Ngày 6 tháng 2
THÁNH PHAOLÔ MIKI, LINH MỤC
VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO
1. Đôi hàng tiểu sử
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta mừng lễ thánh Phaolô Miki một người Nhật bản và các bạn của Ngài.
Người ta đã lên án tử cho Ngài với lý do các ngài là những người từ Philippine tới. Họ sợ các ngài là những đồng lõa với đế quốc Tây Ban Nha xâm lăng Nhật Bản. Chính vì thế mà trước khi bị tử hình, thánh Phaolô Miki đã mạnh mẽ cải chính: "Tôi là người Nhật đích thực. Lý do duy nhất tôi bị án tử là vì tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Chắc chắn tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Tôi tạ ơn Chúa vì lý do đó mà tôi phải chết. Tôi tin tôi đang nói thật trước khi tôi chết. Tôi biết quý vị tin tôi, tôi muốn nói lại rằng hãy xin Đức Kitô giúp quý vị vượt qua và được hạnh phúc. Tôi vâng lời Đức Kitô. Noi gương Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không ghét họ. Tôi cầu xin Chúa thương xót họ, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên các bạn của tôi như mưa nguồn sinh hoa kết trái.”
Phaolô Miki và các bạn bị bắt vào năm 1597. Số người bị bắt trước tiên gồm có 26 vị: 6 tu sĩ dòng thánh Phanxicô, 3 tu sĩ dòng Tên và 17 giáo dân. Trong đó có 3 trẻ giúp lễ và Phaolô Miki, lúc đó ngài mới được 33 tuổi.
Nhà vua ra lệnh cắt tai, cắt mũi các ngài và đem đi đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki. Nhìn các ngài bị gông cùm, máu chảy dầm dề trên mặt, mọi người đều thương khóc thảm thiết!...
Có một người đã chứng kiến thuật lại cuộc tử đạo của thánh Phaolô Miki và các bạn ngài như sau:
“Sau khi chịu đóng đinh vào thập giá, các ngài vẫn tỏ ra kiên trì đến lạ thường. Hai cha Paxiô và Rôtôrighết, mỗi người một bên, khuyến khích các ngài. Cha phụ trách giáo sở thì luôn yên lặng ngước mắt nhìn trời. Thầy Martinô thì hát thánh vịnh để tạ ơn Thiên Chúa từ nhân, rồi còn thêm câu: "Trong tay ngài, lạy Chúa"… Cha Phanxicô Bôlancô cũng to tiếng tạ ơn Thiên Chúa. Còn thầy Cunxancô thì đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Riêng thầy Phaolô Miki thấy mình ở trên một tòa chưa từng có, bắt đầu nói với những người đang chứng kiến quang cảnh này rằng: Thầy là người Nhật, thuộc dòng Chúa Giêsu; thầy bị án tử hình này vì đã rao giảng Tin Mừng. Và thầy cám ơn Thiên Chúa đã ban cho mình ơn trọng như vậy. Rồi thầy nói thêm:
Tôi đã đi đến hoàn cảnh này, chắc không sẽ không có ai nghi rằng tôi còn giấu diếm sự thật. Vậy tôi xin tuyên bố với mọi người rằng: Không có đường lối cứu độ nào khác ngoài đường lối các Kitô hữu đang theo. Và vì đường lối đó dạy tôi phải tha thứ cho các cừu địch và cho kẻ làm hại mình, nên tôi rộng lòng tha thứ cho hoàng đế và cho mọi người làm tôi phải chết. Tôi xin họ hãy lãnh nhận phép Rửa tội của người kitô hữu.
Rồi quay nhìn các đồng nghiệp, ngài an ủi họ trong cơn chiến đấu cuối cùng này. Niềm hân hoan hiện rõ trên gương mặt mọi người, đặc biệt trên gương mặt Luy, khi có người tín hữu nói với anh rằng: anh sắp được lên Thiên đàng; các ngón tay của anh và tất cả thân thể anh như muốn làm một cử động diễn tả một sự vui mừng sâu xa, khiến mọi người đứng xem đều quay mắt nhìn anh.
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX tôn phong hiển thánh năm 1826.
2. Bài học
Sau cuộc bách hại những người Kitô giáo vào ba thế kỷ đầu tiên tại Đế quốc Rôma, Giáo Hội đã được chứng kiến một cuộc trở lại ngoạn mục: rất nhiều người tin Chúa, sử gia Tertullien đã viết một câu nhận xét vô cùng ý nghĩa: "Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.
Điều này đã đúng với Giáo Hội Nhật Bản và cũng đúng với nhiều Giáo Hội khác như Giáo Hội Đại Hàn, Giáo Hội Việt Nam của chúng ta.
Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo đã làm nên sự kiên vững cho Hội Thánh tại Nhật Bản.
Chính nhờ những dòng máu của các anh hùng tử đạo ấy mà hạt giống Tin Mừng đã được các ngài gieo vãi sẽ nảy mầm, đâm bông và lớn lên thành một thân cây to lớn về sau.
Lịch sử còn ghi: Sau cuộc bắt bớ đầu tiên thì những cuộc bắt bớ về sau càng ngày càng trở nên ác liệt hơn. Với chiếu chỉ của Đaifusanna vừa được ban hành, Giáo Hội Nhật Bản rơi vào tình trạng nguy kịch. Dấu hiệu mở màn là cuộc xử tử công khai. 50 đấng tử đạo ở Nagasaki ngày 22-9-1622. Cuộc bách hại trở nên dã man và ác liệt hơn nữa trên đất Kyushu vào những năm 1636-1638, sau khi quân sĩ của Shimbara, một viên tướng công giáo đứng lên bảo vệ đức tin và sinh mạng, bị đánh tan hoàn toàn: gần 35.000 người công giáo bị giết trong cuộc nổi dậy này. Các vua Nhật tưởng đã tiêu diệt được đội quân công giáo tận gốc rễ. Bên ngoài, các nước cũng nghĩ rằng đức tin của giáo dân Nhật còn quá non yếu, khó đương đầu nổi cơn bắt đạo quá gay gắt như vậy, nhất là với chính sách bế quan tỏa cảng cấm các nhà truyền giáo đặt chân lên đất Phù Tang. Thế nhưng thực tế lại khác.
Dù các Kitô hữu không linh mục, không thánh lễ, không thánh đường nhưng họ vẫn dũng cảm ngoan cường sống đạo tới 200 năm sau, đến giữa thế kỷ 19 thời Minh Trị Thiên Hoàng khi các nhà truyền giáo lại đặt chân lên đất Nhật.
Sau đây là một chứng tích hùng hồn cụ thể:
Một hôm, cha Petitjean đi đến giảng đạo tại Tarasaki trước mặt một số đông người Nhật. Nghĩ rằng họ toàn là lương dân nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi: có ai thắc mắc gì không ?”
Một người đưa tay chất vấn:
- Chúng tôi muốn hỏi ông ba điều, yêu cầu ông trả lời cho chúng tôi là có hay không!
- Tốt lắm, xin quí vị cứ đặt câu hỏi
- Câu hỏi thứ nhất: Các ông có tin Đức Mẹ Đồng Trinh không ?
- Có!
- Câu hỏi thứ hai: các ông có vâng lời và hiệp thông với Đức Thánh Cha ở Rôma không ?
- Có!
- Vậy là linh mục, các ông có giữ đồng trinh và sống độc thân không ?
- Có
-Vậy thì mấy trăm người chúng tôi đây là đồng đạo với các ông. Chúng tôi toàn là công giáo cả!
Cha Petitjean hết sức bàng hoàng, ngạc nhiên, như từ cung trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm nhau không cầm được nước mắt vì quá sung sướng cảm động.
Nhà truyền giáo hỏi:
- Mấy lâu nay có ai giảng dạy gì cho anh chị em không ?
- Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ nay rồi!
- Vậy làm sao anh chị em sống đạo sốt sắng đến thế ?
-Thưa cha, đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện dạy giáo lý cho con em, đoàn kết yêu thương đùm bọc nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Nhưng tại sao anh chị em lại đặt cho cha 3 câu hỏi vừa rồi ?
- Thưa cha vì ông bà chúng tôi trước khi chết có nhắn nhủ: sau này có ai đến giảng đạo, chúng con phải cảnh giác, phải lấy 3 tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là những nhà thừa sai chân chính không. Nay chúng con rất đỗi vui mừng vì cha đích thực là những người Hội Thánh đã sai đến. Chúng con sẽ nghe lời các cha và giữ gìn đức tin tổ tiên chúng con đã truyền lại”
Vâng! Hạt giống tử đạo đã nảy mầm và sinh ra những người Kitô hữu khác!
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 102 | Tổng lượt truy cập: 3,762,108