Ngày 21/6: Thánh Luy Gonzaga, Tu sĩ

  • 20/06/2024
  • Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, là con trưởng của hầu tước xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Kỳ vọng của hầu tước được đặt cả vào Luy. Ông muốn cậu là người kế nghiệp. Nhưng khi thấy tận mắt những suy đồi về đạo đức ở chốn cung đình, Luy khấn hứa sẽ giữ mình trong sạch.

     

    Ngày 21 tháng 6
    Luy Gonzaga, tu sĩ

    I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

    Luy Gonzaga sinh ngày 9 tháng 3 năm 1568, là con trưởng của hầu tước xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Kỳ vọng của hầu tước được đặt cả vào Luy. Ông muốn cậu là người kế nghiệp. Nhưng khi thấy tận mắt những suy đồi về đạo đức ở chốn cung đình, Luy khấn hứa sẽ giữ mình trong sạch.

    Trong một chuyến đi với gia đình đến Tây Ban Nha, Luy gặp một cha giải tội Dòng Tên ở Madrid, từ đó cậu nhen nhóm ước muốn dâng mình cho Chúa. Ngày 15 tháng 8 năm 1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, Luy cảm thấy mình được Chúa mời gọi sống đời tu trong Dòng Tên, một dòng mới được thành lập mấy chục năm trước. Và Luy quyết theo đuổi đến cùng ơn gọi của mình khi mới 15 tuổi. Tin này đến tai vị hầu tước, lập tức ông nổi trận lôi đình khiển trách Luy nặng lời và tìm đủ mọi cách ngăn cản với hy vọng anh đổi ý, nhưng vô hiệu. Luy xin nhường mọi chức tước cho người em trai, để vào Nhà Tập Dòng Tên ở Rôma lúc 17 tuổi. Ông hầu tước đành phải để Luy ra đi, dù ông coi Luy là “kho tàng quý báu nhất trên cõi đời này”.

    Khi vào nhà Tập, Luy tâm niệm rằng: “Tôi là thanh sắt cong, phải vào nhà Dòng để được uốn lại cho thẳng”. Anh từ bỏ chính mình để tuân thủ cách tỉ mỉ tiến trình đào luyện trở thành một tu sĩ. Anh tập làm những việc nhỏ nhặt trong nhà như rửa chén, lau nhà, quét mạng nhện… những việc mà trước đây anh chưa từng đụng đến. Sau hai năm nhà Tập, thầy Luy tuyên khấn lần đầu ngày 25 tháng 11 năm 1587 và được chuyển đến Đại học Rôma để bắt đầu học triết.

    Đầu năm 1591, Rôma bị nạn dịch hoành hành khiến thành phố mất đi một nửa dân số. Cùng với các anh em khác, Luy đi quyên góp thực phẩm, quần áo và giúp những bệnh nhân. Thầy thường đi thu gom những bệnh nhân hấp hối ngoài đường phố và đưa tới bệnh viện. Nơi đây họ được tắm rửa sạch sẽ và họ được chuẩn bị lãnh nhận các bí tích. Có lần Luy nói với Cha linh hướng Robertô Bellarminô rằng: “Con tin rằng mình chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con cảm thấy nơi mình một khao khát mãnh liệt muốn làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Con nghĩ rằng Chúa đã cho con cơ hội này vì muốn đưa con về với Ngài”.

    Một hôm, Luy bồng bế và chăm sóc một người ở bệnh viện. Về nhà anh ngã bệnh và nằm liệt giường từ ngày 3 tháng 3 năm 1591. Trong hơn ba tháng, Luy đón nhận cơn đau bệnh với niềm phó thác. Qua cầu nguyện, anh được biết mình sẽ về với Chúa vào ngày cuối của tuần bát nhật kính Mình Thánh Chúa. Đến ngày 21 tháng 6 năm 1591, Luy xin được lãnh các bí tích sau cùng. Vào khoảng 11 giờ, tay nắm chặt thánh giá, mắt nhìn thẳng vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và miệng cố kêu Danh Thánh Giêsu lần cuối, Luy ra đi trong bình an khi mới 23 tuổi, lúc đang học thần học để chịu chức linh mục.

    Thầy Luy được Giáo Hội phong thánh vào năm 1726. Đến năm 1729, Đức Thánh Cha Benedictô XIII chọn thánh Luy Gonzaga làm bổn mạng giới trẻ. Đức Thánh Cha Piô XI chọn ngài làm bổn mạng cho sinh viên năm 1926. Năm 1991, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt ngài làm đấng bảo trợ cho những bệnh nhân AIDS.

    II. BÀI HỌC: PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO

    Hôm nay, Thần Khí Chúa vẫn tiếp tục mời gọi các bạn trẻ can đảm và quảng đại dâng trọn đời mình để sống cho Chúa và phục vụ người nghèo. Cuộc sống của Thánh Luy là mẫu gương cho người trẻ hôm nay.

    Cần nhạy bén để nhận ra lời mời gọi của Chúa ngay giữa những ồn ào náo động của nền văn hóa thời nay.

    Cần can đảm để dám đi ngược với dòng chảy của những giá trị trần tục như giàu sang, danh giá, quyền lực và khoái lạc xác thịt.

    Cần cương quyết để dám sống theo ý Chúa dù phải đối diện và vượt qua muôn vàn khó khăn cản trở.

    Cần quảng đại để dám dấn thân làm một việc nguy hiểm có thể lấy đi mạng sống của mình.

    Cần bình an để đón nhận cái chết như cái giá phải trả cho một tình yêu lớn nhất đối với những người bé nhỏ nhất.

    Có lần Luy nói với Cha linh hướng Robertô Bellarminô rằng: “Con tin rằng mình chẳng sống thêm bao lâu nữa. Con cảm thấy nơi mình một khao khát mãnh liệt muốn làm việc và phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân. Con nghĩ rằng Chúa đã cho con cơ hội này vì muốn đưa con về với Ngài”.

    Bà Ellander là bác sĩ khoa tâm lý đã từng làm cố vấn khuyên bảo rất nhiều người trong suốt ba mươi năm. Trong một buổi phỏng vấn, một ký giả nhà báo đã hỏi bà:

    - Đâu là vấn đề mà người ta thường hay đưa ra cho bà nhất ?

    Bà trả lời:

    - Điều mà người ta hay hỏi nhất là: “Tại sao tôi thường hay cảm thấy cô đơn và rất dễ buồn?”

    Ký giả hỏi thêm:

    - Bà thường trả lời họ thế nào trước những câu hỏi đó.

    Bà nói:

    - Vấn đề rất đơn giản. Tôi thường khuyên họ đừng ngồi yên, hãy hành động hay làm một việc gì giúp những người chung quanh. Dĩ nhiên, những người cần được giúp đỡ không thiếu, chỉ cần bước ra khỏi bản thân mình và đưa mắt nhìn tới người khác sẽ thấy biết bao nhiêu người đang cần được giúp đỡ bằng cách này hay cách khác.

    * *

    Thánh Phanxicô thành Assisi đã gói ghém những lời nghịch lý trong bài ca mà chúng ta đã nhiều lần nghe biết, một trong những lời đó là:

    “ Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh

    Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân

    Chính lúc chết đi là khi tìm được niềm vui sống

    Hiến thân phục vụ tha nhân chính là nghệ thuật cao đẹp hơn tất cả mọi nghệ thuật của con người. Qua việc xả kỷ hiến thân, chúng ta chuộc lại kho tàng quí giá là chính sự sống phong phú của mình.

    Lạy Chúa Giêsu, xin cho con chỉ còn biết mong muốn một điều thôi, chỉ mong Chúa lấy đi hết để chẳng còn gì thuộc về con để con được trắng tay. Không còn gì nắm giữ là cũng chẳng còn gì để tự tôn nữa, con chỉ mong còn Chúa để giữ lấy, để chọn Chúa mãi là của con và để  yêu một mình Chúa trọn đời con, bởi vì con nhìn nhận Chúa chính là nguồn tình yêu.

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan