Thư Mục Vụ của FABC
gửi các Hội Thánh địa phương tại Châu Á
về việc Chăm sóc Công trình Sáng tạo:
Lời kêu gọi hoán cải sinh thái
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Nguyện chúc bình an và phúc lành cho tất cả anh chị em.
Chúng tôi gửi lá thư này đến anh chị em với tư cách là những mục tử của Hội Thánh tại Châu Á, một vùng đất với những nền văn hóa phong phú, những truyền thống lâu đời và những niềm tin sâu sắc. Tại cái nôi của sự đa dạng nhân loại và tâm linh này, Lời Chúa tiếp tục mang lại hy vọng cho biết bao nhiêu người đang phải đối diện với những thử thách gian truân.
Hôm nay, chúng ta cùng suy tư về sự cấp bách trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng sinh thái của thời đại chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Thông điệp Laudato Si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô, một lời kêu gọi tiên tri để loài người khám phá lại mối tương quan của mình với công trình sáng tạo, với Thiên Chúa và với nhau—chúng ta tái khẳng định cam kết của mình trong việc chăm sóc ngôi nhà chung. Chủ đề này cũng còn được đào sâu hơn qua [Tông huấn] Laudate Deum của Đức Phanxicô, qua đó ngài kêu gọi hành động quyết liệt để bảo vệ trái đất cho các thế hệ tương lai.
Khi đang tiếp tục cử hành Năm Thánh Hy Vọng 2025, chúng ta được truyền cảm hứng từ những lời của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma: “… gian truân sinh nhẫn nại; nhẫn nại sinh thử luyện; thử luyện sinh hy vọng. Và hy vọng không làm ta nản chí…” (Rm 5,5). Niềm cậy trông Kitô giáo mời gọi chúng ta dấn thân vào công cuộc phục hồi công trình sáng tạo và chữa lành những vết thương của thế giới. Lá thư mục vụ này là một lời mời gọi chúng ta nhận ra những nỗi đau khổ của môi trường―không phải là lý do khiến chúng ta tuyệt vọng, mà là lời mời gọi kiên trì, hành động và hy vọng dựa vào Đức Kitô.
I. Những nỗi thống khổ của Ngôi Nhà Chung
Trên khắp lục địa Châu Á, chúng ta chứng kiến công trình sáng tạo đang rên xiết dưới sức nặng của sự thờ ơ, lạm dụng và khai thác vô trách nhiệm của con người. Những hậu quả đã rõ ràng và được khoa học xác nhận:
Những thảm họa sinh thái này đang ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Châu Á—những gia đình sống ven biển bị cuốn trôi nhà cửa, những người nông dân không còn có thể trồng trọt, và trẻ em bệnh tật vì tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí. Cần phải nhắc nhở các lãnh đạo chính trị, các nhà hoạch định chính sách và những người ra quyết định, đặc biệt là những giáo dân Công giáo thuộc thành phần này: những quyết định của quý vị hôm nay sẽ được các thế hệ mai sau phán xét. Quý vị sẽ để lại một hành tinh bị tàn phá bởi sự tham lam bóc lột, hay một ngôi nhà phản ánh vẻ đẹp công trình sáng tạo của Thiên Chúa?
Trong Năm Thánh này, những nỗi thống khổ trên đây kêu gọi chúng ta ăn năn, hoán cải và dấn thân sâu hơn vào trách nhiệm chung của chúng ta với tư cách là những người quản lý công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
II. Những Dấu hiệu Hy vọng: Chúa Thánh Thần đang hoạt động
Bất chấp những thách thức ấy, chúng ta vẫn nhìn thấy những dấu hiệu hy vọng rằng Chúa Thánh Thần đang sống và hoạt động mạnh mẽ trong thế giới của chúng ta:
Những dấu hiệu hy vọng này nhắc nhở chúng ta rằng đau khổ không phải là kết thúc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, tình yêu của Thiên Chúa, được đổ xuống trên chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta mạnh dạn tham gia vào sứ mệnh đổi mới công trình sáng tạo (x. Rm 5,5).
III. Kêu gọi Hành động
Hy vọng thôi thúc chúng ta hành động. Là các Giáo Hội địa phương tại Châu Á, chúng ta phải đứng lên để đối diện với thời khắc này bằng lòng can đảm và quyết tâm. Chúng ta phải giải quyết cuộc khủng hoảng sinh thái thông qua bốn khía cạnh quan trọng: giảm thiểu tác động, thích ứng, luật pháp và tài chính.
a. Giảm thiểu tác động: Thu hẹp khoảng cách
Chúng ta phải thúc đẩy các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu, chẳng hạn như Thỏa Thuận Paris, và nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các mục tiêu khí hậu quốc gia với mục tiêu toàn cầu 1.5°C theo đề xuất của khoa học. Việc bảo tồn các khu rừng nhiệt đới, rạn san hô và sông ngòi ở Châu Á phải là ưu tiên hàng đầu. Các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải cùng hợp tác để đảm bảo các hệ sinh thái này phát triển mạnh mẽ, với các dân tộc bản địa đóng vai trò tiên phong. Như đã được phát biểu trong Tài liệu Bangkok FABC 50 của chúng tôi, phản ánh tinh thần của Laudato Si’, chúng ta phải thừa nhận rằng: " Hệ sinh thái được trao cho mỗi thế hệ vay mượn và chúng ta là người chịu trách nhiệm về cách chúng ta để lại nó cho những thế hệ tiếp theo như thế nào." (BD, 104). Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ di sản chung này cho các thế hệ tương lai.
b. Thích ứng, mất mát và thiệt hại: Sát cánh với những người dễ tổn thương
Người nghèo là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Chúng ta phải làm cho tiếng nói của họ được gióng lên thật to và đòi hỏi các chính phủ, các ngành công nghiệp phải giải trình. Phải đẩy nhanh việc tài trợ cho các chương trình thích ứng và giảm thiểu những mất mát và thiệt hại, đặc biệt đối với các quốc gia và cộng đồng dễ bị tổn thương ở Châu Á. Tài liệu Bangkok FABC 50 nhắc nhở chúng ta rằng, tình liên đới giữa các thế hệ không phải là một lựa chọn, mà là một vấn đề công lý (BD, 104).
c. Luật pháp quốc gia và quốc tế trong việc bảo vệ sinh thái
Chúng ta phải tích cực vận động để các cơ quan lập pháp làm ra các luật về môi trường với các quy tắc thực thi được xác định rõ ràng về quản lý chất thải rắn, lỏng và khí, các quy định về khai thác mỏ và bảo vệ lưu vực sông hồ, đồng thời tạo điều kiện cho các cộng đồng và các quốc gia nhỏ đòi hỏi các tập đoàn quốc gia và đa quốc gia phải chịu trách nhiệm giải trình khi đã được chứng minh là lạm dụng và phá hoại môi trường.
d. Tài chính
Việc tài trợ cho khí hậu dựa trên cơ sở công lý là điều cần thiết. Những người gây ô nhiễm phải trả phần công bằng của họ và các quốc gia giàu có hơn phải thực hiện các cam kết tài trợ cho hành động vì khí hậu. Trong Năm Thánh này, chúng ta cũng phải vận động cho chương trình xóa nợ, đồng thời nhận ra rằng các bẫy nợ ngăn cản nhiều quốc gia giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tuy nhiên, ngoài việc xóa nợ, điều thực sự cần thiết là một cuộc đánh giá lại toàn bộ hệ thống cho vay quốc tế – một hệ thống ưu tiên phúc lợi của các quốc gia mắc nợ thay vì duy trì các chu kỳ phụ thuộc và lệ thuộc tài chính. Sự công bằng kinh tế đòi hỏi các tổ chức tài chính và các quốc gia cho vay phải xem xét lại các cấu trúc bất công khiến cho hành động vì khí hậu và phát triển bền vững ở Nam Bán cầu bị hạn chế.
IV. Tham gia COP 30: Lời kêu gọi tham gia tích cực
Khi chúng tôi tìm cách tăng cường cam kết của mình đối với sự hoán cải thiêng liêng về sinh thái và tình liên đới toàn cầu, chúng tôi cũng khuyến khích tất cả các Giáo hội địa phương ở Châu Á tham gia tích cực vào COP 30 sắp tới, sẽ diễn ra tại Belem, Brazil, vào năm 2025. Hội nghị này cung cấp một nền tảng thiết yếu để các quốc gia và cộng đồng cùng nhau đoàn kết và đổi mới cam kết của họ đối với hành động vì khí hậu. Chúng tôi kêu gọi các giáo phận của mình đóng góp bằng cách nâng cao nhận thức, hỗ trợ vận động vì khí hậu và hợp tác với những người ra quyết định để thúc đẩy các giải pháp khí hậu đầy tham vọng và công bằng. Chúng ta hãy bảo đảm rằng tiếng nói của những người dễ bị tổn thương nhất được lắng nghe và lời kêu gọi công lý được vang vọng mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh trách nhiệm chung của Kitô hữu là chăm sóc trái đất và tất cả cư dân của trái đất.
V. Mùa của Công trình Sáng tạo: Thời gian đổi mới thiêng liêng và sinh thái
Khi chúng ta kỷ niệm 10 năm Laudato Si’ và Năm Thánh Hy vọng 2025, chúng tôi cũng mời tất cả các Giáo hội địa phương ở Châu Á duy trì việc kỷ niệm Mùa sáng tạo, từ ngày 1 tháng 9 (Lễ kính Hành vi sáng tạo tại nhiều Giáo hội phương Đông) đến ngày 4 tháng 10 (Lễ nhớ Thánh Phanxicô Assisi, Thánh bổn mạng của Sinh thái). Thời gian đặc biệt này là cơ hội để chúng ta đào sâu sự đổi mới thiêng liêng và sinh thái bằng cách:
a. Giáo dục cộng đồng của chúng ta về trách nhiệm sinh thái.
b. Thúc đẩy lối sống đơn giản hơn, bền vững hơn.
c. Nuôi dưỡng một linh đạo sáng tạo làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng ta với Chúa, nhân loại và vũ trụ.
Chúng ta không được để mình bị nỗi sợ hay sự thờ ơ làm cho tê liệt. Thay vào đó, chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trên đường Lữ hành Hy vọng, đáp lại bằng đức tin và lòng can đảm. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô đồng hành với chúng ta, đổi mới bộ mặt trái đất qua những nỗ lực chung của chúng ta.
Kết luận
Ước mong Mùa Chay này là dịp để chúng ta xét lại lương tâm và khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi của mình đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Mong sao đây là cơ hội để chúng ta đáp lại lời Chúa kêu gọi về sự hoán cải sinh thái.
Đang khi tiếp tục hành trình hướng tới một Hội Thánh hiệp hành truyền giáo, chúng ta hãy phó thác mình cho Đức Maria, Mẹ Rất Thánh của chúng ta, người đồng hành với chúng ta khi chúng ta chăm sóc công trình sáng tạo của Chúa. Xin sự chuyển cầu của Mẹ truyền cảm hứng cho chúng ta hành động với lòng can đảm, sự khôn ngoan và lòng trắc ẩn vì ngôi nhà chung của chúng ta.
Chân thành trong Chúa Kitô,
Bản dịch tiếng Việt (2025)
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
Thư ký UBLBTM/HĐGMVN
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 171 | Tổng lượt truy cập: 5,634,710