ĐÁP:
Việc có Thiên Đàng và hỏa ngục là vấn đề thuộc đức tin dựa trên những giáo huấn của Thánh Kinh. “Chúa Giêsu thường nói đến ‘hỏa ngục’ , đến ‘lửa không bao giờ tắt’, dành cho những ai, cho đến lúc chết, vẫn từ chối tin và trở lại, và đó là nơi cả hồn lẫn xác có thể bị hư mất...” (GLCG 1034). Những khẳng định của Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo Hội về hỏa ngục là một lời kêu gọi tới trách nhiệm của con người trong việc sử dụng tự do của mình, hướng về số phận muôn đời của mình. Đó cũng là lời kêu gọi khẩn thiết hãy hối cải... (xem GLCG 1036).
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không tiền định cho một người nào phải xuống hỏa ngục (xem GLCG 1037) nhưng Ngài cũng không ép buộc ai vào Thiên Đàng. Con người có tự do lựa chọn và dù đến giờ chết vẫn từ chối không chấp nhận Chúa mới vào hỏa ngục. Chúa không muốn ai phải hư mất nhưng muốn mọi người sám hối (xem 1Tim 2:4). Thiên Chúa là Tình Yêu, Sự Sống, Nguồn Hạnh Phúc thì chính sự chối bỏ Ngài vĩnh viễn là tự đặt mình vào một trạng thái trầm luân đời đời bất hạnh. Trong bài giáo lý trong cuộc triều yết chung ngày 28 tháng 7 năm 1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Hỏa ngục chỉ tình trạng của những người tự do và cố ý tự tách rời khỏi Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui.” Nói cách khác, người ta chỉ có thể vào hỏa ngục khi người ta muốn, và do đó không mâu thuẫn gì đến chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu.
Còn việc xin lễ của những người giàu dễ dàng hơn những người nghèo không có nghĩa là Chúa thiên tư người giầu. Loài người nhìn và xét đoán theo bề ngoài nhưng Thiên Chúa xét bề trong. Chúng ta đã nghe chính Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm về người nghèo bỏ có hai đồng mà Chúa kể họ bỏ nhiều hơn những người giầu có khác (xem Lk 21:3). Không nhất thiết có nhiều tiền xin nhiều lễ mà đã được thưởng lên Thiên Đàng sớm. Việc dâng cúng tiền bạc để xin cha dâng lễ theo ý chỉ của mình là một hành vi thờ phượng có ý nghĩa dâng cho Chúa những hy sinh cụ thể và “chia sẻ mối quan tâm của Giáo Hội trong việc nâng đỡ các thừa tác viên và các công việc của Giáo Hội” (Giáo Luật, n.946).
Lm. Phi Quang
(Nguồn: Tinmung.net)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 92 | Tổng lượt truy cập: 3,230,019