Giáo xứ Lương Đống

  • 18/12/2024
  • Giáo xứ Lương Đống cách Tòa giám mục khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Phía Bắc giáp xứ Phương Xá; phía Tây Bắc giáp xứ Thuần Tuý; phía Tây giáp thị trấn Đông Hưng.

     

    GIÁO XỨ LƯƠNG ĐỐNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XVII (1662)

    Năm thành lập Giáo họ : 1682

    Năm thành lập Giáo xứ : 1924

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1869

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân : 262 (Toàn xứ), 131 (Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Lương Đống, xã Đông Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Lương Đống cách Tòa giám mục khoảng 10km về hướng Đông Bắc. Phía Bắc giáp xứ Phương Xá; phía Tây Bắc giáp xứ Thuần Tuý; phía Tây giáp thị trấn Đông Hưng.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo truyền ngôn, vùng đất Lương Đống được đón nhận ánh sáng đức tin khoảng năm 1662 do các thừa sai Dòng Tên từ Lai Ổn đến rao giảng.

    Năm 1682, Giáo họ Lương Đống được thành lập, thuộc xứ Lai Ổn, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Ban đầu, giáo họ dựng một nhà nguyện mái tranh, vách đất làm nơi cầu nguyện.

    Năm 1722, Lương Đống chuyển về Sa Cát khi xứ này được thành lập.

    Năm 1869-1870, nhà thờ Giáo họ chuyển vào trong làng, được xây dựng và tồn tại đến ngày nay.

    Năm 1924, Đức cha Phêrô Trung ban Sắc nâng Lương Đống lên Giáo xứ và cắt Giáo họ: Kỳ Trọng, An Phú và Phù Sa của xứ Sa Cát về xứ Lương Đống.

    Năm 2007, cha xứ Phêrô Nguyễn Đình Tân cùng Giáo xứ xây ba tháp chuông cao: tháo chính 40m, 2 tháp phụ 25m.

    Các chứng nhân tử đạo

    Thời vua Tự Đức bách hại đạo, tín hữu Lương Đống đã thể hiện lòng trung thành và đã có một Hiền phúc tử đạo góp thêm ngành lá xanh tươi vào vườn Vạn Tuế Thái Bình là Antôn Chí (số 1222)

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Giáo xứ Lương Đống đã góp vào Vườn Nho của Chúa những người thợ nam cũng như nữ: Đức Cha Đaminh Đặng Văn Cầu; cha Đaminh Đặng Hữu Nghị; cha Giuse Bùi Hữu Duy (Hải Phòng); cha Phaolô Nguyễn Văn Liêm cùng các chủng sinh và nữ tu.

    Các Linh mục coi sóc Giáo xứ

    Cha Thuỵ; cha Sùng; cha Khoan; cha An; cha Tình; cha Gioakim Mai Quý Thân; cha Giuse Trần Trọng Hậu; cha Gioakim Trần Trọng Uyên; cha Giuse Bùi Văn Cẩm; cha Giuse Trần Đức Hạnh; cha Gioan Baotixita Phạm Ngọc Châu; cha Phêrô Nguyễn Đình Tân; cha Đaminh Bùi Ngọc Hải; cha Giuse Lại Ngọc Tuấn và hiện nay là Cha Vinhsơn Phạm Văn Thành.

    Các giáo họ trực thuộc: An Phú và Phù Sa. Họ Kỳ Trọng không còn.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ Lương Đống dù nhỏ và ít giáo dân nhưng giáo xứ vẫn có các đoàn hội: hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Ca đoàn, ban Trống... Nhờ các đoàn hội, đời sống đức tin của Giáo xứ ngày càng thăng tiến.

    Giáo dân xứ Lương Đống sống giữa những người chưa tin theo Chúa Kitô, nên mỗi người con Giáo xứ luôn ý thức sứ mạng truyền giáo của mình là loan báo Chúa Kitô qua đời sống đạo thường ngày.

     

    GIÁO HỌ AN PHÚ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX

    Năm thành lập Giáo họ : 1920

    Năm xây dựng lại nhà thờ: 1941

    Bổn mạng : Thánh Augustinô (28/8)

    Số giáo dân : 47

    Địa chỉ : Nhà thờ An Phú, xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    Cách nhà xứ 5km hướng Đông.

    I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Theo lời các bậc tiền nhân, An Phú được đón nhận Tin Mừng khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

    Năm 1920, Giáo họ An Phú được thành lập, nhận thánh Augustinô làm bổn mạng. Số giáo dân có 6 hộ gia đình. Giáo họ dựng ngôi nhà thờ đầu tiên 5 gian bằng gỗ xoan, lợp rạ, với chiều dài 13m, rộng 6m, cao 3.5m.

    Năm 1938, nhà thờ bị sụp đổ.

    Năm 1941, Giáo họ mua lại nhà thờ cũ bằng gỗ lim của họ Tân Hưng. Số giáo dân lúc này có 9 hộ gia đình.

    Năm 1952, Giáo  họ mua lại ngôi đình làng, tu sửa lại giàn gỗ lim, lợp ngói, bưng gỗ hai bên để làm nhà thờ.

    Biến cố 1954, nhiều gia đình di icư vào Nam, Giáo họ chỉ còn 2 gia đình với 6 nhân khẩu.

    Năm 1994, một số người từ họ Đồng Đức, xứ Chính Toà đến định cư, nên con số của Giáo họ lên đến 30 nhân danh.

    Năm 1999, Đức Ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh tặng Giáo họ một quả chuông và Giáo họ dựng tạm hai cột bê tông cao 6m để treo.

    Năm 2010, Giáo họ xây tháp chuông cao 25m. Số giáo dân có 11 gia đình với 41 nhân danh.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    An Phú là vùng đất truyền giáo, nằm giữa địa bàn 6 xã hầu hết là lương dân, do đó mọi người trong Giáo họ ý thức sống truyền giáo, cụ thể bằng đời sống gương sáng, thực thi bác ái yêu thương và tinh thần đoàn kết lương-giáo hài hoà.

     

    GIÁO HỌ PHÙ SA

    Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng cuối thế kỷ XIX (1875)

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng năm 1911

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1915

    Bổn mạng : Thánh Phaolô trở lại (25/01)

    Số giáo dân họ : 85

    Địa chỉ : Nhà thờ Phù Sa, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng hơn 1km về hướng Tây Bắc.

    I - HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, khoảng năm 1875, sông Hoài đổi dòng chảy về phía Tây bỏ lại dòng phù sa bồi đắp thành vùng đất màu mỡ. Lúc đó gia đình ông bà Đaminh và Rôsa – gọi là ông bà Hậu Lan, quê ở Đồi Gôi, Nam Định, cùng nhiều người từ các nơi đến lập ấp sinh sống. Hơn nữa, nơi đây liền cạnh sông Hoài đổ ra sông Trà Lý, nên thuận lợi cho các cha thừa sai đến đây bằng đường thuỷ truyền Đạo. Vì thế, nhiều người đã vui mừng đón nhận đức tin.

    Theo thời gian, số người tin theo Chúa mỗi ngày một đông thêm. Ban đầu, xóm đạo làm một nhà nguyện nhỏ để họp nhau cầu nguyện.

    Khoảng năm 1911, Giáo họ Phù Sa được thành lập, thuộc xứ Sa Cát, nhận thánh Phaolô trở lại làm bổn mạng.

    Năm 1915, Giáo họ dựng nhà thờ bằng gỗ lim, lợp ngói, dài 22m, rộng 9m, cao 7m và hoàn thành năm 1916.

    Đến năm 1930, Giáo xứ Tràng Quan được thành lập, Giáo họ chuyển về xứ mới.

    Năm 1942, Giáo xứ Lương Đống được thành lập, Phù Sa thuộc về Lương Đống.

    Năm 1954, nhiều người di cư vào Nam, số còn lại rất ít.

    Năm 1999, Giáo họ xây tháp chuông cao 30m, đồng thời trùng tu và nâng cấp nhà thờ.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ Phù Sa tuy nhỏ bé nhưng giáo dân luôn hăng say, nhiệt tình trong các công việc của Giáo xứ cũng như của Giáo họ. Đặc biệt trong cuộc sống thường ngày, mọi người đã trở thành chứng nhân tình yêu của Đức Kitô cho anh chị em lương dân xung quanh.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan