Giáo xứ Giáo Nghĩa

  • 28/12/2024
  • Giáo xứ Giáo Nghĩa nằm trên trục đường 222, cách tỉnh lộ 39B 2.5 km về hướng Bắc, cách Tòa Giám Mục 15km về hướng Đông; phía Nam giáp xứ Cao Mại; phía Đông Bắc giáp xứ Văn Lăng; phía Tây Bắc giáp xứ Thân Thượng.

     

    GIÁO XỨ GIÁO NGHĨA

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo xứ : 1924

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1993

    Bổn mạng : Đức Mẹ Sầu Bi (15/9)

    Số giáo dân : 2.062 (Toàn xứ), 1.762 (họ Nhà Xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Giáo Nghĩa, thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

     I-VỊ TRÍ

    Giáo xứ Giáo Nghĩa nằm trên trục đường 222, cách tỉnh lộ 39B 2.5 km về hướng Bắc, cách Tòa Giám Mục 15km về hướng Đông; phía Nam giáp xứ Cao Mại; phía Đông Bắc giáp xứ Văn Lăng; phía Tây Bắc giáp xứ Thân Thượng.

    II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Lược sử hình thành và phát triển

    Khoảng năm 1700 có một số người từ các nơi tới đây sinh sống. Dần dần trở nên đông đúc và thành một làng dân cư có tên là làng Thượng Nghĩa.

    Ít lâu sau, hạt giống Đức tin được gieo vào mảnh đất này và phát triển nhanh chóng thành làng có đạo toàn tòng và khoảng cuối thế kỷ 18 trở thành một họ giáo, lấy tên là họ Thượng Nghĩa, thuộc xứ Bác Trạch, nhận Đức Mẹ Sầu Bi làm quan thầy.

    Ngôi nhà thờ ban đầu xây dựng bằng tranh vách lá ở phía trước nhà thờ hiện nay khoảng 150 mét về phía Tây và được tái tạo nhiều lần; Sau đó chuyển về phía Bắc ngôi nhà thờ hiện tại, cách chừng 10 mét.

    Sau thời kỳ bách hại đạo, giáo dân ngày một đông đúc, ngôi nhà thờ trở nên chật hẹp. Vì thế, Cụ Bát Xuân đã hiến phần lớn khu đất để làm nhà thờ và nhà xứ hiện nay (Với diện tích 12.694m2).

    Ngôi nhà thờ gỗ lim to lớn, cổ kính, với hai hàng cột cái (cụ Bát Xuân dâng cúng một phần lớn) được xây dựng và khánh thành vào ngày 20/10/1897, năm Thành Thái thứ chín (được ghi trên long cốt). Ngôi nhà thờ này trải qua thời gian và nhất là ảnh hưởng của chiến tranh tàn phá, đã phải đại tu hai lần. Lần thứ nhất sau trận bão 24/6/1929 và lần thứ hai vào năm 1957. Đến năm 1993 thì hạ giải để làm ngôi nhà thờ hiện nay.

    Năm 1924, xét thấy điều kiện cơ sở vật chất tạm đủ và nhất là đáp lại lòng mong mỏi của giáo dân, Đức Cha Phêrô Munagorri Trung đã ban Sắc chỉ nâng họ giáo Thượng Nghĩa lên hàng giáo xứ, với tên gọi là giáo xứ Giáo Nghĩa, nhận Đức Mẹ Sầu Bi làm quan thầy. Và có 7 họ giáo trực thuộc: Văn Lăng, Trình Nhất, An Khang, Nê trại, Ngái, Nam Hương và Bặt Trung.

    Sau năm 1954, họ Ngái, họ Nam Hương mất nhà thờ. Họ Bặt Trung (họ Ông Ớt) chuyển về xứ Đồng Quan. Ngày 02/12/2006, Văn Lăng được nâng lên hàng giáo xứ và họ An Khang thuộc về xứ này.

    Năm 1993, thời cha xứ Tôma Trần Trung Hà, giáo xứ đã xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng xi măng cốt sắt. Sau 4 tháng thi công, ngôi nhà thờ mới hoàn thành với chiều dài 56m (cả móng tháp), chiều rộng 16m, tum cao 27m.

    Năm 1999, cha xứ cùng với giáo dân tiếp tục xây dựng hai cây tháp nối liền với cuối nhà thờ, thay thế cây tháp cũ. Hai cây tháp mới có chiều cao 44m và bộ chuông nặng gần hai tấn.

    Các chứng nhân tử đạo

    Nơi đây có 5 Hiền Phúc tử đạo là: Đaminh Đặng Văn Khuê (255), Đaminh Đặng Văn Định (256), Đaminh Đặng Văn Thiêng (257), Phêrô Bùi Văn Nghị (258), Batôlômêô Đoàn Văn Thể (259). Hiện nay, hài cốt các ngài được lưu giữ trong lòng nhà thờ và danh tính các Ngài đã được ghi ở sổ bộ Rôma chờ ngày Giáo Hội tôn phong.

    Ơn gọi trong Giáo xứ: cha Đaminh Trương Văn Luận; cha Đaminh Trương Kim Hương (Sài Gòn); cha Đaminh Đặng Văn Gia (Thái Bình); cha Đaminh Vũ Minh Trí (Thái Bình); cha Đaminh Đặng Thái Phúc, 2 chủng sinh và 6 nữ tu.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha Trạch; cha Thuần; cha Long; cha Mẫn; cha Thiêm, Gioan B. Trần Du Đồng (1939 - 1941); cha Tôma Trần Công Tính (1941 - 1952); cha Gioan B. Trần Du Đồng (1952 - 1957); cha Đaminh Đinh Đức Trụ (1957 - 1960); cha Giuse Bùi Văn Cẩm (1962 - 1974); cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1974 - 1978); cha Giuse Nguyễn Quang Phục (1978 - 1989); Đức ông Tôma Trần Trung Hà (1989 - 2008); cha Vinhsơn Đỗ Cao Thăng (2008 - 2014), cha Đaminh Nguyễn Văn Quát và hiện nay là cha Phanxico X. Đinh Văn Trí.

    Các giáo họ trực thuộc: Trình Nhất, Nê Trại (Tân Tiến) và Ngái Mới (chỉ còn móng nhà thờ).

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Giáo xứ có Hội Đồng Mục Vụ, có Ban Giáo lý và các đoàn hội: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Con Đức Mẹ, hội Kính Lòng Thương Xót Chúa, Ca đoàn Têrêxa, hội Trống, hội Kèn, Giới trẻ...

    Các đoàn hội trong giáo xứ thường xuyên hoạt động. Giới trẻ hoạt động trong các dịp lễ lớn, như Giáng Sinh, ngày lễ 1 tháng 6, ngày lễ Trung Thu... Khối Giáo lý chia thành 14 lớp, học theo độ tuổi, từ 4 - 17 tuổi. Học các buổi chiều Chúa Nhật hàng tuần. Nhìn chung, Giáo xứ đang có nhiều đổi thay và có chiều hướng tốt đẹp.

    GIÁO HỌ TRÌNH NHẤT

    Năm đón nhận Tin Mừng : Thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2002

    Bổn mạng : Thánh Antôn Padua (13/6) Số giáo dân : 127

    Địa chỉ : Nhà thờ Trình Nhất, thôn Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải. Cách nhà xứ 2km về hướng Đông Đông Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Cuối thế kỷ XVII, một số người từ Thanh Hóa ra làng Trình Nhất để làm ăn và lập nghiệp, trong số đó có một số cụ là người Công giáo. Vì thế, ánh sáng Tin Mừng dần dần được người dân nơi đây biết tới và tin theo. Năm 1820, ngôi nhà thờ đầu tiên được dựng tại làng này.

    Vào thời kỳ cấm đạo, đức tin của người giáo dân nơi đây bị thử thách nặng nề. Ngọn đèn Đức tin gần như bị tắt lịm. Ngôi nhà thờ bị phá. Trước tình thế đó, cụ Đỗ Văn Sự bỏ làng trên xuống trại dưới lập nghiệp, ẩn dật để giữ đạo. Cụ sinh được 5 người con trai là: Đỗ Văn Hiền, Đỗ Văn Lành, Đỗ Văn Thảo, Đỗ Văn Thuận và Đỗ Văn Thuấn (theo di ngôn của các cụ truyền lại, thì hai người con của cụ Sự đã được phúc tử đạo là cụ Đỗ Văn Hiền và cụ Đỗ Văn Lành, tử đạo ngày 09/5/1857 tại Nam Định).

    Sau đó, ngôi nhà thờ thứ hai cột gỗ lợp ra xây dựng ở vị trí nhà thờ hiện tại.

    Năm 1917, cụ Bát Xuân dâng cho Giáo họ 9 sào ruộng trồng cấy và hỗ trợ làm ngôi nhà thờ bằng gỗ lim, lợp ngói mũi.

    Dãi dầu với thời gian, ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Năm 2002, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới, dài 33m, rộng

    9m và một cây tháp cao 37m, trên phần đất 1.150 m2 của Giáo họ.

    II -TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Nhìn chung đời sống kinh tế của Giáo họ đang được cải thiện hơn trước, hoạt động của các hội đoàn luôn được duy trì, sớm tối bà con giáo dân vẫn đọc kinh cầu nguyện. Chúa Nhật hàng tuần, các em trong Giáo họ tới nhà xứ để tham gia học giáo lý và các hoạt động chung trong xứ đoàn.

    Ước mong của Giáo họ là sớm có được ngôi nhà phòng để các hoạt động mục vụ giáo lý, hội đoàn... được ổn định và thăng tiến hơn.

     

    GIÁO HỌ NÊ TRẠI (TÂN TIẾN)

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVIII

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997

    Bổn mạng : thánh Matthêu Tông đồ (21/9)

    Số giáo dân : 42

    Địa chỉ: Nhà thờ Tân Tiến, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ 1,5km về hướng Nam.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Theo các cụ truyền lại, vào cuối thế kỷ thứ XVII, một số người đến vùng đất Thanh Nê lập ấp làm ăn, trong đó có một số người Công giáo. Vào đầu thế kỷ thứ XVIII, Nê Trại đã thành một họ giáo nhỏ, thuộc xứ Bác Trạch, nhận thánh Matthêu làm quan thầy.

    Trong thời kỳ cấm đạo, giáo dân trong họ phải lưu lạc khắp nơi, chỉ còn một số ở lại.

    Năm 1888, họ Nê Trại chuyển về xứ Thân Thượng. Lúc này, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ thứ 2 bằng tranh tre vách đất.

    Đầu thế kỷ thứ XX, Giáo họ xây dựng lại ngôi nhà thờ bằng lim, tường gạch, lợp ngói, bốn gian nằm bên cạnh đường 39B. Do hoàn cảnh xã hội, khu vực này phải tiêu thổ kháng chiến (khoảng năm 1946), ngôi nhà thờ thảo bị tháo dỡ - chờ ngày dựng lại, nhưng không may toàn bộ số gỗ của nhà thờ bị tiêu tán hết.

    Sau năm 1954, số giáo dân còn lại rất ít, không thể dựng lại nhà thờ. Chính quyền đã trưng dụng khu đất nhà thờ làm nhà máy dệt thảm.

    Năm 1968, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã giúp Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ nhỏ - trên phần đất do cụ Hào Duyệt dâng cúng, nhưng thời thế khó khăn ngôi nhà thờ phải bỏ dở dang.

    Sau 40 năm không có nơi cầu nguyện chung, năm 1997, Giáo họ bắt đầu xây dựng lại ngôi nhà thờ, chắp nối qua ba giai đoạn: năm 1997 xây thân nhà thờ, năm 2004 xây tháp chuông (cao 22m), năm 2010 xây gian cung thánh. Diện tích nhà thờ hiện tại là 228m2.

    Các chứng nhân tử đạo: Hiền phúc Matthêu Trương Đức Cảnh, tử đạo năm 1862.

    II-TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tuy chỉ có 11 hộ gia đình, Giáo họ Tân Tiến vẫn có các đoàn hội đến nhà xứ tham gia các phong trào của giáo xứ. Giáo họ đang đẩy mạnh việc khuyến học để “thắp sáng tương lai” cho các em học sinh, và để đời sống Tân Tiến được tân tiến hơn.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan