Lời Tựa
Kính thưa quý vị độc giả,
Khi bàn đến Tục ngữ - Ca dao, chúng ta như đụng chạm đến cái gì đó rất thiết thân của con người Việt Nam. Nó không đơn thuần chỉ là những câu nói trong ứng xử, giao tiếp mà dường như đã đi vào máu thịt của người dân đất Việt, đến nỗi, bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, từ những khi phải dùng lời giáo huấn mang tính trang trọng, đến những khi lao động sản xuất hay những lúc vui đùa…, họ đều có thể sử dụng Tục ngữ - Ca dao. Tục ngữ - Ca dao phản ánh một cách đa đạng các mối quan hệ trong xã hội: tương quan giữa con người với con người như: mối tương quan giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng, giữa anh chị em với nhau…; mối tương quan giữa con người với thiên nhiên vạn vật; đôi khi phản ánh cả những kinh nghiệm quý báu của người trước để lại…
Cùng với Tục Ngữ, Ca dao, Dân ca, ông cha ta còn sử dụng các Câu đối. Đây cũng là một lĩnh vực vô cùng phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và làm việc một cách bài bản và khoa học.
Để kế thừa di sản tốt đẹp đó của cha ông để lại, cả hai lĩnh vực Tục Ngữ, Ca dao và Câu đối đều đã được các thế hệ đi sau bảo tồn và phát triển. Bằng chứng là đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các Tác giả cũng như những Nhóm tác giả, điều đó càng khẳng định vai trò và vị trí của cả hai thể loại văn học này.
Khi bắt tay vào thực hiện tập sách này, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu hay đào sâu hơn những lĩnh vực vô cùng phong phú kể trên, mà đơn giản chỉ là một tuyển tập “nho nhỏ” với ước mong cũng “nho nhỏ” là giới thiệu đến quý độc giả những Câu đối, những câu Tục ngữ, Ca dao được nhiều người yêu thích.
Với tiêu chí đó, chúng tôi sưu tầm và tuyển lựa một số Câu đối; Tục ngữ - Ca dao thường dùng và mạo muội phân chia thành từng chủ đề theo thiển ý của chúng tôi để quý vị tiện sử dụng.
Xin chân thành cảm ơn sự khích lệ và cộng tác bằng cách này hay cách khác của anh em và bạn bè đồng môn, giúp chúng tôi sớm hoàn thành tập sách này.
Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn, do thời lượng và khả năng còn hạn chế, khó tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong quý độc giả lượng thứ và chỉ giáo, để những lần tái bản sau, tập sách được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả.
Hà Nội tháng 5 -2010
Hương Lúa
PHẦN I
CÂU ĐỐI CÁC CHỦ ĐỀ
DÙNG TRONG CÁC NGÀY LỄ CÔNG GIÁO
&
1 - Vài nét về câu đối
Câu đối là một sáng tác văn học, thuộc thể loại văn biền ngẫu gồm hai vế đối nhau, nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội.
Câu đối còn thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhậy. thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng những quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích. Ngôn từ của câu đối được cân nhắc chọn lọc, âm điệu nhịp nhàng, kết cấu chặt chẽ, nhiều câu tài tình đến mức người đọc người nghe cảm thấy kỳ thú một cách bất ngờ khi nó bật ra ý tưởng mới lạ. “Văn hay chẳng lọ ngắn dài”.
Những câu đối trí tuệ tài hoa biểu lộ được những quan điểm tư tưởng đúng dắn thường được lưu truyền rộng rãi cũng giống như những câu ca dao, câu thơ hay sẽ mãi mãi trường tồn. Tóm lại câu đối không chỉ là thể loại văn học mà còn là một thể loại văn học đặc biệt và là một nét đẹp của phong tục cổ truyền của bản sắc văn hóa dân tộc.
Có thể cho rằng câu đối Việt Nam được bắt nguồn từ thực tế đời sống xã hội, bắt nguồn từ cách nói đối ngẫu tự nhiên của ngôn ngữ dân tộc. Từ những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao trong văn học dân gian đến những câu nói quen miệng hàng ngày cũng thường hình thành những vế đối ứng tự nhiên.
2 - Tục treo câu đối Tết có từ bao giờ?
Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên Đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Ðồ và Uất Lũy treo hai bên cửa ngõ. Ðó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Ðộ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hóa phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Ðào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.
Ngày nay, câu đối được chạm khắc hoặc viết trên gỗ rất hiếm. Trong dịp tết, câu đối thường được viết trên giấy hồng điều bằng mực tàu, chữ Hán (hoặc chữ kim nhũ vàng). Cũng có khi câu đối được viết trên giấy đỏ dát vàng. Nội dung của các câu đối thường mang nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng an lành, cầu an khang, thịnh vượng…
***
CÂU ĐỐI DÙNG TRONG
CÁC NGÀY LỄ CÔNG GIÁO
I - CHỦ ĐỀ TẠ ƠN
* Hồng phúc dạt dào vinh danh Chúa
Ân đức chan hòa thánh thiện tâm
* Tình yêu Chúa rộng hơn biển cả
Ân sủng Ngài trổi vượt non cao
* Vinh quang thiên sứ mệnh
Vạn tuế đức hồng ân
* Trời đất dù biến chuyển, Lời Chúa vẫn không qua
Tháng năm dù đổi thay, Tình Yêu luôn còn mãi
* Trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ
Giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca
(Tv 56, 10)
* Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa
Ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Ngài
(Tv 116, 1)
* Giữa lòng đại hội, con sẽ tạ ơn Chúa
Trước mặt chư dân, con nguyện tán dương Ngài
(Tv 34, 18)
* Chúc tụng Chúa là Đấng công minh chính trực
Suy tôn Người là Vua hiển trị thiên thu
(Tb 13, 6)
* Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa
Kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen
(Tv 32, 1)
* Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm
Kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt
(Tv 32, 1)
* Đón Xuân sang dâng Chúa lời cảm tạ
Mừng Năm Mới tiến Mẹ khúc tình ca
* Hồn an xác mạnh trong tay Chúa
Hạnh phúc mọi ngày nép ý Cha
* Thập giá Chúa nguồn hy vọng duy nhất
Đường lối Ngài niềm hoan lạc vô song
* Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng
Ân sủng Ngài, muôn thế hệ tung hô
(Tv 89, 2)
* Công trình Chúa, đời đời con ca tụng
Vĩ nghiệp Ngài, muôn thế hệ tung hô
(Tv 89, 2)
II - CHỦ ĐỀ VỀ CHÚA
* Chúa tác thành vũ trụ
Vua thống trị địa cầu
* Đây là lúc Chúa thi ân
Đây là ngày Chúa cứu độ
* Đêm ngày hồn con vâng ý Chúa
Sớm tối trí con cậy danh Ngài
* Sống đạo Chúa trong hiến thân phục vụ
Rao Tin Mừng với bác ái yêu thương
* Thần Khí Chúa chan hòa mặt đất
Ân sủng Người tràn ngập dương gian
* Triều đại Chúa thiên niên vĩnh cửu
Vương quyền Ngài vạn đại trường tồn
(Tv 144, 13)
* Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán
Người yêu thương trong mọi việc Người làm
(Tv 144, 13)
* Chương trình Chúa ngàn năm bền vững
Ý định Người vạn kiếp trường tồn
(Tv 32, 11)
* Người nổi giận, giận trong giây lát
Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời
(Tv 29, 6)
* Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ
Đồi rước về nền công lý vạn dân
(Tv 71, 3)
Vũ hoàn Chúa đời đời hiển trị
Địa cầu Ngài vạn đại quản cai
Chúa ngàn đời quản cai hoàn vũ
Ngài muôn năm thống trị địa cầu
Tình thương Chúa rộng hơn biển cả
Ân sủng Ngài trổi vượt non cao
Địa cầu Chúa hiển trị
Vũ hoàn Ngài quản cai
Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng
Ân sủng Ngài, muôn thế hệ tung hô
(Tv 89, 2)
Công trình Chúa, đời đời con ca tụng
Vĩ nghiệp Ngài, muôn thế hệ tung hô
(Tv 89, 2)
Hỡi cửa thành vươn cao đón vua cao cả
Nào muôn dân hoan hỷ mừng Chúa cửu trùng (Lễ Lá)
III – CHỦ ĐỀ THÁNH THỂ
* Bàn tiệc thánh, Chúa phục sinh mời gọi
Đồng cỏ thiêng, Vua mục tử dẫn vào
* Thánh Thể thần lương nguồn sức sống
Ngôi Lời hiến lễ mạch tình thương
* Cảm tạ Chúa, trao ban Lời Hằng Sống
Tôn vinh Cha, ban tặng Bánh Trường Sinh
* Kính tin Thánh Thể nơi dương thế
Cảm tạ tình Cha chốn thiên đàng
* Thánh Thể suối nguồn ban sức sống
Lời Chúa thần lương cải tâm hồn
* Bí tích Thánh Thể ban vĩnh cửu
Suối nguồn cực trọng chốn nhân linh
* Thánh Thể huyền siêu mạch hằng sống
Lời Chúa nguồn sáng dọi nhân tâm
* Di sản lưu truyền ngày chịu nạn
Thánh Thể dưỡng trần đến cánh chung
* Thánh Thể thần lương Cha ban xuống
Lời ca tạ ơn con dâng lên
* Đây nhiệm tích tình yêu Thánh Thể
Này thần lương hiến tế nhân trần
IV - CHỦ ĐỀ ĐỨC MẸ
* Thủy tận sơn cùng Thiên Mẫu đáo
Thiên thanh nguyệt bạch thế nhân hòa
* Chí khiết, chí trinh nữ trung đệ nhất
Khả kỳ, khả ái thế thượng vô song
* Vô nhiễm tội, Mẹ cưu mang Thiên Tử
Có phúc lạ, Chúa ban thưởng Nữ Vương
* Thánh Mẫu cầu bầu muôn ơn phúc
Thiên Chúa tuôn đổ vạn hồng ân
V – CHỦ ĐỀ GIA ĐÌNH
* Trong tay Chúa, gia đình luôn hạnh phúc
Dưới bóng Mẹ, họ tộc mãi bình an
* Trong Chúa, gia đình luôn hạnh phúc
Bên Mẹ, con cháu sống bình an
* Mẹ bầu cử gia đình thuận hảo
Chúa quan phòng Giáo hội hòa thông
* Tin không việc làm đức tin chết
Sống chẳng yêu thương cuộc sống tàn
* Thờ Thiên Chúa, toàn tâm trí lực
Kính Tổ Tiên, trọn nghĩa ân tình
* Một tấm lòng thành, một đời đạo hạnh
Vô vàn phước quả, muôn kiếp công thành
* Ân tình Chúa ngàn năm bền vững
Ý định Ngài vạn kiếp trường tồn
* Ân Tình Chúa cao sâu
Tình thương Ngài bền vững
* Phụng Thiên Chúa toàn tâm trí lực
Hiếu Tổ Tiên trọn nghĩa ân tình
VI – CHỦ ĐỀ LỄ TANG
* Sống gửi gian trần lập công phúc
Chết về thiên quốc hưởng vinh quang
* Khóc thương ly biệt nơi trần thế
Vui mừng đoàn tụ chốn thiên đàng
* Sinh ký gian trần nơi tạm gửi
Tử quy thiên quốc chốn trường sinh
*Sống gửi trần gian chan hòa ơn cứu độ
Thác về thiên quốc no thỏa phúc trường sinh
* Sống thờ Chúa một đời vâng thánh ý
Thác theo Ngài muôn kiếp hưởng thiên nhan
* Sinh thời trong “hội” tình trọn vẹn
Tạ thế xóm làng nghĩa nặng sâu
* Thế trần ngắn ngủi nơi tạm gửi
Thiên đường vĩnh cửu chốn trường sinh
* Thanh thản lên đường theo Chúa gọi
Vĩnh biệt cõi trần tới thiên cung
* Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu
Cỡi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng
(Tv 29,12)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 44 | Tổng lượt truy cập: 4,528,269