Giáo xứ An Thái

  • 31/05/2024
  • Giáo xứ An Thái cách Tòa giám mục khoảng 12km về hướng Tây Bắc.

    GIÁO XỨ AN THÁI

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1908

    Năm thành lập Giáo xứ: 07/10/2020

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :

    Bổn mạng Giáo xứ : Thánh Giuse thợ (01/5)           

    Số giáo dân :                 (Họ nhà xứ: 165)

    Địa chỉ : Nhà thờ An Thái, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ An Thái cách Tòa giám mục khoảng 12km về hướng Tây Bắc.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Cuối Thế kỷ XIX, gia đình cụ Đaminh Trần Văn Thứ (cụ Hậu Thứ) làm nghề lang thuốc, cứu chữa được nhiều người nên được dân làng mến chuộng. Cụ bà đã rửa tội được nhiều trẻ em và người lớn hấp hối, sau khi bình phục nhiều người đã theo Đạo. Tiếp theo sau, nhiều gia đình Công giáo từ các nơi khác về đây sinh sống và hình thành lên một xóm đạo.

    Năm 1908, Giáo họ An Thái thành lập, thuộc về xứ Nam Lỗ. Gia đình Cụ trùm Hậu Thứ hiến cho Giáo họ 1.800m2 và dựng nhà thờ nhỏ bằng gỗ, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng (Theo Sử Ký địa phận Trung, năm 1916).

    Năm 1944, Giáo họ có 45 gia đình với gần 200 nhân danh. Thời cụ Linh làm trùm, Giáo họ mua nếp nhà thờ của Cát Bi, do thầy Triệu giới thiệu về làm ngôi nhà thờ mới (Nhà thờ cũ bán cho Ninh Cường, Bùi Chu). Dịp này, Giáo họ nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

    Năm 1947, nhà thờ An Thái và nhà thờ Khuốc bị chiếm dụng thành kho chứa muối.

    Năm 1954, biến cố di cư vào Nam, Giáo họ chỉ còn lại 17 gia đình với 85 nhân khẩu.

    Năm 2000, Giáo họ xây nhà giáo lý, đúc chuông và mua thêm một quả chuông mới.

    Ngày 07/10/2020, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB ký Sắc nâng An Thái lên hàng giáo xứ. Các giáo họ trực thuộc: Lác Làng, Lác Trại, Y Đún, Hoàng Nông.

    Ngày 18/10/2020, trong Đại lễ Khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo phận Thái Bình, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ đã trao sắc phong lên giáo xứ cho 27 giáo họ trong giáo phận trong đó có Tân Giáo xứ An Thái.

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Giáo xứ An Thái đóng góp cho Hội Thánh những người con hiến mình theo Chúa: cha Giuse Nguyễn Thanh Liêm (Úc châu), cùng 1 thầy và 2 nữ tu.

    Các Linh mục coi sóc Giáo xứ từ ngày thành lập

    Các giáo họ trực thuộc: Lác Làng, Lác Trại, Y Đún, Hoàng Nông.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Cùng với nhịp sống đang đổi mới từng ngày, là một giáo xứ mới, An Thái đang củng cố và xây dựng đời sống đức tin lẫn phát triển cơ sở vật chất.

    Với đời sống đạo sốt sáng, với đức tin vững vàng, các tín hữu An Thái đã góp phần vào vườn hoa thiêng của Giáo phận thêm nhiều hương sắc.

     

    GIÁO HỌ HOÀNG NÔNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Không rõ

    Năm thành lập Giáo họ : 1920

    Bổn mạng : Thánh Cả Giuse (19/3)

    Số giáo dân : 5

    Địa chỉ : Nhà thờ Hoàng Nông, xã Tam Trang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I-HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Hạt giống Tin Mừng được gieo vào vùng đất Hoàng Nông như thế nào và vào thời kỳ nào không ai còn rõ. Tuy nhiên, Hạt giống ấy đã trổ sinh, đơm bông, kết trái khi một gia đình có ba mẹ con đã theo đạo. Hơn nữa, gia đình ấy đã dâng 3 sào ruộng để làm nhà thờ và 7 sào ruộng ở đồng Quýt. Vì thế, nơi đó có tên gọi là Xóm Vượt. Sau này, khi thành lập Giáo họ gọi là Hoàng Nông.

    Năm 1930, cha quản xứ Tôma Vũ Nguyên Sùng cùng 7 gia đình giúp Giáo họ mua căn nhà ông ký Sương, làng Ngói, xã Hợp Tiến về dựng nhà thờ. Nhà thờ khánh thành ngày 19/3/1930 và nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng.

    Năm 1948, nhờ sự trợ giúp của cha quản xứ Giuse Phạm Hữu Đoàn, Giáo họ mua một căn nhà gỗ ở Quỳnh Côi để dựng nhà thờ.

    Cuộc chiến năm 1950-1954, nhà thờ bị cháy trụi, giáo hữu bỏ di cư vào Nam, một số bỏ đạo. Lúc này, Giáo họ chỉ còn 2 gia đình.

    Năm 1956, thời cha già Hiếu phụ trách, Giáo họ tái thiết nhà thờ lần thứ ba (Lúc này Giáo họ chỉ còn một gia đình cụ Thứ).

    Năm 1991, Đức cha Phanxicô Xaviê và cha chính Giuse Bùi Văn Cẩm giúp đỡ tái thiết

    nhà thờ thứ tư.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trong niềm tin tưởng và hiệp nhất, Giáo họ Hoàng Nông luôn được sự quan tâm của cha xứ và các giáo họ xung quanh. Hy vọng trong tương lai, Hoàng Nông nhỏ bé sẽ phát triển hơn nữa và trở thành vùng đất tràn đầy ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa.

                              

    GIÁO HỌ LÁC LÀNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1861

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng 1870

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1905

    Bổn mạng : Đức Mẹ Dâng Mình (21/11)

    Số giáo dân : 154

    Địa chỉ : Nhà thờ Lác Làng, thôn Đoài, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo các bậc tiền nhân kể lại, An Lạc Làng trước đây là bãi cỏ lác, nên gọi là Làng Lác. Thời kỳ phân sáp do vua Tự Đức ban hành, nhiều người có đạo đến ẩn thân nơi đây. Vì thế, hạt giống Tin Mừng dần dần phát triển và hình thành một xóm đạo.

    Khoảng năm 1870, Giáo họ được thành lập, nhận Đức Mẹ dâng mình làm bổn mạng. Nhà thờ đầu tiên được dựng bằng gỗ lim, lợp ngói (sau này bán cho họ An Thái).

    Khoảng năm 1905, Giáo họ bắt tay vào việc chuẩn bị xây nhà thờ mới. Nhà thờ được xây dựng trên phần đất do cụ hậu Tầm và cụ ký Đạt dâng cúng và được khánh thành năm 1916.

    Năm 1929, Giáo xứ Duyên Tục được thành lập, An Lạc Làng thuộc về xứ này. Giáo họ dựng 7 gian nhà phòng bằng gỗ lim chắc chắn.

    Thời cha già Sùng, An Lạc Làng trở về trực thuộc xứ Nam Lỗ.

    Thời cha Giuse Phạm Hữu Đoàn coi sóc Giáo xứ (1945-1954), muốn thành lập một Giáo xứ mới bên khu Bắc Hà, gồm các họ: An Lạc, Lác Trại, An Thái, Hoàng Nông, Y Đún. Để chuẩn bị cho việc lập xứ mới, trước đó hai năm, cha Đoàn đã cho thầy Điều về họ An Lạc Làng ở. Năm 1948, cha già Thụy về coi sóc An Lạc. Tuy nhiên, Cha Thụy đã được Chúa gọi về ngày 23/8/1950.

    Biến cố 1954, số đông giáo dân di cư vào Nam. Giáo họ còn ít người, thời thế đổi thay hoàn toàn, ước mong lên xứ đành dang dở. Năm 1967, Giáo họ đổi tên thành họ Lác Làng.

    Năm 1979, Giáo họ bị nhà nước lấy mất phần lớn số diện tích đất nhà thờ.

    Năm 2004, Giáo họ xây nhà phòng mới và hoàn thành năm 2005.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ có những người con đã hiến mình theo Chúa: cha Tôma Trần Thiên Định (Hoa Kỳ); cha Giuse Maria Trần Nguyễn Duy Kim (Hoa Kỳ); cùng 5 thầy và một nữ tu.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện nay, Lác Làng có 39 gia đình và 154 khẩu. Giáo dân ở thành hai khu vực, một số ở gần nhà thờ, một số ở ven sông, cách nhà thờ chừng 1.5 km. Đời sống đức tin của bà con giáo dân luôn sốt sắng và hiệp nhất, đặc biệt trong các sinh hoạt chung của Giáo xứ.

     

     

    GIÁO HỌ LÁC TRẠI

    Năm đón nhận Tin Mừng : Không rõ

    Năm thành lập Giáo họ : Trước năm 1908

    Năm xây dựng nhà thờ : 1925

    Bon mạng: Thánh Vinh Sơn (05/4)

    Số giáo dân : 154

    Địa chỉ : Nhà thờ Lác Trại, thôn Đầm, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

    I- HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Giáo họ Lác Trại trước đây thuộc tổng An Lạc, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, tại đây có Đền thánh Vincentê Lác Trại.

    Theo Sử ký Địa phận Trung (1916), năm 1908, khi thành lập Giáo xứ Nam Lỗ, Giáo họ Lác Trại, gọi là An Lạc Trại, là Giáo họ bổn đạo gốc, nhận thánh Vincentê làm bổn mạng, với 154 nhân danh.

    Năm 1922, Giáo họ dựng nhà nguyện 4 gian, lợp rạ ở đồng Bông (Đồng Cửa, thôn Tiền, xã Mê Linh ngày nay).

    Năm 1925, nhà thờ chuyển về đất Trại, khu vực Gồ Rơm, do gia đình cụ Hậu Tín dâng cúng và hoàn thành năm 1926. Cùng thời gian này, ông trùm Sang dâng cúng cho Giáo họ mảnh đất 720m2, bây giờ làm nghĩa trang.

    Biến cố 1954, nhiều người bỏ làng di cư vào Nam, Giáo họ còn lại chừng 30 nhân danh.

    Năm 1987, Giáo họ đã mua được một số gỗ lim của nhà thờ Kinh Môn để thay sửa

    nhà thờ.

    Năm 1993, cha Chính Ciuse Bùi Văn Cẩm quản xứ và Giáo họ xây nhà Phòng 3 gian, mái ngói.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Giáo họ Lác Trại hiện có các nữ tu dâng mình theo Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân.

    II- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tuy nhỏ bé, Giáo họ Lác Trại đã tổ chức được các đoàn hội : Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Con Đức Mẹ. Các thành viên trong mỗi hội đoàn luôn đoàn kết, yêu thương, nhiệt tình trong mọi công việc của Giáo xứ nói chung và Giáo họ nói riêng.

     

     

    GIÁO HỌ Y ĐÚN

    Năm đón nhận Tin Mừng : 1930

    Năm thành lập Giáo họ : 1932

    Năm xây dựng nhà thờ : 1997

    Bon mạng : Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (01/10)

    Số giáo dân :

    Địa chỉ : Nhà thờ Y Đún, thôn Trần Phú, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Y Đún trước kia thuộc xã Ngoại Thôn, tổng Y Đún, huyện Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Khoảng năm 1930, cụ Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Túc từ Kẻ Sặt (Hải Dương) về sinh sống tại Y Đún. Cụ làm nghề thuốc và có năm người con trai: Bậc, Nguyên, Phiên, Bộ và Tới. Chỉ sau một thời gian, số người theo đạo ngày một tăng. Thấy vậy, cha xứ cho thầy Quang, thầy Thức và cụ chánh Trác về dạy kinh văn đạo lý mọi người nơi đây.

    Năm 1932, Giáo họ được thành lập, nhận thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu làm bổn mang và dựng nhà thờ đầu tiên bằng gỗ, lợp lá, trên phần đất 408m2 do cụ Tổng An dâng cúng.

    Trận bão năm 1946 làm nhà thờ bị đổ nát, Giáo họ không đủ sức dựng lại.

    Biến cố 1954, nhiều người bỏ di cư vào miền Nam. Hơn nữa, những khó khăn do hoàn cảnh xã hội, nhà thờ vẫn không có điều kiện dựng lại và dần bị mất đất.

    Sau năm 1975, Giáo họ càng thưa thớt vì một số gia đình vào Nam làm ăn sinh sống.

    Năm 1997, cha xứ Giuse Trần Đức Hạnh giúp Giáo họ xây nhà thờ mới trên phần đất thổ cư 180m2.

    Ngày 1/8/2008, cha xứ dâng lễ tạ ơn và làm phép chuông, trọng lượng 70 kg.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Mặc dù là Giáo họ nhỏ nhưng mọi người, đặc biệt các em trong họ vẫn đều đặn đến nhà xứ tham gia các hội đoàn, tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và học hỏi giáo lý.

     

    Nguồn: Kỷ Yếu Giáo phận Thái Bình

    Bài viết liên quan