Giáo xứ Dương Cước

  • 23/12/2024
  • Giáo xứ Dương Cước: Cách Tòa Giám Mục khoảng 25 km về hướng Đông Đông Bắc; phía Đông Nam giáp xứ Văn Lăng. Trước đây, Dương Cước thuộc tổng Đồng Sâm - nơi nổi tiếng với nghề chạm bạc.

     

    GIÁO XỨ DƯƠNG CƯỚC

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1865
    Năm nâng thành lập Giáo xứ : 1928
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1998

    Bổn mạng : Thánh Giuse (19/3)
    Số giáo dân : 1.083 (Toàn xứ), 677 (họ Nhà Xứ)
    Địa chỉ : Nhà thờ Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

    I - VỊ TRÍ

    Giáo xứ Dương Cước: Cách Tòa Giám Mục khoảng 25 km về hướng Đông Đông Bắc; phía Đông Nam giáp xứ Văn Lăng. Trước đây, Dương Cước thuộc tổng Đồng Sâm - nơi nổi tiếng với nghề chạm bạc.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Năm 1865, Giáo họ Dương Cước được thành lập, có tên là Đồng Cống, thuộc xứ Đồng Quỹ, Giáo phận Trung, nhận thánh Giuse làm Quan Thầy, với số giáo dân khoảng hơn 400. Sau khi xứ Đồng Quan được thành lập, Giáo họ Đồng Cống chuyển về xứ Đồng Quan (1911). Đồng Cống là một làng nhỏ, người Công giáo chiếm tới hơn 80%, nên lương dân còn lại quá ít, không thể xây cất một ngôi đình riêng để thờ Thành Hoàng. Việc ấy đã đi vào trong ca dao Thái Bình:

    “Bao giờ Đồng Cống có đình,

    Diệm Dương có hát thì mình lấy ta”

    Năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri Trung ban Sắc nâng Giáo họ Đồng Cống lên hàng giáo xứ và đổi tên thành Dương Cước. Đồng thời, ngài đã tách một số giáo họ: Trực Tầm, Năng Nhượng, Diệm Dương, Dục Dương, Lãng Đông, Hữu Bộc, Văn Hanh, Thịnh Quang, Côn Giang (Thuỷ Cơ) và Mai Chử thuộc xứ Đồng Quan về giáo xứ mới.

    Năm 1930, Giáo xứ đã xây dựng được ngôi Nhà Chung 2 tầng bằng gạch, lợp ngói. Năm 1995, Giáo xứ tiếp tục xây dựng ngôi nhà cấp 4 chiều dài 14m, rộng 4m, cao 6m.

    Năm 1998, nhờ sự giúp đỡ của quý ân nhân xa gần, Giáo xứ đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới (chiều dài 45m, rộng 16m, cao 15m và tháp cao 30.2m) và được khánh thành vào năm 2000.

    Năm 2004, Giáo xứ xây dựng một lễ đài kính Đức Mẹ Vô Nhiễm tại ao phía cuối nhà thờ. Và năm 2013, do nhu cầu mục vụ cần thiết, cha quản xứ Giuse Nguyễn Hữu Tuân và Giáo xứ đã khởi công xây dựng ngôi nhà mục vụ 2 tầng (dài 30m, rộng 8m, cao 8m).

    Chứng nhân tử đạo: Hiền Phúc thầy giảng Phêrô Xuân (họ Mai Chử).

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ: cha cố Sử; cha Gioan Hà Đức Toán (1929 -1937); cha Phêrô Phạm Quang Lịch; cha Đaminh Phạm Quang Đỉnh (1938- 1943); cha Đaminh Trần Phú Quý (1944-1952); cha Gioan B. Trần Du Đồng (1953- 1960); cha Giuse Bùi Văn Cẩm (1961-1964); cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1973-1975); cha Giuse Nguyễn Quang Phục (1978- 1988); cha Tôma Trần Trung Hà (1989- 2005); cha Tôma Phạm Vấn (2006-2007); cha Phanxicô Ass. Nguyễn Tiến Tám (2009-2010); cha Giuse Đinh Xuân Ngọc (2010-2011); cha Vinhsơn Phạm Văn Sơn (2012- 2013); cha Giuse Nguyễn Hữu Tuân (2013 - 2014); ); cha Vinhsơn Trịnh Xuân Phong, cha Giuse Trần Thanh Tâm và hiện nay là cha Antôn Nguyễn Văn Chuẩn.

    Các Giáo họ trực thuộc: Thuyền Định, Lãng Đông, Đắc Chúng.

    Một số họ trước kia thuộc xứ Dương Cước, hiện nay không còn nhà thờ: họ Vân Hanh (thuộc xã Lê Lợi), số giáo dân còn 9 người; họ Năng Nhượng (thuộc xã Trà Giang); họ Diệm Dương (thuộc xã Trà Giang; họ Dục Dương (xã Trà Giang); họ Bộc (xã Nam Cao).

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ vẫn hoạt động khá hiệu quả từ khi được thành lập cho tới nay. Giáo xứ có các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Con Đức Mẹ, hội Lòng Chúa Thương Xót, hội Đồng hương, hội Giáo chức, ban Trống, kim nhạc Nam-Nữ, ca đoàn, TNTT... Các hội viên tích cực cộng tác với cha xứ góp phần thăng tiến lòng đạo đức qua các giờ kinh nguyện, chia sẻ mục vụ, bác ái huynh đệ trong và ngoài Giáo xứ.

    Cánh đồng truyền giáo nơi đây đang vẫy gọi, nhất là tại những Giáo họ (Vân Hạnh) đã vắng tiếng kinh từ lâu. Đó là mục tiêu và động lực của cha xứ và giáo dân Dương Cước trong tương lai.

    GIÁO HỌ ĐẮC CHÚNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Giữa thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1854

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2001
    Bổn mạng : Thánh Vinhsơn (05/4)
    Số giáo dân : 139
    Địa chỉ : Nhà thờ Đắc Chúng, xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 2 km về phía Tây.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Giữa thế kỷ XIX, gia đình cụ Vũ Lý Ban là những người đầu tiên được diễm phúc đón nhận Tin Mừng, sau đó có thêm ba gia đình khác là các người con của cụ.

    Năm 1859, số tín hữu tăng lên, cộng đoàn nơi đây đã dựng một ngôi nhà nguyện nhỏ trên phần đất cụ Ban dâng cúng.

    Năm 1874, xét thấy nơi đây có đông giáo dân rất đạo đức sốt sắng và chân thành sống đạo, Bề trên Giáo phận đã ban Sắc thành lập Giáo họ Đắc Chúng, thuộc xứ Đồng Quỹ (Giáo phận Bùi Chu), nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng.

    Năm 1879, Giáo họ dùng vật liệu thô sơ để dựng một ngôi nhà thờ dài 16m, rộng 5m, tường trát vách, mái rạ.

    Đầu năm 1928, Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã cho phép Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ lim 5 gian rộng rãi và vững chắc. Khi Giáo xứ Dương Cước được thành lập (1928), Giáo họ Đắc Chúng được cắt về xứ này.

    Qua dòng thời gian với những biến cố thăng trầm, nhà thờ đã bị hư hỏng nặng. Đến năm 2001, cha Tôma Trần Trung Hà và Giáo họ khởi công xây dựng lại ngôi thánh đường, chiều dài 30m, rộng 8m, cao 10m và tháp cao 28m. Công trình được cắt băng khánh thành vào năm 2002.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Tuy chỉ có 32 hộ gia đình, nhưng Giáo họ Đắc Chúng vẫn có các hội đoàn hoạt động thường xuyên, và tích cực tham gia chung với các đoàn hội của Giáo xứ.

    GIÁO HỌ LÃNG ĐÔNG

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX.
    Năm thành lập Giáo họ : 1940
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1999
    Bổn mạng : Thánh Tôma Aquinô (28/01)
    Số giáo dân : 16

    Địa chỉ : Nhà thờ Lãng Đông, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Đông Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo lời kể của cụ trùm Nghi, vào đầu thế kỷ XX, thầy giáo Tuấn và bà phước Nhường tới đây giúp đỡ dân nghèo, chăm sóc người ốm đau bệnh tật và giảng đạo thánh Chúa. Hạt giống đức tin đầu tiên được bén rễ vào gia đình cụ trùm Kim.

    Năm 1925, giáo hữu ở đây chung sức dựng một ngôi nhà nguyện tường đất sét, mái lợp rạ, trên phần đất của gia đình cụ Nghị dâng hiến, để cộng đoàn sáng tối sum họp cầu nguyện.

    Năm 1940, bề trên Giáo phận đã ban Sắc thành lập Giáo họ Lãng Đông, thuộc xứ Dương Cước, nhận thánh Tôma Aquinô làm bổn mạng.

    Ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo họ được khởi công xây dựng năm 1941 với chiều dài 5 gian. Sau đó, Giáo họ xây thêm ngôi nhà phòng.

    Năm 1954, nhà thờ bị trúng đại bác, làm cháy rụi hoàn toàn và lan sang cả ngôi nhà phòng. Cụ trùm Nghị và một số giáo dân đã chết cháy ở trong nhà thờ.

    Năm 1955, Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ đã giúp đỡ Giáo họ 47 vạn tiền để xây lại 5 gian nhà thờ bằng gỗ lim vững chắc.

    Năm 1960, một số giáo hữu trong họ đã cùng nhau ngược lên Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, số khác vào phía Nam, chỉ còn lại khoảng 5 hộ.

    Năm 1986, cơn bão lớn đã đánh sập ngôi nhà thờ gỗ. Năm 1999, cha Tôma Trần Trung Hà và Giáo họ đã đồng tâm xây dựng lại ngôi thánh đường (dài 19m, rộng 6m và cao 6m), được hoàn thành năm 2000.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một cộng đoàn nhỏ chỉ với 16 giáo dân, Giáo họ luôn nhận được sự quan tâm ưu ái của cha xứ và các giáo họ xung quanh. Ngoài Hội đồng Mục vụ, các hoạt động đoàn hội đều tham gia sinh hoạt chung với Giáo xứ.

    GIÁO HỌ THUYỀN ĐỊNH

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX
    Năm thành lập Giáo họ : 1906
    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2010
    Bổn mạng : Thánh Phaolô Trở Lại (25/01)
    Số giáo dân : 251

    Địa chỉ : Nhà thờ Thuyền Định, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, khoảng 20 hộ gia đình (họ Trịnh, Nguyễn, Vũ...) đến vùng đất Thuyền Định lập nghiệp.

    Khoảng năm Giáp Thìn (1904), do sự bất bình đẳng giữa những dân ngụ cư và những người ký ngụ (mới tới), cụ Vũ Điểm (là người giáo dân gốc làng Đồng Mây) đã nhờ cha xứ Đồng Quan nâng đỡ. Cha xứ vui mừng nhận lời và tận tình chăm lo cho người dân mới tới định cư nơi đây. Sau đó, nhiều người viết đơn xin tòng giáo và cha xứ cử bà trương Tới (ở họ Đồng Mây) về đây dạy kinh bổn. Ngay sau đó, bà con bắt tay vào việc đổi ruộng làm nền nhà thờ, dựng ngôi nhà nguyện 4 gian bằng tre, tường đất, mái rạ.

    Năm 1906, Bề trên Giáo phận đã ban Sắc thành lập Giáo họ Thuyền Định, thuộc xứ Đồng Quan, nhận thánh Phaolô Tông đồ Trở lại làm bổn mạng và chọn cụ Vũ Điểm làm trùm họ.

    Cuối năm 1925, Giáo họ có thêm 4 gia đình xin tòng giáo. Cùng năm này, Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ bằng gỗ lim với 4 hàng cột, có hiên hai bên, đồng thời dựng 3 gian nhà phòng bằng tre, tường đất. Công trình được hoàn thành vào năm 1928.

    Khi Giáo xứ Dương Cước được thành lập (1928), họ Thuyền Định được cắt về xứ mới.

    Trải qua thời gian, ngôi nhà thờ đã hư hỏng nặng. Năm 1958, Giáo họ khởi công xây nhà thờ mới và được trùng tu năm 1989.

    Năm 1992 - 1994, Giáo họ hoàn thiện cây tháp (đã khởi công năm 1938).

    Năm 2010, cha xứ Giuse Đinh Xuân Ngọc và Giáo họ bắt tay vào xây dựng ngôi nhà thờ mới, chiều dài 38.5m, rộng 12m, cao 12m.

    II -TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua nhiều khó khăn trong quá khứ, người dân Giáo họ Thuyền Định luôn đoàn kết và nhiệt thành trong công việc chung. Hiện nay, 77 hộ dân Thuyền Định đang chung tay góp sức để sớm hoàn thiện ngôi thánh đường hằng mơ ước.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan