GIÁO XỨ PHƯƠNG XÁ
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1909
Năm thành lập Giáo xứ: 1921
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1999
Năm cung hiến : 22/02/2001.
Tước hiệu : Đức Mẹ La Vang
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Số giáo dân :
Địa chỉ : Nhà thờ Phương Xá, thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng,
tỉnh Thái Bình.
I-VI TRÍ
Giáo xứ Phương Xá cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 15km về hướng Đông Bắc; phía Nam giáp xứ Lương Đống; phía Đông Nam giáp xứ Phương Mai; phía Đông Bắc giáp xứ Cao Mộc; phía Tây giáp xứ Thuần Túy.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, Phương Xá được đón nhận ánh sáng Tin Mừng do các thừa sai dòng Đaminh. Trước đây, Phương Xá gọi là Giáo họ Vàng, thuộc xứ Kẻ Bái, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng.
Năm 1800, Giáo xứ Cao Mộc được thành lập, Giáo họ Vàng thuộc về xứ mới.
Năm 1909, cha Sedano Thái cho xây ngôi nhà thờ và đổi tên mới là Phương Xá.
Năm 1921, Đức cha Phêrô Munagorri Trung ban Sắc thành lập giáo xứ Phương Xá.
Ngày 11/12/1937, cha Batôlômêô Ân về coi giáo xứ, ngài cho tu sửa nhà thờ.
Năm 1939, được phép Đức cha Giáo phận, cha Batôlômêô lập nhà phước Đaminh Phương Xá.
Năm 1999, Giáo xứ xây nhà thờ mới với chiều dài là 40m, rộng 20m, cao 25m được khánh thành và cung hiến ngày 22/02/2001 do Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Thanh Hóa.
Năm 2003, Giáo xứ xây nhà chung dài 14m, rộng 14m, cao 14m và nhà mục vụ 4 phòng dài19m, rộng 9m và cao 9.5m.
Tháng 05/2008, Giáo xứ xây tháp chuông cao 36m và xây tượng đài Đức Mẹ La Vang.
Các Chứng nhân tử đạo
Thời vua Tự Đức bách hại đạo đã thiết lập nơi xử các tín hữu Công giáo tại Giáo họ. Các tín hữu của Chúa đã hiến dâng mạng sống làm chứng cho Đức tin. Phương Xá có bốn Hiền phúc tử đạo: Linh mục Gioan Thao (số 323) bị trảm quyết ngày 15/8/1859 tại Nam Định; Đaminh Tào (số 311) bị án trảm cùng Hiền phúc Thìn (số 510); Gioan Chiềng (số 512) chịu tử đạo tại Nam Định; ông bố Tôn (số 1109) cùng chịu tử đạo với cha Tôma Lương ngày 23/4/1862 tại Hải Dương.
Ơn gọi trong Giáo xứ
Giáo xứ đóng góp vào cánh đồng truyền giáo những người con quê hương, dâng hiến cuộc đời theo Chúa trong đời sống tu trì, dấn bước phục vụ Giáo Hội và tha nhân. Đó là các linh mục, tu sỹ nam nữ và chủng sinh đang phục vụ trong và ngoài Giáo phận.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Giuse Lộc; cha Gioan Bùi Kim Nguyện; cha Giuse Trần Trọng Hậu; cha Đaminh Mai Đức Tín; cha Tôma Vũ Nguyên Sùng; cha Gioan Baotixita Trịnh Xuân Thu; Đức cha Giuse Đinh Bỉnh; cha Giuse Trần Xuân Chiêu; cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Châu; cha Phêrô Nguyễn Đình Tân; cha Giuse Nguyễn Văn Ban; và hiện nay là cha Giuse Phạm Đức Thuấn.
Các giáo họ trực thuộc: Đồng Kỷ, Cổ Tuyết.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo xứ thành lập các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Trung binh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Nghĩa binh Thánh Thể, Ca đoàn, ban Trống, ban Trắc, ban Kèn. Ngoài việc phục vụ giáo xứ, các đoàn hội tích cực cộng tác với cha xứ và giáo xứ trong việc thi hành sứ mạng truyền giáo và thực thi bác ái. Nhờ đó các sinh hoạt trong Giáo xứ trở nên sinh động, sốt sáng, nhất là trong những dịp lễ lớn.
Cha xứ, quý dì dòng nữ Đaminh Thái Bình cùng với Hội đồng Giáo xứ quan tâm đến việc củng cố Đức tin cho thế hệ tương lai, tổ chức các lớp giáo lý, sinh hoạt và chia sẻ Lời Chúa cho Giới Trẻ. Ngoài ra, cha xứ còn chú trọng đến việc huấn luyện lễ sinh và các hoạt động Phụng vụ trong giáo xứ.
GIÁO HỌ ĐỒNG KỶ
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1913
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1915
Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
Số giáo dân : 84
Địa chỉ : Nhà thờ Đồng Kỷ, thôn Đồng Kỷ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ hơn 3km về hướng Tây Bắc.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Khoảng cuối thế kỷ XIX, các thừa sai đến làng Đồng Kỷ và Lệ Bảo rao giảng Tin Mừng và đã có một số người tin theo. Con số tín hữu ngày một gia tăng, họ quy tụ nhau và dựng một nhà nguyện bằng vách lá, lợp cọ. Lệ Bảo cũng dựng một nhà nguyện nhỏ bằng lá để làm nơi cầu nguyện.
Năm 1906, các tín hữu từ hai làng đã tăng lên 240 nhân danh. Giáo dân Đồng Kỷ và Lệ Bảo đồng thuận sáp nhập và lấy tên là Đồng Lệ. Sau khi sát nhập, giáo hữu đã dựng nhà thờ 7 gian trên phần đất hiện nay và thuộc xứ Cao Mộc. Thời gian trôi qua, danh từ Đồng Lệ lại được gọi là Đồng Kỷ từ bao giờ không ai biết.
Năm 1913, Đồng Kỷ đón nhận Sắc thành lập Giáo họ Đồng Kỷ, thuộc xứ Cao Mộc, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng.
Năm 1915, Giáo họ xây dựng nhà thờ bằng gỗ 9 gian (mua lại của Giáo họ Đồng Bằng) dài 27m, rộng 13m, cao 9m.
Năm 1920, Giáo họ xây tháp chuông cao 25m và khánh thành năm 1925.
Năm 1921, Đức cha Munagorri Trung ban Sắc thành lập Giáo xứ Phương Xá, Đồng Kỷ thuộc xứ mới.
Cơn bão năm 1961 đã khiến nhà thờ hư hại nặng nề và Giáo họ đang cố gắng sửa chữa.
Năm 1993, Giáo họ dựng nhà chung 5 gian bằng gỗ lim.
Năm 2009, Giáo họ đại tu tháp chuông, thay giàn gỗ đã hư hỏng bằng bêtông để ngôi thánh đường thêm phần khang trang.
Thời vua Tự Đức bách hại đạo, tại Đồng Kỷ có một nơi dùng làm pháp trường xử các tín hữu Công giáo.
Ơn gọi trong Giáo họ
Giáo họ Đồng Kỷ tuy nhỏ và ít người nhưng cũng đóng góp vào Vườn Nho của Chúa những người con ưu tú: Hai cha đang phục vụ tại miền Nam, một thầy Phó tế dòng Xitô, Sài gòn.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hầu hết giáo dân Đồng Kỷ sống bằng nghề nông quanh năm lam lũ, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn. Với những truyền thống được kế thừa từ các bậc tiền nhân, Giáo họ có quyền tự hào về lịch sử của mình. Cũng từ đó, Giáo họ luôn có động lực để dấn thân trên cánh đồng truyền giáo bao la của quê hương.
GIÁO HỌ CỔ TUYẾT
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1913
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1913
Bổn mạng : Thánh Tôma Tông đồ (03/7)
Số giáo dân : 33
Địa chỉ : Nhà thờ Cổ Tuyết, xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 10km về hướng Tây Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo truyền khẩu, mảnh đất Cổ Tuyết được đón nhận ánh sáng Đức tin vào cuối thế kỷ XVIII do một số thừa sai từ Kẻ Bái đến làng Cổ Tuyết rao giảng. Hạt giống Đức tin cứ thế âm thầm lớn lên. Các tín hữu ban đầu dựng một nhà nguyện nhỏ, tường đất, lợp cọ, nhận thánh Tôma Tông đồ làm bổn mạng.
Năm 1913, Giáo họ dựng nhà thờ mới bằng gỗ lim 7 gian, dài 14m, rộng 7m và cao
7m.
Số giáo dân ngày càng gia tăng, các nữ tu được cử về đây sinh hoạt cùng Giáo họ.
Nạn đói năm 1945 đã cướp mất nhiều người, nhà phước phải dời về nhà xứ Phương
Xá.
Biến cố năm 1954, một số đông giáo dân di cư vào miền Nam, chỉ còn lại 2 gia đình. Năm 1963, Giáo họ đại tu nhà thờ. Năm 1985, cụ Tôma Điền và con cháu thay lại toàn bộ phần nóc nhà thờ.
Năm 1995, cha xứ và mọi người xây lại tường nhà thờ, lợp mái và làm thêm gian phòng áo.
Năm 2010, Giáo họ dựng 4 gian nhà phòng bằng gỗ lim, phục vụ mọi sinh hoạt của Giáo họ.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo họ hẻo lánh, số giáo dân ít, sống xen lẫn giữa những người lương dân và còn nhiều khó khăn nhưng tinh thần sống đạo của bà con Giáo họ Cổ Tuyết rất sốt sáng, đoàn kết cùng được sự quan tâm săn sóc chu đáo của cha xứ cũng như các xứ họ xung quanh. Trong hành trình hướng tới tương lai, Cổ Tuyết đang ra sức phấn đấu xây dựng đời sống đạo ngày một sâu sắc hơn.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 32 | Tổng lượt truy cập: 4,405,445