Giáo xứ Nam Lỗ

  • 19/12/2024
  • Giáo xứ Nam Lỗ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 18km về hướng Đông Bắc; phía Bắc giáp xứ Duyên Tục; phía Đông Bắc giáp xứ Thuần Túy; phía Nam giáp quốc lộ 39.

    GIÁO XỨ NAM LỖ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ Sổ : 1722

    Năm thành lập Giáo xứ: 17/8/1908

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1911

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân :

    Địa chỉ : Nhà thờ Nam Lỗ, thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Nam Lỗ cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 18km về hướng Đông Bắc; phía Bắc giáp xứ Duyên Tục; phía Đông Bắc giáp xứ Thuần Túy; phía Nam giáp quốc lộ 39.

    II - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Nam Lỗ trước kia gọi là Sổ, thuộc tổng Cao Mỗ, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Theo truyền khẩu, lúc đầu có mấy gia đình Công giáo từ Hòn Gai về đây sinh sống và dựng một nhà nguyện nhỏ, nhận thánh Antôn làm bổn mạng.

    Khoảng năm 1722, Giáo họ Sổ được thành lập, thuộc xứ Sa Cát.

    Năm 1908, Đức cha Phêrô Munagorri

    Trung, từ xứ Sa Cát thành lập thêm hai xứ mới là: Nam Lỗ và Thái Bình. Đồng thời, Đức cha đặt cha Phêrô Trứ làm cha xứ tiên khởi của Nam Lỗ.

    Năm 1911, Giáo xứ dựng nhà thờ bằng gỗ lim, lợp ngói mũi, sơn son thếp vàng, với chiều dài 35m, rộng 13m, cao 9m và tháp chuông cao 25m.

    Năm 1932, Nam Lỗ thành lập thêm Giáo họ Y Đún.

    Năm 1938, Giáo xứ đã xây nhà chung với chiều dài 25m, rộng 8m, cao 5m và được đại tu năm 2008.

    Sau 1954, ba giáo họ: Lô Xá, Phú Điền và Kinh Môn, thuộc xứ Nam Lỗ bị xoá sổ. Nam Lỗ chỉ còn 12 họ giáo, cả họ nhà xứ và đền Đức Mẹ Fatima với 1.377 giáo dân, nằm trên 7 xã, huyện Đông Hưng và Hưng Hà.

    Năm 1996, Giáo xứ xây nhà mục vụ, với chiều dài 70m, rộng 6m, diện tích khoảng 300m2, làm nơi sinh hoạt cho các đoàn hội.

    Năm 2008, Giáo xứ xây nhà giáo lý để bồi dưỡng và giáo dục Đức tin cho con em.

    Các chứng nhân tử đạo

    Thời kỳ bách hại đạo, Nam Lỗ có nhiều tín hữu sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đạo Chúa. Theo cuốn Vườn vạn Tuế Thái Bình, xứ Nam Lỗ có 14 Hiền phúc, riêng Nhà Xứ có 6 vị : Linh mục Vinhsơn Trí (số 505); Thầy giảng Đaminh Chiêu (số 506); Vinhsơn Quỳnh (số 518); Đaminh Đệ (số 519) và anh là Phêrô Quân (số 520); Phêrô Đán (số 522).

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Trong hành trình ơn gọi bước theo Chúa để phục vụ Giáo Hội và tha nhân, Giáo xứ Nam Lỗ đã có linh mục là cha Vinhsơn Trí và thầy giảng là Đaminh Chiêu tử đạo. Tiếp đến là các cha: Cha Polycarpo Maria Trần Thái Sơn CMC (+) (Hoa Kỳ); cha Vinhsơn Nguyễn Xuân Tuấn (Phú Cường); cha Vincentê Trần Thanh Thoả (quê ngoại) (Long Xuyên); Cha Đaminh Bùi Ngọc Hải (quê ngoại) (Thái Bình); Phó tế Đaminh Vũ Công Khương dòng Thừa Sai Đức Tin (Phú Cường).

    Các Linh mục coi sóc từ Năm thành lập Giáo xứ:

    Cha xứ tiên khởi Phêrô Trứ (1908-1914); cha Phêrô Thiêm (1915-1928); cha Thôma Vũ Nguyên Sùng (1929-1935); cha già Giuse Khuông (1936-1945); cha Giuse Phạm Hữu Đoàn (10/1945-8/1954).

    Sau năm 1954, Giáo xứ không có cha coi sóc trực tiếp, chỉ có các cha phụ trách : Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ; cha già Sùng; cha Vinhsơn Nguyễn Khắc Hiếu; cha Gioakim Trần Trọng Uyên; cha Gioan B. Phạm Ngọc Châu; cha chính Giuse Bùi Văn Cẩm; cha Giuse M. Trần Đức Hạnh; cha Phêrô Chanel Nguyễn Kiêm Toàn; cha Đaminh Nguyễn Văn Quát (12/7/2002-10/9/2014); cha Phêrô Verona Trần Duy Điển và hiện nay là cha Đaminh Nguyễn Văn Bảng.

    Các giáo họ trực thuộc: Cốc, Ngói, Khuốc, Tăng, Sổ, và Phạm. Các họ : Lô Xá, Phú Điền và Kinh Môn bị xoá sổ.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Các đoàn hội trong Giáo xứ gồm có: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Con Đức Mẹ, hội Legio Marie, Ca Đoàn, Giáo lý viên, Thiếu nhi Thánh Thể, ban Kèn, ban Trống.

    Để đào tạo chuyên sâu và lâu dài cho các em về giáo lý, Giáo xứ thường xuyên mở các lớp huấn luyện, đào tạo giáo lý viên để luôn có người kế tiếp phục vụ dạy giáo lý. Hiện nay, Giáo xứ có các lớp giáo lý: Cỏ non, Sơ cấp, Giáo lý Cơ bản, Kinh Thánh, Vào Đời...

     

    GIÁO HỌ CỐC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : 1825

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1911

    Bổn mạng : Thánh Tôma Aquinô (28/01)

    Số giáo dân : 34

    Địa chỉ : Nhà thờ Giáo họ Cốc, thôn Cốc, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Tây Bắc.

    I- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Cuối thế kỷ XVIII, người dân làng Cổ Cốc (phủ Tiên Hưng, Thái Bình) được nghe rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô. Năm 1825, nhóm người đầu tiên đã lập nên một cộng đoàn nhỏ, từ đó dần dần hình thành nên Giáo họ Cổ Cốc. Ban đầu, giáo dân dựng một nhà thờ nhỏ bằng tre, mái lá, để cầu nguyện và đọc kinh sớm tối. Năm 1911, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ lim, mái ngói với chiều dài 21m, rộng 7m.

    Năm 1954, biến cố xã hội, nhiều người di cư vào Nam, chỉ còn lại 2 gia đình với 5 người.

    Năm 1979, Giáo họ xây nhà phòng với chiều dài 10m, rộng 6m, cao 5m.

    Các chứng nhân tử đạo

    Trong thời kỳ bách hại đạo, Cổ Cốc có những người con đã hiến dâng mạng sống để minh chứng Đức Tin. Trong Sổ Tử Đạo Roma, Giáo họ có một hiền phúc là : Đaminh Hiến (số 530), bị giam ở làng Quán Dâu, sau sang làng Thanh Cầm, xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên. Ngài tử đạo cùng với hơn hai trăm người, theo lệnh Thượng Hưng, ở Rồng Chầu, ngày 2/6/1862.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ có những người con hiến dâng mình theo Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân: cha Thomas Nguyễn Quốc Ánh (Bà Rịa); cha Micae Nguyễn Trí Phi (Canada) và cha Gioakim Nguyễn Chí Công CSsR (Sài Gòn).

    II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Dù trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống Đức tin, nhưng đời sống đạo của giáo dân Cổ Cốc vẫn ươm nồng trong hồng ân Thiên Chúa và dưới sự chăm sóc của các cha. Với lòng tin và lòng mến sắt son, Giáo họ Cổ Cốc đang thay đổi hàng ngày với niềm tin và hy vọng vươn tới tương lai tươi sáng của ngàn năm thứ ba.

     

    GIÁO HỌ KHUỐC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Không rõ

    Năm xây dựng nhà thờ : 27/5/2013

    Bổn mạng : Đức Mẹ Sầu Bi (15/9)

    Số giáo dân : 195

    Địa chỉ : Nhà thờ Khuốc, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Đông.

    I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo truyền ngôn, ban đầu Giáo họ Khuốc, thuộc xứ Sa Cát, nhận Đức Mẹ Sầu bi làm bổn mạng.

    Thời vua Minh Mạng - Tự Đức cấm đạo, nhà thờ bị tàn phá (sau này là nghĩa trang của Giáo họ). Khi mọi sự yên bình, giáo hữu dựng nhà thờ mới.

    Năm 1902, Giáo họ mua được nhà thờ cũ 7 gian của Giáo họ Cao Tường, xứ Cao Xá, Hưng Yên, về làm nhà thờ.

    Năm 1908, Giáo xứ Nam Lỗ được thành lập, Giáo họ Khuốc về xứ này.

    Năm 1932, cha xứ Tôma Vũ Nguyên Sùng và Giáo họ xây tháp chuông cao 15m.

    Năm 1950, nhà thờ Khuốc bị chiếm dụng. Suốt 4 năm, Giáo họ không có nơi cầu nguyện.

    Biến cố di cư năm 1954, Giáo họ chỉ còn lại 5 gia đình. Nhà thờ được trả nhưng bị hư hỏng vì muối mặn song Giáo họ không có khả năng sửa chữa.

    Đêm 30 năm 1960, nhà thờ bị hỏa hoạn, chỉ còn tháp chuông và bức tường đầu nhà thờ.

    Năm 1964, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ giúp Giáo họ mua 3 gian nhà gỗ lim dựng lại nhà thờ. Tuy nhiên, năm 1975, nhà thờ mới được dựng lại trên nền cũ.

    Năm 1996, Giáo họ xây đài quy lăng hài cốt 7 chứng nhân tử đạo.

    Năm 2006, cha xứ Đaminh Nguyễn Văn Quát và Giáo họ xây nhà khách.

    Ngày 27/5/2013, cha xứ và Giáo họ xây nhà thờ mới và được khánh thành ngày 04/01/2015, do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ SDB chủ sự.

    Các chứng nhân tử đạo

    Trong Sổ Tử Đạo Roma, Giáo họ Khuốc có Hiền phúc Đaminh Khang (số 527) chịu tử đạo năm 1862, tại Lang Lô, làng Thanh Cù, Hưng Yên và 7 chứng nhân tử đạo.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ có những người con tận hiến đời mình theo Chúa: cha Đaminh Bùi Văn Hưng (+) (Thanh Hóa) và cha Đaminh Nguyễn Minh Nhật (Mỹ Tho).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Nằm trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa của dân tộc, là cái nôi của làn điệu Chèo mượt mà, thân thương và đằm thắm, Giáo họ Khuốc vẫn kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy để Thiên Chúa được tôn vinh và vì phần rỗi các linh hồn.

     

    GIÁO HỌ NGÓI

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Đầu thế kỷ XX

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1993

    Bổn mạng : Thánh Lm. Phêrô Nguyễn Bá Tuần (15/7)

    Số giáo dân : 33

    Địa chỉ : Nhà thờ Ngói, thôn Tân Tiến, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 300m về hướng Tây.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vùng đất Thổ Khối, thời vua Tự Đức cấm đạo, là nơi giam giữ những người Kitô hữu. Nhờ gương sáng, sự hy sinh của những Kitô hữu này, một số người nơi đây đã tin theo đạo. Dần dần thành một họ đạo gọi là Giáo họ Thổ Khối.

    Ban đầu, Giáo họ dựng được một nhà nguyện 4 gian, lợp rạ.

    Theo Sử Ký Địa phận Trung (1916): Năm 1908, Giáo xứ Nam Lỗ thành lập, Giáo họ Ngói là một họ bổn đạo mới, với tên là Thổ Khối, có 30 nhân danh.

    Có lẽ vào thời cha già Thiêm coi sóc (1915-1928), Giáo họ đã nhận Á thánh Linh mục Phêrô Nguyễn Bá Tuần tử đạo làm bổn mạng.

    Thời cha già Sùng coi xứ (1929-1935) và cụ trùm Bôn, Giáo họ đã xây nhà thờ bằng gạch, với chiều dài 11m, rộng 4m, lợp ngói.

    Biến cố 1954, một số gia đình di cư vào Nam, Giáo họ còn lại 5 gia đình với 21 nhân danh.

    Năm 1993, nhờ sự giúp đỡ của cha Chính Ciuse Bùi Văn Cẩm, cùng sự quan tâm của nhiều người, Giáo họ xây dựng nhà thờ 5 gian với chiều dài 12m, rộng 4m.

    1994

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là giáo họ ít người nhưng Giáo họ Ngói luôn vững bước trên hành trình cùng với các Giáo họ, Giáo xứ trong Giáo phận tiến vào kỷ nguyên mới của đức tin và lòng mến. Đồng thời, Giáo họ luôn ý thức được vai trò và bổn phận của mình trong việc gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp của cha ông đã gây dựng trong lòng xã hội hôm nay.

     

    GIÁO HỌ PHẠM

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1909

    Năm thành lập Giáo họ : 1910

    Năm xây dựng nhà thờ : 1914

    Thánh bổn mạng : Thánh Gioakim (26/7)

    Số giáo dân : 6

    Địa chỉ: Nhà thờ Họ Phạm, thôn Phạm, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Đông Nam.

    I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng năm 1908-1909, các nhà truyền giáo đến rao giảng Tin Mừng tại vùng đất thôn Phạm và có 3 gia đình đón nhận xin gia nhập đạo. Sau đó, một số khác cũng xin theo đạo.

    Năm 1910, Giáo họ Phạm được thành lập.

    Năm 1914, Giáo họ xây nhà thờ và tháp chuông. Sau đó, Giáo họ có thêm một số gia đình từ Trung Linh, Hành Thiện, Nam Định về đây sinh sống và gia nhập Giáo họ. Lúc này, Giáo họ có 15 gia đình với 70 nhân danh.

    Năm 1946, cơn bão lớn làm sập đổ ngọn tháp và 2 gian cuối nhà thờ.

    Năm 1954, nhiều người bỏ quê hương di cư vào miền Nam, chỉ còn lại 1 gia đình ông bà Nhận và Si cùng với đứa con nhỏ 2 tuổi.

    Năm 1955, qua cha Đaminh Phạm Quang Trung, ông bà Nhận gặp Đức cha Đaminh trình bày hoàn cảnh và được Đức cha giúp một số tiền, ông bà nhờ thợ sửa chữa 2 gian cuối nhà thờ.

    Khoảng năm 1996-2001, cha quản xứ Giuse Trần Đức Hạnh tặng Giáo họ 1 quả chuông.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Trong vườn nho của Chúa, Giáo họ rất vui mừng đóng góp một người con là cha Vinhsơn Phạm Anh Tuấn đang phục vụ tại Giáo phận Xuân Lộc.

    II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Với số lượng nhân danh ít ỏi, mọi sinh hoạt của Giáo họ luôn được sự quan tâm giúp đỡ của toàn giáo xứ. Tuy nhiên, không quản ngại những khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt, Giáo để lại, sống đời chứng nhân Tin Mừng, yêu họ vẫn kiên trung giữ vững đức tin của cha ông thương đoàn kết để giúp nhau thăng tiến trong đời sống vật chất cũng như tinh thần.

     

    GIÁO HỌ SỔ LÀNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1861

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng năm 1885

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997

    Bổn mạng : Thánh Gioan Baotixita (24/6)

    Số giáo dân : 94

    Địa chỉ : Nhà thờ Sổ Làng, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ hơn 1km về hướng Tây Nam.

    I- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Sổ Làng trước đây là làng Sổ, tổng Cao Mỗ, phủ Thần Khê, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình.

    Thời vua Tự Đức ra lệnh “Phân sáp” (1861), hai gia đình ông bà cố cha Nguyễn Bá Lộc và ông trùm Thi bị đày từ Tương Đông, Bách Tính, Hải Hậu, Nam Định đến làng Sổ, một làng toàn lương. Gia đình ông bà cố sống trong nhà ông Đỗ Đình Tại, chánh tổng Cao Mỗ. Nơi đây, ông bà cố đã thuyết phục được gia đình ông Tổng Tại vào đạo. Sau đó, ông Tổng Tại làm trùm họ và dựng nhà nguyện bằng xoan tre, lợp rạ trên phần đất của cụ chánh Chức.

    Năm 1885, phong trào Văn Thân nổi lên làm hạt giống Đức Tin đang phát triển tại làng Sổ bị chững lại. Thời kỳ đen tối qua đi, hạt giống ấy lại tiếp tục triển nở. Hơn nữa, một số gia đình Công giáo từ các nơi về đây sinh sống. Vì thế, Giáo họ Sổ Làng được thành lập và nhận thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng.

    Năm 1918, Giáo họ nhận thánh Gioan Baotixita làm bổn mạng như ngày nay.

    Đạo được yên ổn, nhà thờ thứ hai 5 gian bằng tre gỗ được dựng lên trên một mảnh vườn 4 sào.

    Thời cha xứ Tôma Vũ Nguyên Sùng (1929-1937), Giáo họ dựng nhà thờ 7 gian bằng gỗ lim, lợp ngói, làm cách nhà thờ cũ chừng 50m và dựng 5 gian nhà phòng để các “mụ” phục vụ Giáo họ.

    Tháng 3/1950, lính Pháp từ bốt Kim Bôi (cách nhà thờ chừng 1 km) câu pháo vào làng Sổ làm nhà thờ bị sập hai gian giữa, nhà phòng tan nát, giáo dân bỏ làng chạy đi nơi khác. Sau khi bình ổn, giáo dân trở về, nhưng không thể dựng lại được nhà thờ.

    Năm 1954, nhiều người di cư vào Nam, Giáo họ chỉ còn 4 gia đình với 26 khẩu.

    Năm 1961 nhờ sự giúp đỡ của cha già Hiếu, cha già Uyên, Giáo họ dựng lại nhà thờ, diện tích chừng 40m2. Giáo họ lúc này có 5 gia đình với 51 nhân danh.

    Năm 1994, Giáo họ xây ba gian nhà phòng, diện tích 50m2 và 22m tường bao.

    Năm 1999, cha xứ Giuse Hạnh tặng Giáo họ một quả chuông.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Trong đời sống tận hiến, Giáo họ Sổ Làng có 2 thầy và 2 nữ tu đang âm thầm phục vụ Giáo hội và tha nhân.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một giáo họ sống giữa những người lương dân, Sổ Làng luôn ý thức được trách nhiệm sống làm chứng cho Chúa trên mảnh đất quê hương. Các sinh hoạt chung của Giáo họ được cố gắng duy trì để làm tăng thêm lòng mến Chúa yêu người và làm cho Giáo họ cũng như Giáo xứ ngày một phát triển hơn.

     

    GIÁO HỌ LŨ TĂNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Không rõ

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1989

    Bổn mạng : Đức Mẹ Vô Nhiễm (08/12)

    Số giáo dân :

    Địa chỉ : Nhà thờ Lũ Tăng, xã Phú Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Nam.

    I- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Thời bách đạo Công Giáo, từ Kẻ Rèm (xứ An Lập), có hai anh em trai là Đaminh Đào và Đaminh Học chạy đến vùng đất giữa cánh đồng ẩn nấp. Dần dần vùng đất này có nhiều người từ các nơi về đây lập nghiệp và sinh sống. Nhờ sống theo tinh thần Tin Mừng, những tín hữu này đã lôi kéo được nhiều người tin theo Chúa như cụ Lang Đoan và cụ Hợp.

    Ban đầu, xóm đạo dựng một nhà nguyện nhỏ bằng tranh tre, vách đất, lợp rạ, nằm ngay cạnh đường 39. Số giáo dân tăng lên, xóm đạo chuyển về thôn Đồng Trú làm nhà thờ mới bằng cột lim, trát vách, lợp rạ (việc làm nhà thờ phải nhờ đến giáo hữu Kẻ Rèm giúp đỡ, thời cha Thánh Liêm coi sóc).

    Thời cụ trùm Đoan, Giáo họ xây nhà thờ, với chiều dài 11m, rộng 5m5, cột lim, mái ngói và hoàn thành năm 1938.

    Biến cố năm 1954, số giáo dân di cư hầu hết vào miền Nam, chỉ còn một số ít. Nhà thờ bị chính quyền chiếm dụng.

    Các chứng nhân tử đạo

    Trong Sổ Tử Đạo Roma, Giáo họ Lũ Tăng có 6 Hiền phúc: 2 anh em là Phêrô Thịnh (số 513) và Phêrô Mây (số 514); Đaminh Di (số 523); Đaminh Nghiêm (số 524); Đaminh Huệ (số 528); Đaminh Phương (số 529).

    Năm 1995, Giáo họ khai quật được 9 hài cốt các chứng nhân: Đaminh Hiệu; Phêrô Trường; Đaminh Côn; Đaminh Thán; Phêrô Quang; Phêrô Cương; Phêrô Rã; Phêrô Ru; Đaminh Lượng; Pháp á Ngân.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Chặng đường đã qua chưa quá dài nhưng cũng không hề ngắn trong đời sống đức tin của Giáo họ Lũ Tăng. Với những truyền thống được kế thừa từ các bậc tiền nhân, Giáo họ luôn tự hào về lịch sử của mình. Cũng từ đó, Giáo họ có thêm động lực để dấn thân trên cánh đồng truyền giáo của quê hương Thái Bình yêu dấu.

     

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan