05 - Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1989 - 1990)

  • 07/05/2023
  • Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh ngày 19/03/1921 tại Bút đông, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trong gia đình chỉ có 2 anh chị em: một trai và một gái.
    Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1989 - 1990)

     

    Ngày 02 tháng 06 năm 1963, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội; Đức Tổng Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã chủ sự Tấn Phong Giám mục cho vị linh mục có 42 tuổi đời là Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn, với tước vị Tổng Giám Mục Phó Giáo phận Hà-Nội trong sự ngỡ ngàng của Dân Chúa vì không được thông báo trước. Vị tân Tổng Giám Mục Phó đã chọn khẩu hiệu đời Giám mục của mình là: “Yêu Thương – Vui Mừng – Bình An”. Chúng ta cùng lược qua tiểu sử của Ngài để hiểu được sự Chọn lựa của Chúa qua Giáo Hội.

    Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn sinh ngày 19/03/1921 tại Bút đông, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, trong gia đình chỉ có 2 anh chị em: một trai và một gái. Hành trình ơn gọi theo Chúa của cậu Căn thật đơn giản; hôm đó hai mẹ con vào thăm Cha xứ, tình cờ gặp thầy Phêrô Nguyễn Đức Tín, thầy hỏi cậu Căn có muốn đi theo thày không ? thế là cậu đồng ý theo thày. Ngày hôm sau 29/06/1929, người mẹ tiễn con đến cầu Hòa Mạc, để theo thày Phêrô Tín. Từ đó, hành trình ơn gọi qua những năm tu học từ môi trường giáo xứ, tới trường tập, qua tiểu chủng viện tới Đại Chủng viện Hà-Nội, thầy luôn thể hiện lòng đạo đức và ham học của đời sống tu trì.

    Ngày 03/12/1949 tại Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội, Đức Cha Chaize đã truyền chức linh mục cho thầy Phó tế Giuse Trịnh văn Căn, cùng với 3 thầy Phó tế khác là Hoàng Quốc Chương, Giuse Nguyễn Tùng Cương và Gioan Đỗ Tông. Sau chịu chức Cha Giuse Căn được điều về làm Phó xứ Hàm Long giúp Cha Giuse Trịnh Như Khuê.

    Ngày 15/08/1950 khi Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê được Tòa Thánh cử làm Giám mục Hà-Nội thì linh mục Trịnh văn Căn được cử làm Thư ký cho Đức Cha Khuê. Năm 1951, Cha Căn kiêm thêm Phó xứ Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội và phó Giám đốc trường Trung học Dũng Lạc.

    Tháng 08 năm 1952, Cha Giuse Trịnh Văn Căn được cử làm Cha chính xứ Nhà thờ Chính tòa Hà-Nội. Với cương vị Cha xứ, Ngài đã xây nhà nguyện trong khuôn viên bệnh viện Phủ Doãn (nay là B.v Việt-Đức) khánh thành ngày 01-05-1958; và trùng tu Nhà thờ lớn Hà Nội khang trang. Năm 1959, Ngài được Đức Cha cử làm Cha Chính của Giáo phận Hà-Nội.

    Đầu năm 1963, Đức Tổng Giuse Maria Trịnh Như Khuê mắt mình bị lòa, có thể bị mù đã quyết định chọn linh mục Chính xứ Chính tòa Hà-Nội làm người kế vị trong sứ mạng Mục tử Hà-Nội. Ngài tấn phong Giám mục cho Đức Tổng Phó ngày 02/06/1963 tại Nhà thờ Chinh tòa Hà-nội. Ngày 27/11/1978 Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê đột ngột tạ thế, Đức Tổng Phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn với quyền kế vị, trở thành Tổng Giám Mục Hà-Nội. Gần một năm sau, ngày 31/07/1979, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã vinh thăng tước vị Hồng Y lúc đó Ngài mới 58 tuổi.

    Vị tân Tổng Giám Mục Phó đã chọn khẩu hiệu đời Giám mục của mình là: “Yêu Thương – Vui Mừng – Bình An”.

    Yêu thương: Khi chọn cho mình mục đích đời Giám mục là Yêu Thương, Đức cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn đã sống giá trị yêu thương của Chúa Gie6su Kito. Dù trải qua dòng lịch sử của Giáo hội và xã hội với biết bao khó khăn và thử thách, khi giúp Đức cố Hồng Y Trịnh Như Khuê quản trị giáo phận, hay khi tự mình sống Bổn phận Mục tử Giáo phận, Ngài luôn Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vâng phục Tòa Thánh, yêu thương mọi thành phần Dân Chúa. Ngài luôn mời gọi sống Hiệp nhất trong mọi thành phần giáo phận. Ngài luôn bảo vệ, nâng đỡ, cảm thông đầy tình nhân ái trong tư cách của người Cha với các linh mục, nam nữ tu sĩ trong giáo phận. Ai trong chúng ta đều cảm nhận tình yêu thương đùm bọc của Ngài: từ quý Đức Cha trong Giáo hội, quý linh mục nam nữ tu sĩ, và toàn thể quý Ông bà anh chị em đều cảm nhận tình yêu thương đặc biệt của Ngài trong khiêm hạ, trong đơn sơ, trong hiền từ, và trong mọi biến cố của Giáo hội, Giáo phận, cũng như mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình trong Tổng Giáo phận Hà-Nội.

    Vui Mừng: Niềm vui trong đời sống mục tử, bắt nguồn từ niềm vui trong Chúa, luôn thu hút mọi người đến với ngài, và dù chỉ dăm, mười phút được gặp gỡ, nhưng Ngài không từ chối gặp bất cứ ai: gặp gỡ để hỏi han, gặp gỡ để cảm thông, gặp gỡ để giúp đỡ và sự gặp gỡ luôn mang lại niềm vui mừng cho con cái trong Giáo phận, cũng như sự trân trọng của anh chị em lương dân.

    Ngài luôn lo lắng cho nền Nhạc Thánh Phụng vụ được cập nhập bằng chính những sáng tác của mình, và những anh chị em có khả năng của Hà-Nội và miền Bắc; để nói lên chỗ đứng và khả năng của Giáo hội miền Bắc trong đời sống Phụng vụ của Giáo hội. Niềm vui khi Ngài lo cho tu sửa Nhà thờ, sắm Chuông cho nhiều giáo xứ (với Ngài, tiếng Chuông là tiếng Chúa gọi mọi người), các loại Đàn dùng trong Phụng vụ, các Quạt và Hoa Nến, vải vóc để Dâng Hoa kính Đức Mẹ (một phương thức đạo đức và truyền giáo đơn sơ và hiệu quả). Công trình Dịch Thánh Kinh theo ngôn từ bình dân để mọi thành phần Dân Chúa đều có thể đọc, hiểu, suy niệm và Sống Lời Chúa trong cuộc đời, đã để lại những Dấu Ấn của Lời Chúa trong những giai đoạn đầy khó khăn và thử thách. Niềm vui mừng thật lớn lao khi Ngài khởi xướng thành lập HĐGMVN năm 1980, mở ra một thời kỳ mới trong tinh thần Hiệp nhất, cộng tác, hiểu biết và phát triển Giáo hội Công giáo tại Việt-Nam.

    Bình An: Chúng ta thấy được sự can đảm của Vị Mục tử Giuse Maria luôn thể hiện sự Bình an trong Ơn gọi và sứ mạng Tông đồ. Khi Giáo phận Hà-Nội còn quá thiếu linh mục, Ngài luôn cố gắng để có thể mở đại chủng viện Hà-Nội, từ những khởi đầu đầy khó khăn tới ngày nhìn thấy Đại Chủng viện Hà-nội đào tạo Linh mục cho nhiều Giáo phận Miền Bắc. Sự can đảm trong Bình an đã thể hiện nơi Ngài, là chính Ngài xin Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phước Tử Đạo Việt-Nam. Đó chính là Hoa Trái của Đức Tin nơi các vị Tiền Nhân đối với lịch sử truyền giáo và chọn lựa sống Tin Mừng Kitô trong lịch sử Giáo hội tại Việt-Nam. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn thử thách của hành trình Phong Thánh Tử đạo Việt-nam đã đòi hỏi sự can đảm nơi vị Mục tử làm chứng cho Niềm Tin và Tin Mừng tình yêu để nâng đỡ Dân Chúa. Mỗi đoàn khách gặp Ngài, sau khi tiếp Ngài mời mọi người cùng quỳ xuống trước tượng Đức Mẹ trong phòng khách Tòa Giám Mục được thắp Nến sáng liên lỉ: để cùng cầu xin cho Giáo hội Việt-nam, cho việc Phong 117 Thánh Tử Đạo được thực hiện như quyết định của Đức Thánh Cha, để đáp lại lòng mong mỏi sâu sa của toàn thể Giáo hội Việt-Nam: tri ân các tiền nhân đã góp phần gieo hạt giống Tin Mừng trên đất nước Việt-Nam. Quý Đức Cha, và mọi người đều ca ngợi lòng can đảm mạnh mẽ với Đức Tin sâu sa của Đức cố Hồng Y trong can đảm, an bình, và phó thác.

    Hy Vọng : Khi được vinh thăng Hồng Y, khẩu hiệu Giám mục của Ngài đã thêm “Yêu Thương – Vui Mừng – Bình an và Hy vọng”. Cuộc đời của Ngài luôn Tin trong Hy vọng, Yêu mến trong Hy vọng, Bình An trong Hy vọng; và Hy vọng kể cả những khi Giáo hội và Giáo phận Hà-Nội trải qua những giai đoạn lịch sử đầy khó khăn và thử thách: quá ít linh mục, tu sĩ nam nữ, quá ít nhân sự phục vụ, và thật là khó để trình bày và sống Đức Tin Công Giáo trong những định kiến xã hội với những hoàn cảnh đầy thách đố. Nhưng Ngài luôn HY VỌNG: vì có Dân Chúa là có tất cả: Dân Chúa là mảnh đất của Đức Tin và Rao truyền Niềm Tin, Dân Chúa là đoàn thể của Chúa được mời gọi Yêu thương, Dân Chúa là đối tượng để Phục Vụ. Chính niềm HY VỌNG của Tin Mừng Tử nạn Phục Sinh nơi Chúa Giêsu Kitô qua Giáo Hội là sức mạnh và can đảm trong phó thác nơi Đức Cố Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn trong hành trình Ơn gọi và thực thi sứ mệnh Tông đồ.

    Sứ vụ tại Giáo phận Thái Bình

    Ngày 14/03/1989, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Hồng y Giuse Trịnh Văn Căn làm Giám quản Giáo phận Thái Bình.

    Hơn một năm làm Giám quản, Đức Hồng y Giuse chú trọng đến đời sống đức tin của Giáo phận, tổ chức những tuần tĩnh tâm cho các linh mục, khôi phục hội Dâng Hoa tháng Năm kính Đức Mẹ. Ngài cũng lưu tâm đến việc trùng tu các nhà thờ trong giáo phận.

     

    Trích bài chia sẻ của ĐGM Giuse Đặng Đức Ngân

    Bài viết liên quan