Bài 9 - Gia đình, nền tảng của xã hội

  • 23/09/2023
  • Bài 9 - Gia đình, nền tảng của xã hội

    Bài 9
    GIA ĐÌNH NỀN TẢNG CỦA XÃ HỘI
    “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)


    1. Tại sao Thiên Chúa muốn chúng ta chung sống với nhau trong gia đình?
    Thiên Chúa không muốn mọi người sống một mình; Ngài đã dựng nên con người là những hữu thể mang tính xã hội. Cho nên, tự bản chất con người đã được Thiên Chúa dựng nên để sống hiệp thông. Điều này được trình thuật rõ ràng ngay ở các trang Kinh Thánh đầu tiên về công trình sáng tạo: Thiên Chúa đặt Evà ở bên cạnh Ađam là bạn đời của mình. "Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Vì vậy, CHÚA là Thiên Chúa … rút một cái xương sườn của con người ra … , và làm [cho nó] thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Khi ấy, con người nói: "Rốt cuộc, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (St 2: 20-23).

    Tâm niệm: Ý nghĩa của gia đình: CHA VÀ MẸ, CON YÊU CHA MẸ.
    Khuyết danh: Chú thích: trong tiếng Anh, từ FAMILY còn được giải thích là từ viết tắt bởi những chữ đầu của các từ: Father And Mother, I Love You.

    2. Trong Kinh Thánh gia đình có ý nghĩa gì?
    Kinh Thánh thường đề cập đến đời sống gia đình: trong Cựu Ước đòi hỏi cha mẹ phải truyền lại cho con cái những kinh nghiệm của mình về sự trung tín và tình yêu của Thiên Chúa, để truyền thụ cho họ sự khôn ngoan đầu tiên và quan trọng nhất này trong cuộc sống. Tân Ước ghi lại Chúa Giêsu cũng được sinh ra trong một gia đình. Cha mẹ của Chúa Giêsu đã nuôi dưỡng Người với lòng yêu thương và tình cảm biểu lộ trìu mến. Thực vậy, Thiên Chúa đã tìm một gia đình hoàn toàn "bình thường" để giáng sinh làm người và để lớn lên, đã khiến cho gia đình là một nơi đặc biệt của Thiên Chúa và tạo cho gia đình một giá trị độc đáo như một cộng đồng.

    Tâm niệm: Gia đình Nazareth dạy chúng ta ý nghĩa về đời sống gia đình, sự hòa hợp của tình yêu nơi gia đình, sự giản dị và vẻ đẹp mộc mạc của gia đình, tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của gia đình, gia đình dạy chúng ta thật dịu dàng và việc dạy dỗ của gia đình không sao thay thế được, gia đình thật là nền tảng và vai trò vô song đến dường nào trên bình diện xã hội (ĐGH Phaolô Vl, Diễn văn tại Nazareth 1964).

    3. Giáo Hội xem gia đình như thế nào?
    Giáo Hội xem gia đình là cộng đoàn tự nhiên đầu tiên và quan trọng nhất. Gia đình có các quyền đặc biệt và là trung tâm của tất cả đời sống xã hội. Suy cho cùng, gia đình là nơi mà cuộc sống con người hình thành và là nơi các mối quan hệ liên vị, giữa các cá nhân đầu tiên phát triển. Gia đình là nền tảng của xã hội, tất cả các tôn ti trật tự xã hội tiến triển từ đó. Vì ý nghĩa cao quý này, Giáo Hội xem gia đình được Chúa thiết lập.

    Tâm niệm: ….Điều đầu tiên con người tìm thấy trong cuộc sống là gia đình, điều cuối cùng con người với tay tới là gia đình, và điều quý giá nhất con người có được trong cuộc sống là gia đình (ADOLPH KOLPING: 1813- 1865, linh mục Công giáo Đức và nhà đấu tranh cho các quyền của công nhân và thợ thủ công.

    4. Điều gì thật đặc biệt về gia đình?
    Được yêu thương vô điều kiện: đó là kinh nghiệm không thể thay thế mà người ta có được ở một gia đình tử tế. Những thế hệ khác nhau sống bên nhau và trải nghiệm tình cảm, tình liên đới, lòng biết ơn, sự tận tụy quên mình, sự giúp đỡ và tính công bằng. Mọi thành viên trong gia đình được các thành viên còn lại nhìn nhận, chấp nhận và tôn trọng phẩm giá, mà không cần phải làm bất cứ điều gì để đáng được như vậy. Mọi người đều được yêu thương bởi chính họ là con người. Cá nhân mỗi người không phải là phương tiện để đạt mục đích, mà đúng hơn, con người là mục đích của chính mình. Do đó, trong gia đình, nền văn hóa sự sống hình thành, thế nhưng ngày nay không phải lúc nào nền văn hóa này cũng là điều hiển nhiên. Thông thường ngày nay, câu hỏi chủ yếu lại là người ta có thể làm gì hoặc người ta sẽ đóng góp được gì (ví dụ, tiền bạc). Trước hết và trên hết người ta thường hay chỉ nghĩ đến những thứ vật chất. Nếp suy nghĩ như vậy thách thức các gia đình và thậm chí thường làm cho chính gia đình bị đổ vỡ.

    Tâm niệm: Giáo Hội không phải là một tổ chức văn hóa ... Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu (ĐGH PHANXICÔ, 01/06/2013).

    - Đời sống của cha mẹ là quyển sách mà con cái mình đọc (Thánh Augustinô).
    - Yêu nghĩa là cho và nhận thứ mà không thể mua cũng không thể bán, nhưng là thứ chỉ được cho nhau cách tự nguyện (Thánh Gh Gioan Phaolô II)

    Bài viết liên quan