Các đoàn hội luôn sát cánh cùng cha xứ trong mọi sinh hoạt của Giáo xứ. Mọi người luôn đoàn kết, yêu thương và sống xứng danh là con cháu của các chứng nhân tử đạo.

    GIÁO HỌ BÌNH LẠNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng năm 1850

    Năm xây dựng nhà hiện tại : 2002

    Bổn mạng : Thánh Gioan Tiền Hộ (24/6)

    Số giáo dân : 185

    Địa chỉ : Nhà thờ Bình Lạng, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Đông

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng đầu thế kỷ XIX, hạt giống Đức tin đã được gieo vào mảnh đất Thụy Xuân. Chẳng bao lâu, hạt giống ấy đã đâm chồi nảy lộc và hình thành nên Giáo họ Bình Lạng. Ban đầu, Giáo họ dựng ngôi nhà tranh vách đất làm nơi cầu nguyện. Thời kỳ phân sáp, nhiều gia đình Công giáo bị tản mác dẫn đến nhiều dòng họ hiện nay nửa lương nửa giáo.

    Khoảng năm 1850, Giáo họ Bình Lạng được thành lập, thuộc xứ Kẻ Hệ (Ninh Cù) và nhận thánh Gioan Tiền Hô là bổn mạng.

    Năm 1879, Giáo họ đã xây dựng được ngôi nhà thờ bằng gỗ lim với 4 hàng cột, dài 20m, rộng 7.5m.

    Năm 1923, Giáo họ Vạn Đồn được nâng lên hàng giáo xứ, Bình Lạng thuộc về xứ mới.

    Năm 1939-1941, tháp chuông cao 27m được xây dựng.

    Năm 1991 - 1993, Giáo họ tiến hành đại tu ngôi thánh đường và đúc chuông.

    Năm 1954, quý dì dòng Đaminh đã về đây dạy học cho các em lương giáo.

    Ngày 25/02/2002, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi thánh đường bằng bêtông cốt thép (dài 33m, rộng 11m, cao 11m và vòm cung thánh cao 30m). Sau ba năm thi công, ngôi tân thánh đường được hoàn thành tốt đẹp. Năm 2004, khuôn viên nhà thờ được quy hoạch và 3 gian nhà khách được xây dựng.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo họ có Hiền phúc Gioan Nguyễn Văn Toại (số 853). Hài cốt ngài được an nghỉ cùng 41 vị khác tại Lăng các chứng nhân Tử đạo Vạn Dôn.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Bình Lạng có những linh mục, tu sỹ nam nữ đang phục vụ các giáo phận trong nước và hải ngoại.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ hiện có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Hiền mẫu, hội Gia trưởng, Ca đoàn và giới trẻ. Các đoàn hội luôn cộng tác với nhau trong mọi sinh hoạt của Giáo họ và phát huy những thành quả tốt đẹp của tiền nhân.

    GIÁO HỌ DIÊM ĐIỀN

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1861

    Năm thành lập Giáo họ : 1925

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2008

    Bổn mạng : Thánh Giuse (19/3) & Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa (01/01)

    Số giáo dân : 71

    Địa chỉ : Nhà thờ Diêm Điền, khu 3 Diêm Điền huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 6km về hướng Đông Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, năm 1861, cụ Phêrô Trịnh Ngọc Khẩn và cụ bà Maria Nguyễn Thị San bị phân sáp về làng Diêm Điền. Cụ Khẩn là thầy Đồ và thầy thuốc đông y nên rất thuận tiện cho việc truyền giáo. Với ưu thế đó, cụ âm thầm truyền bá Đức tin cho những người cụ có cơ hội gặp gỡ. Sau một thời gian, 30 gia đình đã tin theo đạo, thuộc 4 dòng họ: Nguyễn, Trịnh Văn, Trịnh Ngọc và Phạm Văn. Do hoàn cảnh lịch sử, các dòng họ di tản đi nhiều nơi chỉ còn dòng tộc Phạm Văn ở lại duy trì gia sản Đức tin và tài sản của Giáo họ.

    Khi mới thành lập, Giáo họ Diêm Điền trực thuộc xứ Kẻ Hệ (Ninh Cù) và nhận 'Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi' là quan thầy. Từ khi Giáo xứ Vạn Đồn được thành lập (1923), Giáo họ thuộc về xứ này và nhận Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa làm quan thầy. Do chiến tranh và biến cố di cư, Giáo họ chỉ còn một số ít nhân danh, nhà thờ bị trưng dụng làm cho đời sống đức tin của số ít tín hữu nơi đây gặp nhiều khó khăn.

    Ngày 19/02/2008, phần đất nhà thờ được hoàn lại.

    Ngày 31/3/2008, Đức cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang đã về chủ sự thánh lễ đặt viên đá - khởi công xây dựng ngôi thánh đường. Với ơn Chúa, sự giúp đỡ của quý ân nhân và sự hy sinh của mọi người trong Giáo họ, ngôi tân thánh đường 2 tầng dài 19.9m, rộng19.8m, cao 11.7m và cây tháp cao 25.2m được hoàn thành vào năm 2012.

    Các chứng nhân tử đạo: Giáo họ Diêm Điền là quê hương của các Hiền phúc: Phêrô Nam (số 855); Gioan Lưu (số 857); Đaminh Cảnh (số 858); Linh mục Đaminh Thuận (số 1254) và một số chứng nhân khác.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ hiện có các đoàn hội: hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu và Ca đoàn. Nằm giữa thị trấn Diêm Điền với 71 nhân danh nên việc tổ chức hoạt động còn nhiều bất lợi. Tuy nhiên, mọi người luôn kiên vững trong Đức tin và sống chứng tá cho những giá trị của Tin Mừng để làm sáng danh Chúa giữa những người xung quanh.

    GIÁO HỌ NGOẠI TRỊNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1858

    Năm thành lập Giáo họ : 1858

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000

    Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông đồ (29/6)

    Số giáo dân : 22

    Địa chỉ : Nhà thờ Ngoại Trình, thôn Ngoại Trình, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 7km về hướng Đông Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Giáo họ Ngoại Trình được đón nhận Tin Mừng vào năm 1858. Những tín hữu đầu tiên là Lý. nghề chài lưới và biết chút ít về đông y. Cụ được thôi thúc khi nghe các thầy đến từ Kẻ Hệ rao giảng về đạo thánh Chúa. Cụ bí mật mời thầy về ngụ tại nhà mình để được dạy kinh bổn và giáo lý, mặc cho thời đó đạo Công giáo đang bị bách hại gắt gao. Ngày 24/6/1859, cụ và gia đình được mời về Giáo xứ Kẻ Hệ để chuẩn bị cho việc gia nhập đạo. Ngày 29/6/1859, nhằm ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, cụ và gia đình chính thức trở thành những Kitô hữu. Sau đó, cụ và gia đình trở về dựng ngôi nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện. Giáo họ Ngoại Trình khởi đầu những trang sử đầu tiên và nhận thánh Phêrô làm bổn mạng, trực thuộc xứ Thượng Phúc. Năm 1923, Vạn Đồn được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ Ngoại Trình thuộc về xứ này.

    Năm 1927, Giáo họ xây dựng nhà thờ mới thay cho nhà thờ cũ. Giáo họ được tổ chức quy mô hơn và bắt đầu có thánh lễ.

    Sau biến cố năm 1954, Giáo họ chỉ còn duy nhất gia đình cụ Phêrô Vũ Đình Ứng.

    Năm 2000, Giáo họ khởi công xây dựng tháp chuông cao 32m và khánh thành ngày 08/01/2002. Sau đó, Giáo họ tiếp tục xây dựng ngôi nhà thờ (dài 25m, rộng 9m, mái thượng cao 15m và mái hạ cao 10m). Sau 7 năm thi công, ngày 02/02/2009, Giáo họ cắt băng khánh thành ngôi tân thánh đường.

    Năm 2012, ngôi nhà mục vụ (dài 9m, rộng 6.5m, cao 4m) được xây dựng và khuôn viên nhà thờ được tôn tạo.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện nay, Ngoại Trình có 22 nhân danh, một số lại đi làm ăn xa, nhưng mọi người luôn tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, âm thầm làm chứng cho Chúa. Tuy không có nhiều đoàn hội nhưng Giáo họ luôn hăng hái tham gia các công việc chung của Giáo xứ cũng như Giáo phận.

    GIÁO HỌ QUẢNG NẠP

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1861

    Năm xây dựng nhà thờ : 1906

    Bổn mạng : Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael (29/9)

    Số giáo dân: 106

    Địa chỉ : Nhà thờ Quảng Nạp, thôn Quảng Nạp, xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 1.5km về hướng Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển Quảng Nạp được đón nhận ánh sáng Đức tin vào khoảng giữa thế kỷ XIX.

    Năm 1861, Giáo họ Quảng Nạp được thành lập ngay trong thời vua Tự Đức cấm đạo. Năm 1906, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ cổ kính bằng gỗ lim với chiều dài 25m, rộng 10m, cao 7m và tháp chuông cao 18m.

    Sau biến cố di cư năm 1954, Giáo họ chỉ còn lại 7 gia đình với 37 nhân danh.

    Năm 1999, Giáo họ xây dựng một ngôi nhà phòng (dài 8m, rộng 5m, cao 4m) phục vụ cho việc hội họp và là nơi học giáo lý kinh bổn cho thế hệ trẻ.

    Ngày 25/02/2014, Giáo họ tiến hành đại tu ngôi thánh đường.

    Ngày 17/8/2014, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ về chủ sự thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và tri ân mọi người đã giúp đỡ Giáo họ hoàn thành công trình này.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo họ Quảng Nạp có Hiền phúc Micae Thu (số 837), thi hài ngài được an táng tại Lăng các chứng nhân tử đạo xứ Vạn Đồn.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ có một linh mục đang phục vụ tại Hoa Kỳ.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện tại, Giáo họ có 31 hộ gia đình với 106 nhân danh. Mọi người trong Giáo họ luôn cộng tác với nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương và đoàn kết. Quảng Nạp đang từng ngày phát triển và thăng tiến để hòa cùng niềm vui với các giáo họ, giáo xứ trong toàn Giáo phận đón mừng Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập trong sự phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa cùng sự che chở, cầu bầu của thánh Thiên Thần Raphael, Bổn mạng.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan