Cảm nghiệm sau lễ Truyền chức linh mục Giáo phận Thái Bình năm 2023

  • 05/12/2023
  • Sáng ngày 02/12/2023, tôi hoà mình trong dòng người nô nức tiến về Toà Giám mục Thái Bình để tham dự Thánh lễ Truyền chức linh mục, do Đức Cha Đa Minh Đặng Văn Cầu chủ sự. Niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời thể hiện không những trên khuôn mặt các tiến chức mà nơi rất nhiều người: Các vị chủ chăn Giáo phận, gia đình, bạn bè… đặc biệt trên khuôn mặt nhuốm màu khắc khổ, chai sạn vì nắng mưa của các ông bà Cố.

    GÁNH TẬN HIẾN CÙNG CON

    Sáng ngày 02/12/2023, tôi hoà mình trong dòng người nô nức tiến về Toà Giám mục Thái Bình để tham dự Thánh lễ Truyền chức linh mục, do Đức Cha Đa Minh Đặng Văn Cầu chủ sự. Niềm vui, niềm hạnh phúc rạng ngời thể hiện không những trên khuôn mặt các tiến chức mà nơi rất nhiều người: Các vị chủ chăn Giáo phận, gia đình, bạn bè… đặc biệt trên khuôn mặt nhuốm màu khắc khổ, chai sạn vì nắng mưa của các ông bà Cố.

    Hình ảnh: Cuộc rước khởi đầu Thánh lễ truyền chức Linh mục (02/12/2023)

     

    Rồi ngày 05/12/2023, khi tham dự Thánh Lễ Tạ ơn của Tân Linh mục Đa Minh Phạm Văn Thoả tại Giáo xứ Thanh Châu, một lần nữa, tôi lại được cảm nghiệm sự hy sinh vất vả của những người đã TẬN HIẾN cả đời, DÂNG HIẾN những người con yêu quý của mình cho Chúa và Giáo Hội.

    Đâu đó ta thường nghe người đời truyền nhau câu “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, nhưng với những người đi tu thì “Một người đi tu, phải nhờ cả họ”. Cả họ hàng dòng tộc nâng đỡ ơn gọi cho người đi tu không chỉ bằng lời cầu nguyện âm thầm, mà còn dành cả những hy sinh tinh thần, vật chất… giúp cho họ có được hoa trái là thiên chức Linh mục hoặc trở nên người tu sĩ thuộc trọn về Chúa. Sự hy sinh sâu đậm nhất, chắc có lẽ vẫn là những ông bà Cố. Quả thật, Thánh lễ Tạ ơn của Tân chức hoặc tu sĩ khấn dòng đều có một điểm chung: chứa chan những tâm tình xúc động khi nói về công ơn sinh thành, dưỡng dục, hy sinh của cha mẹ…

    Cha giáo Phê-rô Vũ Khắc Năng trong bài giảng lễ tạ ơn của Tân Linh mục Đa Minh đã chia sẻ rằng: “Tham dự nhiều Thánh Lễ Truyền chức ở Giáo phận Thái Bình, nhưng năm nay có một điều đặc biệt: Các ông bà Cố của 10 Tân Linh mục năm nay đều cố “lom khom” dẫn con bước lên bàn thờ.” Các ngài “lom khom” không chỉ vì tuổi đã cao niên mà còn vì những hy sinh vất vả trong cuộc đời.

    Ông bà Cố Thiệp với dáng người nhỏ bé, hao gầy, những sợi tóc “muối nhiều hơn tiêu” hôm nay chính thức trở thành “Cố -3 lần Cố”. Ông bà sinh hạ được 6 người con: 4 gái 2 trai, thì đã dâng hiến một nửa cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội: 1 xơ dòng Phao-lô Hà Nội, 1 xơ tu hội Trợ Tá Tông Đồ, và nay là Tân Linh mục Đa Minh.

    Cả một cuộc đời lao nhọc vất vả một nắng hai sương, tận hiến cuộc đời mình cho Chúa và chăm lo cho các con. Năm ngoái ông Cố bị bệnh nặng, tưởng không có cơ hội nhìn con bước lên bàn thánh; bà Cố cũng gầy guộc đau yếu luôn, nhưng với hai ông bà “tất cả mọi sự có Chúa lo”. Dù tuổi đã cao, sức đã mòn nhưng với nghề nấu rượu-nuôi heo, hai ông bà vẫn chăm chỉ làm việc để có thể dành dụm mỗi lần con đi tu về xin. “Xin” có thể không cho bản thân mình nhưng “xin” để mang đi, để làm phương tiện giúp đỡ những người nghèo khó, vất vả, ốm đau trong sứ mạng của người mục tử, người tu sĩ.

    Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội có thêm nhiều thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo. Và xin ơn Chúa xuống trên các ông bà Cố để các ngài luôn được an vui trong tuổi già, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho tất cả những người con đang trên đường lao tác mục vụ. Ước gì những “Gánh tận hiến cùng con” sẽ nhẹ nhàng hơn khi các ông bà Cố thấy con mình vui, hạnh phúc và trưởng thành từng ngày trong đời tu.

    HOÀ AN

    Bài viết liên quan