Đại Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình tĩnh tâm tháng 01/2025

  • 06/01/2025
  • Sau những ngày bận rộn cuối năm Dương lịch để chuẩn bị cho Thánh lễ Tạ ơn khánh thành Đại Chủng viện (ĐCV), trong hai ngày đầu năm mới 03-04/01/2025, anh em chủng sinh ĐCV Thánh Tâm đã có những giờ phút lắng đọng tâm hồn để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, suy niệm và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, dưới sự hướng dẫn của cha giáo Giu-se Nguyễn Văn Giang.

    Theo thời khóa biểu của những ngày tĩnh tâm tháng, chương trình tĩnh tâm được bắt đầu từ kinh chiều ngày thứ Sáu (17g00) đến hết Thánh lễ sáng ngày thứ Bảy (10g00). Trong thời gian tĩnh tâm, anh em chủng sinh được hoàn toàn sống trong bầu không khí thinh lặng và cầu nguyện.

     

    Cha giáo Giu-se Nguyễn Văn Giang cùng anh em chủng sinh suy ngẫm về đề tài: “Đức Giêsu, Đấng hằng vâng phục: Sống đức vâng phục để diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh người môn đệ” qua hai bài gợi ý suy tư và bài giảng trong Thánh lễ.

     

    Trong bài gợi ý suy tư thứ nhất, xuất phát từ Lời Chúa trong sách Dân Số (Ds 20,1-13), cha Giáo Giu-se gợi ý suy ngẫm về câu hỏi: “Vâng lời và sự nổi loạn có trái ngược nhau hay không?” Sự nổi loạn của dân Chúa không hẳn không có lý xét trên bình diện tự nhiên. Nhưng điều này lại trở thành tội do thiếu sự lắng nghe, sự nổi loạn này trái ngược với sự vâng phục. Hướng đến sứ vụ tương lai của người ứng sinh linh mục, cha mời gọi anh em tiếp tục suy tư về đề tài qua cách ứng xử của Mô-sê và A-ha-ron trước sự nổi loạn của dân chúng.

    Trong bài gợi ý suy tư thứ hai, bắt đầu với bài Tin Mừng theo thánh Gio-an (Ga 1,35-42), cha giúp cho anh em chủng sinh hiểu được tương quan giữa vâng phục và tự do. Vâng phục đích thực sẽ dẫn đến tự do. Sự vâng phục đích thực này đòi hỏi nhận thức, sự lắng nghe và phân định đúng đắn. Còn không, vâng lời không đúng cách sẽ dẫn tới nô lệ. Gương của hai người môn đệ ông Gio-an trong bài Tin Mừng cho ta thấy sự vâng phục dẫn đến tự do. Hai ông theo Đức Giêsu vì vâng lời và tin tưởng vào Gio-an, bởi Gio-an biết rất rõ Đức Giê-su là ai. Cùng với đó là sự vâng phục của Gio-an tẩy giả, ông không đi theo Đức Giê-su như hai người môn đệ vì ông vâng lời trong sự ý thức sứ mạng, vai trò chỉ dẫn của mình. Quay trở lại với sự vâng phục trong thế giới Hy Lạp cổ đại, với hình ảnh hai môn đệ Gioan và lời mời gọi trở nên giống Ngài của Đức Giêsu, cha Giu-se gợi ý thêm rằng: Người môn đệ của Đức Giê-su được mời gọi họa lại giống nhất hình ảnh người của Thầy mình, nhưng không triệt tiêu nét độc đáo cá nhân.

     

     

     

     

     

    Tiếp nối đề tài tĩnh tâm, trong bài giảng Lễ, cha Giu-se nêu thêm một tấm gương về sự vâng phục, đó là ông An-rê. An-rê vâng phục hoàn toàn tự do khi nghe lời Gio-an Tẩy Giả, nghe Chúa Giê-su, hơn nữa, ông còn vâng lời ngay cả người em của mình là Phê-rô. Với một vị trí thầm lặng, An-rê đã giúp cho người em của mình. Ông đã thi hành trọn vẹn sứ mạng và nêu lên mẫu gương về sự vâng phục.

     

     

    Qua thời gian tĩnh tâm, anh em chủng sinh được làm mới lại đời sống nội tâm với tinh thần vâng phục. Sau kỳ tĩnh tâm, anh em chủng sinh trở về với sinh hoạt thường ngày của ĐCV nhưng với một tinh thần mới, nỗ lực vâng phục Chúa qua việc từ bỏ ý riêng và vâng lời Bề Trên.

    BTT ĐCV

    Bài viết liên quan