QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Dòng anh em thuyết giảng khởi đi từ lòng nhiệt thành loan báo Lời Chúa của cha Domingo de Guzmán (1170). Sau khi thụ phong Linh mục, cha Đaminh gia nhập Kinh sĩ đoàn nhà thờ chính toà Giáo phận Osma.
Tại công đồng Latêranô IV (1215), cha Đaminh và Đức cha Foulques đệ trình lên Đức Giáo hoàng Innocente III kế hoạch thành lập Dòng. Ngày 22.12.1216, Đức thánh cha Honorio III phê chuẩn sắc lệnh thành lập Dòng, với tên gọi “Dòng Anh Em Giảng Thuyết” (Ordo Praedicatorum, viết tắt là OP).
Linh đạo của Dòng Anh Em Giảng Thuyết là “Công bố Lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô”.
Sau 800 năm thành lập, Dòng đã đóng góp cho Giáo hội những nhà thần học lỗi lạc như thánh Tôma Aquinô, thánh Anbetô Cả, thánh Catarina Siena và nhiều nhà thần học, thần bí lừng danh khác. Bên cạnh đó, các tu sĩ Đaminh như Chân phước Fra Angelico, Fra Bartolomeo còn diễn tả chân lý đức tin bằng biểu tượng của nghệ thuật tâm linh. Dòng còn có những vị truyền giáo danh tiếng như thánh Giaxintô (1257), thánh Vinh sơn Phêriô (1419), cha Bartôlômô de las Casas (1566) và thánh Máctinô Porét (1639) được Đức Gioan XXIII giới thiệu như một “mẫu gương sáng ngời về đức bác ái”.
Năm 1550, nhà truyền giáo Gaspar Santa Cruz (Bồ Đào Nha) đã đến Hà Tiên. Năm 1582 tại Philippines, Tỉnh dòng Mân Côi được thành lập, các tu sĩ Đaminh bắt đầu đem ánh sáng Tin Mừng đến Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản v.v.
Từ năm 1596 - 1629, các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Mân Côi đã thực hiện bốn chuyến truyền giáo đến miền Nam Việt Nam.
Năm 1676, Đức cha Lambert de la Motte chính thức nhờ Tỉnh dòng Mân Côi truyền giáo ở Đàng Ngoài. Kể từ đó, đã có liên tục 243 thừa sai thuộc Tỉnh dòng này đến Việt Nam.
Năm 1679, Địa phận Đông Đàng Ngoài được thành lập, vị Giám mục Dòng Đaminh đầu tiên là Đức cha Lezoli Cao OP (1698 - 1706). Từ năm 1756, Dòng đặc trách khu vực tả ngạn sông Hồng, nay là 5 giáo phận: Hải Phòng (1679), Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1883), Thái Bình (1936) và Lạng Sơn (1939), mà Đức Piô IX (1878) không ngần ngại gọi là những giáo phận gương mẫu.
Biến cố 1954 đã đưa hầu hết tu sĩ Đaminh vào miền Nam. Ngày 18.3.1967, Tỉnh dòng Đaminh được thành lập với thánh hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”. Số tu sĩ bấy giờ là 98 người. Hiện nay, Tỉnh dòng có 330 tu sĩ (trong đó có 1 Giám mục) và 12 tập sinh. Tại Việt Nam, Tỉnh dòng có 4 tu viện, 4 tu xá, phụ trách 24 giáo xứ. Ở hải ngoại, có 1 Phụ tỉnh đặt trụ sở tại Calgary, Canada với 1 tu viện, 2 tu xá (1 tại Houston, Hoa Kỳ) và phụ trách 9 giáo xứ.
Cùng với Giáo Hội Việt Nam, các tu sĩ Đaminh đã viết lên bản anh hùng ca bằng máu hồng tử đạo. Trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam, có 38 vị thuộc gia đình Đaminh, (6 giám mục, 19 linh mục, 6 thày giảng và 7 giáo dân).
Tại Giáo phận Thái Bình, sau một thời gian dài vắng bóng, tháng 05.2010, tu xá Cát Đàm được tái lập nhờ nỗ lực của Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang. Cha Giuse Líù Văn Thưởng OP được bổ nhiệm làm trưởng Tu xá và kiêm nhiệm cha chính xứ Cát Đàm. Hiện nay, số nhân sự tại đây là 4 người, trong đó có 2 linh mục, 1 thầy phó tế và 1 thầy trợ sĩ.
HOẠT ĐỘNG
Ngay từ khi mới thành lập Giáo phận Thái Bình, các tu sĩ Đaminh đã nỗ lực cộng tác với Đấng Bản quyền trong sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Kitô và xây dựng giáo phận. Nhiều người trong số họ đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi đi mục vụ các xứ họ. Trước năm 1954, các tu sĩ Đaminh đã nhiệt thành dấn thân vào những vùng hẻo lánh của giáo phận để giáo dục đức tin và cử hành phụng vụ cho giáo dân. Họ đã bị hiểu lầm và bị ngăn cản, nhưng vì Chúa Kitô, vì sứ vụ của Dòng và vì tương lai của giáo phận, anh em trong Dòng vẫn kiên vững trong công tác của mình.
Sau một thời gian vắng bóng tại giáo phận vì thời cuộc, Dòng anh em thuyết giảng trở lại Giáo phận Thái Bình để tiếp tục công việc mà họ đã khởi sự khi xưa. Hiện nay, mặc dù với số nhân sự khiêm tốn, Dòng vẫn tham gia vào mục vụ của giáo phận qua các công việc: Đào tạo ơn gọi, mục vụ giáo xứ, giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên và bác ái xã hội.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 82 | Tổng lượt truy cập: 4,257,880