Ngày 11 tháng 10
THÁNH GIOAN XXIII, GIÁO HOÀNG
I. CUỘC ĐỜI
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng kính một vị thánh rất gần gũi với cuộc đời của mỗi người chúng ta: Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Angelo Giuseppe Roncalli sinh ngày 25 tháng 11 năm 1881, tại Sotto il Monte, thuộc giáo phận và tỉnh Bergamo. Là con thứ tư của gia đình, ngài được rửa tội cùng ngày. Dưới sự dìu dắt của vị Linh Mục chính xứ xuất chúng, Cha Francesco Rebuzzini, ngài được đào tạo sâu sắc về phương diện Giáo Hội, một sự đào tạo sẽ nâng đỡ ngài trong lúc khó khăn và gợi hứng cho ngài trong các công tác tông đồ.
Ngài được thêm sức và rước lễ lần đầu năm 1889 và gia nhập chủng viện Bergamo năm 1892..
Từ năm 1901 tới năm 1905, ngài theo học Giáo Hoàng Chủng Viện Rôma, nơi ngài được giáo phận Bergamo cấp học bổng cho các sinh viên ưu tú. Trong khoảng thời gian này, ngài hoàn tất một năm nghĩa vụ quân sự. Ngài được truyền chức Linh Mục ngày 10 tháng 8 năm 1904 ở Rôma, tại nhà thờ Santa Maria in Monte Santo in Piazza del Popolo. Năm 1905, ngài được cử làm thư ký cho tân Giám Mục của giáo phận Bergamo, là Đức Cha Giacomo Maria Radini Tedeschi. Ngài giữ vai trò này cho tới năm 1914, tháp tùng Đức Cha đi thăm viếng mục vụ và tham gia nhiều sáng kiến mục vụ khác như hội đồng Giám Mục, viết xã luận cho nguyệt san giáo phận tên là La Vita Diocesana (Sinh Hoạt Giáo Phận), đi hành hương và nhiều công trình xã hội khác nhau. Ngài cũng dạy các môn lịch sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện. Năm 1910, khi duyệt lại quy chế của Công Giáo Tiến Hành, Đức Cha giáo phận trao cho ngài việc chăm sóc mục vụ cho các phụ nữ Công Giáo (phân bộ V). Ngài thường xuyên viết cho nhật báo Công Giáo của giáo phận Bergamo. Ngài cũng là một diễn giả cần mẫn, sâu sắc và hữu hiệu.
Khi Ý tham chiến vào năm 1915, ngài bị gọi thực hành nghĩa vụ quân sự trong tư cách trung sĩ quân y. Một năm sau, ngài trở thành tuyên úy quân đội, phục vụ tại các bệnh viện quân sự tại hậu phương, và phối hợp việc chăm sóc thiêng liêng và luân lý cho các binh sĩ. Lúc chấm dứt chiến tranh, ngài mở một Cư Xá Cho Các Sinh Viên và chính ngài cũng phục vụ làm tuyên úy cho sinh viên. Năm 1919, ngài được cử làm linh hướng cho chủng viện.
Năm 1921 đánh dấu giai đoạn hai trong cuộc đời của ngài: phục vụ Tòa Thánh. Được Đức Bênêđíctô XV triệu về Rôma làm chủ tịch hội đồng trung ương Hội Truyền Bá Đức Tin của Ý, ngài đi thăm nhiều giáo phận và nhiều giới truyền giáo có tổ chức của Ý. Năm 1925, Đức Piô XI cử ngài làm Khâm Sứ Tòa Thánh tại Bulgaria, nâng ngài lên chức Giám Mục, hiệu tòa Areopolis. Ngài chọn khẩu hiệu Giám Mục là “Oboedentia et Pax” (“Vâng Lời và Bình An”), một khẩu hiệu được dùng làm chương trình cho đời ngài.
Được phong chức Giám Mục ngày 19 tháng 3, năm 1925, ngài tới Sophia ngày 25 tháng 4. Sau đó, được cử làm Đại Diện Tòa Thánh đầu tiên tại Bulgaria, Đức Tổng Giám Mục Roncalli tiếp tục phục vụ tại đây cho tới năm 1934.
Ngày 27 tháng 11 năm 1934, Ngài được cử làm Đại Diện Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ngày 6 tháng 12 năm 1944, ngài được Đức Piô XII cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Paris.
Ngày 12 tháng 1 năm 1953, ngài được tấn phong Hồng Y và ngày 25 tháng 1, ngài được cử làm Thượng Phụ Venice.
Sau khi Đức Piô XII qua đời, ngài được bầu làm Giáo Hoàng ngày 28 tháng 10 năm 1958, lấy tên là Gioan XXIII. Trong 5 năm làm Giáo Hoàng, ngài xuất hiện với thế giới như là hình ảnh đích thực của Người Chăn Chiên Tốt Lành.
Khiêm nhường và hiền lành, tháo vát và đảm lược, đơn sơ và luôn tích cực, ngài đảm nhiệm nhiều công trình bác ái phần xác và phần hồn, thăm viếng tù nhân và người bệnh, chào đón người thuộc mọi quốc gia và tôn giáo, biểu lộ một cảm thức phụ tử tuyệt diệu với mọi con người. Huấn quyền xã hội của ngài chứa đựng trong thông điệp Mẹ và Thầy (1961) và Hoà Bình Trên Trái Đất (1963).
II. SỰ NGHIỆP
Sự nghiệp lớn lao nhất có tầm mức ảnh hưởng đến cả thế giới hôm nay và mai sau là vấn đề Ngài triệu tập Công Đồng Rôma, thiết lập Ủy Ban Duyệt Xét Bộ Giáo Luật, và nhất là triệu tập Công Đồng Vatican II.
Là Giám Mục Rôma, ngài đi thăm các giáo xứ và các nhà thờ trong trung tâm lịch sử và các khu ngoại thành. Nơi ngài, dân chúng nhận ra sự phản ảnh của benignitas evangelica (lòng nhân hậu của tin mừng) nên đã gọi ngài là “vị Giáo Hoàng nhân hậu”. Một tinh thần cầu nguyện sâu sắc luôn nâng đỡ ngài. Là sức mạnh lèo lái đứng đàng sau phong trào canh tân Giáo Hội, ngài nhập thân sự bình an của một người luôn tín thác hoàn toàn nơi Chúa. Ngài cương quyết tiến bước trên con đường Phúc Âm hoá, đại kết và đối thoại, và biểu lộ một quan tâm phụ tử muốn vươn tay ra cho tất cả những con cái cơ cực nhất.
Ngài qua đời tối ngày 3 tháng 6 năm 1963, ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong một tinh thần phó thác sâu xa cho Chúa Giêsu, tha thiết được nằm trong vòng tay Người, và được bao bọc bằng lời cầu nguyện của toàn thế giới; dường như cả thế giới đang quây quần cạnh giường ngài để cùng ngài thở hơi thở yêu thương Chúa Cha.
Đức Gioan XXIII được Đức Gioan Phaolô II tuyên chân phúc ngày 3 tháng 9 năm 2000 tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, trong Đại Năm Thánh 2000. Ngày 27.4.2014, tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Thánh lễ tuyên phong đã được cử hành bởi đương kim Giáo hoàng Phanxicô (với Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đồng tế), vào Chủ nhật ngày 27 tháng 4 năm 2014 tại Quảng trường thánh Phêrô, Vatican, Rôma, trong sáng Chủ nhật Lòng Chúa Thương xót - Chủ nhật thứ hai trong Mùa Phục Sinh, kết thúc Tuần Bát nhật.
Giới chức Vatican cho biết có khoảng 500.000 người có mặt ở Quảng trường thánh Phêrô và các đường phố xung quanh, trong tổng số 800.000 được cho là đã tập trung tại Rôma để theo dõi buổi lễ. Có 98 người đại diện các Nhà nước hoặc các tổ chức quốc tế đã hiện diện tại buổi lễ phong thánh, trong đó có 19 Nguyên thủ quốc gia và 24 Thủ trưởng Chính phủ.
III. “MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM”
Dù thường xuyên suy tư trăn trở cho Giáo Hội, ngài lại rất thực tế sống tinh thần phó thác - giống như chỉ chuyên chăm hoàn tất bổn phận hằng ngày của mình với “Mười Điều Tâm Niệm” mà ngài đã đề ra cho mình:
1. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.
2. Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai, trừ ra chính con người của mình.
3. Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.
4. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.
5. Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.
6. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.
7. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.
8. Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế. Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.
9. Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.
10. Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì. Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.
Thực thế, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tôi chắc chắn có thể làm tốt điều mà tôi nghĩ rằng sẽ thật kinh hoàng nếu phải làm nó suốt cả đời. Amen.
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 40 | Tổng lượt truy cập: 4,790,126