Giáo xứ Vân Am

  • 06/01/2025
  • Nhà thờ Vân Am nằm ở hữu ngạn dòng sông Hóa, cách Tòa Giám mục khoảng 30km về hướng Đông Bắc; phía Đông giáp Giáo phận Hải Phòng; phía Tây giáp xứ Xá Thị; phía Bắc giáp xứ Vạn Đồn.

     

    GIÁO XỨ VÂN AM

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : 1800

    Năm thành lập Giáo xứ : 1917

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1919

    Bổn mạng : Thánh Phêrô (29/6)

    Số giáo dân : 240 (Nhà xứ); 646 (Toàn xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Vân Am, thôn Vân Am, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

    I-VỊ TRÍ

    Nhà thờ Vân Am nằm ở hữu ngạn dòng sông Hóa, cách Tòa Giám mục khoảng 30km về hướng Đông Bắc; phía Đông giáp Giáo phận Hải Phòng; phía Tây giáp xứ Xá Thị; phía Bắc giáp xứ Vạn Đồn.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển Khoảng cuối thế kỷ XVIII, các thừa sai đến giảng đạo tại làng Vân Am và dân làng nơi đây đã mau mắn đón nhận Tin Mừng. Năm 1800, Giáo họ Vân Am được thành lập, nhận thánh Phêrô Tông đồ làm bổn mạng, trực thuộc xứ Kẻ Hệ (Ninh Cù). Khi đó, các tín hữu đã dựng ngôi nhà nguyện nhỏ làm nơi cầu nguyện. Do số tín hữu ngày một gia tăng, nên vào năm 1898, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ rộng lớn hơn.

    Năm 1917, Đức cha Phêrô Munagorri Trung - Giám mục Địa phận Trung ban Sắc nâng Vân Am lên hàng giáo xứ, và bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Kim Quang coi sóc Giáo xứ.

    Năm 1919, cha Lãng cùng với giáo hữu xây dựng ngôi thánh đường bằng gỗ lim, lợp ngói mũi với chiều dài 35m, rộng 11m, cao 11m và tháp chuông cao 25m. Đây là công trình kiên cố, được trạm trổ công phu, các tòa được sơn son thiếp vàng, vẫn tồn tại đến ngày nay. Sau đó, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà chung bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi (dài 10m, rộng 5m và cao 10m).

    Năm 1922, thời cha Đaminh Đặng Hiếu Liêm coi sóc Giáo xứ, ngài đã lập sở dòng nữ Đaminh tại đây. Trong những năm đói kém, nhiều lượng dân làng An Bái và Văn Tràng nhận được sự giúp đỡ của Giáo xứ và nhà dòng đã tin theo đạo. Vì đức tin chưa được bén rễ sâu và thời cuộc, các tân tòng này không còn giữ đạo, nhưng nhiều người đến nay vẫn còn thuộc kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng...

    Sau biến cố di cư năm 1954, Giáo xứ chỉ còn một số ít giáo dân. Trong lúc khó khăn đó, mọi người luôn đoàn kết, nâng đỡ và cùng nhau giữ vững Đức tin, bảo tồn những thành quả mà cha ông đã dày công xây dựng.

    Các chứng nhân tử đạo

    Thời vua Tự Đức cấm đạo, hai tín hữu Vân Am đã anh dũng tuyên xưng Đức tin và lãnh nhận phúc Tử đạo. Hiện nay, hài cốt hai vị đang được an táng trong khuôn viên nhà thờ.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Từ khi thành lập đến nay, Giáo xứ được sự chăm sóc mục vụ của quý cha: Đaminh Nguyễn Kim Quang; cha Đaminh Đặng Hiếu Liêm; cha cố Thi; cha Lãng; cha Tuệ; cha Vọng; cha Tôma Vũ Nguyên Sùng; cha Augustinô Vũ Văn Hương; cha Giuse Phạm Văn Thiện, cha Giuse Nguyễn Văn Kha, cha Đaminh Nguyễn Văn Đạm... và hiện nay là cha Phêrô Nguyễn Văn Uý .

    Các giáo họ trực thuộc: Giáo họ Thọ Cách.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ Vân Am hiện có các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Ca đoàn, giáo lý viên. Các hội đoàn luôn tích cực cộng tác với Giáo xứ trong mọi hoạt động, nhất là đối thoại liên tôn và công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế, tinh thần đoàn kết lương giáo trong làng xã cũng nhờ đó mà thăng tiến.

     

    GIÁO HỌ THỌ CÁCH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng đầu tkỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1836

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2013

    Bổn mạng : Thánh Phanxicô Assisi (04/10)

    Số giáo dân : 406

    Địa chỉ : Nhà thờ Thọ Cách, Thôn Thọ Cách, xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy, t.Thái Bình. Cách nhà xứ 1.5km về hướng Đông Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng đầu thế kỷ XIX, một nhóm tín hữu từ Nam Định chạy trốn sự truy lùng của những người bách hại đạo đã đi thuyền theo đường ven biển và xuôi dòng sông Hóa đến lập nghiệp tại làng Thọ Cách. Từ nhóm tín hữu đó, hạt giống Đức tin đã trổ sinh hoa trái và tăng trưởng thành lập một cộng đoàn, nhận Đức Mẹ Bầu Cử và thánh Phanxicô Năm 1836, Giáo họ Thọ Cách được thành Assisi làm bổn mạng. Khi đó, Giáo họ trực thuộc xứ Kẻ Hệ (Ninh Cù). Năm 1917, Giáo họ thuộc về xứ Vân Am.

    Ban đầu, các tín hữu dựng ngôi nhà nguyện bằng thân cau, mái lợp cỏ tranh. Nhưng năm 1843, lính triều đình đốt cháy hoàn toàn ngôi nhà nguyện và sát hại nhiều bổn đạo.

    Năm 1866, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim và tháp chuông cao 33m được xây dựng năm 1950. Toàn bộ công trình này đã bị bom tàn phá ngày 18/3/1954. Năm 1958, Giáo họ dựng lại ngôi nhà thờ 7 gian làm nơi cầu nguyện. Một lần nữa, bom Mỹ năm 1972 làm trút toàn bộ mái ngói và rạn nứt tường.

    Năm 1976, Giáo họ tiến hành tu sửa lại ngôi thánh đường và dựng lại tháp chuông cao 13m. Năm 1994, Giáo họ làm lại hai gian cung thánh và xây dựng tháp chuông cao 37m. Sau đó, nhà giáo lý hai tầng và linh đài Đức Mẹ La Vang cũng được xây dựng.

    Ngày 10/11/2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Giáo phận, về đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi thánh đường. Với ơn Chúa, sự giúp đỡ của quý ân nhân và sự chung tay hợp lực của mọi người, ngôi tân thánh đường (dài 40m, rộng 15m, cung thánh cao 24m) được cắt băng khánh thành ngày 04/10/2015.

    Chứng nhân tử đạo: Thời vua Minh Mạng và Tự Đức bách hại đạo, nhiều Kitô hữu nơi đây đã anh dũng tuyên xưng Đức tin. Hiện nay, Giáo họ còn lưu giữ hài cốt của 22 vị tôi tớ Chúa tại chân đài Đức Mẹ Lavang. Giáo họ có Hiền phúc Phêrô Cán (số 854) được lưu danh tại sổ bộ Rôma.

    Ơn gọi trong Giáo họ: Thọ Cách là quê hương của nhiều mục tử: Giuse Lê Quang Oánh; Phanxicô Assisi Lê Quang Đăng; Vinhsơn Nguyễn Thành Công; Phanxicô Assisi Nguyễn Văn Dinh; Phêrô Lê Hoàng Chương; Giuse Lê Quang Thoại; Phanxicô Assisi Lê Văn Lâm; Vinhsơn Lê Văn Lịch; Micae Lê Văn Hồng; Phanxicô Assisi Lê Văn Quán. Bên cạnh đó, Giáo họ còn có 30 nữ tu và nhiều chủng sinh đang phục vụ, tu luyện trong và ngoài Giáo phận.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Thọ Cách hiện có các đoàn hội. Các đoàn hội luôn nhiệt thành trong sứ vụ tông đồ giáo dân. Các tín hữu nơi đây được kế thừa gia sản quý giá mà tiền nhân đã gầy dựng bằng mồ hôi, công sức và máu đào và họ đang viết tiếp những trang sử hào hùng đó.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan