Giáo xứ Sa Cát

  • 18/12/2024
  • Giáo xứ Sa Cát cách Tòa Giám Mục khoảng 3km về hướng Đông Bắc; phía Tây giáp xứ Cát Đàm; phía Tây Bắc giáp xứ Tràng Quan.

     

    GIÁO XỨ SA CÁT

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng năm 1670

    Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVII

    Năm thành lập Giáo xứ : 1722

    Năm xây dựng lại nhà thờ hiện tại : 1997

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân : 2.180 (Toàn xứ); 1.406 (Nhà Xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Sa Cát, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Sa Cát cách Tòa Giám Mục khoảng 3km về hướng Đông Bắc; phía Tây giáp xứ Cát Đàm; phía Tây Bắc giáp xứ Tràng Quan.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Sa Cát nằm trong vùng đất bồi phù sa theo sông Hồng và Trà Lý từ thượng nguồn đổ về Biển Đông. Trước kia, Sa Cát thuộc khu vực Kỳ Bố Hải Khẩu (Cửa Bố - Bo - Kỳ Bá).

    Khoảng năm 1670, các cha thừa sai theo đường sông về vùng đất Sa Cát giảng đạo và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận.

    Năm 1720, Đức cha Tri (Tomaso Sestri) ban Sắc nâng Sa Cát lên hàng giáo xứ, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Lúc đó, Sa Cát bao gồm cả Thái Bình, Nghĩa Chính, Tràng Quan, Nam Lỗ, Lương Đống và Cát Đàm.

    Năm 1898, giáo dân xây dựng ngôi nhà thờ 9 gian bằng gỗ lim, chạm trổ công phu theo kiểu chồng đấu hoa sen.

    Năm 1908, Đức cha Trung chia Sa Cát ra làm hai xứ: Thái Bình và Nam Lỗ. Đến năm 1930, Tràng Quan được nâng lên thành giáo xứ.

    Năm 1997, cha cố Giuse Bùi Văn Cẩm và giáo dân xây dựng nhà thờ với chiều dài 60m, rộng 20m, cao 31m, sau đó hai tháp chuông cũng được hoàn thiện dần.

    Năm 2000, để đáp ưng nhu cầu học biết Chúa, Giáo xứ xây nhà giáo lý 2 tầng gồm 4 phòng học (dài 12m, rộng 6m, cao 8m).

    Ngày 06/12/2002, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang về cung hiến thánh đường Giáo xứ với tước hiệu “Đức Mẹ Rất Thánh Văn Côi”.

    Năm 2011, cha xứ Phêrô Ver. Trần Duy Điển cùng bà con giáo hữu tập trung xây ngôi nhà chung 3 tầng với chiều dài 25m, rộng 10m, cao 12m và mở rộng khuôn viên khu nhà xứ như hiện nay.

    Năm 2015, cùng với cha xứ Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan, Giáo xứ đã tân trang lại khuôn viên, mở sân thể thao, thành lập xứ đoàn Đaminh Nguyễn Văn Xuyên.

    Các chứng nhân tử đạo: Giáo xứ Sa Cát là quê ngoại của cha thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên. Cha Xuyên làm quản lý Toà Giám mục Địa phận Trung và được phúc tử đạo ngày 26/11/1839. Ngoài ra, Giáo xứ còn có 2 Hiền Phúc: Đaminh Thấu (số 521) và Đaminh Chiêng (số 526).

    Ơn gọi trong Giáo xứ: Cha Đaminh Vũ Trọng Thư (+); cha Ephrem Vũ Khiêm Cung CMC (+); cha Giuse Vũ Ngọc Châu (Đài Loan); cha Giuse Vũ Đức Phán, MF (Phú Cường); cha Giuse Vũ Thanh Tuấn (Thái Bình) và 05 nữ tu.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ: Cha Viên (1722); cha Bá và cha Gia (1733); cha Vinhsơn Liêm (tử đạo, bị bắt trong lúc đang làm mục vụ tại họ Lương Đống); cha Khuông; cha Niềm; cha Nghi; cha Đoan; cha Diễn; cha Từ; cha Bằng; cha Lương; cha An; cha Khang; cha Hiến; cha Khoát; cha Tòng; cha Quyền; cha Cần; cha Trứ; cha Quí; cha Cảnh; cha Bằng, cha Lương, cha Trung, cha An, cha Khang, cha Khoát (1916), cha Tông, cha Quyền và cha Cao Xuân Yến (1926-1940); cha Tu (1940-1945); cha An (1945-1947); cha Lê Quang Oánh (1947-1949); cha Đaminh Đinh Đức Trụ và cha Trần Chấn Chỉnh (1949-1950); cha Trần Minh Tân (1950- 1954); cha Giuse Trần Trọng Hậu (1957-1960); cha Giuse Bùi Văn Cẩm (1960-1962); cha Gioakim Trần Trọng Uyên (1962-1970); Đức cha Giuse Đinh Bỉnh (1970-1989); cha Giuse Mai Trần Huynh (1989-1992); cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1992-1996); Đức ông Giuse Bùi Văn Cẩm (1996-2007); cha Phêrô Vêrôna Trần Duy Điển (2007-2014), cha Phanxicô Xaviê Ngô Văn Toan và hiện nay là cha Giu-se Nguyễn Đình Huynh.

    Các giáo họ trực thuộc: Cát Trại, Phú Long, Tống Thỏ và Kỳ Bá (không còn nhà thờ).

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một xứ kỳ cựu, các đoàn hội trong Giáo xứ khá đa dạng và hoạt động sôi nổi: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Têrêxa, hội Mân côi, hội Hiền mẫu, ban Ca, Thiếu nhi Thánh Thể, ban Kim nhạc, hội Trống, Giới trẻ, nhóm Bảo vệ sự sống, Tình nguyện viên. Ngoài ra, Giáo xứ còn mở các lớp giáo lý để vun trồng đức tin cho mọi lứa tuổi. Mỗi năm, Giáo xứ mở hai khóa giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ chuẩn bị lập gia đình.

    Giáo xứ Sa Cát có nhóm Bảo vệ sự sống hoạt động rất thiết thực để tư vấn, động viên an ủi những cô gái lỡ lầm, đồng thời chôn cất và cầu nguyện cho các thai nhi.

    Là Giáo xứ gần Tòa Giám mục, các hoạt động mục vụ của Sa Cát rất phong phú, hòa chung với nhịp sinh hoạt của Giáo phận. Song song với việc đẩy mạnh các công tác chung để giáo dân có ý thức về việc sống hiệp thông với nhau trong Đức Kitô, Giáo xứ còn có phong trào thể thao, văn nghệ để quy tụ thanh thiếu niên đến nhà thờ, tạo môi trường lành mạnh, thánh thiện cho các em sinh hoạt. Có thể nói, Sa Cát đang hướng về một tương lai đầy hy vọng.

     

     

    GIÁO HỌ PHÚ LONG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1872

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2010

    Bổn mạng : Thánh Anna (27/6)

    Số giáo dân : 74

    Địa chỉ : Nhà thờ Phú Long, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 2km về phía Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, Phú Long đón hạt giống Đức tin vào giữa thế kỷ XIX. Sau khi được gieo vào mảnh đất này, hạt giống ấy nhanh chóng đâm chồi nảy lộc. Số giáo dân ban đầu là 100 nhân danh. Các tín hữu nơi đây đã dựng ngôi nhà thờ nhỏ, đơn sơ làm nơi cầu nguyện sớm

    hôm.

    Năm 1872, Giáo họ được thành lập và nhận thánh Anna làm bổn mạng.

    Biến cố năm 1954, hầu hết các tín hữu di cư vào Nam lập nghiệp, số còn lại rất ít. Trong khi đó, nhà thờ bị thiên tai, chiến tranh tàn phá chỉ còn là một đống đổ nát.

    Năm 1974, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ cho xây dựng nhà thờ mới 4 gian, mái lợp ngói map.

    Năm 1995, bà con giáo dân đại tu nhà thờ, nối thêm gian cung thánh và tháp chuông.

    Năm 2000, Giáo họ xây nhà khách với chiều dài 7m, rộng 5m và cao 3.2m phục vụ cho mọi sinh hoạt của Giáo họ.

    Năm 2010, cha xứ Phêrô Ver. Điển và Giáo họ xây dựng nhà thờ mới với chiều dài 20m, rộng 8m, cao 9.2m và tháp chuông cao 15m.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Biết bao khó khăn trong quá khứ và hiện tại mà người tín hữu Phú Long đã gặp phải. Tuy nhiên, với sự tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, Phú Long luôn vững vàng vượt qua những khó khăn thử thách để gìn giữ, phát huy những gia sản Đức tin mà cha ông thời xưa đã để lại. Trong hành trình hướng về tương lại, mỗi thành viên trong Giáo họ không ngừng canh tân để biến cuộc đời mình làm nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa nơi môi trường xung quanh.

     

     

    GIÁO HỌ TỐNG THỎ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX

    Năm thành lập Giáo họ : 1920

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1922

    Bổn mạng : Thánh Gioan Baotixita (24/6 và 29/8)

    Số giáo dân : 121

    Địa chỉ : Nhà thờ Tống Thỏ, xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền ngôn, cụ Bùi Văn Văn, tên gọi là Hậu Văn, là lương dân nhưng rất cảm mến đạo Chúa Kitô. Sau một thời gian tìm hiểu, cụ và mọi người trong gia đình đều tin theo đạo và được rửa tội. Chính cụ cùng con cháu trong gia đình đóng góp kinh phí để xây dựng nhà thờ Tống Thỏ để làm nơi ca tụng Chúa và sum họp cầu nguyện. Số giáo hữu ban đầu là 25 nhân danh.

    Năm 1920, Giáo họ được thành lập, nhận thánh Gioan Baotixita làm bổn mạng.

    Năm 1922, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ nhỏ với chiều dài 12m, rộng 4.5m, cao 3m và tháp chuông cao 8m. Theo thời gian, ngôi nhà thờ xuống cấp nên đã được đại tu năm 1988.

    Năm 2000, Giáo họ xây nhà phòng với chiều dài 7m, rộng 4m và cao 4m, phục vụ mọi sinh hoạt của Giáo họ.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một giáo họ với quá trình hình thành và phát triển chưa lâu nhưng Giáo họ Tống Thỏ đã trở một phần không thể thiếu của Giáo xứ Sa Cát. Với nỗ lực sống đời sống Đức tin sâu sắc và bền chặt, người tín hữu Tống Thỏ đang phấn đấu phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội một cách hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương, Giáo xứ ngày một lớn mạnh.

     

    GIÁO HỌ KỲ BÁ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1816

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : không có nhà thờ

    Bổn mạng : Đức Bà xuống tuyết (08/5 lễ này không còn trong lịch)

    Giáo dân : 29

    Địa chỉ : Nhà thờ Kỳ Bá, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 3km về hướng Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Giáo họ Kỳ Bá đón nhận ánh sáng Đức tin bằng cách nào hiện nay không còn ai được rõ. Tuy nhiên, khoảng đầu thế kỷ XIX, ánh sáng Tin Mừng đã tỏa sáng trên mảnh đất Kỳ Bá và được mọi người mau mắn đón nhận. Số giáo dân ban đầu là 100 nhân khẩu. Các Kitô hữu đầu tiên của mảnh đất này đã dựng ngôi nhà nguyện đơn sơ để làm nơi họp nhau cầu nguyện.

    Năm 1816, Giáo họ Kỳ Bá được thành lập, nhận Đức Mẹ xuống tuyết làm quan thầy (lịch Phụng vụ ngày xưa lễ kính ngày 08 tháng 5 nhưng ngày nay không còn).

    Biến cố năm 1954, hầu hết bà con giáo dân di cư vào Nam sinh sống và lập nghiệp, chỉ còn lại một số nhỏ nhân danh ở lại. Bên cạnh đó, ngôi nhà thờ cũng bị thiên tai và chiến tranh tàn phá hoàn toàn.

    Ngày nay, nhà thờ hầu như không còn lại dấu tích. Nền nhà thờ cũ nay là đoạn Bảo Dưỡng đường bộ Thái Bình.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Mặc dù gặp biết bao khó khăn, người tín hữu Giáo Kỳ Bá vẫn một lòng trung tín với Đức tin mà cha ông đã vun trồng. Do điều kiện không có nhà thờ, mọi sinh hoạt của Giáo họ Kỳ Bá đều diễn ra chung với nhà xứ Sa Cát.

    Con sông Trà vẫn uốn mình chuyển tải bao tấm lòng của người con đất lúa hướng về biển lớn trong niềm tin và niềm hy vọng, cách riêng có người tín hữu Kỳ Bá. Hy vọng trong tương lai, bên dòng sông Trà, ngôi nhà thờ của Giáo họ Kỳ Bá, biểu tượng của lòng tin, lòng phó thác của những người con nơi đây, được dựng lên.

     

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan