Giáo xứ Bồng Tiên

  • 11/05/2024
  • Giáo xứ Bồng Tiên cách Tòa Giám mục khoảng 8km hướng Tây Nam; phía Đông Bắc giáp xứ Hoàng Xá; phía Nam giáp xứ Đông A.

     

    GIÁO XỨ BỒNG TIÊN

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1702
    Năm thành lập Giáo họ : 1786
    Năm thành lập Giáo xứ : 1918
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1991
    Bổn mạng : Đức Mẹ Lên Trời (15/8)
    Số giáo dân : 2.000 (Toàn xứ), 1.600 (Nhà xứ)
    Địa chỉ : Nhà thờ Bồng Tiên, thôn Nam Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Bồng Tiên cách Tòa Giám mục khoảng 8km hướng Tây Nam; phía Đông Bắc giáp xứ Hoàng Xá; phía Nam giáp xứ Đông A.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Dải đất gọi là "Bồng lai Tiên cảnh" là bãi bồi của sông Hồng và sông Bồng Tiên vốn là phần thưởng của vua Trần ban cho tướng Trần Chính Giác, người có công rất lớn với triều đình và đất nước. Vùng đất này là nơi sản xuất các đặc sản nổi tiếng: chè tươi, cam sành, hồng không hạt, chuối tiến vua, dứa thơm...và tận mắt chứng kiến những di tích: Tam Bồng (Bồng Tiên, Bồng Lai, Bồng Trại), Tứ Phật (chùa: Keo, Lục Tiên, Bát Tiên, Thái Lai), Ngũ Chúa (nhà thờ: Bồng Tiên, Hoàng Xá, Đông A, Trung Đồng, An Châu) và Thập Làng Tiên (Song Tiên, Thủy Tiên, Đông Tiên, Ngọc Tiên, Bát Tiên, Quần Tiên, Nam Tiên, Long Tiên, Lục Tiên và Văn Tiên).

    Khoảng năm 1702, các thừa sai từ Cổ Việt đã đến vùng đất Bồng Tiên rao giảng Tin Mừng và người dân nơi đây đã hân hoan đón nhận. Khởi đầu, nhóm tín hữu qui tụ tại nhà ông Giuse Trần Xuân Thuận để cầu nguyện. Khi số giáo hữu gia tăng, họ dựng nhà nguyện đầu tiên bằng gỗ tạp, tre luồng, mái tranh.

    Năm 1786, đời vua Lê Mãn Đế - Lê Chiêu Thống (1787-1788), giáo họ Bồng Tiên được thành lập, nhận Đức Mẹ Lên Trời làm bổn mạng.

    Năm 1793, Đức cha Fêliciano Alonso Phê ban Sắc thành lập Giáo xứ Cổ Việt, Bồng Tiên thuộc xứ mới.

    Năm 1802, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ 9 gian, dài 36m, rộng 12m.

    Năm 1918, Đức cha Munagorri Trung - Giám mục Địa phận Trung - ban Sắc thành lập Giáo xứ Bồng Tiên.

    Năm 1990, cha Gioan Phạm Ngọc Châu và cộng đoàn quyết định xây dựng ngôi thánh đường mới.

    Ngày 16/07/1991, Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang về dâng lễ đặt viên đá góc tường.

    Vì hoàn cảnh và điều kiện, ngôi thánh đường đang xây dựng phải dừng lại một thời gian. Năm 1998, cha xứ Đaminh Phạm Quang Trung cùng Giáo xứ tiếp tục xây nhà thờ với chiều dài 55m, rộng 20m và hai tháp chuông và được tu sửa 2008.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo xứ Bồng Tiên có các Hiền phúc: Đaminh Thuyên (số 282); Đaminh Nghiên (số 283); Đaminh Thiệu (số 284); Đaminh Bổn (số 285); Đaminh Ký (số 286); Phêrô Tân (số 287); Đaminh Tước (số 288); Giuse Tích (số 289).

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Giáo xứ hiện có 4 thầy chủng sinh Giáo phận và nhiều nữ tu đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Cha Đaminh Phạm Ngọc Quế (1786); cha Trứ (1890-1895); cha Mỹ (1895-1897); cha Lý (1897-1900); cha Hương (1900-1902); cha Đốc (1902-1906); cha Phúc (1906-1912); cha Nhuận (1912-1930); cha Thiện (1930-1934); cha Hiến (1934-1936); cha Trác (1936-1940); cha Khâm (1940-1944); cha Cẩm (1944-1947); cha Tình (1947-1952); cha Quý (1952-1968); cha Gioan Phạm Ngọc Châu (1973-1992); cha Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn (1992-1993); cha Vinhsơn Vũ Văn Duyệt (1993-1994); cha Đaminh Phạm Quang Trung (1994-2008); cha Fx. Trần Văn Học (12/06-17/07/2006); cha Giuse Đinh Xuân Ngọc (2008-2009); cha Giuse Trần Xuân Chiêu (2010-2014), cha Đaminh Bùi Thế Truyền và hiện nay là cha Giuse Phạm Văn Thiện.

    Các giáo họ trực thuộc: Đội Trạch, Đống Cao, Văn Lâm.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ Bồng Tiên tổ chức và thành lập nhiều đoàn hội hoạt động sôi nổi: Huynh đoàn Đa minh, hội Con Đức Mẹ, hội Thánh Tâm, hội Thánh Giuse, hội Lòng Chúa Thương Xót, ban Kèn nam, ban Kèn nữ, ban Trống tạo cho sinh hoạt của Giáo xứ thêm sốt sáng và sầm uất.

    Trong tương lại, Giáo xứ tiếp tục tập trung đào sâu giáo lý cho các đoàn hội, làm việc bác ái, thăm viếng những người đau yếu bệnh tật, già yếu, cô thế cô thân, cứu giúp những người gặp tai ương hoạn nạn và hướng tới việc truyền giáo.

    GIÁO HỌ ĐỘI TRẠCH 

    Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1829
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2006
    Bổn mạng : Thánh Giuse Thợ (01/5)
    Số giáo dân : 304
    Địa chỉ : Nhà thờ Đội Trạch, làng Đội Trạch, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Năm 1599, đời Hậu Lê (tức Cảnh Hưng), các cụ tổ từ Gia Viễn - Hà Tây di cư về Thái Bình lập ấp và lấy tên là Đội Trạch.

    Năm 1829, Giáo họ được thành lập, thuộc xứ Cổ Việt và nhận thánh Giuse Thợ làm quan thầy. Ban đầu, các tín hữu dựng nhà nguyện nhỏ bằng cau tre trên mảnh đất cụ Trai để làm nơi cầu nguyện sớm tối.

    Số giáo dân ngày càng gia tăng, cha Đaminh Phạm Ngọc Quế và Giáo họ chuyển và xây nhà thờ về khu đất mới (khu nhà thờ hiện nay).

    Năm 1880, cha Vũ Ruyện và Giáo họ làm nhà thờ bằng tranh tre trát vách.

    Năm 1906, cha già Phúc và Giáo họ xây nhà thờ làm bằng vôi vữa dài 20m, rộng 6m.

    Năm 1935, Giáo họ xây nhà thờ dài 25m, rộng 7m.

    Năm 1942, cha Giuse Trần Mỹ Cẩm cùng Giáo họ xây nhà thờ mới, dài 30m, rộng 9m. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ bị phá do bom đạn.

    Năm 2005, cha Đaminh Phạm Quang Trung và Giáo họ xây nhà thờ mới và đang hoàn thiện.

    Các chứng nhân tử đạo: Hiền phúc Đaminh Tân (số 290).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Dù chỉ là một Giáo họ, Đội Trạch đã tổ chức các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Con Đức Mẹ, Ca đoàn, ban Trống, ban Kèn nam, ban Kèn nữ, Giới Trẻ, Tình nguyện viên, hội Sinh vật cảnh. Các hội viên tham gia rất nhiệt tình trong các công việc của Giáo họ cũng như của Giáo xứ. Trên con đường hướng tới tương lai, Đội Trạch không ngừng hoàn thiện mình bằng việc đào sâu đức tin, thực thi bác ái và là nhân chứng của Đức Kitô giữa lòng thế giới.

    GIÁO HỌ ĐỐNG CAO

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1868 

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1928
    Bổn mạng : Thánh Phanxicô Xaviê (03/12)
    Số giáo dân : 56 
    Địa chỉ : Nhà thờ Đống Cao, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách Tòa Giám mục 11km về hướng Tây và nhà xứ Nghĩa Chính 5km về hướng Tây.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng giữa thế kỷ XIX, hạt giống Đức tin đã được gieo vào vùng đất Đống Cao. Chỉ sau một thời gian ngắn, hạt giống đâm chồi, nảy lộc hình thành nên một họ đạo gọi là Giáo họ Đống Cao.

    Năm 1868, Giáo họ được thành lập và dựng một nhà thờ nhỏ để cầu nguyện, nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng.

    Cơn bão năm 1926, phá tan hoang vùng Thái Bình, nhà thờ Đống Cao bị hất đổ xuống sông. Từ đó, Giáo họ không còn nơi cầu nguyện chung với nhau.

    Năm 1928, Giáo họ xây nhà thờ với chiều dài 24m, rộng 7m, cao 6m, tháp chuông cao 21m.

    Năm 1954, người dân Đống Cao di cư vào Miền Nam sinh sống, Giáo họ chỉ còn lại rất ít người.

    Ngày 02/02/2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB - Giám mục Giáo phận trao cho cha Martino Thịnh Hoàng Văn Đình (Gia), CMC làm quản nhiệm.

    Các chứng nhân tử đạo: Giáo họ Đống Cao có 4 Hiền phúc được ghi trong Sổ Tử Đạo Rôma: Phaolô Dao (số 262); Phêrô Liêu (số 274); Phaolo Sự (số 263); Phanxicô Tú (số 264).

    Ngoài ra, Giáo họ còn có năm chứng nhân tử đạo được chôn cất trong nhà thờ (1868). Khi làm nhà thờ mới, Giáo họ cũng chuyển hài cốt các ngài về đầu nhà thờ, nay làm nhà chung của Giáo họ trên phần mộ các ngài.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ có người con ưu tú là cha Phanxicô Nguyễn Thanh Thủy (Đức).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ Đống Cao là một giáo họ ít người nhưng được sự quan tâm của các cha dòng Đồng Công quản nhiệm chăm sóc nên mọi sinh hoạt của Giáo họ vẫn diễn ra cách tốt đẹp. Hơn nữa, là một giáo họ gần các khu công nghiệp, giáo họ luôn chú trọng tới việc mục vụ cho những người di dân.

    GIÁO HỌ VĂN LÂM

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng năm 1825
    Năm thành lập Giáo họ : 1932
    Năm xây dựng nhà thờ : 2006
    Bổn mạng : Thánh Barnaba (11/6)
    Số giáo dân : 165
    Địa chỉ : Nhà thờ Văn Lập, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 5km hướng Tây Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN 

    Theo truyền ngôn, năm 1825, có một số người từ Trà Lũ, Nam Định, đến vùng đất này khai hoang lập trại. Sau đó, có thêm một số người khác về đây sinh sống trong đó có những người theo đạo Công giáo. Vì thế, Tin Mừng dần dần bén rễ và sinh hoa kết quả trên vùng đất này. Ban đầu, các tín hữu dựng nhà nguyện nhỏ bằng tre, mái rạ để làm nơi cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

    Năm 1837, xóm đạo chuyển về khu Trung Hòa, làm nhà thờ mới.

    Năm 1936, thời cha giáo Trác, chánh xứ Bồng Tiên (1936-1940), Giáo họ Văn Lâm được thành lập, nhận thánh Barnaba làm bổn mạng. Đồng thời, Giáo họ xây nhà thờ mới bằng gạch, mái ngói với chiều dài 10m, rộng 4m, cao 5m, tháp chuông cao 17m. Khi đó, Giáo họ có 25 hộ gia đình với 105 nhân danh.

    Năm 2006, cha xứ Đaminh Pham Quang Trung và Giáo họ xây nhà thờ mới với chiều dài 39m, rộng 10m, cao 11.5m.

    Ngày 01/8/2008, cha xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc và Giáo họ hoàn thiện phần ngoài nhà thờ.

    Ngày 02/9/2011, cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu và Giáo họ xây hai tháp chuông cao 32.5m, rộng 16.5m.

    Ngày 02/02/2013, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB - Giám mục giáo phận, trao Giáo họ cho cha Martino Thịnh Hoàng Văn Đình (Gia), CMC làm quản nhiệm.

    Ngày 15/8/2014, cha quản nhiệm Martino Đình và Giáo họ tiếp tục xây dựng tháp chuông.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện nay, Văn Lâm đã tổ chức được các đoàn hội: hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Ca đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể, Giới trẻ, Tình nguyện viên, ban Trống, ban Kèn.

    Cha quản nhiệm và hội đồng giáo họ quan tâm đến việc học Giáo lý của các em, cổ vũ các hoạt động bác ái, không phân biệt lương - giáo, tạo tinh thần đoàn kết giữa mọi người.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan