Giáo xứ Thân Thượng

  • 28/12/2024
  • Giáo xứ Thân Thượng cách Toà Giám mục khoảng 10km về phía Đông Nam; phía Đông giáo xứ Giáo Nghĩa; phía giáp xứ Vy.

     

    GIÁO XỨ THÂN THƯỢNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ Bắt : Đầu TK XIX

    Năm thành lập Giáo xứ : 1888

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1944

    Năm cung hiến : 08/10/2006.

    Tước hiệu Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi.

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân : 1.270 (Toàn xứ, 623 (họ Nhà Xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Thân Thượng, thôn Đoàn Kết, xã Quang Bình, h.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

    I- VỊ TRÍ

    Giáo xứ Thân Thượng cách Toà Giám mục khoảng 10km về phía Đông Nam; phía Đông  giáo xứ Giáo Nghĩa; phía giáp xứ Vy.

    II- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Cuối thế kỷ XVIII, có hai linh mục thừa sai đến làng Bặt truyền giáo. Dân chúng nơi đây đã mau mắn đón nhận Tin Mừng. Khoảng vài năm sau, Giáo họ Bặt được thành lập thuộc xứ Bác Trạch, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm quan thầy.

    Năm 1831, giáo dân làm một nhà thờ bằng gỗ lợp lá (cách nhà thờ hiện tại khoảng 1.5km về hướng Bắc). Lúc này, Giáo họ Bặt lấy tên là Thân Thượng.

    Trong những năm 1820 -1841, Giáo họ trải qua bao gian nan, thử thách. Một số tín hữu đã đổ máu mình vì chính đạo, và ngôi nhà thờ bị đốt cháy rụi. Gian nan là thế, nhưng bà con vẫn chung tay xây dựng ngôi nhà thờ thứ hai (bên cạnh nhà thờ hiện tại) bằng gạch, lợp ngói để dâng kính Trái Tim Chúa.

    Năm 1874, để thuận tiện cho công việc mục vụ, Đức cha Barnabé Garcia Cézon Khang tách họ Thân Thượng khỏi xứ Bác Trạch, cùng với bốn họ thuộc xứ Kẻ Diễn sát nhập vào xứ Cổ Việt.

    Năm 1888, Đức cha Vencesles Onate Thuận ban Sắc thành lập xứ Thân Thượng với 22 họ lẻ.

    Năm 1944, Giáo xứ xây dựng ngôi thánh đường mới bằng bê-tông, cốt thép theo kiến trúc Tây Âu, các tòa được sơn son thếp vàng (chiều dài 63m, rộng 25m, cao 21,5m và tháp chuông cao 35m).

    Biến cố di cư năm 1954 làm cho Giáo xứ tản mác và vắng bóng chủ chăn. Vì thế, mọi sinh hoạt trong xứ cũng như cơ sở vất chất có phần xuống cấp và chìm lắng.

    Năm 1996, cha Phanxicô Assisi Nguyễn Tiến Tám được Bề trên bổ nhiệm về coi sóc Giáo xứ đã làm cho Giáo xứ có sự thay đổi mới : đời sống đức tin của giáo dân được thăng tiến; nhiều công trình : nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý được trùng tu, xây mới khang trang, sạch sẽ hơn.

    Các chứng nhân tử đạo: Thân Thượng có 9 vị Hiền Phúc tử đạo: Giuse Sĩ (số 246); Đaminh Thục (số 247); Phêrô Khoa (số 248), Phêrô Khuê (số 255), Bartôlômêô Dinh (số 256), Phêrô Thiềng (số 257); Phêrô Nghi (số 258); Phanxico Thể (số 259). Trong đó, có một phụ nữ can đảm, xứng đáng là mẫu gương anh thư trong số tử hùng vì đức tin Công Giáo. Đó là hiền phúc Maria Tĩnh (số 313).

    Ơn gọi trong Giáo xứ: cha Vinc. Nguyễn Hòa (Thái Bình); cha Piô Nguyễn Quang Đán, CMC (Sài Gòn).

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha Khâm; cha Chương; cha Độ; cha Quyền; cha Vĩnh; cha Tri; cha Khoát; cha Đức; cha Chính Ân và cha Lê Quanh Oánh; cha Gioan B. Trần Du Đồng; cha Giuse Trần Trọng Hậu; cha Giuse Vũ Văn Vân; cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo; cha Gioakim Trần Trọng Uyên, Đức ông Tôma Trần Trung Hà, cha Phanxicô Ass. Nguyễn Tiến Tám, cha Vinhsơn Vũ Văn Hướng, cha Giuse Nguyễn Đình Huynh  và hiện nay là Đaminh Nguyễn Văn Quát.

    Giáo xứ Thân Thượng có các Giáo họ: Hanh Cù, Xứ Sở. Giáo xứ có 2 nhà thờ hội là Vạn Thiện và Antôn.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Vững bước trên con đường tiến về Năm thánh kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận, Giáo xứ Thân Thượng luôn ý thức vai trò của các đoàn hội trong đời sống đức tin của mình. Thân Thượng thường xuyên có các lớp tập huấn, các đại hội... làm cho bầu khí sinh hoạt Giáo xứ thêm phong phú và được thăng tiến. Đồng hành cùng Giáo xứ còn có sự hiện diện và phục vụ của Cộng đoàn dòng nữ Đaminh Thái Bình, nên các hoạt động của ban Ca và các lớp giáo lý được duy trì thường xuyên.

     

    GIÁO HỌ HÀNH CÙ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : 1866

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000

     Bổn mạng : Thánh Tôma Aquinô (28/01)

    Số giáo dân : 250

    Địa chỉ : Nhà thờ Hanh Cù, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Tây Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Ngày nay, không ai còn nhớ mảnh đất Hanh Cù đón nhận Tin Mừng từ khi nào. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1866, Hạnh Cù đã có 9 gia đình theo đạo và hình thành nên một giáo họ. Ban đầu, Giáo họ đã dựng ngôi nhà giáo nhỏ bé, đơn sơ để làm nơi cầu nguyện sớm tối và nhận thánh Tôma Aquinô làm quan thầy.

    Năm 1935, cụ trùm Tôma Phạm Văn Tiêm đã hiến 3 sào đất để xây dựng nhà thờ mới - tại vị trí nhà thờ hiện nay. Năm 1943, dưới sự hướng dẫn của cha Đức chánh xứ Thân Thượng, bà con trong Giáo họ đã chuẩn bị vật liệu để tiến hành xây nhà thờ và đến năm 1954 mới hoàn thành.

    Năm 2000, nhờ sự giúp đỡ của cha quý hương và quý ân nhân, nhà thờ Giáo họ được trùng tu toàn bộ với tổng diện tích 420m2 và được khánh thành ngày 30/10/2000. Để có cơ sở cho việc giáo dục đức tin và hội họp, năm 2014, Giáo họ đã xây dựng nhà giáo lý và khánh thành ngày 20/3/2014.

    Ơn gọi trong Giáo họ: cha Tôma Phạm Văn Hiệp (+, Pháp) và 1 nữ tu dòng Mân Côi Bùi Chu.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo họ Hanh Cù hiện có các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, ban ca, giới trẻ, ban kèn, hội trống. Hiện tại, Giáo họ có 2 lớp giáo lý với trên 30 học sinh, hy vọng đây là nguồn giáo lý viên tiềm năng hướng dẫn và bảo vệ đức tin cho Hanh Cù trong tương lai.

     

    GIÁO HỌ XỨ SỞ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng năm 1880

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1894

    Bổn mạng : Thánh Phêrô và Vinhsơn (29/6 và 05/4)

    Số giáo dân : 152

    Địa chỉ : Nhà thờ Xứ Sở, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

    Cách họ nhà xứ khoảng 400m về hướng Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Mảnh đất Bặt (Xứ Sở) có sông Chuần Giang chảy qua, dân chài lưới tập trung tại đây khá đông đúc. Cuối thế kỷ XVIII, các đấng thừa sai cũng xuôi dòng đến đây để rao giảng Tin Mừng và được người dân nơi đây mau mắn đón nhận.

    Hạt giống đức tin được gieo vào đất tốt nên ngày một thêm đông số. Thấy nhiều người tập trung về bến sông nghe giảng, các đấng thừa sai đã gọi nơi đây là Bến Ngự. Năm 1888, các tín hữu nơi đây góp tiền mua được mảnh đất 4.366m2. Năm 1894, bà con giáo hữu xây dựng nhà thờ theo kiểu kiến trúc Á Đông với chiều dài 21m, rộng 12m, cao 10m, và tháp chuông cao 13.5m.

    Bà con trong Giáo họ đa phần là dân chài lưới, còn một số trên bến thì làm nghề nông nên Giáo họ đã nhận hai thánh: Phêrô và Vinhsơn - làm bổn mạng. Bởi thế, nơi đây cũng có tên gọi là nhà thờ Hai Ông Thánh.

    Năm 1945, cha chính Ân coi sóc xứ Thân Thượng, ngài thấy Giáo họ Bặt trên bến, dưới thuyền nên ngài đã cho dựng thêm năm gian nhà gỗ lim cổ và chính ngài đổi tên Giáo họ Bặt thành Giáo họ Xứ Sở.

    Khi cha Phanxicô Assisi Nguyễn Tiến Tám về coi sóc Thân Thượng (1996), ngài đã cùng Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ cổ hơn 100 tuổi. Sau đó, nhà thờ Xứ Sở còn được tô điểm thêm 2 tháp chuông và 3 quả chuông mới.

    Do nhu cầu giáo dục đức tin cho con em, cha xứ và bà con giáo dân đã mở rộng khuôn viên nhà thờ, khởi công xây dựng nhà giáo lý với chiều dài 31m, rộng 8m, cao 4.6m vào ngày 29/7/2013 (diện tích sử dụng 220m2).

    Ơn gọi trong Giáo họ: cha Vinc. Đinh Trung Nghĩa, Sj (Sài Gòn); cha Vinc. Đinh Trung Trí (Hoa Kỳ); cha Vinc. Nguyễn Chí Thanh (Hoa Kỳ); cha Vinc. Nguyễn Văn Thịnh (Sài Gòn); cha Vinc. Nguyễn Văn Bản (Canada) và 01 nữ tu.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Hiện tại, Giáo họ có 40 hộ gia đình với 152 nhân danh lại sinh sống gần nhà xứ nên các sinh hoạt mục vụ rất nhiệt tình và sôi nổi. Các hội đoàn đã từ lâu đi vào nề nếp và không ngừng thăng tiến về mọi mặt.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan