Chúa Nhật XXVI TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 26/09/2024
  • Chủ đề: Ganh tị và vấp ngã

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 9,38-43.45.47.48)      

    Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn."Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt."

    ÍCH KỈ

    Dàn Ý

    1. Ích kỉ

    - Ích: Là ích lợi, tiện dụng, cổ họng, giúp, phong phú.

    - Kỉ: Là mình, riêng, nhỏ nhặt, cơ yếu, ghế nhỏ, kỷ luật.

    - Ích kỉ, selfish: Là tư kỉ, vị kỉ, chỉ nghĩ đến lợi riêng mình, không biết đến ai. Có thể là: Lợi dụng tình thế để thủ lợi, không biết chia sẻ, luôn sợ cho vay, hay giữ vật đã hết hạn sử dụng, chi tối thiểu, thường dùng nguyên tắc ‘bánh ít cho đi, bánh quy cho lại.’

    2. Lời Chúa hôm nay nói về ích kỉ

    - Sách Dân Số kể về tính ích kỉ của Giosuê khi thấy Elđad và Mêđad đang nói tiên tri: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi” (Ds 11, 28).

    - Giacobê nói về ông chủ ích kỉ: “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiếng kêu gào của họ đã thấu đến tai Chúa” (Gc 5, 4).

    - Gioan thể hiện tính ích kỉ: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y” (Mc 9, 38).

    3. Thực hành loại bỏ ích kỉ

    - Cần loại bỏ ích kỉ trong công việc. Ích kỉ là nguyên nhân dẫn đến xung đột, khác với cạnh tranh lành mạnh. Nó sẽ tạo ra thù hận, khủng bố, đói khổ, chết chóc; cuộc sống trở nên tồi tệ. Kitô hữu không nên quá để ý vào tính ích kỷ của ai mà nhấn mạnh đến kết quả việc làm của mình, phải chia sẻ cho nhau, vì tất cả đều do Chúa ban cho hết mọi người.

    - Cần loại bỏ ích kỉ trong tôn giáo. Giosuê ích kỉ không muốn Enđát và Mêđát nói tiên tri. Anh em của Giuse vì ghen đã bán em, các môn đệ muốn độc quyền Danh Thầy. Ích kỉ sẽ dẫn đến chia rẽ trong tôn giáo. Kitô hữu nghe lời Đức Giêsu, không ích kỉ giành độc quyền Thiên Chúa mà loại bỏ các tín đồ đạo giáo khác, vì Thiên Chúa luôn độ lượng, muốn cứu độ tất cả nhân loại.

    - Cần loại bỏ ích kỉ trong lãnh đạo. Vì ích kỉ, người ta độc trị, độc quyền về tài chính, thuế má, điện nước, xăng dầu, tài liệu giáo khoa, để vơ vét của người dân càng nhiều càng tốt. Đức Giêsu muốn dạy không được sống hẹp hòi cục bộ, cũng không ai có đặc quyền trong sứ vụ của Chúa, tất cả đều phải được nhìn nhận: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

    - Cần loại bỏ ích kỉ trong đối xử. Ích kỉ dẫn đến bất công. Người ta phân biệt đối xử, người Nam với người Bắc, bên Ðông với bên Tây, da trắng với da màu, người nghèo với người giàu. Kitô hữu không được nhân danh sự ‘toàn thiện’ mà loại bỏ người khác. Kinh Thánh dạy phải ‘vui với người vui và khóc với người khóc;’ phải coi nhau như anh em con một Cha trên Trời.

    - Truyện: Một nicô quí tượng Phật bọc vàng, đi đâu cũng cầm theo. Cô dọn cho pho tượng bàn thờ đặc biệt. Lúc đốt hương, ni cô không muốn hương bay sang các tượng khác, mà cho bay thẳng vào mũi pho tượng của mình. Lâu ngày, mũi pho tượng vàng trở nên đen thui xấu xí(ST).

    - Kitô hữu cũng tránh thứ ích kỉ làm hại mình, khi chịu đựng vô lí, làm những gì ngược lại với lợi ích hợp lí của mình, không biết nghỉ ngơi. Đồng thời phải sống chan hòa, không ích kỉ với người khác, luôn thể hiện tinh thần bác ái và làm những việc có giá trị trước mặt Chúa và anh em.

    GANH TỊ VÀ VẤP NGÃ

    Suy Niệm

              Trước hành động phàn nàn ganh tị với nhóm người không thuộc hàng ngũ Tông đồ lấy Danh Đức Giê-su để trừ quỷ, Người đã dạy các môn đệ về lòng khoan dung. Chúa cũng đặc biệt lên án Hoả ngục đối với ai gây tội gương mù làm dịp tội cho người khác vấp ngã.

              Người ta lấy làm lạ, tại sao một người có thể nhân Danh Đức Giê-su trừ quỷ mà lại không tin theo Người? Liệu việc cắt bỏ tứ chi thân xác là cách thức tốt nhất để mãi mãi loại trừ dịp tội?

              1. Câu chuyện trừ quỷ

              Đoạn Tin Mừng Thánh Mac-cô tiếp nối Lời dạy của Đức Giê-su về việc tiếp đón những người bé mọn. Trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, Gio-an đã phát hiện một biến cố ngộ nghĩnh, một người xa lạ lấy Danh Chúa để trừ quỷ, và người này rất thành công. Mặc dù dân It-ra-en cũng như dân ngoại, có nhiều thầy phù thủy làm nhiều phép thuật trừ ma quỷ, nhưng đây là trường hợp đặc biệt, người này không theo Đức Giê-su nhưng lại lấy Danh Người mà trừ quỷ.

              Các Tông đồ phản ứng và xin Đức Giê-su can thiệp: Các ông nghĩ rằng chỉ có các ông là những người được Chúa tuyển chọn, sai đi và ban quyền trừ quỷ; vậy mà giờ đây các ông chứng kiến một người không theo Chúa, không cùng sinh hoạt với các ông, lại có thể nhân Danh Thầy trừ quỉ thành công. Các Tông đồ muốn độc quyền rao giảng Tin Mừng và trừ quỷ, không muốn để người ngoài chia sẻ nhiệm vụ của các ông, và các ông đã phàn nàn với Chúa.

              Đức Giê-su trách thái độ ghen tị của các môn đệ: Đây là thói xấu, khiến nhiều người bực tức khi thấy ai đó hơn mình. Có thứ ghen tị tôn giáo, đầu óc tự tôn, ghanh tị vì Danh Chúa; khi thấy người ngoại giáo cũng làm những việc như mình thì chê bai, làm giảm giá trị. Các Tông đồ ghen tị mối quan hệ khác thường giữa người ngoại với Đức Giê-su, họ tỏ ra ích kỉ, phân biệt phe nhóm. Đức Giê-su chỉ cho các ông thấy rằng, Hồng ân cứu rỗi của Chúa là cho hết thảy mọi người, nếu họ không chống đối thì tất cả đều là anh em, Người phán: ''Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy Danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu Thầy''(Mc 9,39).

              Đức Giê-su dạy phải có lòng khoan dung: Người xa lạ trừ quỷ thật ra không có khuyết điểm gì, chỉ có điều người này không thuộc về nhóm các Tông đồ, và các ông không chấp nhận người đó. Đầu óc thống trị tôn giáo nhen nhóm nơi các Tông đồ và vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Khi thấy người khác không thuộc nhóm mình, không cùng nguồn gốc, không phải là người thuộc vùng miền của mình, họ coi thường thậm chí còn nói xấu nhau. Họ quên rằng mọi người đều được nhận lãnh Thần Khí Chúa, Đấng quy tụ muôn người nên một. Đức Giê-su hứa rằng Người sẽ ban thưởng cho những ai có lòng khoan dung: ''Ai cho anh em uống một chút nước lã vì là anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu"(Mc 9,41).

              2. Gương mù và dịp tội

              Sau khi Đức Giê-su dạy các Tông đồ về những đức tính cần thiết trong cuộc sống, Người còn nhắc các ông phải cảnh giác với những thứ luân lí tiêu cực: gương mù và dịp tội làm cho kẻ khác vấp ngã:

              Đức Giê-su dạy các môn đệ không được làm gương mù: Gương mù là nết xấu nguy hiểm tai hại. Những lời nói xấu xa hay những hành động đồi bại làm ảnh hưởng đến người khác. Gương mù còn được coi là thứ tội giết người không gươm. Bao nhiêu người vô tội, bao nhiêu trái tim đơn sơ đã bị cuốn hút và sa ngã vì gương xấu. Gương mù như bệnh lây lan nguy hiểm, làm số người tội lỗi gia tăng nhanh chóng. Đức Giê-su cực lực lên án và coi gương mù là một thứ tội dơ dáy đáng kết án buộc cối đá: ''Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây sa ngã, thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn''(Mc 9,42). Ngày xưa, có hai thứ kết án nặng nhất dành cho những kẻ tội ác nguy hiểm: đó là án treo trên cây thập tự và án buộc vào đá rồi quẳng xuống biển để chết chìm làm mồi cho hà mã. Đối với Chúa gương mù là tội ác nguy hiểm nhất.

              Đức Giê-su dạy phải xa tránh dịp tội: Dịp tội cũng là gương xấu làm hại người khác và còn là nguyên nhân bên ngoài làm cho chính mình vấp ngã. Dịp tội đến từ những người thân quen, gia đình, bạn bè; từ sách báo phim ảnh xấu, hay những nơi không an toàn như các điểm nhậu nhẹt, quán nhẩy. Dịp tội cũng đến ngay từ trong con người mình, mắt nhìn xem những thứ vẩn đục, tai nghe những âm thanh ô uế, miệng lưỡi luôn tìm cách nói dối, đánh lừa. Để tránh dịp tội, Đức Giêsu cũng đòi hỏi phải từ bỏ thú vui thân xác: ''Nếu tay anh em làm cớ cho anh em vấp ngã, thì chặt nó đi còn hơn. Thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn là có đủ cả hai tay mà phải sa vào hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt''(Mc 9,43). Tuy nhiên người ta không nên hiểu việc cắt bỏ này theo nghĩa đen. Đức Giê-su dạy phải cắt bỏ nết xấu, lời nói cay độc, cái nhìn căm thù, lối sống bất chính, và Người nhấn mạnh đến giá trị sự sống đời đời vượt trên mọi chọn lựa của con người.

              3. Thực hành sống đạo

              Qua đoạn Tin Mừng, mỗi người được thúc đẩy để hành động như Lời dạy của Đức Giê-su:

              Hãy mở cửa: Cái nhìn của Đức Ki-tô đối với người xa lạ, nhắc bảo Ki-tô hữu phải đưa tầm nhìn ra bên ngoài. Công đồng Va-ti-can II chấp nhận dị biệt chính đáng, cổ vũ hoà hợp với những anh em chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Người Ki-tô không đóng khung ở trong cộng đoàn của mình mà phải dấn thân vào các môi trường xã hội, hãy gác một bên những cuộc tranh luận về ý thức hệ chính trị, về truyền thống, về vùng miền, là thân cận bè phái. Ơn cứu độ của Chúa là cho tất cả mọi người.

               Hãy sống trong sạch: Người Ki-tô phải luôn giữ mình trong sạch; con đường truyền giáo tốt nhất là gương sáng. Ơn gọi của Ki-tô hữu là phục vụ, phải mở rộng cánh cửa tình thương của Đức Ki-tô đến những người anh em. Nết xấu và tội lỗi như nọc độc cướp đi những tâm hồn trong trắng đang hi vọng vào cuộc sống chuẩn mực của Ki-tô hữu.

              Hãy hi sinh: Con đường Chúa đi là con đường hẹp, con đường Thánh Giá. Ki-tô hữu phải biết hi sinh những quyến rũ, tiện nghi, phải biết dứt bỏ những phần hư hỏng, phải biết chia sẻ cuộc sống với người nghèo, phải biết chịu đựng trước thử thách, phải biết đón nhận những khó khăn Chúa gửi đến.

              Xin Chúa thương, qua lời cầu của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, giúp chúng con hiểu ý Chúa, sống trong sạch để nêu gương sáng cho người khác.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan