Ngày 25/01: Thánh Phaolô, Tông đồ trở lại

  • 24/01/2024
  • Ngày 25 tháng 1: Thánh Phaolô Tông đồ trở lại (Lễ kính)

     

    Ngày 25 tháng 1
    Thánh Phaolô Tông đồ trở lại (Lễ kính)

    1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

    Thánh lễ này bắt nguồn từ xứ Gaule, được xác nhận vào cuối thế kỷ thứ VI, xuất hiện bên Rôma vào thế kỷ thứ IX. Thánh lễ này tùy thuộc vào lễ kính Tòa thánh Phêrô, được dâng vào ngày 22.02.

    Tầm quan trọng việc trở lại của thánh Phaolô được nhấn mạnh ba lần trong quyển Công vụ Tông Đồ (9,1-30; 22,3-21; 26,920), cũng như sự phong phú của bản văn và Phụng Vụ Giờ Kinh. Sự kiện xảy ra trên đường đi Damas đã làm thay đổi hoàn toàn con người này; các trình thuật Thánh Kinh cho thấy có gì triệt để trong việc trở lại này. Các Kitô hữu của Giáo Hội vùng Juđê đã nói: Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gl 1,23).

    Chính thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin, là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).

    Nhờ thị kiến bất ngờ tại Damas, thánh Phaolô thấy được sự sai lệch của mình và cảm thấy được động viên để đi đến với dân ngoại. Thiên Chúa của ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacóp, Thiên Chúa của các tổ phụ, nhưng từ khi trở lại, Phaolô mới biết Thiên Chúa này đã tôn vinh Đức Giêsu, Tôi tớ của Người (Cv 3,13). Điều này đã thay đổi tất cả.

    Ngày lễ thánh Phaolô trở lại muốn nhấn mạnh sự kiện này là một bước quyết định làm thay đổi quá trình phát triển Hội thánh, vì kẻ trước đây bách hại các môn đệ Đức Giêsu, đi vào các hội đường lùng sục các tín hữu để hành hạ và bỏ ngục, từ nay vâng phục Người Tôi Tớ mà Thiên Chúa đã tôn vinh và cũng là Đấng hiện ra nói với ngài: Hãy đi, vì Thầy sẽ sai con đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22,21). Như thế, tất cả rào cản đều rơi xuống: Hội thánh mở ra cho dân ngoại và trở nên phổ quát.

    2. Thông điệp và tính thời sự

    Thánh lễ này kéo dài lễ Hiển Linh, việc trở lại của thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rõ mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện và sống động trong Hội thánh. Đức Giêsu tỏ hiện trong Hội thánh và qua Hội thánh; trong thực tế, Người đã không nói với Phaolô: Tại sao ngươi bắt bớ các môn đệ của Ta ? nhưng lại nói: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta ?”(Cv 22,7). Thế nên khám phá đầu tiên của kẻ trở lại chính là sự hiện diện của Đức Kitô trong Hội thánh Người.

    a. Lời nguyện nhập lễ khuyến khích chúng ta đến với Chúa “tìm cách để đồng hình đồng dạng” như thánh Phaolô, khi trở thành chứng nhân của Tin Mừng.

    “Tìm cách để giống” thánh Phaolô có nghĩa là chấp nhận như Ngài con đường lâu dài và gian khổ để khám phá Thiên Chúa và ý định của Người trong những sự kiện cá nhân và cộng đồng. Tiếp theo kinh nghiệm (Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt Ta) và sự vững tin chủ quan liên kết với kinh nghiệm trên (Tôi biết tôi sẽ tín thác vào ai), là một thời gian dài thử thách, cô đơn, đôi khi cả việc mất can đảm. Một cách thức hiện hữu và nhìn vạn vật, phát sinh từ sự kiện Damas, đòi hỏi một sự trưởng thành chậm chạp trước khi nhập tâm vào cá vị của mình. Công vụ và các lá thư nói về sự vắng mặt của ngài có thể kéo dài hằng chục năm (Gl 2,1). Chỉ sau thời gian “Sabbat” này, Barnabas mới đi tìm ngài ở Tarsus để đem lên Antioche, cho phép ngài bắt đầu liên hệ với các môn đệ Đức Kitô (tại Antioche mà họ nhận được tên Kitô hữu) và hoàn tất sứ vụ của mình nơi các dân ngoại.

    b. Một đề tài suy niệm được Lời nguyện tiến lễ đề nghị. Kinh này gợi lên ánh sáng của Chúa Thánh Thần thúc đẩy thánh Phaolô và biến ngài trở thành một nhà truyền giáo “để làm cho danh Thiên Chúa vang dội trong cả thế giới”. Ngài từ là người bách hại, trở thành sứ giả của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo, nhưng là một sự cần thiết. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cr 9,16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô: Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách..”. (Cv 20,19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn, đói khát, lạnh lẽo...Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11,27).

    c. Một nét đặc thù khác trong linh đạo thánh Phaolô được nhấn mạnh trong Thánh lễ: Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của thánh Phaolô: Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh; không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi” (Gl 2,19-20).

    Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành Philippe: Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).

    Thánh Jean Chrysostome, trong một bài giảng tôn vinh thánh Phaolô, ca ngợi tình yêu Chúa Kitô đang cháy trong tâm hồn thánh Phaolô: Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ hạnh phúc nhất giữa nhân loại...Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo. Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. Để chống lại Đức Giêsu, ngài đã đi về Damas; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế giới”.

    Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma

    TGPSG / Aleteia -- Chuyện gì đã diễn ra trên đường Damas? Một người đàn ông tên Saul, nổi tiếng hăng hái truy bắt các Kitô hữu tiên khởi, từ lâu đã lên đường để đến thành phố này. Nhưng trước khi tới nơi, số mệnh đã làm đảo lộn cuộc đời ông...

    Khởi sự từ Damas

    Trước khi được biết đến dưới cái tên Phaolô thành Tarse, rồi trở thành Thánh Phaolô tử đạo, ông Saul - sinh ở thành Tarse, thủ phủ tỉnh Cilicie của Rôma vùng Tiểu Á - đã rất nổi tiếng do tính cách Do thái giáo không khoan nhượng và hăng hái bắt bớ các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

    Là nhân chứng thích thú trong vụ ném đá đến chết Têphanô - Kitô hữu tử đạo đầu tiên, chính trên đường Damas với sự đồng ý của vị thượng tế, ông Saul đã cam kết sẽ bách hại đến cùng cái đạo mới mà ông xem là dị giáo. (Cv 9,1-2):

    "Saul trong lòng lúc nào cũng sôi sục cơn thịnh nộ chết người đối với các môn đệ của Chúa. Ông đến gặp vị thượng tế và xin những bức thư gởi các hội đường Do thái giáo ở Damas, để nhằm mục đích, nếu tìm thấy bất cứ ai đi theo Con Đường của Chúa, ông sẽ xiềng họ lại mà giải về Giêrusalem."

    Với tư cách công dân Rôma, sự hiểu biết của ông về thế giới bao trùm cả thế giới Do Thái lẫn Rôma. Mạnh mẽ nhờ sự hiểu biết đó, Saul bắt đầu chuyến đi từ Giêrusalem tới Damas, gần 300 km và phải mất ít nhất 8 ngày đi bộ.

    Con đường Damas thăm thẳm

    Khi bắt đầu chuyến đi dài ngày này, rất có thể là đi bộ chứ không cưỡi ngựa - mặc dù nhiều danh họa như Caravage đã vẽ ông ngồi trên lưng ngựa - Saul thuộc đường như lòng bàn tay và không lạ gì những tập quán của những vùng ông đi qua. Lớn lên trong một gia đình Biệt phái bảo thủ, Saul đã rất có lý để tự hào rằng đã được hưởng một nền giáo dục tốt và kiến thức sâu rộng về đạo Do Thái - đạo mà ông được đào tạo rất bài bản.

    Đường rất dài và hành trình về phương Bắc thật vất vả, khi phải đi qua những ngọn đồi ở Samaria và thung lũng Jezréel trước khi băng qua thung lung sông Giođan màu mỡ. Nhưng chưa hết, vì khi qua khỏi hồ Tibériade, con đường dẫn đến Damas còn dốc lên cao khoảng 680 mét so với mực nước biển...

    Cuộc cải đạo bất ngờ

    Sách Công vụ Tông Đồ nhấn mạnh rằng, Saul đã sắp đến cuối chuyến đi và gần tới Damas, bỗng một sự kiện bất ngờ xảy ra :

    "... Bỗng một luồng ánh sáng từ trời đổ trùm lên ông. Ông ngã nhào xuống đất; ông nghe một tiếng nói với ông: "Saul, Saul, sao ngươi bách hại Ta?". Saul choáng váng không hiểu nên hỏi lại: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Bấy giờ tiếng nói mới tiết lộ với ông: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại. Đứng dậy mà đi vào thành, sẽ có người nói với ngươi điều ngươi phải làm."

    Chúng ta cũng nên lưu ý rằng sự kiện phi thường này không chỉ liên quan đến Saul. Quả vậy, Thánh Kinh xác định rằng mặc dù những người đồng hành với ông không nhìn thấy người đang nói, họ vẫn nghe được tiếng nói với Saul. Sau khi đứng dậy, Saul đã mở mắt nhưng không nhìn thấy gì và với tình trạng mù mắt như vậy, cuối cùng ông cũng đã vào thành Damas nhờ sự giúp đỡ của các bạn...

    Phần cuối câu chuyện Thánh Kinh xảy ra trên đường Damas này ai cũng đã biết, Saul, mất thị giác trong vòng 3 ngày, một con số biểu tượng, không ăn không uống cho đến khi một môn đệ tên Anania, được Chúa gởi đến, chữa lành cho ông. Saul, được rửa tội ở Damas, từ nay mang tên Phaolô và là công cụ mà Chúa đã chọn để loan báo Tên Người cho các quốc gia, các vua chúa và con cái Israël…

    Thánh Phaolô, người bộ hành không biết mệt của Chúa

    Bắt đầu từ khi trở lại đạo  Damas, Phaolô thành Tarse đã đi qua biết bao nhiêu con đường. Người bộ hành không biết mệt này quả nhiên đã không tiếc công sức để công bố Lời Chúa trên những vùng đất xa xôi nhất...

    Chuyến đi thứ nhất

    Để thực hiện chuyến đi truyền giáo đầu tiên vào khỏang những năm 45 đến 49, Phaolô đã xông pha trên bộ và trên biển với lộ trình dài 2000 km. Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại chặng đầu này của sứ vụ dưới sự che chở của Chúa Thánh Thần (Cv 13,4-5) :

    "Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêukia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Sýp. Đến Xalamin, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người DoThái. Có ông Gioan Máccô giúp hai ông.”

    Hành trình này bắt đầu, giống như trình thuật Thánh Kinh kể lại, từ Antiokia (ngày nay có tên là Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ), nơi những vị tiên tri của Đấng Kitô đã hội nhau lại để cùng đến thành Xêlêukia vùng Piérie như chặng đầu tiên của họ; từ đó họ lên thuyền để đến đảo Sýp. Từ đảo này, họ tiến về thành Xalamin, nằm trên bờ sông Pedieos, chỉ cách vài cây số là đến thành phố Famagouste nổi tiếng với những trận đánh trứ danh thời cổ đại. Lúc đó Phaolô, có Barnabê và Gioan-Marcô tháp tùng, bắt đầu loan báo Lời Chúa trong các đền thờ do thái giáo.

    Rồi từ cảng Paphos, họ rời đảo Sýp, đi theo đường biển Attalie (ngày nay là Satalie) vùng Pamphylie, phía nam Thổ nhĩ kỳ ngày nay, để đến thành Pergé, cũng nằm ở phía nam Thổ Nhĩ kỳ cách Antalya khoảng 20 km. Tại tất cả các thành này, Phaolô và các bạn đồng hành không chỉ công bố Lời Chúa, mà còn thực hiện rất nhiều phép lạ, nhờ vậy thu hút được nhiều người theo đạo. Sau chuyến đi dài này, họ lên đường trở lại điểm khởi hành là thành Antiokia.

    Chuyến đi thứ nhì

    Với chuyến đi thứ nhì, Phaolô từ nay có Sila đồng hành, mở rộng chuyến viễn du về phía Tây, trước tiên bằng đường bộ khi từ Antiokia đi theo đường Tarse (quê nhà của Phaolô) đến Derbé, Lystres, Iconium và Antiokia vùng Pisidie. Mục tiêu ban đầu của chuyến đi này là để thêm sức mạnh đức tin cho những anh em đã gặp trong chuyến đi trước. Nhưng chặng đường ấy lại được nối dài thêm do sức mạnh không mệt mỏi của "đứa con sinh non của Chúa", như Phaolô đã tự gọi mình như thế (Cv 16, 4-9):

    Khi đi qua các thành, các ông truyền lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Giêrusalem ban bố, để họ tuân giữ.

    Vậy các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số.

    Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Đức Giêsu không cho phép.  Các ông bèn đi qua miền Myxia mà xuống Trôa.

    Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị kiến: một người miền Makêđônia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang Makêđônia giúp chúng tôi!"

    Như vậy, đây chính là thời điểm các ông đặt chân đến châu Âu với những trạm dừng mang tính quyết định cho công cuộc truyền bá Tin Mừng, đặc biệt là tại Thessalônika với những bức thư danh tiếng, sau đó tới Athènes, cuộc tiếp đón ở thành này không được nồng nhiệt. Tổng cộng, chuyến đi này kéo dài 2 năm, từ năm 50 đến năm 52, qua 3000 km, đương đầu với cuồng phong trên biển và nhiệt độ kinh khủng trên bộ.

    Chuyến đi thứ ba

    Vì trong lòng vẫn cháy bỏng ước muốn gặp lại những cộng đoàn được thành lập trong những chuyến đi trước, mong củng cố đức tin cho họ, Phaolô bị thôi thúc lại lên đường vào năm 53. Hành trình mà từ nay ông đã nắm rõ từ Xêsarê xứ Giuđêa, sau đó là từ Antiokia, đến khắp vùng Galatia (ngày nay là vùng Ankara), rồi vùng Phrygie cũng nằm trong Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, trước khi đến Êphêsô (hiện nay có tên là Selcuk) nơi ông sẽ ở lại và đương đầu nhiều khó khăn nơi đền nữ thần Artémis. Trình thuật Thánh Kinh ghi lại (Cv 20,1-3):

    “Sau khi cuộc náo động chấm dứt, ông Phaolô mời các môn đệ tới, khuyên nhủ họ, rồi chào từ biệt và lên đường đi Makêđônia.  Ông đi qua miền đó, nói nhiều lời khuyên nhủ các anh em, rồi tới Hy Lạp và ở lại đó ba tháng. Vì người Do Thái âm mưu hại ông, nên khi sắp xuống tàu sang miền Xyri, ông quyết định qua ngã Makêđônia mà về.”

    Phaolô muốn chắc chắn sẽ gặp gỡ từng cộng đoàn được thành lập trước đó và đảm bảo sự hợp nhất của họ.

    Chuyến trở về Giêrusalem bao gồm nhiều chặng, mỗi chặng Phaolô muốn chắc chắn sẽ  gặp gỡ những cộng đoàn được thành lập trước đó và đảm bảo sự hợp nhất của họ.

    Chuyến đi thứ tư

    Phaolô - người du hành không mệt mỏi trên những nẻo đường rao giảng Kinh Thánh - sắp trải qua chuyến đi thứ tư đến thủ đô Rôma của Đế quốc, nơi ông ước ao biết bao được đặt chân đến... Nhưng ông sẽ thực hiện hành trình dài thăm thẳm này với tư cách tù nhân cho tới ngày tử vì đạo. Với tư cách công dân Rôma, Phaolô đã yêu cầu được đích thân hoàng đế xét xử, nên khi ấy ông đã bị giải lên thuyền để trải qua một chuyến hải hành thật ấn tượng khi tàu đi qua bờ biển của những thành phố duyên hải như Phénicie, Syrie, Cilicie, Pamphylie và Lycie trước khi đến được đảo Crète.

    Một cơn bão sẽ làm chìm đắm chiếc tàu của ông ở đảo Malte khiến thủy thủ đoàn suýt chết đuối.

    Cuối cùng mãi đến năm 61, Phaolô mới lên tới bờ biển Italia, rồi bị binh lính giải đi bộ cho đến khi chấm dứt trong những nhà tù Rôma khét tiếng.

    Chuyến đi thứ năm

    Sau khi được ra khỏi nhà tù Rôma, Phaolô đến đảo Crète gặp Titus - người cùng đi loan báo Tin Mừng với ông. Phaolô khá quen thuộc với hòn đảo này, ông đã đặt chân lên đó trong hành trình truyền giáo lần thứ tư. Hòn đảo này ban đầu có những người từ Palestine đến cư ngụ. Crète hiện nay là hòn đảo lớn nhất trong số gần 2.000 hòn đảo của Hy Lạp, có tổng diện tích khoảng 3.200 dặm vuông.

    Phaolô thấy rằng các tín đồ ở đây không được tổ chức theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Họ thiếu sự hướng dẫn trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong các buổi hội họp. Phaolô và Titô đã đi từ thành phố này sang thành phố khác trên đảo, bổ nhiệm các trưởng lão để hướng dẫn các tín hữu.

    Rời đảo Crète, Phaolô đã đi đến Nicopolis, rồi đến Tây Ban Nha (Rm 15,25-28). Có bằng chứng cho thấy có thể Phaolô cũng đã rao giảng Tin Mừng tại vùng đất Anh Quốc.

    Vào năm 67, Phaolô bị bắt vào nhà tù ở Rôma một lần nữa. Và vào tháng Năm hoặc tháng Sáu năm sau, Phaolô đã bị chém đầu (khoảng 66 tuổi) dưới thời Hoàng đế Nero, trước khi Nero tự sát vào ngày 9-6-68.

    Lê Hưng & Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ và tổng hợp

     

    Nguồn: tgpsaigon.net

     

    Bài viết liên quan