“CON HƯ TẠI MẸ, CHÁU HƯ TẠI BÀ”.
Câu tục ngữ bình dân của chúng ta đủ cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của người mẹ trong việc giáo dục con cái. Với ảnh hưởng của nền văn hóa Khổng Mạnh, hầu hết những người Việt Nam đều cho rằng người cha là người có bổn phận gánh vác trọng trách lo cho nền kinh tế gia đình, và người mẹ thường đảm trách những công việc nội trợ cũng như vấn đề chăm lo giáo dục con cái. Nhưng trong xã hội kỷ nghệ hóa ngày hôm nay, cuộc sống gia đình cũng như xã hội của con người có phần thay đổi. Trước khi bàn thảo về vấn đề giáo dục và những vấn đề khác, chúng ta cần làm sáng tỏ vai trò đặc biệt của người cha cũng như người mẹ trong gia đình.
CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI CHA
Người cha đóng vai trò rất ư quan trọng trong đời sống gia đình. Ông là mẫu mực của một người đàn ông cần nên có trong đời sống. Vị thế của người đàn ông trong gia đình tùy thuộc vào mẫu mực văn hóa hiện hành của xã hội. Trong những nước mà ở đó người đàn ông được xem là gia chủ, người cha có nhiều quyền hành và quyền lợi. Đối với những đứa trẻ của một người cha như thế, người đàn ông được ban tặng cho nhiều sức mạnh, uy quyền, và dũng lực. Hình ảnh của người đàn ông như thế dầu đã bị bỏ đi trong nhiều gia đình Âu Mỹ nhưng vẫn còn phổ quát trong hầu hết mọi phần của thế giới hôm nay. Hình ảnh người nam thống trị được nhấn mạnh bởi sự kiện văn hóa nầy là: người nam có vóc dáng to hơn, khỏe hơn, dũng lực hơn, cũng như có tiếng nói mạnh hơn, và người đàn bà cũng thường thích chọn một người đàn ông cao to và khỏe hơn họ. Cứ sự thường, người đàn ông cũng là người kiếm ra tiền để nuôi sống gia đình. Chính sự kiện đó mang lại cho họ có nhiều quyền lợi và làm cho họ trở thành biểu tượng của sự hữu dụng. Trong khi người cha dấn thân vào công việc ở sở hoặc thương mại, lời nói và sự phán đoán của ông là một sự khích lệ hoặc làm chán nản đối với con cái ông trong việc kính trọng công việc làm hoặc công việc thương mại của ông. Thời giờ giới hạn mà người cha dùng cho con cái mình không làm giảm bớt nhưng làm tăng sự quan trọng của mình. Con cái mong chờ đến những giờ phút đó để chúng được quay quần bên bố. Chúng sẽ đón nhận ý kiến của bố, lời chỉ dạy của bố, những gợi ý của bố một cách nghiêm chỉnh bao lâu chúng không được xếp đặt để chống lại bố bởi người mẹ.
Dầu những ảnh hưởng của người cha thì rõ ràng, đàn ông thường cảm thấy rằng họ không nên can thiệp vào việc giáo dục con cái. Họ coi đó là bổn phận đặc biệt của người mẹ. Sự rút lui nầy có nhiều lý do tâm lý: trước nhất, chúng ta có thể nói rằng đó là sự trọng kính chân thành đối với khả năng thực hiện bổn phận một cách thích hợp của người mẹ. Dầu những người cha thường có cảm giác không thích hợp đối với việc nuôi nấng con trẻ, họ cũng thường nghi ngờ khả năng của các bà mẹ. Sự rút lui của họ là phương cách qua đó họ để bà làm sự sai lỗi và dành cho họ có quyền đổ lỗi cho bất cứ sự trục trặc nào lên trên người mẹ. Lý do thứ hai là sợ bị khiển trách và sợ bị cho rằng không biết giáo dục. Không nhất thiết là các bà biết nhiều hơn về vấn dề giáo dục. Nhưng không thể phủ nhận rằng các bà thường có nhiều thời giờ cho con cái để chăm lo cho chúng. Đó là yếu tố quan trọng nhất trong cuộc đời chúng và điều đó cũng cắt nghĩa hơn là minh định sự xa cách của nhiều ông bố. Bất cứ một người cha nào biết quan tâm đến lợi ích của những đứa con mình hơn là tiếng tăm của chính mình sẽ tìm cách giúp người mẹ trong công việc khó khăn nuôi dưỡng con cái.
CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI MẸ
Chức năng của người mẹ hầu hết vẫn còn giữ nguyên như cũ dưới những mẫu văn hóa khác nhau. Nếu sự gần gũi tự nhiên giữa mẹ và con bị trục trặc, cá nhân người mẹ có trách nhiệm. Bình thường người mẹ là người đầu tiên quan tâm và bận rộn với đứa trẻ mới sinh. Bà nuôi nó một cách cẩn thận và dành những tuần lễ đầu tiên gần gũi với đứa trẻ, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của nó. Bất cứ cái gì đứa trẻ làm đều quan trọng đối với bà.
Sự huấn luyện ngay từ lúc đầu của họ, bằng trò chơi và chỉ dạy, cung cấp cho họ thái độ, cử chỉ được gọi là bản năng mẫu tử, khiến các bà gánh lấy vai trò của người mẹ. Nếu bà biết dùng những cơ hội tự nhiên và không nghịch với vai trò phụ nữ của bà, người mẹ luôn cảm thấy dễ dàng thiết lập một quan hệ thân thiết với đứa trẻ. Mọi đứa trẻ có khuynh hướng dựa vào mẹ bao lâu bà mẹ không làm trắc trở sự phát triển tự nhiên nầy. Ngay cả khi bà mẹ chỉ có thời giờ giới hạn cho đứa trẻ, bà cũng có thể giữ được sự liên hệ nầy. Thật ra, thời giờ cũng đáng kể nhưng không giá trị bằng cách thế chúng ta dùng nó. Không gì có thể can thiệp ảnh hưởng của bà nếu bà có khả năng là một người bạn tốt đối với con bà, nếu bà muốn hiểu nó, nếu bà đứng về phía bên nó như một người bạn trung thành. Đứa trẻ có cái nhìn kính trọng đối với bà mẹ nếu bà tỏ khả năng biết yêu mến nó trong mọi hoàn cảnh cho dầu trong lúc thất vọng.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THÍCH HỢP CỦA NHỮNG BÀ MẸ
Quan niệm và hình ảnh về người mẹ được ca tụng bởi các thi sĩ và các nhà nghệ thuật xem ra ngược với kinh nghiệm mà các bác sĩ tâm thần và các nhà giáo dục có đối với các bà mẹ hôm nay. Trong những con số đáng sợ, chúng ta tìm thấy có rất nhiều bà mẹ là nguyên nhân của sự khốn cùng và không biết thích nghi của biết bao nhiêu đứa con trẻ. Sự thực hiện tình yêu của người mẹ dưới nền văn hóa hiện tại xem ra là một công việc đòi hỏi những đặc tính siêu việt. Tình mẹ, xa với điều được chúc phúc, được vẽ vời tô điểm trong thơ văn cổ, lại trở thành một vũ khí của sự dữ. Dưới danh nghĩa và đội lốp tình mẹ, một người đàn bà chán nản và nổi loạn, thất vọng và thù địch, có thể đòi hỏi một sự ca tụng cho cái thực ra chỉ là một sự ích kỷ, sợ hãi, và thống trị khắc khe của bà.
Tuy nhiên, cũng thật là vô nghĩa nếu chúng ta cáo buộc các bà mẹ chúng ta vì các bà thật ra cũng chỉ là nạn nhân. Các bà ngày hôm nay đang đối diện với cuộc chiến đấu cho quyền lợi họ. Họ sợ bị xem là giới thấp kém. Họ thất vọng trong tương quan với các ông cũng như trong những kinh nghiệm hôn nhân. Họ chiến đấu để có chỗ trong văn hóa chúng ta tương xứng với tài năng và khả năng của họ. Không phải toàn thể các bà đều không trưởng thành, không vững trong vấn đề tình cảm, chưa chín chắn trong vấn đề luân lý và tinh thần, và chưa phát triển về mọi mặt nếu đem so sánh với các ông. Các bà cũng thường được miêu tả như là không có khả năng suy nghĩ trong những từ trừu tượng thật ra cũng là một sự chọn lựa trước cho chức vụ. Các bà rất nhạy cảm đối với sự hữu dụng, điều nầy có được nhờ những thế hệ trước đã phải trải qua dưới những điều kiện khắc khe giới hạn những hoạt động của họ như là một giới thấp hèn và được đòi hỏi để phục vụ cho giới đàn ông có ưu thế hơn. Như một kết quả, các bà thường có thói quen cảm được những giá trị thật và ít rơi vào những tưởng tượng nguy hiểm mà những đầu óc các ông thường hay mắc phải. Vậy thì tại sao có nhiều bà ngày hôm nay lại thất bại trong việc làm mẹ hơn là một ít thế hệ trước đây?
Trong tương quan trục trặc giữa mẹ và con, sự sụp đổ của những tương quan con người trở thành dễ thấy. Con người ngày hôm nay ít chuẩn bị cho sự cộng tác hài hòa. Chúng ta không cần ngạc nhiên khi thấy rằng càng ngày càng ít bà được chuẩn bị cho vai trò làm mẹ là cái đòi hỏi những sở thích về xã hội phải được phát triển cách hoàn toàn.
Một người mẹ thích thú với chính mình hơn là thích đứa trẻ không bao giờ có thể là một bà mẹ tốt. Tình yêu sâu xa và tình cảm mà một người mẹ như thế dành cho đứa trẻ, thật ra không phải là quan tâm đến lợi ích và sự phát triển của đứa trẻ mà chính là chú ý đến sự thỏa mãn riêng mình mà bà mong đợi và đòi hỏi. Một đứa trẻ có thể mang lại ý nghĩa cho một cuộc hôn nhân có liên hệ đến nhiều người, nhưng không bao giờ bị đòi hỏi phải cung cấp ý nghĩa cho đời sống một người. Nhưng điều mà một số bà thất vọng với đời sống và là cái gì xa lạ với các ông chồng thì các bà lại mong đợi vào các con. Họ muốn con họ thuộc về họ và là mục đích và ý nghĩa của đời sống trống vắng của họ. Thái độ nầy là tình yêu sao? Không phải chút nào. Đó là sự đền bù cho sự vô dụng. Đó là một sự đòi hỏi phục vụ.
Một đàn bà như thế chưa tìm được chỗ đứng trong cộng đồng. Bà có thể tin rằng bà chỉ sống cho đứa con, nhưng thật ra đứa trẻ phải thay thế tất cả những bổn phận khác mà bà lẽ ra phải thỏa đáp. Giao tế xã hội, công việc, và giới khác phái trở thành vô nghĩa ngang qua loại tình yêu nầy. Có biết bao nhiêu bà nhìn con mình như là một sự gia tăng niềm vinh dự của họ, một tiếng chuông vang trong nấc thang tiếng tăm của họ. Một vài người cố gắng dùng con mình để lôi kéo sự chú ý và sự ngưỡng mộ mà những bà khác nhận được. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, đứa trẻ phải cung cấp một đối tượng cho sự thống trị. Nó phải thích hợp và thường được nuôi dưỡng để thích hợp với lối sống cá nhân của người mẹ. Nó bị gây ấn tượng với nguy hiểm của cuộc đời mà chỉ tình yêu của mẹ nó mới có thể bảo vệ được. Bằng cách thiết lập sự sợ hãi và thể hiện quyền hành dưới lý do tình cảm mà bà mẹ gọi là tình yêu, bà bắt đầu một tiến trình cưng chiều và làm hư hỏng để đưa đứa trẻ đi vào sự điều khiển hoàn toàn và làm cho nó hoàn toàn lệ thuộc vào bà. Trong sự bất an và bất tín của bà, bà muốn trở thành người duy nhất được tín nhiệm. Trong một thời gian, đứa trẻ có thể nhận thấy sự bảo vệ quá đáng nhưng vẫn có thể chấp nhận, nhưng rồi sớm muộn gì sự xung đột cũng xảy ra. Chẳng hạn, điều đó có thể khởi sự khi đứa con thứ hai được sinh ra và bà mẹ trở thành quá bận rộn với đứa bé. Đứa trẻ đầu cảm thấy không còn được sự chú ý mà trước đây bà dành cho nó. Nếu bấy giờ thảm kịch đó chưa bắt đầu, sự xung đột không thể tránh khỏi khi đứa trẻ đi học vì ở đó nó sẽ gặp những đứa trẻ cùng lứa tuổi. May mắn, hệ thống học đường hiện tại của chúng ta giúp đỡ nhiều cho những đứa trẻ được cưng chiều bằng cách làm cho chúng thích nghi vào môi trường xã hội và phát triển sự can đảm, độc lập, và cảm giác xã hội, nhưng tất cả không giải quyết sự xung khắc với bà mẹ. Bà hoặc thành công trong việc giữ nó gần gũi vời bà, bấy giờ nó không bao giờ trở thành thích hợp với nhóm, hoặc đứa trẻ có được sự tự lập, bấy giờ sự sợ hãi và thống trị của bà mẹ được biểu lộ cho thấy trong những hận thù công khai.
NHỮNG SAI LẦM CHUNG TRONG VIỆC NUÔI TRẺ
Cung cấp và cưng chiều một đứa trẻ không ngăn cản được sự xung khắc và đi đến chỗ chiến tranh. Bên dưới sự bày tỏ tình yêu và sự dịu dàng, chúng ta có thể tìm thấy sự biểu lộ của sự thù nghịch cách công khai hay ẩn kín. Rất ít bố mẹ nhận ra được sự thù nghịch và chiến trận khủng khiếp mà trong đó bố mẹ và con cái đi vào. Tất cả những trục trặc về hành vi của con trẻ là triệu chứng của sự hận thù. Thật rất khó để làm cho bà mẹ ý thức được điều đó. Bà không thể hiểu rằng đứa trẻ có thể giận bà trong khi bà vững tin rằng bà cho nó mọi sự và yêu nó nhiều. Tuy nhiên có biết bao nhiêu bà suy sụp tinh thần khi các bà không thể ngăn cản con mình đòi bỏ nhà ra đi. Có biết bao nhiêu bi kịch đã xảy ra, đặc biệt suốt thời tuổi trẻ, lúc mà đứa trẻ cần phải lớn lên nên người hoặc trở thành một đứa trẻ hư hỏng, một sự kiện mà người mẹ nào cũng phải quan tâm lo lắng.
Trong việc che chở và làm chủ đứa trẻ, không những chỉ có các bà mà còn có cả các ông cũng cố gắng chứng tỏ cái quyền uy của mình mà họ cảm thấy đang bị đe dọa bởi những điều kiện khó khăn của cuộc sống hiện tại. Một khi sự hận thù khởi sự, không còn sự bình an, cũng không còn xã hội nữa. Trong một gia đình bị lung lay bởi sự bất bình và thù hận lẫn nhau, những khuyết điểm của con trẻ được chú ý và được nuôi dưỡng. Những lỗi lầm của chúng được xử dụng như là căn bản cho sự tố cáo lẫn nhau. Một cơ hội tốt cho mỗi bố mẹ để bào chữa cho sự thiếu thích nghi vào xã hội và xem ra có lý do để thanh minh cho những biểu lộ hận thù của họ. Sự hận thù có thể bắt đầu rất sớm như lúc vừa được sinh ra mà không hề có giai đoạn yêu thương và tình cảm. Thật là may mắn, sự loại bỏ con trẻ xảy ra ngày càng ít vì người đàn ông đã học để ngăn ngừa mầm non không được muốn. Trong bất cứ trường hợp nào, sự xung đột giữa bố mẹ và con cái, chiến tranh trong gia đình, khiến nhiều cha mẹ không muốn có con.
Không lạ gì bố mẹ thường thất bại trong việc nuôi dưỡng con cái vì đó là bổn phận khó khăn nhất trong đời sống hôn nhân. Giáo dục là một nghệ thuật. Nó cần những khéo léo trong đó người thực hành phải được huấn luyện cách kỹ lưỡng. Nhưng bố mẹ có được bao nhiêu sự huấn luyện? Họ biết gì về vấn đề giáo dục? Điều mà họ biết thì quá ít nhưng thường thì sai và nhiều nguy hại. Không có thợ đóng giày nào dám mạo hiểm mở tiệm giày mà không được huấn luyện kỹ. Nhưng bố mẹ mở một xưởng giáo dục mà không có một chuẩn bị nào, chỉ với sự huấn luyện mà họ nhận được từ bố mẹ họ.
Buồn cười thay, họ cố gắng bắt chước hành động của bố mẹ họ mà quên rằng chính họ đã phải chịu nhiều đau khổ vì sự thiếu khả năng thích hợp của bố mẹ họ. Hãy nhớ rằng một người cha đã bị đánh đập khi còn trẻ có khuynh hướng đánh đập con cái mình. Ông ta quên sự nhục mạ ông cảm nhận khi còn nhỏ, sự thù ghét và chống đối lớn dần dưới trận đòn của bàn tay bố mẹ. Đây là lý do tại sao khó thuyết phục bố mẹ rằng kỷ thuật và phương cách của họ là sai, không thành công, và ngay cả có hại nữa. Mỗi bố mẹ trong thái độ biểu tượng thế hệ mà họ bắt chước. Bất cứ cố gắng nào để làm ảnh hưởng tiến trình giáo dục có nét đặc thù cho một gia đình đặc biệt, đều phải đối diện với bức tường giáo dục truyền thống là cái được thực hiện từ đời nọ sang đời kia. Thừa sản tinh thần thì mạnh hơn và có tính cách quyết định hơn bất cứ thừa sản vật lý nào. Có thể là những đặc nét quốc gia hay chủng tộc ít căn cứ trên bản chất sinh học hơn là căn cứ trên phương cách giáo dục được dùng trong những nhóm đặc biệt và được lưu truyền từ đời nầy sang đời khác.
Phá vỡ truyền thống nầy thì rất khó. Chúng ta hãy xem phương pháp giáo dục truyền thống của chúng ta là đánh một đứa trẻ có hành vi khác với hành vi được ước muốn bởi người lớn. Hiệu quả thế nào trên đứa trẻ? Chính thời gian ác độc và khủng khiếp nầy làm méo mó đặc tính, tạo nên một sự mất niềm tin vào sự tử tế và tình bạn của con người, cũng như sự mất niềm tin vào những người bạn. Những đứa trẻ bị đánh đập, trong phản chứng của chúng, gây nên những tình thế để rồi sẽ bị đập nữa về thể lý cũng như tinh thần. Trái lại, nếu đứa trẻ bị ăn đòn đó vẫn có can đảm và sở thích xã hội, như một người lớn, nó sẽ tránh bất cứ tình thế nào mà ở đó nó có thể bị ăn đòn. Nó có thể vun trồng sức mạnh và chịu đựng sự khó khăn và có thể đạt tới sự cứng rắn và ác độc trong đức tính là giá rất cao cần phải được trả bởi những con người mạnh mẽ và có khả năng. Những con người nầy dửng dưng với tình cảm của bạn bè, bà con, và con cái.
Tuy nhiên, thói quen phát đít trong một thời gian dài được xem là một phương cách thích hợp để huấn luyện con trẻ và được chấp nhận bởi hầu hết cha mẹ. Ngay cả những người nhận thấy rằng phát đít có nghĩa là nhục mạ và vi phạm phẩm giá con người, cũng dùng kỷ thuật nầy để bảo vệ cho ưu thế của họ, và biện minh cho hành động đó bằng cách đỗ lỗi cho những xúc cảm không thể chế ngự được và sự buồn chán căng thẳng. Thói quen phát đít là một trong những trở ngại mạnh nhất trong việc phát triển bầu khí dân chủ, bình an, và cộng tác trong gia đình, một cái gì đáng ghi nhớ của một thời còn có cái quan niệm về phẩm giá và quyền con người.
Trục trặc của giáo dục không tách rời khỏi trục trặc của cuộc sống chung. Tiến trình của giáo dục cho thấy cái nhìn chung của một người, triết lý nhân sinh của họ. Vì thế, bầu khí xã hội trong gia đình là một yếu tố rất quan trọng trong vấn đề giáo dục con cái. Tất cả những khiếm khuyết, lỗi lầm, hay sai trái của đứa trẻ có thể là do phỏng theo dấu vết sai lầm được dùng bởi những phần tử trong gia đình trong việc đối xử với nhau. Đứa trẻ được chuẩn bị cách thích hợp cho cuộc sống chỉ khi gia đình giữ những luật lệ điều khiển được những liên hệ giữa những người trong gia đình. Vì gia đình là cộng đoàn và đơn vị xã hội đầu tiên của đứa trẻ, đối với đứa trẻ, nó biểu tượng một bức họa của cuộc đời nói chung, và tất cả tùy thuộc vào bức tranh mà gia đình vẽ về thế giới rộng lớn bên ngoài xác thực thế nào. Bầu khí đáng yêu của gia đình sẽ khích lệ sự phát triển một thái độ đứng đắn nơi đứa trẻ, là đứa khi đối diện thế giới, phải cắt nghĩa sao cho nó phù hợp với kinh nghiệm và quan niệm nó thâu lượm được ở gia đình.
Không may, những tương quan trong gia đình chúng ta ngày nay không phù hợp với những tương quan trong đời sống bên ngoài. Con cái chúng ta thường được bảo bọc quá đáng nên chúng dễ trở thành ích kỷ. Trong thế giới của người lớn, chúng sẽ sống không như những người bình đẳng nhưng như những người lệ thuộc. Chúng có ít cơ hội để trở thành hữu dụng, để đóng góp cho nhóm, và để tạo được một vị thế thích hợp bởi chính mình. Phương cách mà chúng tìm sự bảo đảm để được chấp nhận là đòi hỏi: đòi hỏi quà, đòi hỏi được quan tâm, đòi hỏi được phục vụ từ người khác, đòi hỏi quá nhiều hay ít ra là sự chú ý. Điều mà chúng muốn nhận được từ những đòi hỏi đó là biểu tượng của sự quan trọng của chúng, còn việc đòi hỏi của chúng chỉ là vô nghĩa. Nguyên tắc để sống phù hợp với người ta đó thì trái ngược với tất cả những luật lệ cộng tác được bàn thảo trên đây.
Bố mẹ càng cư xử phù hợp với những luật lệ của sự cộng tác, càng dễ nuôi dưỡng con cái một cách thích hợp. Đứa trẻ có thể thích nghi một cách ý thức trong cách thế nó phải sống vì nó có sự hiểu biết bén nhạy về những gì xảy ra chung quanh nó và về cách thế nó phải hướng dẫn mình để phù hợp với hoàn cảnh chung quanh nó. Rất thường bố mẹ dùng một bộ luật cho chính mình và một bộ khác cho con cái. Thật là hồi hộp và cảm thấy mình bị xúc phạm nếu đứa trẻ nói láo. Nhưng họ hoàn toàn quên mất những lần họ nói láo với người láng giềng hoặc ngay cả đòi hỏi đứa trẻ nói láo thay cho họ. Họ mong con mình cần mẫn làm việc trong khi bố mẹ phàn nàn về công việc họ làm. Họ ngạc nhiên bởi ngôn ngữ không thích hợp từ con họ và tra hỏi nó đã học điều đó ở đâu trong khi đứa trẻ chỉ lập lại những gì mà nó đã nghe từ họ. Có phải là ngông cuồng đối với đứa trẻ nói với mẹ rằng: “Nếu mẹ không tử tế với con, con không thu dọn phòng con”. Không phải bà mẹ đòi hỏi đứa trẻ tử tế trước khi bà hoàn thành bổn phận của bà đối với đứa trẻ sao? Tuy nhiên, bà mẹ cảm thấy hoảng hốt bởi những lời lẽ như thế.
Thật khó cho bố mẹ để nhận thấy rằng con cái cũng là con người như họ. Bố mẹ không chỉ đòi hỏi những đặc ân làm sụp đổ trật tự xã hội và phá hủy cảm giác thuộc về, nhưng còn trao ban cho đứa trẻ những đặc ân mà họ không ban cho ai khác. Ban cho thì cũng tai họa như là đàn áp. Chỉ có những luật lệ điều khiển cuộc đời của toàn thể gia đình, những luật lệ bao gồm cả bố mẹ cũng như con cái, mới có thể huấn luyện cái nhận thức đúng và sai. Ở đâu có những luật lệ luân lý điều hành đời sống gia đình, ở đó không cần kỷ thuật giáo dục đặc biệt được đòi hỏi cho sự lớn lên của đứa trẻ muốn góp phần xây dựng cho sự lợi ích của cộng đồng.
Một gia đình với một nền tảng và một bầu khí tốt đẹp như thế thì ở đâu? Những bố mẹ biết can đảm và biết cộng tác như thế thì ở đâu? Như đã được lưu ý, thời đại chúng ta không ưu đãi cho sự phát triển một gia đình như thế cũng như những bố mẹ như thế. Một cảm giác bất an sâu xa và một sự quan tâm tức khắc có liên quan đến tiếng tăm chúng ta ngăn cản chúng ta trở thành những con người tốt như chúng ta có thể. Cha mẹ không là một luật trừ.
Chúng ta không thể mong đợi bố mẹ cộng tác với con cái hơn họ cộng tác với những người tranh đua bên ngoài. Và thật là ngông cuồng mong đợi hòa bình trong gia đình hơn trong xã hội như một toàn thể. Với cảm giác đầy đủ về xã hội, chúng ta tìm thấy lối đi mọi nơi, nhưng nếu không có cảm giác đó, chúng ta sẽ không tìm thấy lối đi. Con cái không khác với những người khác, chúng có thể đe dọa danh tiếng của bố mẹ như những người cạnh tranh nghề nghiệp, có thể còn hơn nữa, vì bố mẹ rất dễ đau lòng đối với sự chống đối của con cái. Họ tin rằng tình yêu của bố mẹ, sự ban cho của bố mẹ có thể mua lấy sự phục tùng. Họ đòi hỏi sự chấp nhận và sự vâng lời chỉ vì họ là bố mẹ. Mọi chống đối và bất tuân được xem như là một sự xúc phạm cá nhân, như một sự bất kính xúc phạm tư tưởng thần thánh về thiên chức làm phụ mẫu. Họ càng áp đặt ý muốn mình lên đứa trẻ, họ càng ít thành công trong việc chiếm được sự cộng tác của con mình, và càng cảm thấy thất vọng sâu xa hơn. Thất vọng và cay đắng bởi cuộc đời, họ mang sự thất vọng về nhà và qua con cái họ, họ trả điều đó lại cho thế giới.
Lm. Lê văn Quảng
Nguồn: Tinmungnet
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 169 | Tổng lượt truy cập: 3,845,417