Bài 11 - Người trẻ trưởng thành lao động và nghề nghiệp

  • 23/09/2023
  • Bài 11 - Người trẻ trưởng thành lao động và nghề nghiệp

    BÀI 11
    NGƯỜI TRẺ TRƯỞNG THÀNH LAO ĐỘNG VÀ NGHỀ NGHIỆP

    “Chọn được một nghề mà bạn thích, thì bạn sẽ chẳng còn cảm thấy phải làm việc vất vả thêm một ngày nào nữa trong cuộc đời mình” (Tục ngữ châu Á).

     

    1. Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?

    Có thể làm việc, có việc làm và có thể hoàn thành một cái gì đó cho chính mình và cho người khác là nguồn hạnh phúc lớn lao đối với nhiều người. Bị thất nghiệp, không được ai cần đến, sẽ khiến người ta cảm thấy bị mất đi phẩm giá. Qua công việc con người phát triển các thiên hướng, năng khiếu của mình và tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Công việc đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa truyền cho con người thống trị mặt đất (St 1:28) để bảo vệ và vun trồng trái đất này. Lao động có thể là sự phục vụ có giá trị cho đồng loại của mình. Thậm chí còn hơn nữa: vun trồng cho trái đất cách bền vững và sáng tạo để phát triển tiềm năng hơn nữa của nó, làm cho con người nên giống như Đấng Tạo Hóa. Làm các nhiệm vụ đơn giản cách tốt đẹp, cũng còn kết hiệp con người với Chúa Giêsu, chính Người là một người lao động.

    Tâm niệm: Ngay từ khởi thủy lao động của con người là huyền nhiệm sáng tạo” (Thánh GH Gioan Phaolô II).

    2. Lao động có phải là một nghĩa vụ không?

    Thiên Chúa dựng nên trái đất và để trái đất như quà tặng quý giá cho con người. Như Kinh Thánh mô tả, lao động của con người là sự đáp lại lòng biết ơn phù hợp với quà tặng này. Cho nên khi con người theo đuổi nghề nghiệp của mình, ngay khi còn bé đã đi học, rồi thanh niên lớn lên lại được học tập, đào tạo để chuẩn bị cho công việc sau này, thì đấy không chỉ là chuyện để có thể kiếm sống cho riêng họ. Qua lao động, con người có được đặc quyền góp phần vào sự phát triển tích cực của thế giới. Vì vậy, bằng cách nào đó con người tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

    Tâm niệm: “Nếu một người được kêu gọi làm phu quét đường, thì người ấy nên quét đường y như cách Michelangelo vẽ tranh, hoặc Beethoven sáng tác nhạc hay Shakespeare làm thơ. Người ấy nên quét đường cho thật tốt đến độ tất cả các thiên binh trên trời dưới đất phải dừng lại để nói rằng: "Nơi đây đã từng có một người quét đường vĩ đại, người ấy đã làm thật tốt công việc của mình" (Martin Luther King).

    “Lao động là một lợi ích của con người – một lợi ích cho nhân tính của họ - bởi vì, nhờ lao động, không những con người biến đổi thiên nhiên bằng cách ứng dụng nó vào nhu cầu của riêng họ, mà con người còn đạt được sự viên mãn với tư cách là con người và hiểu theo ý nghĩa nào đó, “họ trở nên người hơn” (Thánh GH Gioan Phaolô II)

    3. Chúa Giêsu xem lao động như thế nào?

    Chúa Giêsu "giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi" (Công đồng Chalcedon, 451 SCN, trích dẫn Dt 4:15; x. GLCG 467). Chúa Giêsu sống giữa những ngư phủ, nông dân, thợ thủ công và chính Người đã học nghề và sau đó lao động bằng nghề thợ mộc trong xưởng của Thánh Giuse cho đến khi Chúa Giêsu ba mươi tuổi. Trong các dụ ngôn của mình, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh từ trong cuộc sống làm ăn buôn bán. Trong bài giảng, Người khen các gia nhân biết đầu tư tài năng của họ, trong khi Người trách các đầy tớ lười biếng chôn vùi tài năng của họ (xem Mt 25: 14-30). Ở trường học, người ta được đào tạo chuyên môn, rồi sau này đi làm việc, và dường như lao động thường là một bổn phận khó nhọc. Chính trong lao động chúng ta có thể học được điều này ở Chúa Giêsu và cùng với Người vác thập giá mình mỗi ngày để theo Người, Chúa Giêsu đã vác Thánh giá để cứu chuộc chúng ta.

    Tâm niệm: “Nếu lao động là điều quan trọng nhất, thì sẽ không có ý nghĩa trong cuộc sống đối với người khuyết tật, chẳng còn giá trị gì đối với người già, và sẽ chưa có giá trị chi đối với trẻ con” (NORBERT BLÜM, chính trị gia người Đức).

    4. Lao động và sự nghiệp thành công liên quan đến mục đích thực sự của đời người thế nào?

    Lao động là một phần của cuộc sống, nhưng nó không phải là cuộc sống. Đây là một điểm khác nhau đặc biệt quan trọng. Ngày nay, nhất là ở các nước phát triển cao trên thế giới, có rất nhiều người dường như chỉ sống cho công việc của họ. Đối với họ, làm việc giống như cơn nghiện, do đó những người này được gọi là người nghiện việc. Chúa Giêsu cảnh tỉnh mọi người đừng để cho chính mình bị nô lệ cho công việc như thế. Mục đích của đời người không phải là để tích lũy tiền bạc hoặc kiếm danh tiếng, nhưng để đạt được cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng việc thờ phượng, và hành động yêu thương tha nhân. Chừng nào lao động của con người còn phụ thuộc vào mục đích này, thì nó là một phần của đời sống Kitô hữu. Nhưng khi lao động trở nên cứu cánh của chính nó và làm lu mờ mục đích hiện hữu đích thật của con người, thì tầm quan trọng của lao động bị phóng đại quá mức. Tuy nhiên, nhiều người phải làm dăm ba việc và chịu khó làm để nuôi sống gia đình họ. Như vậy, là họ đang làm để phục vụ cho gia đình, nên công việc họ làm được Thiên Chúa phúc phúc.

    Tâm niệm: “Điều làm ta mệt mỏi là việc ta bỏ bê, chứ không phải việc ta làm” (MARIE VON EBNER- ESCHENBACH (1830-1916).

    5. Hoạt động kinh tế và đạo đức có liên quan với nhau như thế nào?

    Kinh tế hoạt động theo các qui luật riêng của nó. Kinh tế thị trường là một hình thái kinh tế, mà ngày càng được chấp nhận trên toàn thế giới. Kinh tế thị trường giống như trong “thương trường” thực sự: nhà cung cấp và người tiêu dùng gặp nhau, đàm phán tự do với nhau về giá cả, số lượng và chất lượng của sản phẩm. Kinh tế thị trường đã chứng minh là rất có hiệu quả, nhưng về mặt đạo đức, nó chỉ được chấp nhận khi là một nền kinh tế thị trường xã hội đi cùng với một Nhà nước lập hiến. Cho nên, trước tiên chính phủ phải bảo đảm ban hành các luật lệ rõ ràng, thứ hai, các điều khoản luật cũng phải dự trù đáp ứng được quyền lợi cho những người không có được gì để trao đổi ở thị trường đó, ví dụ, do bị thất nghiệp hoặc không có tiền. Hơn nữa, người ta còn có những trải nghiệm không được đối xử công bằng trong cơ chế thị trường: ví dụ như, gặp phải hoạn nạn, bệnh tật và khuyết tật. Thực tế là kinh tế hoạt động theo qui luật riêng của nó không có nghĩa là các qui luật thị trường không cần tuân theo các giới răn và lề luật của Thiên Chúa. Đạo đức là thành phần thiết yếu cho một hoạt động kinh tế được lành mạnh. Kinh doanh trái đạo đức về lâu dài cuối cùng cũng sẽ dẫn đến bất ổn về kinh tế. Đồng thời khi doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả do không tiết kiệm, ví dụ như lãng phí tài nguyên thì cũng đúng là trái đạo đức.

    Tâm niệm: “Chuẩn mực đạo đức “cho đi” là có thể bỏ qua các qui luật kinh tế không phải là đạo đức mà là kiểu chủ nghĩa đạo đức vô luân” (ĐGH Bênêđictô).

    6. Phải chăng giàu có là "trái đạo đức"?

    Không phải vậy. Giàu có thịnh vượng hơn lên có thể trở thành một mục đích đạo đức cao quý. Nhưng về phương diện đạo đức, mục đích này chỉ đạt được khi theo đuổi phù hợp sự phát triển toàn cầu của hết mọi con người trong tình liên đới; chứ không chỉ là lợi nhuận của một vài cá nhân nhờ vào tình trạng thịnh vượng tăng thêm ấy. Sự phát triển có nghĩa là sự phát triển toàn diện của con người trọn vẹn. Điều này bao gồm đức tin và gia đình, giáo dục và y tế, cùng nhiều giá trị khác. Không phải lúc nào cũng chỉ là vấn đề được hưởng thụ nhiều hơn. Theo một cách nào đó, “chủ nghĩa hưởng thụ” còn khiến cho người ta ngay cả còn nghèo nàn đi hơn.

    Tâm niệm: “Chừng nào mình còn “có” thì chúng ta phải cho đi, vì chúng ta cũng có một Đấng ban phát rất nhân từ” (THÁNH BRIDGET THỤY ĐIỂNnhà thần bí và đấng đồng bảo trợ châu Âu).

    7. Làm trong doanh nghiệp có thể là một ơn gọi không?

    Có. Làm trong ngành thương mại và kinh doanh có thể là một ơn gọi đích thực từ Thiên Chúa: những người có trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn mà đặt mình vào phục vụ đồng loại và phục vụ xã hội là điều hạnh phúc cho tất cả mọi người. Thiên Chúa đã giao phó trái đất cho chúng ta: “hãy cày cấy và canh giữ đất đai”. Trong công việc, chúng ta có thể vâng theo ý muốn của Thiên Chúa và trong lĩnh vực nhỏ bé nào đó, góp phần vào việc hoàn thiện công trình sáng tạo (St 2:15ff). Nếu hành động cách ngay thẳng và yêu thương, chúng ta sẽ sử dụng được những món quà tốt đẹp của trái đất và tài năng riêng của mình cho lợi ích của đồng loại đã được Thiên Chúa giao phó cho chúng ta chăm sóc. (Mt 25: 14-30; Lc 19: 12-27).

    Tâm niệm: “Cũng như giới răn “Ngươi không được giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói “Ngươi không được …” với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế cũng giết chết” (ĐGH Phanxicô, EG 53).

    8. Kinh Thánh nói gì về giàu nghèo?

    Bất cứ ai theo Chúa Giêsu không bao giờ được quên trước tiên và quan trọng nhất là chúng ta chỉ nên lo “tích của trên thiên đàng” (Lc 12:21). Làm giàu của cải vật chất không phải là mục tiêu chủ yếu của cuộc đời Kitô hữu. Và giàu có vật chất không hẳn là hồng ân đặc biệt của Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mt 6:11). Với lời cầu xin ấy, chúng ta xin Chúa Cha ban tất cả những gì chúng ta cần cho cuộc sống trần thế của mình. Chúng ta không cố tìm kiếm của cải xa hoa, nhưng để có được của cải cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc trong sự sung túc vừa phải, để nuôi dưỡng gia đình mình, để làm việc bác ái, và tham gia vào sự phát triển văn hóa và giáo dục, cũng như phát triển thêm nữa.
    Tâm niệm: “Nếu bạn nghèo, bạn cần người có thể cho bạn; nếu bạn giàu, bạn cần người mình có thể cho họ” (LUDWIG BÖRNE, nhà báo Đức).

    Bài viết liên quan