GIÁO XỨ NGUYỆT LÃNG
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo xứ : 1933
Năm xây dựng nhà thờ: 1996
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Số giáo dân : 1398 (Toàn xứ), 662 (Nhà xứ) Địa chỉ : Nhà thờ Nguyệt Lãng, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Nguyệt Lãng cách Tòa giám mục Thái Bình khoảng 10km về hướng Tây Bắc; phía Đông Nam giáp xứ Nghĩa Chính; phía Tây Nam giáp xứ Thuận Nghiệp; phía Tây Bắc giáp xứ Gia Lạc.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Vào đầu thế kỷ XVIII, có năm cụ từ Nam Sang (Hà Nam) trốn trại vì nấu rượu lậu chạy tới gò đất ở giữa một bãi đầm lầy, thuộc tổng Nội Lãng để lánh nạn. Trong số đó, có ba cũ là người Công giáo. Thấy vùng đất đầy sức sống, , các cụ ở lại lập nghiệp và giữ đạo. Khi mọi việc lắng dịu, các cụ đưa gia đình tới đây định cư. Các ngài phải mất rất nhiều công để vượt đất làm thổ, hình thành nên làng và xứ Nguyệt Lãng ngày nay. Vì vậy, Nguyệt Lãng có tên là Trại Vượt.
Ban đầu, các tín hữu làm một ngôi nhà bằng tre, mái rạ, gọi là “nhà giáo” để sớm tối đến đọc kinh và xin các cha gần đó đến làm phúc. Dần dần, số người đến lập cư ở Trại Vượt đông đúc hơn. Nhờ việc rao giảng Tin Mừng của các vị thừa sai, số tín hữu tăng lên gấp bội, từ đó hình thành Giáo họ Nguyệt Lãng, thuộc xứ Kẻ Diền, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.
Năm 1890, các bậc tiền nhân trong Giáo họ đã góp của góp công xây dựng được ngôi nhà thờ mới, thay thế cho ngôi nhà nguyện trước kia.
Năm 1907, Nguyệt Lãng được cắt về xứ An Lập (khi xứ này trở thành giáo xứ).
Năm 1933, nhận thấy đời sống đạo của giáo dân Nguyệt Lãng sốt sắng, Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã tách mười giáo họ thuộc xứ An Lập để thành lập Giáo xứ Nguyệt Lãng.
Năm 1996, cha xứ và Giáo họ xây nhà thờ mới thay thế nhà thờ cũ sau một trăm năm tồn tại.
Ơn gọi trong Giáo xứ
Giáo xứ Nguyệt Lãng có những người con ưu tú dâng hiến cuộc đời trong đời sống tu trì, dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ Giáo Hội và tha nhân: cha Gioakim Đặng Văn Hội và cha Gioakim Đặng Văn Diễn.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Đản; cha Lục; cha Mai Đức Tính (1937-1940); cha Đỉnh (1940-1943); cha Quý (1943-1950); cha Đaminh Đinh Đức Trụ (1950-1954); cha Vinhsơn Nguyễn Khắc Hiếu (1954-1957); cha Giuse Trần Trọng Hậu; cha Gioakim Trần Trọng Uyên; cha Vinhsơn Vũ Văn Duyệt (1978-1994); Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh (1994- 1995); cha Phêrô Trần Đình Bốn (1996-2004); cha Phêrô Đinh Văn Hùng (2004-2007); cha Đaminh Bùi Thế Truyền (2007- 2014), cha Vinhsơn Phạm Văn Sơn, hiện nay là cha Gioan Đào Văn Chính.
Các giáo họ trực thuộc: Mỹ Bổng, Súy Hãng, Tân Mỹ, Thanh Bản, Thọ Lộc, Vô Ngại và Trà Động.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo xứ Nguyệt Lãng có các tổ chức đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Hiền Mẫu, hội Gia Trưởng, hội Lòng Chúa Thương Xót, hội Bác ái, Giới trẻ, Giáo Lý Viên, Thiếu Nhi Thánh Thể, Ca đoàn, ban Trống, ban Kèn đồng. Các đoàn hội không ngừng học hỏi trau dồi đức tin và chu toàn bổn phận của mình. Ngoài ra, các đoàn hội còn tổ chức nhiều hoạt động như thăm viếng những người già yếu, cô nhi quả phụ, những gia đình gặp khó khăn về tinh thần và vật chất.
Hiện nay, Giáo xứ tập trung nhiều vào việc huấn luyện giới trẻ, nhất là Thiếu Nhi Thánh Thể, vì đây là những nhân sự quan trọng cho Giáo xứ và Giáo phận trong tương lai.
GIÁO HỌ MỸ BỔNG
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1939
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :2015
Bổn mạng : Thánh Cả Giuse (19/3) Số giáo dân : 91
Địa chỉ : Nhà thờ Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Tây Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Hạt giống đức tin đã gieo vào làng Mỹ Bổng vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Khi đó, gia đình cụ Trần Văn Pho là người ngoại giáo được nghe biết Tin Mừng nên đã tin theo đạo. Cụ đã vượt qua mọi khó khăn gian nan vất vả để cùng với con cháu của mình khởi xướng nên Giáo họ Mỹ Bổng. Năm 1939, Giáo họ Mỹ Bống được thành lập, thuộc giáo xứ Nguyệt Lãng, nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng. Khi ấy, Giáo họ dựng được một ngôi nhà thờ nhỏ.
Năm 1973, Đức Cha Đinh Đức Trụ giúp Giáo họ xây nhà thờ. Công trình xây dựng được phần móng và tường cao khoảng 1.2m thì chính quyền đình chỉ.
Năm 1993, Giáo họ xây được ba gian nhà nhỏ để cầu nguyện.
Năm 1996, số nhân danh của Giáo họ đã tăng lên, nhà thờ lúc đó được nối dài ra.
Theo dòng thời gian, ngôi nhà thờ đã xuống cấp, năm 2015, cha xứ và Giáo họ đệ trình xin Đức cha ban phép xây dựng lại ngôi nhà thờ mới với chiều dài 20.3m, rộng 6.6m, chiều cao 10.2m và tháp chuông cao 20m.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Ngày nay, chủ nghĩa thực dụng và trào lưu hưởng thụ làm cho việc sống Đức tin của người giáo dân gặp muôn vàn khó khăn. Đối với Giáo họ Mỹ Bổng khó khăn ấy lại tăng lên gấp bội, vì đây là một giáo họ nhỏ bé, nằm giữa những anh em lương dân. Tuy nhiên, với lòng tin và tình mến, người tín hữu Mỹ Bổng vẫn kiên trì một lòng gắn bó với Chúa, sống hiệp thông huynh đệ với nhau, sẵn sàng minh chứng cho Chúa Kitô nơi môi trường xung quanh.
GIÁO HỌ SÚY HÃNG
Năm đón nhận Tin Mừng : 1852
Năm thành lập Giáo họ : 1915
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2015
Bổn mạng : Thánh Phêrô Tông Đồ (29/6)
Số giáo dân : 12
Địa chỉ : Nhà thờ Súy Hãng, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khoảng giữa thế kỷ XIX, anh em cụ Trần Duyên từ Vạn Tư Nhiên, phủ Thường Tín, Hà Đông tới cửa Thanh Ninh làm nghề đánh cá. Được ánh sáng Lời Chúa chiếu soi, cụ và người anh đã theo đạo và chịu phép rửa vào năm 1852, dưới thời Đức Cha Domingo Marti Gia coi sóc giáo phận Bùi Chu.
Sau khi theo đạo, người anh của cụ ở lại sông Thanh Hương và là ông tổ thành lập Giáo họ Thượng Hộ Vạn. Cụ Trần Duyên đưa gia đình xuống ở thôn Súy Hãng thuộc xã Minh Lãng sinh sống. Từ dòng tộc này, năm 1915, Giáo họ Súy Hãng được thành lập, nhận thánh Phêrô Tông đồ làm bổn mạng.
Năm 1933, khi Nguyệt Lãng được nâng lên hàng giáo xứ, Súy Hãng thuộc về xứ mới. Sau đó, Giáo họ dựng nhà thờ nhỏ bằng gỗ xoan, lợp lá để cầu nguyện.
Cơn bão 24/6 làm sập đổ nhà thờ. Cùng năm đó, ngôi đình của làng cũng bị đổ. Làng muốn xây ngôi đình to hơn nên đã bán cho Giáo họ ngôi nhà lim với giá 60 đồng và Giáo họ đã dựng nhà thờ 6 gian.
Biến cố năm 1954, các gia đình di cư hết vào Nam, chỉ còn duy nhất gia đình ông Thái. Năm 1974, nhà thờ xuống cấp, người trông coi không có, chính quyền xã đã cho dân quân tới dỡ bỏ. Sau đó, Giáo họ mượn ngôi nhà của ông Thái sửa chữa lại làm nơi cầu nguyện, cách đất nhà thờ cũ khoảng 1 km.
Năm 2015, cha xứ và Giáo họ đã trình đơn xin phép Bề trên Giáo phận để xây dựng nhà thờ mới với chiều dài 15m, rộng 5m, cao 6m và tháp chuông cao 20m.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Súy Hãng là vùng đất thuần chất nông nghiệp. Người dân nơi đây nồng hậu, giản dị, cần cù và chịu khó chăm lo cuộc sống. Đời sống Đức tin của Giáo họ cũng mang nét đơn sơ, bình dị nhưng sốt sáng và bền chặt. Trải qua những giai đoạn lịch sử với những biến cố thăng trầm, có lúc người ta tưởng chừng cái tên Súy Hãng không còn tồn tại. Tuy nhiên, được sự động viên, khích lệ của các cha coi sóc, cùng với lòng mến bền bỉ, kiên cường, Giáo họ Súy Hãng đã dần khôi phục và đang trên đà phát triển.
GIÁO HỌ TÂN MỸ
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1870
Năm xây dựng nhà thờ : 1993
Bổn mạng : Đức Mẹ Bảy Sự (15/9)
Số giáo dân : 135
Địa chỉ : Nhà thờ Tân Mỹ, thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Tây Bắc
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng đầu thế kỷ XIX, một số gia đình Công giáo quê ở Bặt (Thân Thượng) đến làng Hương Hiệp, thôn Phương Cáp, huyện Vũ Thư để làm ăn sinh sống. Sau một thời gian, người dân nơi đây đã tin và xin theo đạo. Khi số người tin Chúa đã đông, các tín hữu đã cùng nhau dựng một nhà nguyện nhỏ để làm nơi cầu nguyện.
Năm 1870, Giáo họ Tân Mỹ được thành lập, nhận Đức Mẹ Bảy Sự làm bổn mạng và Giáo họ có khoảng 200 giáo dân.
Năm 1916, Giáo họ chuyển đất về chỗ mới và dựng nhà thờ gỗ.
Ngày 06/2/1954, nhà thờ, nhà phòng và bộ đồ thờ bị chiến tranh phá hủy, giáo dân phần lớn di cư vào Nam sinh sống. Lúc này, Giáo họ chỉ còn lại 12 gia đình với 50 người.
Năm 1962, Giáo họ làm lại 4 gian nhà phòng làm nơi cầu nguyện.
Năm 1973, Giáo họ lập được ban kèn.
Năm 1993, cha xứ Vinhsơn Vũ Văn Duyệt và Giáo họ xây lại nhà thờ mới với chiều dài 20m, rộng 10.5m, cao 9m và tháp cao 26m.
Năm 2013, được phép Đức cha Phêrô, Giám mục Thái Bình, Giáo họ xây đền kính cha thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo họ Tân Mỹ là quê hương của cha thánh Đaminh Nguyễn Văn Xuyên. Ngoài ra, Giáo họ còn là quê hương 10 vị Hiền phúc có tên trong Sổ Tử Đạo Rôma: Đaminh Tiên (số 888); Đaminh Thược (số 889); Đaminh An (số 890); Đaminh Vũ (số 891); Đaminh Ưu (số 892); Đaminh Mốt (số 906); Đaminh Phương (số 907); Đaminh Dậu (số 908); Phêrô Mạo (số 909) và Đaminh Hứa (số 910).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Kế thừa truyền thống Đức tin mà cha ông để lại, Giáo họ Tân Mỹ vẫn duy trì được các đoàn hội: Ban kèn thành lập năm 1973, hội Con Đức Mẹ, ban ca... Các hội viên trong các đoàn hội nhiệt tình, sôi nổi, kêu gọi được mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia. Trên chặng đường đồng hành cùng với Giáo phận, Tân Mỹ luôn nêu cao tấm gương về tinh thần sống và giữ đạo bền bỉ, với ý thức và trách nhiệm mang hạt giống Tin Mừng gieo rắc trên mảnh đất quê hương xứ sở.
GIÁO HỌ THANH BẢN
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XIX
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2007
Bổn mạng : Thánh Cả Giuse (19/3)
Số giáo dân : 134
Địa chỉ : Nhà thờ Thanh Bản, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 9km về hướng Tây.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền ngôn, giữa thế kỷ XIX, có hai cụ từ Nga Đìa (gần xứ Phú Lạc) tới đất Thanh Bản ẩn trốn cơn bách đạo. Mảnh đất nhà thờ hiện nay, lúc đó là một cái miễu (đất táng người trong chum và treo lên) nơi các cụ dễ dàng ẩn trú. Khi bình an trở lại, con cháu các cụ đã dựng một nhà giáo làm nơi cầu nguyện.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, Giáo họ được thành lập nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng. Năm 1896, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ có hai hàng song.
Năm 1944, nhà thờ bị đổ gian cuối. Sau đó, Giáo họ xây lại và bỏ hai hàng song thay thế bằng tường gạch.
Năm 2002, cha xứ Phêrô Trần Đình Bốn và Giáo họ xây tháp chuông.
Ngày 20/9/2007, cha xứ Đaminh Bùi Thế Truyền và Giáo họ xây nhà thờ mới và được khánh thành ngày 11 tháng 01 năm 2015 dưới thời cha Vinhsơn Phạm Văn Sơn.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Với hơn 130 nhân danh, Giáo họ Thanh Bản đã thành lập được các hội đoàn: Hội Lòng Chúa Thương Xót, Ca đoàn. Ngoài các giờ lễ, kinh nguyện, chầu Thánh Thể, dâng hoa...các hội đoàn còn thực thi các công tác bác ái xã hội, thường xuyên thăm viếng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân trong và ngoài Giáo họ. Với lòng truyền thống kiên cường và lòng mến, Thanh Bản đang trên con đường phát triển, hòa nhập với dòng chảy của các giáo họ, giáo xứ trong toàn Giáo phận.
GIÁO HỌ THỌ LỘC
Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1858
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2006
Bổn mạng : Đức Maria Vô Nhiễm (08/12)
Số giáo dân : 310
Địa chỉ : Nhà thờ Thọ Lộc thôn Nội, xã Minh Khai, huyện Vũ thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về phía Đông.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng giữa thế kỷ XIX, ánh sáng Tin Mừng đã soi chiếu vào mảnh đất Thọ Lộc và người dân nơi đây đã không quản khó khăn để tiếp nhận.
Năm 1858, Giáo họ Thọ Lộc được thành lập, nhận Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi làm bổn mạng. Khi ấy, Giáo họ có 150 nhân danh. Ban đầu, các tín hữu nơi đây dựng ngôi nhà thờ 5 gian khung tre vách đất để làm nơi thờ phượng. Năm 1916, Giáo họ dựng ngôi thánh đường thứ hai bảy gian bằng gỗ lim.
Năm 1988, Đức cha Giuse Đinh Bỉnh, Giám mục giáo phận, đổi bổn mạng Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi và nhận lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ngày 12/5/2006, cha xứ Phêrô Đinh Văn Hùng và Giáo họ xây nhà thờ mới dài là 36.5m, rộng 12.5m, nóc cao 13.5m, tum cao 22.5m, tháp chuông cao 37m. Nhà thờ được hoàn tất vào ngày 8/12/2009.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo họ Thọ Lộc vinh dự có Hiền phúc Đaminh Chuyên (số 911). Mọi người thường gọi là ông Đốc Quyền. Đương thời, ngài làm chánh trương Giáo xứ, lúc đó giáo họ còn thuộc Kẻ Diền (xứ Duyên Lãng ngày nay). Ngài bị bắt và giải lên Nam Định. Không chịu quá khóa, Ngài chịu tử đạo ngày 19 tháng 11 năm 1859 tại Nam Định.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ Thọ Lộc có người con ưu tú đóng góp thợ cho Vườn Nho của Chúa là cha Đaminh Nguyễn Cao Phi (Thường).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là họ lẻ có số nhân danh đông nhất xứ, Thọ Lộc đã xây dựng tương đối đầy đủ các hội đoàn. Các sinh hoạt của các hội đoàn diễn ra cách đều đặn, sôi nổi đóng góp vào sự phát triển Đức tin của Giáo họ cũng như Giáo xứ.
GIÁO HỌ VÔ NGẠI
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1896
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :1936
Bổn mạng : Phaolô Tông Đồ (29/6)
Số giáo dân : 52
Địa chỉ : Nhà thờ Vô Ngại, thôn Vô Thái, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền ngôn, khoảng cuối thế kỷ XIX, có một cụ tên gọi là Đội Ban khi đi lính khố đỏ cho Pháp, cụ được các nhà thừa sai truyền đạo cho. Khi trở về quê, cụ và một số cụ khác đã theo đạo Công giáo. Ban đầu, các cụ dựng một nhà nguyện bằng tre, mái rạ để ngày ngày tới cầu nguyện.
Năm 1896, Giáo họ Vô Ngại được thành lập, nhận thánh Phaolô Tông đồ làm bổn mạng. Lúc đó, Giáo họ có khoảng 100 nhân danh.
Năm 1936, cha xứ Nguyễn Quang Đỉnh và Giáo họ dựng ngôi nhà thờ dài 13m, rộng 5.4m, cao 3m, quá giang bằng gỗ, hoành rui bằng tre luồng, lợp ngói mũi.
Năm 1951, chiến tranh làm sập gian thứ hai nhà thờ từ cuối lên. Cha xứ Đaminh Đinh Đức Trụ đã cho Giáo họ kinh phí để sửa chữa.
Năm 1954, số giáo hữu di cư vào miền Nam sinh sống đã làm cho số nhân danh trong Giáo họ sụt giảm.
Năm 1966, một cơn bão mạnh đã làm sập mái hai gian cuối ngôi nhà thờ.
Năm 1990, Giáo họ mua được quá giang lim của chính quyền địa phương và cột của Giáo họ Tân Mỹ về xẻ làm hoành sửa chữa hoàn chỉnh nhà thờ.
II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy là một Giáo họ ít người nhưng đời sống Đức tin của các tín hữu Vô Ngại vẫn diễn ra mạnh mẽ và sốt sáng. Vào các chiều trong ngày, tiếng kinh nguyện của bà con Giáo họ lại vang lên trong ngôi thánh đường thân thương cầu xin Thiên Chúa, kéo tình thương, sự bình an của Ngài xuống cho mỗi người con dân nơi đây.
GIÁO HỌ TRÀ ĐỘNG
(không có nhà thờ)
Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1926
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : nhà thờ không còn
Bổn mạng : Thánh Stêphanô (26/12)
Số giáo dân : 5
Địa chỉ : Nhà thờ Trà Động, xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3.5km về hướng Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Vào khoảng đầu thế kỷ XX, Trà Động có một số người tin theo đạo thánh Chúa, với một ngôi nhà nguyện bằng tranh tre, vách đất.
Năm 1926, Giáo họ Trà Động được thành lập, nhận thánh Stêphanô làm bổn mạng. Năm 1971, Giáo họ dựng lại được 3 gian nhà nhỏ trên diện tích đất 400m2.
Hiện nay, Giáo họ không còn nhà thờ. Đất nhà thờ do gia đình cụ Maria Nguyễn Thị Lịch và con là Maria Nguyễn Thị Xuyên hiện đang sinh sống.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy quá ít người và không có nhà thờ thờ làm nơi thờ phượng Chúa nhưng người tín hữu Trà Động vẫn nhiệt tình, hăng say giữ đạo và sống đạo. Mong ước của Giáo họ là có được nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa và là nơi để bà con giáo hữu họp nhau cầu nguyện sớm tối.
Phía trước còn rất nhiều khó khăn, các tín hữu Trà Động luôn cẩn có sự động viên về cả tinh thần cũng như vật chất của tất cả mọi người trong và ngoài Giáo phận để những ước mong chính đáng của mình trở thành hiện thực.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 53 | Tổng lượt truy cập: 4,570,228