HỎI:
Thưa Cha con có vài thắc mắc muốn cha giúp giải đáp: 1. Bí tích hôn phối được Chúa Giêsu thiết lập lúc nào? 2. Cách xông hương: Việc xông hương hình như không có sự thống nhất. Ví dụ: Con thấy có nơi, Lm. Xông hương Cho Chúa, Thánh Thể… Xông 3 lần, mỗi lần lắc 3 cái. Tức tông cộng 3 lần là có 9 lắc. Xông cho chủ tế cũng xông 3 lần nhưng mỗi lần lắc 2 cái. Tổng cộng 3 lần xông là 6 lắc. Còn xông cho cộng đoàn cũng xông 3 lần nhưng mỗi lần chỉ lắc 1 cái và tộng cộng 3 lần xông là 3 lắc mà thôi. Và theo con nghĩ hình như đây là cách xông theo truyền thống? Mới đây con biết có một số linh mục khi xông hương thì: xông 3 lần cho Chúa.. là 9 còn chủ tế và giáo dân thì 3 lân mà chỉ còn 6 lắc mà thôi. Và có con thấy xông 3 lần nhưng đều 9 lắc. Con không biết những cách xông trên đây cách nào là đúng phụng vụ? Và tài liệu nào chính thức quy định về cách xông hương này? Xin cha giúp. Nhiều lần tụi sinh viên chúng con cãi nhau lộn xì ngầu mà không biết ai đúng ai sai? Chân thành cám ơn cha.
Hong An
ĐÁP:
Anh Hồng Ân (Hồng An?) thân mến, để trả lời vấn nạn “Chúa Kitô lập Bí Tích Hôn Phối khi nào?” tôi có thể nói: Bí Tích Hôn Phối cũng như 6 Bí Tích khác được Chúa Giêsu thiết lập khi Ngài Nhập Thể xuống trần gian. “Lúc khởi đầu cuộc sống công khai của mình, Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên, theo lời yêu cầu của Mẹ Ngài, trong một đám cưới. Giáo Hội đặt một tầm quan trọng lớn vào sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Giáo Hội coi đó là sự thừa nhận tính tốt lành của cuộc hôn nhân và lời loan báo rằng từ nay hôn nhân sẽ là một dấu hiệu hữu hiệu của sự hiện diện của Chúa Kitô” (GLCG 1613).
Cùng với Giáo Hội, chúng ta tuyên xưng rằng: “Gắn bó với giáo lý của Thánh Kinh, với các truyền thống tông đồ (...) và với tâm thức nhất trí của các Giáo phụ” Chúng ta tuyên xưng rằng (xem GLCG 1114). Chúng ta không thể trả lời cụ thể cho những câu hỏi tương tự như: “Chúa Kitô lập bí tích này hay bí tích kia lúc nào, ngày nào, ở đâu, trong biến cố nào?” Chúng ta có thể trưng dẫn giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề này khi đọc lại khoản điều sau đây của Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo:
“Các lời nói và các hành động của Chúa Giêsu trong quãng đời ẩn dật và trong thừa tác vụ công khai của Ngài đã có tính chất cứu độ, bởi vì đã thể hiện trước quyền năng của mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Các lời nói và các hành động đó đã loan báo và chuẩn bị cho những gì Ngài sắp ban cho Giáo Hội khi mọi sự sẽ hoàn tất. Các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô là những cơ sở của những gì mà từ nay Ngài sẽ phân phát trong các Bí Tích, qua các thừa tác viên của Giáo Hội Ngài, bởi vì những gì hữu hình nơi Chúa Cứu Thế đã được chuyển qua các mầu nhiệm của Ngài” (GLCG 1115).
Lời cứu độ và những việc làm của Chúa Cứu Thế là nền tảng của những gì sẽ chuyển thông cho nhân loại qua các Bí Tích mà Giáo Hội, với ơn Chúa Thánh Thần, đã nhận ra sự hiện hữu của bảy Bí Tích được thiết lập do Chúa Kitô.
Liên quan đến Bí Tích Hôn Phối, Chúa Kitô đã có những lời giảng dạy về giá trị của Hôn nhân gia đình, đã có những việc làm biểu lộ ý muốn của Ngài đối với các cuộc hôn nhân. Và ngay chính việc Nhập Thể của Ngài tất cả đã là nền tảng cho sự thiết lập Bí Tích Hôn Phối trong Giáo Hội của Chúa.
Vấn nạn thứ hai về việc xông hương trong Thánh Lễ, chúng ta có thể mở Những Chỉ Dẫn Tổng Quát của Sách Lễ Rôma (Institutio Generalis Missalis Romani), các đoạn 276-277. Theo những chỉ dẫn đó: Xông hương là biểu trưng sự cung kính, lời cầu nguyện (xem Tv 141:2; Kh 8:3) được dùng trong Thánh Lễ những lúc:
- Rước nhập lễ
- Lúc đầu lễ Xông Bàn Thờ và Thánh Giá
- Cuộc rước Sách Phúc Âm và trước khi công bố Phúc Âm
- Xông Của Lễ, Bàn Thờ, Linh Mục, Dân Chúa
- Thánh Thể sau khi Truyền Phép
Cách thức xông:
Ba “lắc” (swings) khi xông:
- Thánh Thể
- Thánh Tích Gỗ Thánh Giá
- Ảnh Tượng Chúa
- Của Lễ (hay xông hình Thánh Giá trên Của Lễ)
- Thánh Giá
- Sách Phúc Âm
- Nến Phục Sinh
- Linh Mục
- Giáo Dân
Hai “lắc” khi xông:
- Thánh Tích hay Ảnh Tượng các Thánh (chỉ xông lúc đầu lễ)
Một “lắc” khi xông:
- Bàn Thờ.
Trong tài liệu không nói rõ phải xông bao nhiêu lần nhưng trong thực tế người ta thường xông ba lần cho đối tượng, mỗi lần 1, 2 hay 3 lắc tùy trường hợp.
Lm. Phi Quang
(Nguồn: Tinmung.net)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 141 | Tổng lượt truy cập: 4,179,351