Chúa Nhật XXII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 31/08/2024
  • Chủ đề: Rửa tay, Rửa lòng

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 7,1-8a.14-5.21-23)

              Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: 'Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người'. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người"

              Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế."

             

    VỤ LUẬT

    1. Lề luật

    - Lề luật: Là các điều đã thành lệ mà mọi người phải theo.

    - Luật tự nhiên: Dựa vào cảm thức tự nhiên ghi khắc trong tâm hồn con người để phân định điều tốt, xấu, đúng, sai.

    - Luật luân lý: Là quy tắc hành động dẫn đưa con người tới ơn cứu độ và ngăn cấm hành động sai, khiến họ xa Chúa.

    - Luật Mới: Đức Kitô công bố trong Bài Giảng trên núi.

    - Vụ luật: Chỉ dựa vào luật, lợi dụng luật, giữ luật máy móc.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về vụ luật

    - Marcô kể lại người Itraen sống vụ luật: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” (Mc 7, 5)

    - Đức Giêsu lấy lời Isaia lên án kẻ sống vụ luật: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng nó ở xa Ta” (Mc 7, 6).

    - Tin Mừng tiếp tục vạch trần người Itraen chỉ chú trọng luật do họ đặt ra: “Các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người” (Mc 7, 8a).

    3. Thực hành tránh vụ luật

    - Kitô hữu được mời gọi giữ luật cách tự nguyện. Ngoài luật truyền và cấm, Itrael có luật truyền miệng, như: cấm ăn thịt heo, cấm gần phụ nữ ở cữ, cấm đụng xác chết, người hủi. Chúa muốn con người tự do giữ luật trong tình yêu. Luật là cần thiết giúp người ta nên tốt, nhưng dùng luật để loại bỏ quyền tự do của con người, sẽ dẫn đến kết qua tai hại.

    - Kitô hữu được mời gọi giữ luật yêu thương. Biệt phái trách môn đệ Chúa không rửa tay trước ăn. Đức Giêsu nói: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì anh em cũng hãy làm cho người ta.” Tình thương phải được đáp trả lại bằng tình thương. Việc giữ luật mà không bắt nguồn từ tình yêu thật, thì nó chỉ là tiếng não bạt, không nên trò trống gì.

    - Truyện: Hai nhà sư xuống núi. Dọc đường gặp thiếu nữ bên vũng nước, không sang bên kia được. Thấy vậy, một sư liền bế thiếu nữ qua vũng nước. Về gần đến chùa, sư kia trách: “Sao lại bế thiếu nữ vậy?” Sư này trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh lại mang cô ta về chùa.”

    - Người Kitô được mời gọi sống theo lương tâm. Thiên Chúa đã ấn định nơi mỗi người thứ luật lương tâm. Nó như vách chắn, hay dây cương để điều con ngựa đi đúng hướng. Lịch sử có bao kẻ bất chấp lương tâm, như Tần thủy Hoàng, Nerô, Hítle, Pônpốt đã làm xã hội điêu đứng. Cần phải có nội tâm đúng khi giữ luật, để đem lại hiệu quả cho cuộc sống.

    - Người Kitô được mời gọi sống công chính. Đức Giêsu lên án thói vụ luật, quan trọng hoá hình thức: “Dân này chỉ thờ ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.” Con người dễ bị tiền bạc, sắc dục điều khiển dẫn đến lầm lỗi. Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngài muốn con người tự do thực hiện lề luật của Ngài để nên tốt lành hơn.

    - Luật Chúa đứng trên mọi luật lệ và lề thói của con người. Phêrô thực hành Luật Mới, ra lệnh bỏ việc cắt bì với người ngoại xin theo Đạo. Xin cho mỗi người cũng biết cố gắng thực thi Lời Chúa để sống đúng theo đường lối Chúa đã chỉ dẫn.

    RỬA TAY, RỬA LÒNG

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và những người It-ra-en về truyền thống rửa tay trước khi ăn của họ. Đức Giê-su vạch trần thứ giả hình của những ông Kinh sư và Biệt phái qua việc rửa tay mà quên điểm quan trọng, là phải rửa lòng các ông trước.

              Người ta thắc mắc, những ông Biệt phái và Kinh sư có gì sai khi giữ luật rửa tay trước khi ăn? Phải chăng Đức Giê-su ủng hộ việc phá bỏ lề luật?

              1.  Những cái nhìn của người It-ra-en

              Giê-ru-sa-lem được Tin Mừng thánh Mac-cô nhấn mạnh: Có quá nhiều cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và người It-ra-en tại đây. Những ông Biệt phái và Kinh sư luôn tìm mọi cách để bắt bẻ Đức Giê-su về nhiều chuyện. Hôm nay những người ở Giê-ru-sa-lem tới gặp Chúa trong ngày nghỉ lễ; họ bắt gặp các môn đệ Đức Giê-su không rửa tay trước khi ăn, và cuộc tranh luận xảy ra.

              Biệt phái và Kinh sư là đại diện cho các nhóm phái quan trọng trong It-ra-en. Những nhóm này thường có quan điểm bảo thủ, cực đoan, nhiệt tình với dân tộc mình. Họ là những người lớn lên trong tinh thần đạo giáo và luật lệ It-ra-en. Họ cũng là những người có quyền lợi trong dân, có quyền cắt nghĩa Luật và đặt ra những luật lệ khác thêm vào và bắt người dân phải tuân giữ. Họ máy móc với những giáo điều cứng nhắc. Họ coi các môn đệ Đức Ki-tô và cả Đức Ki-tô là những dân quèn không biết Lề luật. Họ vênh vang tự đắc, can thiệp vào mọi ngõ ngách cuộc sống, để dòm ngó và họ đã vấp phạm khi thấy các môn đệ Chúa không rửa tay trước khi ăn. Họ tỏ vẻ khó chịu ra mặt và hạch hỏi Chúa.

               Luật rửa tay vốn là một truyền thống của tiền nhân It-ra-en, nhưng mấy ông Kinh sư và Biệt phái đã đưa vào bộ luật cấm kị 600 giới răn, bắt mọi người phải giữ. Luật Mô-sê đã được họ thêm nhiều chi tiết trong đó có tập tục sạch và dơ. Không phải cứ có nước rửa tay là xong mà phải theo nghi thức riêng, cách đổ nước khi rửa tay rất phức tạp, phải đổ từ từ thì mới có giá trị thanh sạch. Chính vì vậy họ kết luận các môn đệ Đức Ki-tô đã không giữ luật thanh sạch trước khi ăn.

              2. Quan điểm của Đức Ki-tô

              Trước cái nhìn lệch lạc của người It-ra-en, Đức Giê-su vạch ra những sai lầm, nhân dịp họ thắc mắc về việc không rửa tay trước khi ăn của các môn đệ, và dạy mọi người bài học cần thiết trong cuộc sống:

              Đức Giê-su lên án nếp sống giả hình: Chúa trưng lại lời Ngôn sứ I-sa-i-a để nói về họ: "Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, và giáo lý chúng giảng dạy, chỉ là giới luật phàm nhân"(Mc 7,6b-7). Những người Biệt phái thường khoác bên ngoài vẻ đạo đức, để đánh lạc hướng quần chúng, họ mang chiếc mặt nạ bên ngoài, để che giấu những tội ác bên trong. Tội giả hình vẫn rất phổ biến hiện nay, nó đội lốt bằng nhiều thủ đoạn, đánh bóng quảng cáo, kể cả khi việc làm từ thiện và các việc đạo đức bên ngoài khác. Mọi người cần phải cảnh giác với trò bịp bợm nguy hiểm này.

              Đức Giê-su đánh giá cõi lòng con người mới là nguồn gốc mọi hành động xấu tốt. Chúa lên án việc rửa tay bên ngoài, mà bỏ qua không rửa sạch tâm hồn mình, nơi phát sinh ra điều xấu: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế"(Mc 7,15). Nguyên nhân làm cho người ta ra nhơ bẩn không do những thứ người ta ăn hay chén bát, mà do nội tạng tiêu hoá ra; chính bên trong mới sản sinh ra tư tưởng tội lỗi, dâm ô, trộm cắp, kiêu ngạo. Một tâm hồn hư hỏng dẫn đến hành động xấu, một tâm hồn thanh thản sẽ tạo ra an vui hoà bình, một tâm hồn ngay thẳng sẽ có những lời nói thành thật, một tâm hồn trong sạch sẽ đem lại sự trong trắng cho cuộc sống.

              3. Sống và thực hành

              Hãy đổi mới chính mình: Những quan điểm bảo thủ của người It-ra-en dẫn đến hàng loạt những sai lầm, họ giữ luật máy móc, lên án người lương thiện, họ không nhận ra Chúa, đội lốt giả hình, họ thích khen lao. Đức Giêsu kêu gọi họ đổi mới tâm hồn. Ngày nay người ta cũng chứng kiến nhiều Kitô hữu, chỉ lo giữ hình thức bên ngoài, lo giữ chi tiết những tập tục truyền thống, gây chia rẽ, như cấm người nhà đốt hương trước bàn thờ tổ tiên, cấm dự đám tang có bát cơm cúng; nhiều người sùng bái ảnh tượng đến mức mê tín dị đoan, họ lo tổ chức đám lễ linh đình, nhưng bỏ quên luật công bình, tình yêu thương. Người Ki-tô phải mạnh dạn đổi mới để tránh dẫm phải con đường những người It-ra-en đã đi.

              Hãy hành động vì tình yêu: Người Biệt phái và Kinh sư làm việc là để người ta biết đến, để được khen; họ làm việc vì cái tôi của mình, bất chấp người khác có kết quả như thế nào, họ bỏ qua giới luật yêu thương. Đức Giê-su lên án họ là những người "gạt bỏ điều răn Chúa mà duy trì truyền thống của phàm nhân." khi yêu nhau, người ta không còn giả bộ, giả hình trong giao tiếp; không còn hàng giả, hàng nhái; không còn lên mặt phê phán người khác; không còn lo giữ những chi tiết thừa như rửa chén, rửa bát, rửa tay; không còn lo những sản phẩm xấu tràn lan trong xã hội; không còn lo những tệ nạn xã hội: tà dâm, trộm cắp, giết người, xảo trá, ganh tị, ngông cuồng, từ một tâm địa xấu do con người mang đến.

              Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết lắng nghe ý Chúa và thực hành để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mình và cho mọi người.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan