Câu 26 - Chúc bình an, một hành vi xã giao mà thôi ?
Khi vị chủ tế chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, cộng đoàn thưa: “Và ở cùng cha”.
Và chủ tế nói thêm: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Bạn đừng nghĩ rằng việc chúc bình an ở đây cũng giống như việc thân hữu ngoài đời trao tặng cho nhau. Không, đây là một sự hòa giải. Thật vậy, trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói rõ rằng trước khi thực hiện mọi hành vi phụng tự, cần phải làm hòa với anh chị em mình trước đã: “Nếu ngươi đang dâng của lể nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ ” (Mt 5, 23-24). Do đó, trong phụng vụ Đông Phương, nghi thức chúc bình an vẫn còn được đặt trước kinh Tạ Ơn, cũng như tại Tây Phương trong thời gian đầu. Việc thực hành nghi thức chúc bình an đã biến mất từ nhiều thế kỷ nay. Sau Công Đồng Vaticanô II, nghi thức này lại được lồng vào trong thánh lễ. Một số người không thích cho lắm, vì họ nghĩ rằng: ngoài các cử chỉ, di động phiền toái, lại còn thiếu sự thân mật giữa các tín hữu đang tham dự thánh lễ.
Thật ra, nghi thức chúc bình an trước tiên có một ý nghĩa thiêng liêng. Thánh lễ là nơi mà tất cả tín hữu khám phá và nhận ra mình là con cái của cùng một Cha, do đó tất cả là anh chị em với nhau. Nói lên điều đó không thôi thì chưa đủ, cần phải được thể hiện cụ thể. Cử chỉ chúc và trao bình an là một trong những dấu hiệu đẹp nhất, qua đó chúng ta biểu lộ rằng chúng ta là con cùng một Cha.
Nhưng đôi khi việc chúc bình an đòi hỏi một sự cố gắng lớn, bởi vì cử chỉ này đòi hỏi mỗi người ra khỏi cái tôi chật hẹp của mình và coi người khác như là người mà ta phải tôn trọng và yêu thương. Trong một vài trường hợp, để chúc bình an một cách thật lòng, chúng ta cần phải tha thứ trong lòng trước đã, người mà chúng ta sắp đưa tay chúc bình an. Việc này không dễ dàng gì !
Việc chúc bình an được đặt trước phần rước lễ. Điều đó bình thường thôi, bởi vì làm sao chúng ta có thể đến gần Chúa Kitô và nói rằng chúng ta yêu mến Người, trong khi chúng ta từ chối hướng mặt về người anh chị em đang ở bên cạnh chúng ta ? “Kẻ nào không yêu mến anh chị em mà mình xem thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà mình không xem thấy được” (1 Gioan 4, 20).
Như thế, chia sẻ với người bên cạnh một nắm tay, hôn bình an hoặc cúi đầu chúc bình an (tùy theo phong tục của mỗi dân tộc) không phải là cử chỉ xã giao, lịch sự, mà là dấu chỉ hiệp thông trong sự bình an và tình yêu thương nhau. Và sự bình an này do Chúa Kitô ban tặng (“Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”). Thật vậy, Chúa Kitô đã phán: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng” (Gioan 14, 27). Do đó, sự bình an này rộng lớn hơn những gì con tim chúng ta có thể chứa đựng được, cũng như rộng lớn hơn những gì bàn tay chúng ta có thể truyền đạt được.
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 157 | Tổng lượt truy cập: 4,043,177