Người đã chịu khổ hình vì chúng ta

  • 19/04/2025
  • Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh – chiều của bóng tối và cái chết – nhưng cũng là chiều sâu thẳm nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bước ra từ khung cảnh linh thiêng và trang nghiêm của buổi cử hành phụng vụ tại Trụ sở Giáo phận Thái Bình miền Nam, lòng tôi vẫn còn vang vọng những thổn thức không thể gọi thành tên. Một buổi chiều không giống bất kỳ buổi chiều nào trong năm – nơi mọi cảm xúc như bị rút cạn, chỉ còn lại sự thinh lặng và lời thì thầm: “Chúa đã chết vì con”.

    Chúng tôi bắt đầu bằng việc đi Đàng Thánh Giá. Trên mỗi chặng đường, tôi như thấy lại chính cuộc đời mình phản chiếu trong khuôn mặt nhọc nhằn của Chúa: có những vết thương tôi gây ra, những lần tôi ngã mà không dậy nổi, cả những lúc tôi quay lưng bỏ rơi tha nhân để giữ lấy sự yên ổn riêng. Nhưng lạ thay, trong từng ánh mắt, từng bước chân lê lết trên đường thương khó, Chúa không nhìn tôi bằng giận dữ, mà bằng ánh mắt tha thứ quặn lòng. Như thể Ngài đang nói: “Thầy biết con yếu đuối, nhưng Thầy vẫn đi hết con đường này… vì con”.

     

    Tôi thấy Chúa ngã xuống – không chỉ một lần mà đến ba lần – và trong mỗi lần ngã ấy, tôi nhận ra chính mình: ngã vì lười biếng, vì ích kỷ, vì không đủ yêu. Chúa không oán trách. Ngài chỉ lặng lẽ đứng dậy vác Thánh Giá tiếp, vì Ngài biết: nếu Ngài bỏ cuộc, tôi sẽ không có lối để quay về.

    Phụng vụ chiều Thứ Sáu diễn ra trong sự tĩnh lặng thẳm sâu. Không có Thánh lễ, không truyền phép – chỉ có Lời Chúa và nghi thức Suy tôn Thánh Giá. Khi cha chủ tế phủ phục dưới chân bàn thờ, tôi cũng muốn quỳ xuống – không chỉ bằng thân xác, mà bằng cả tâm hồn khiêm tốn và ăn năn. Tôi cảm nhận như cả Giáo hội đang sụp mình trước một tình yêu nhiệm mầu: Thiên Chúa chết cho con người. Không vì nghĩa vụ. Không vì ép buộc. Mà chỉ vì yêu.

    Bài Thương Khó theo Thánh Gioan được công bố – không còn là chuyện xưa, mà là một lời mời gọi tôi bước vào cuộc thương khó thực sự: nơi Đức Giêsu bị kết án bất công, bị phản bội bởi người thân tín, bị đóng đinh bởi những bàn tay từng nhận phép lạ, và bị lãng quên bởi những kẻ từng tung hô Ngài ngày Lễ Lá. Tôi tự hỏi: liệu tôi có ở trong đám đông ấy – từ "Hosanna" sang "Đóng đinh nó vào thập giá"? Trái tim tôi nghẹn lại. Tình yêu của Thiên Chúa không phải lý thuyết – mà là hành động tự hiến, đi đến tận cùng đau khổ để cứu độ nhân loại.

    Cao điểm là lúc cây Thánh Giá được dần mở ra trong phần Suy tôn. Ba lần vang lên: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”, và ba lần cộng đoàn đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Tôi bước lên, cúi mình hôn Thánh Giá – như một lời thinh lặng trao về tất cả yếu đuối, tội lỗi, và lòng biết ơn của một người được cứu chuộc cách nhưng không.

    Giờ Nguyện ngắm 15 sự Thương Khó tiếp nối. Nhà nguyện chìm vào cõi chiêm niệm. Giọng ngắm chậm rãi, đầy chiều sâu, đưa tôi trở về từng khoảnh khắc khổ nạn. Ngắm thứ 6, thứ 11, thứ 13… như những dấu ấn khắc sâu hành trình tình yêu bị nghiền nát. Chúa không oán trách. Ngài không làm phép lạ để thoát chết. Ngài để tình yêu đi đến cùng – chấp nhận đau, nhục, bị hiểu lầm và bỏ rơi – để cứu chính tôi. Tôi thấy mình trong từng lời ngắm – thấy những lần sống hời hợt với ơn cứu độ, những lần chọn an toàn thay vì trung tín.

    Cảm động nhất là nghi thức tháo đanh và hôn chân Chúa. Khi tượng Chúa bị đóng đinh được hạ xuống, không còn là Đấng Thiên Sai quyền năng, mà là một thân xác tan nát vì yêu. Khi đôi tay và chân Ngài được tháo ra khỏi thập giá, tôi cảm nhận như chính sự cứng cỏi trong lòng mình đang dần mềm lại. Những chiếc đinh không chỉ là sắt thép – mà là ghen ghét, kiêu căng, ích kỷ… tôi từng ghim vào tình yêu Chúa mỗi ngày. Tôi cúi mình hôn chân Ngài – đôi chân rướm máu từng lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm tôi, con chiên lạc đường. Giờ đây, tôi chỉ còn biết thinh lặng, để trái tim thổn thức, để nước mắt rơi như một lời ăn năn muộn màng.

     

    Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh khép lại không tiếng chuông, không Thánh lễ – chỉ có Thánh Giá và hy vọng. Dù mọi thứ dường như kết thúc nơi cái chết, nhưng tôi biết: tình yêu thì không bao giờ chết.

    Tôi ra về trong một thinh lặng đầy suy tư – không phải là sự trống rỗng, mà là khoảng lặng cần thiết để Thập Giá khắc vào lòng tôi một chân lý: tôi được cứu độ không phải bằng lý thuyết, mà bằng giá máu. Và vì thế, tôi không thể sống hời hợt.

    Lạy Chúa Giêsu,

    tình yêu Ngài đã chạm đến tận đáy hồn con hôm nay.

    Xin cho con biết sống một đời sống mới –

    không còn lấp lửng giữa ánh sáng và bóng tối,

    nhưng dám chọn yêu như Ngài:

    trọn vẹn – âm thầm – và đi đến cùng..

    Dự tu Thái Bình – miền Nam

    Bài viết liên quan