GIÁO XỨ THUẦN TÚY
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : Đầu thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo xứ : 1937
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1910
Bổn mạng : Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời (15/8) Lòng Chúa Thương Xót (Chúa Nhật II PS)
Số giáo dân : 646 (Toàn xứ), 347 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Thuần Tuý, thôn Rí, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Thuần Tuý cách Tòa Giám mục khoảng 15 km về hướng Đông; phía Đông Nam giáp các xứ Tân Hưng, Đông Khê; phía Đông Bắc giáp các xứ Phương Xá, Tràng Lũ và Cao Mộc; phía Tây giáp các xứ Duyên Tục, Nam Lỗ và Tràng Quan.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển Theo truyền khẩu, vùng đất Thuần Túy được đón nhận ánh sáng Đức Tin vào đầu thế kỷ XVIII do các thừa sai dòng Đaminh truyền đạo. Hạt giống Đức Tin gieo vào mảnh đất phì nhiều này đã sinh sôi nẩy nở, phát triển thành Giáo họ Thuần Tuý, thuộc xứ Cao Mộc.
Ban đầu, Giáo họ cất được ngôi nhà thờ vách đất, mái lá. Đến năm 1910, Giáo họ đã xây dựng một ngôi nhà thờ bằng gỗ với chiều dài 45m, rộng 16m, cao 10m và hai tháp chuông cao 25m, một tháp chuông cao 17m, nhận Danh Thánh Đức Maria làm bổn mạng.
Năm 1921, Đức cha Phêrô Munagorri Trung ban sắc thành lập xứ Phương Xá, Giáo họ Thuần Tuý được chuyển về xứ này.
Năm 1937, Đức cha Gioan Casado Thuận, Giám mục Tông Toà giáo phận Thái Bình, đã nâng Giáo họ Thuần Tuý thành Giáo xứ, đồng thời cắt họ Phù Lưu của xứ Phương Xá và họ Tiên Cầu của xứ Bồ Ngọc làm họ lẻ thuộc Giáo xứ này.
Năm 1981, Đức cha Giuse Đinh Bỉnh đã đổi bổn mạng Giáo xứ thành Đức Maria Hồn Xác Lên Trời.
Tuy là một Giáo xứ thuần nông, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ sở vật chất của Giáo xứ đã được ổn định và thuận tiện cho mọi sinh hoạt của Giáo xứ: Nhà chung (1937), đài Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời(1995), nhà giáo lý (1997), ngôi Nhà nguyện ở đầu nhà thờ (2003), Nhà Nguyện ở nghĩa trang (2004), đài Thánh Phêrô và đài Thánh Giuse (2005), và năm 2007, Đức ông Hier. Nguyễn Phúc Hạnh cùng cộng đoàn đại trùng tu ngôi thánh đường và nhận Lòng Chúa Thương Xót làm Đấng Bảo Trợ cho Giáo xứ.
Các chứng nhân tử đạo
Thời vua Tự Đức cấm đạo, nền nhà thờ Thuần Tuý ngày nay là nơi giam giữ các tín hữu Công giáo từ nhiều nơi chuyển đến. Trong thời kỳ này, Giáo xứ Thuần Tuý có một người con đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình thêm xanh, đó là Hiền phúc Lai (số 517). Hài cốt của ngài được an táng tại Nhà Nguyện nghĩa trang Giáo xứ Thuần Tuý.
Ơn gọi trong Giáo xứ
Trong cánh đồng truyền giáo, Giáo xứ Thuần Túy đã đóng góp cho Giáo Hội những người con ưu tú để phục vụ Chúa và tha nhân: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ (Phú Cường); cha Phêrô Trần Đình Thạch (+) (Đà Lạt); cha Phêrô Trần Đình Hùng (Hoa Kỳ); cha Phêrô Trần Minh Hải (Hoa Kỳ); cha Phêrô Bùi Văn Nhân (Canada); cha Phêrô Phong; cha Phêrô Phương; cha Phêrô Tuấn và nhiều nam nữ tu sỹ.
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Đaminh Khuê; Cha Đaminh Tĩnh; Cha Đaminh Tuệ; Cha cố Thân; Cha chính Gioan Baotixita Trịnh Xuân Thu; Cha Giuse Trần Trọng Hậu; Đức cha Giuse Đinh Bỉnh; Đức ông Giuse Bùi Văn Cẩm; cha Giuse Trần Đức Hạnh; Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh; cha Phêrô Nguyễn Kiêm Toàn; cha Đaminh Nguyễn Văn Đạm, cha Giuse Nguyễn Tri Chúc và hiện nay là Gioakim Đặng Văn Quyết. Trong đó có bốn cha đã an nghỉ trong khuôn viên Thánh Đường: cha Khuê, cha Tĩnh, cha Tuệ và cha Hậu.
Các giáo họ trực thuộc: Phù Lưu, Tiên Cầu và Thị Trấn Đông Hưng.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Thuần Túy là một Giáo xứ kỳ cựu, được nhiều đấng bậc trong Giáo phận coi sóc. Vì thế, trải qua nhiều thăng trầm, các tín hữu nơi đây vẫn kiên cường giữ vững đức tin, sống đoàn kết yêu thương nhau. Ngày nay, Giáo xứ có nhiều đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội thánh Phêrô, hội Gia trưởng, hội con Đức Mẹ, các Ca đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể, ban Kèn nam, ban Trống để làm cho sinh hoạt của Giáo xứ thêm phần sinh động và được thăng tiến về mọi mặt.
GIÁO HỌ PHÙ LƯU
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : 1800
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1940
Bổn mạng : Sinh Nhật Đức Mẹ (08/9)
Số giáo dân : 195
Địa chỉ : Nhà thờ Phù Lưu, thôn Bắc, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Cách nhà xứ 3km về hướng Đông Nam.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Phù Lưu có tên là họ Đọ, thuộc làng Tầu Đọ, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Theo truyền ngôn, cuối thế kỷ XVIII, có một số người
dân làng Tầu Đọ đón nhận Tin Mừng từ các thừa sai dòng Đaminh. Từ ấy, hạt giống Đức Tin đã sinh sôi nảy nở và hình thành Giáo họ Đọ thuộc xứ Cao Mộc.
Năm 1810, Giáo họ xây dựng nhà nguyện nhỏ bằng tranh tre, vách nứa, cách nhà thờ hiện nay 300m theo hướng Tây Nam, nhận Sinh Nhật Đức Mẹ làm bổn mạng.
Năm 1837, Giáo họ dựng một nhà thờ bằng gỗ 7 gian, lợp ngói.
Năm 1921, khi Giáo xứ Phương Xá được thành lập, Giáo họ chuyển về xứ mới.
Năm 1937, khi Thuần Túy được nâng lên hàng giáo xứ, Giáo họ được cắt về xứ này.
Năm 1938, cha chính Batôlômêô Nguyễn Quang Ân giúp Giáo họ xây dựng nhà thờ 7 gian với chiều dài 33m, rộng 11.6m, tháp chuông cao 38m và hoàn thành năm 1940.
Từ sau 1974, nhà thờ bị xuống cấp, Giáo họ cùng các vị mục tử trùng tu lại nhiều lần và hoàn thành vào năm 2007. Đến hiện nay, cở sở vật chất của giáo họ tương đối ổn định: nhà chung (1974), nhà Phòng cùng hai đài Đức Mẹ Vô Nhiễm và đài Các Thánh Tử Đạo và phần mộ các hiền phúc Tử Đạo (2006), đài Đức Mẹ La Vang (2010), đài Thánh Giuse (2012), và quảng trường các Thánh Thiên Thần (2016).
Các chứng nhân tử đạo
Thời Vua Minh Mạng, Tự Đức, mảnh đất Phù Lưu có 7 vị chứng nhân tử đạo (các thẻ đã được gởi về Tòa Giám mục cho Đức cha Giuse Đinh Bỉnh), hiện đang an nghỉ tại khuôn viên Thánh Đường.
Ơn gọi trong Giáo họ
Mặc dù là một Giáo họ nhỏ bé nhưng Phù Lưu đã đóng góp vào cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội các linh mục: cha Giuse Cao Xuân Túc (+), cha Giuse Cao Thọ Lành (Xuân Lộc), cha Đaminh Cao Quang Ngoạn (Cần Thơ), cha Giuse Bùi Tiến Duy (Hải Phòng) và nhiều tu sĩ.
II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Để đáp ứng nhu cầu phụng vụ và tạo nên sự sinh động, Giáo họ đã thành lập nhiều đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia Trưởng, hội Con Đức Mẹ, hội Lòng Chúa Thương Xót, Ca Đoàn và Thiếu Nhi Thánh Thể. Các hội đoàn hoạt động rất tích cực trong công tác chung của Giáo họ cũng như Giáo xứ.
GIÁO HỌ TIÊN CẦU
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
Năm thành lập Giáo họ : 1902
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1992
Bổn mạng : Thánh Phaolô trở lại (25/01) Số giáo dân : 59
Địa chỉ : Nhà thờ Tiên Cầu, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 7.5 km về hướng Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khoảng cuối thế kỷ XIX, hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Tiên Cầu. Sau một thời gian ngắn, số tín hữu gia tăng và Giáo họ Tiên Cầu được thành lập năm 1902. Giáo họ đã nhận thánh Phaolô Tông đồ trở lại làm bổn mạng.
Năm 1908, Đức cha giáo phận chia xứ Sa Cát thành giáo xứ: Nam Lỗ, Sa Cát và Thái Bình. Giáo họ Tiên Cầu được chuyển về Giáo xứ Nam Lỗ.
Năm 1920, Giáo xứ Phục Lễ được thành lập, Tiên Cầu được chuyển về xứ mới.
Năm 1928, Bề trên giáo phận sáp nhập Tiên Cầu vào Giáo xứ Bồ Ngọc.
Năm 1937, Thuần Túy được nâng lên hàng giáo xứ, Tiên Cầu chuyển về xứ mới.
Biến cố năm 1954, phần lớn giáo dân di cư vào Miền Nam, chỉ còn lại 3 gia đình anh em ruột.
Năm 1974, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ cấp kinh phí xây dựng nhà thờ mới bằng gỗ 4 gian với chiều dài 10m, rộng 3.8m.
Năm 1992, cha chính Giuse Bùi Văn Cẩm và Giáo họ xây dựng nhà thờ mới với chiều dài 21m, rộng 7m và cao 6.5m.
Năm 2006, Giáo họ xây dựng tháp chuông cao 30m.
Năm 2012, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong đời sống đức tin, Giáo họ xây dựng nhà phòng với chiều dài 13m, rộng 4.5m và cao 4.2m.
Năm 2016, hoàn thành khuôn viên Thánh Đường.
II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy là một Giáo họ nhỏ bé, Tiên Cầu vẫn phát huy đức tin của mình qua việc thành lập các đoàn hội: Hội Con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, phong trào học giáo lý, và tổ chức đọc kinh tại các gia đình. Trong mọi công việc của Giáo xứ, Giáo họ, các hội viên luôn nhiệt tình và tận tụy. Đặc biệt, nơi môi trường sống, các hội viên luôn ý thức mình là chứng nhân của Đức Kitô có nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người.
GIÁO HỌ THỊ TRẤN ĐÔNG HƯNG
Năm đón nhận Tin Mừng: Giữa thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1996
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : chưa có nhà thờ
Bổn mạng : Thánh Phêrô (29/06)
Số giáo dân : 45
Địa chỉ : Tổ 9, thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 2km về hướng Tây.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Những người thuộc giáo họ Thị Trấn trước kia thuộc Giáo họ Đồng Xá, xứ Kẻ Sặt, Giáo phận Hải Phòng, làm nghề chài lưới. Từ năm 1964, họ về định cư tại thị trấn Đông Hưng, thành một xóm đạo thuộc về xứ Thuần Túy. Những người ở giáo họ này có cùng gốc với giáo họ Nam Khê, thuộc xứ Đông Khê.
Năm 1996, cha Giuse Trần Đức Hạnh đã tổ chức xóm đạo thành giáo họ và nhận thánh Phêrô làm bổn mạng với số giáo dân khoảng 30 người.
Năm 2016, giáo họ tổ chức quy hoạch khuôn viên và xây dựng Thánh Giá tại nghĩa trang.
II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Tuy nhiên, giáo họ còn non trẻ nên mới tổ chức ban Hội Đồng Mục Vụ giáo họ. Mọi sinh hoạt của Giáo họ được tổ chức chung với nhà xứ. Giáo họ luôn tổ chức đọc kinh các gia đình cùng chăm lo cho các em học giáo lý và học văn hóa.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 54 | Tổng lượt truy cập: 4,402,760