Ban Giáo lý đức tin GPTB hân hạnh giới thiệu: ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP Chương trình Huấn luyện Giáo lý viên cấp 1

  • 25/04/2024
  • Kính thưa quý đấng bậc, thưa quý học viên, Theo kế hoạch của Ban Giáo lý Đức tin, ngày 19/5/2024 tới đây (Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống), các lớp Huấn luyện Giáo lý viên cấp 1 trong toàn giáo phận sẽ hoàn thành khóa học bằng kỳ thi kết thúc học kỳ 2. Nhằm giúp cho các học viên hệ thống lại toàn bộ kiến thức trong toàn khóa học, Ban Giáo lý Đức Tin giới thiệu tới quý giảng viên và học viên ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN GLV CẤP 1 để quý vị tham khảo. Kính chúc quý học viên hoàn thành kỳ thi với kết quả tốt nhất.

    GIÁO PHẬN THÁI BÌNH

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP

    CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN GIÁO LÝ VIÊN CẤP 1

    —{–

    BÀI 1 - GIÁO DỤC NHÂN BẢN

    Câu 1: Nhân Bản là gì?

    Nhân Bản là nền tảng của một con người. Nền tảng này bắt nguồn từ Thiên Chúa vì Ngài là nguồn CHÂN – THIỆN – MỸ và là Đấng đã tạo dựng con người giống hình ảnh mình. (x. St 1,27).

    Câu 2: Theo anh chị, người như thế nào được gọi là người có nhân bản Ki-tô giáo?

    Người có nhân bản Ki-tô giáo là người luôn ý thức về nền tảng cao trọng của mình; luôn tuân phục và trung tín với Thiên Chúa để sống cho xứng đáng với địa vị, vai trò và chức năng của mình trong gia đình, xã hội và cộng đoàn nhân loại.

    Câu 3: Theo anh chị, đâu là những hiện tượng phi nhân bản?

    Khi con người đã bất tuân lệnh Chúa, thì cái ác xuất hiện và tội lỗi liền nhập vào thế gian, khiến con người đánh mất nền tảng thánh thiêng của mình. Cuộc chiến giữa thiện và ác nơi nội tâm con người ngày càng trở nên gay gắt hơn. Tội ác ngày một gia tăng. Con người ngày càng đánh mất ý thức về tội. Dẫn đến hậu quả: Con người ngày càng trở nên kiêu căng, ngạo mạn, đua nhau tìm danh, lợi, thú để thỏa mãn cái tham, sân, si bất kể đạo lý làm người. Không những thế, con người ngày càng rời xa Thiên Chúa bằng việc: sự dối trá lan tràn và cổ võ cho nền văn hóa sự chết.

    Câu 4: Theo anh chị, làm sao để khắc phục tình trạng phi nhân bản?

    Để khắc phục tình trạng phi nhân bản, con người phải trở về với nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa – Đấng là nguồn CHÂN – THIỆN – MỸ và phải trở về với tình trạng tốt lành ban đầu của mình. Vì Thiên Chúa tạo dựng mọi sự trong tình trạng tốt đẹp.

    Câu 5: Theo anh chị, đâu là nét cao quý của người trưởng thành nhân bản?

    Người trưởng thành về nhân bản luôn làm chủ được ý chí, bản năng và trí khôn của mình. Trung thành với những nguyên tắc ngàn đời, những truyền thống tốt đẹp; Sống là người có văn minh, có đạo đức; Vun trồng những giá trị cao đẹp nhằm đạt tới sự hài hòa cho bản thân và đem lại lợi ích cho tha nhân. Ngoài ra, họ còn có khả năng phân định phải-trái, dám lựa chọn điều tốt, dù có bị thiệt thòi; Có tinh thần trách nhiệm, chấp nhận sửa sai với tinh thần khiêm tốn; Luôn giữ uy tín, kiên trì theo đuổi mục đích; Sống phù hợp với bậc sống của mình. Sau cùng, nhờ trưởng thành nhân bản, họ biết tôn trọng người khác dù có khác biệt về địa vị, quan niệm và cách sống; Biết cảm thông với những yếu đuối của người khác.

    Câu 6: Theo anh chị, tại sao Giáo lý viên phải là người trưởng thành nhân bản?

    Vì Giáo lý viên là người cộng tác với hàng giáo phẩm, là cánh tay nối dài của các ngài trong việc giáo dục đức tin Ki-tô giáo cho các em thiếu nhi.

    Câu 7: Theo anh chị, người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản, cần có những phẩm chất nào?

    Người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản cần phải: Quân bình về tâm lý, thật thà, hy sinh, mạnh bạo, năng động và có sức khỏe tốt; Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp; Có những khả năng thích hợp cho công việc như: Dễ dàng tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các tôn giáo cũng như với các nền văn hóa khác; Có khả năng truyền đạt, sẵn sàng cộng tác với người khác; Thận trọng trong công việc và có phán đoán minh bạch. Ngoài ra, người Giáo lý viên trưởng thành nhân bản còn phải xây dựng hòa bình; Có khả năng thăng tiến, phát triển; Linh hoạt, nhạy bén trước tình hình thực tế.

    Câu 8: Theo quan niệm Công Giáo, có 4 đức tính Nhân bản đóng vai trò “bản lề”, đó là những đức tính nào?

    Theo quan niệm Công Giáo, có 4 đức tính nhân bản đóng vài trò “Bản lề” đó là: Khôn ngoan – Công bình – Can đảm và Tiết độ.

    Câu 9: Theo quan niệm chung của xã hội Việt Nam, con người cần có những đức tính Nhân bản nào?

    Theo quan niệm chung của xã hội Việt Nam, con người cần có những đức tính Nhân bản này là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Dũng, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

    BÀI 2: CẦN

    Câu 10: Theo anh chị, người chuyên cần là người như thế nào?

    Người chuyên cần là người yêu thích làm việc và làm một cách mau mắn, kỹ lưỡng, chú tâm vào công việc và làm cho tới xong mà không quản ngại sự mệt mỏi và khó khăn.

    Câu 11: Theo anh chị, người siêng năng là người như thế nào?

    Người siêng năng là người làm việc có tác phong công nghiệp; Làm việc một cách đều đặn, đúng giờ và hoàn tất công việc đúng thời hạn, đem lại nhiều hiệu quả trong công việc.

    Câu 12: Theo anh chị, người chăm chỉ là người như thế nào?

    Người chăm chỉ là người tập trung tâm trí với sự cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết của công việc.

    Câu 13: Theo anh chị, người kiên nhẫn là người như thế nào?

    Người kiên nhân là người có khả năng tiếp tục làm việc đã định một cách bền bỉ, không nản lòng, như lời Chúa nói: “Ai bền chí đến cùng, người ấy mới được cứu thoát” (Mt 24,13).

    Câu 14: Theo anh chị, lao động nghĩa là gì?

    Lao động là chăm chỉ làm việc trong sự tôn trọng môi trường và duy trì trật tự thiên nhiên để tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần nhằm phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội.

    Câu 15: Theo anh chị, có mấy loại lao động?

    Có 3 loại lao động là: Lao động chân tay, Lao động tinh thần và Lao động nghệ thuật.

    Câu 16: Theo anh chị, đâu là giá trị nhân bản của lao động?

    Giá trị nhân bản của lao động là: làm việc để nuôi sống mình và gia đình, xây dựng hòa bình, liên kết với anh em và phục vụ lẫn nhau, giúp ta thực hiện đức yêu thương, hầu sống xứng với phẩm giá con người hơn.

    Câu 17: Theo anh chị, đâu là giá trị siêu nhiên của lao động?

    Giá trị Siêu nhiên của lao động giúp con người có cơ hội cộng tác vào việc kiện toàn công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và thi hành chức năng làm chủ mà Thiên Chúa đã trao; Tạo điều kiện cho con người được cộng tác vào chính công cuộc cứu rỗi của Chúa Giê-su Ki-tô. Giúp con người đền tội và thánh hóa bản thân; Giúp con người có cơ hội thực hành các nhân đức: kiên nhẫn, cần mẫn, mạnh bạo và khiêm tốn… đặc biệt là đức ái đối với anh chị em.

    Câu 18: Theo anh chị, lợi ích của chuyên cần là gì?

    Nhờ chuyên cần mà ta ham thích làm việc, không sợ khó khăn, mau mắn thi hành, thiết tha với công việc, làm một cách có ý thức và quyết tâm đi đến cùng. Chuyên cần còn giúp đem lại thành công và hạnh phúc.

    Câu 19: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập đức Chuyên cần?

    Để luyện tập đức chuyên cần, ta cần sống tốt giây phút hiện tại; Làm các việc bình thường một cách phi thường và sống từng khoảnh khắc cho tốt.

    Câu 20: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập Siêng năng và Chăm chỉ?

    Để luyện tập Siêng năng và Chăm chỉ, ta cần tập trung, chú ý như câu châm ngôn La-tinh: “Hãy chăm chú vào việc bạn đang làm”; Làm việc có quy tắc; Chia mỗi vấn đề khó thành những phần nhỏ để công việc được giải quyết dễ dàng hơn.

    Câu 21: Theo anh chị, làm thế nào để luyện tập yêu thích lao động?

    Lao động xua đuổi xa ta ba mối họa lớn là: Buồn nản, tật hư và túng nghèo. Vậy nên ta cần: Yêu mến làm việc trong tinh thần tự do và vui vẻ, có ý thức và mau mắn; Làm việc có kỷ luật, có phương pháp; Dạy cho học viên biết làm việc trong gia đình, tại trường lớp, nơi công sở và ngoài xã hội.

    BÀI 3 - KIỆM

    Câu 22: Tiết kiệm là gì?

    Tiết kiệm là biết sử dụng tiền của, sức khỏe và thời giờ một cách chừng mực, đúng người, đúng nơi và đúng lúc.

    Câu 23: Khi sử dụng tiền của là của riêng, chúng ta nên sử dụng như thế nào?

    Khi sử dụng tiền của là của riêng, chúng ta chỉ nên chi tiêu khi có lý do chính đáng và cần thiết; Sống đơn giản, không hoang phí vào những thứ không cần thiết; Có sổ chi tiêu để kiểm tra, nhờ đó, loại đi những tiêu xài không hợp lý; Quý trọng đồng tiền do công khó làm ra; Tránh nợ nần và nên dành dụm để phòng khi bất trắc.

    Câu 24: Khi sử dụng tiền của là của chung, chúng ta nên sử dụng như thế nào?

    Khi sử dụng tiền của là của chung, chúng ta nên ý thức rằng: Đó là công sức của nhiều người góp lại để phục vụ lợi ích chung. Nên khi sử dụng, cần phải có lòng biết ơn và tôn trọng. Ngoài ra, ta còn nên nghĩ đến người khác khi sử dụng điện, nước và những đồ chung khác.

    Câu 25: Chúng ta nên làm gì đối với sức khỏe của bản thân?

    Sức khỏe là điều kiện hàng đầu để làm việc và phục vụ. Thế nên, chúng ta nên luyện tập sao cho: quân bình về tâm lý, quân bình về sinh lý và điều độ trong ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc và giải trí.

    Câu 26: Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên nghỉ ngơi thế nào cho phù hợp?

    Đối với thể xác, nghỉ ngơi là giấc ngủ. Đối với linh hồn, nghỉ ngơi là cầu nguyện. Thế nên, chúng ta nên tập tránh thức khuya, nên ngủ sớm, dậy sớm. Bởi vì khi ngủ sớm, cơ thể chóng hồi phục. Dậy sớm, ta có nhiều thời gian để làm việc vào ban sáng và đem lại hiệu quả cao.

    Câu 27: Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta nên vui chơi giải trí thế nào cho phù hợp?

    Chúng ta nên đọc và xem những sách báo, phim ảnh lành mạnh. Tập thể dục mỗi ngày, đúng bài bản và chơi thể thao có chừng mực.

    Câu 28: Để thực hành tiết kiệm, chúng ta nên sử dụng thời giờ thế nào cho phù hợp?

    Chúng ta nên tập thói quen: Giờ nào việc ấy. Việc nào chỗ nấy. Tổ chức công việc sao cho đủ thời lượng, đúng thời điểm và kết thúc đúng lúc.

    Câu 29: Theo anh chị, người giữ đúng hẹn là người như thế nào?

    Người đúng hẹn là người làm việc đúng thời điểm mà mình cam kết với người khác. Nếu lỡ hẹn, phải báo lại với người ta sớm hết sức có thể để tránh phiền hà và rắc rối. Người luôn giữ đúng hẹn là người có lòng tự trọng. Sự đúng hẹn còn là tư cách của người có lòng bác ái. Nhờ giữ đúng hẹn, họ còn trở nên người có uy tín và được người khác tin tưởng.

    Câu 30: Theo anh chị, đâu là những nết xấu nghịch với Tiết kiệm?

    Những nết xấu nghịch lại với Tiết kiệm là: Hà tiện, Phung phí và Lãng phí.

    Câu 31: Theo anh chị, như thế nào là người hà tiện?

    Người hà tiện là người có của nhưng không dám tiêu pha, kể cả khi gặp những nhu cầu cấp thiết. Hà tiện đồng nghĩa với keo kiệt. Người keo kiệt chỉ bo bo giữ của, bủn xỉn cả với người thân của mình.

    Câu 32: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của sự lãng phí?

    Lãng phí bao gồm: lãng phí thời gian, tiền của và sức lao động. Người lãng phí tổ chức công việc thiếu khoa học nên mất thì giờ. Chi tiêu không hợp lý nên phí tiền phí của. Phân công không hợp lý dẫn đến tốn sức, hao công mà không đem lại ích lợi bao nhiêu.

    BÀI 4 - LIÊM

    Câu 33: Theo anh chị, người thanh liêm là người như thế nào?

    Người thanh liêm là người trong sạch cả về thể chất lẫn tâm hồn, luôn giữ sự công bình và luôn tôn trọng những gì là của chung hoặc của người khác.

    Câu 34: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong việc vệ sinh cá nhân, chúng ta nên làm gì?

    Để luyện tập, chúng ta cần giữ gìn đầu tóc, móng tay, móng chân gọn gàng, sạch sẽ; Không khạc nhổ bừa bãi, nếu cần, thì làm cách nhẹ nhàng kín đáo; Hắt hơi, hỉ mũi phải dùng khăn tay che miệng rồi cất hoặc bỏ vào sọt rác. Khi ngáp hay ợ phải lấy tay che miệng; Tránh những cử chỉ bất nhã như gãi đầu, ngoáy tai, ngoái mũi… nơi công cộng.

    Câu 35: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong trang phục, chúng ta nên làm gì?

    Để luyện tập, chúng ta cần giữ gìn trang phục sạch sẽ, gọn gàng, giản dị, đứng đắn, hợp người, hợp cảnh. Nhà cửa, đồ dùng, nơi ăn, chốn ở luôn sạch sẽ, gọn gàng, trật tự; Trong nhà luôn có sọt rác, năng quét dọn, lau chùi bụi bặm.

    Câu 36: Theo anh chị, để luyện tập sự thanh sạch về thể chất trong khi ăn uống, chúng ta nên làm gì?

    Chúng ta nên tập ăn uống cách khoan thai, nhẹ nhàng. Khi ăn đồ lỏng như canh, bún, miến… thì nên húp cách nhẹ nhàng. Khi uống nước thì uống từng hớp, không nên vừa nhai vừa uống. Khi gắp đồ ăn đừng xáo trộn cả đĩa, đừng kén chọn, mà chỉ nên lấy miếng nào gần mình nhất. Cũng nên học để biết cách cầm nĩa, dao, dĩa. Phải biết nhường nhau trong khi ăn theo phương châm: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.

    Câu 37: Theo anh chị, để giữ gìn sự thanh sạch trong tâm hồn, cách riêng về đức khiết tịnh, chúng ta nên làm gì?

    Khiết tịnh là nhân đức giúp ta sống trong sạch trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Trong tư tưởng: Dứt khoát nói không với những suy tưởng và ước muốn liên quan đến điều răn thứ 6 và thứ 9. Trong lời nói: Không nói những lời tục tĩu, dâm ô. Trong thái độ: Giữ gìn ngũ quan để tránh những khoái cảm nhục dục. Dứt khoát nói không với những bộ phim đồi trụy, phim ảnh, sách báo khiêu dâm. Tránh bạn bè xấu, tránh những cuộc gặp gỡ lén lút, mờ ám, tránh đến những nơi tội lỗi. Kính trọng những người khác giới và có thái độ đứng đắn khi giao tiếp. Can đảm chiến đấu khi gặp cám dỗ.

    Câu 38: Theo anh chị, để giữ gìn sự thanh liêm trong cuộc sống, chúng ta nên làm gì?

    Để giữ gìn sự thanh liêm, chúng ta cần quyết tâm: Không ăn hối lộ, tham nhũng, ăn chặn, bớt xén của công; Không tham vàng bỏ ngãi; Không để cho tiền bạc, tình dục, danh vọng làm chủ và sai khiến mình; Không thiên tư tây vị. Công bình trong việc phân chia, lượng giá, chấm điểm…

    Câu 39: Theo anh chị, đâu là lợi ích của sự thanh liêm?

    Thanh liêm giúp tâm hồn được thanh thoát, bình an. Làm cho tinh thần nên vững mạnh, tạo được uy tín và được mọi người tin tưởng.

    BÀI 5 - CHÍNH

    Câu 40: Theo anh chị, người chính trực là người như thế nào?

    Người chính trực là người ngay thẳng, không chấp nhận sự quanh co, mờ ám; Không thiên vị ai, không để cho tình cảm lấn át: Nếu làm đúng thì khen, nếu làm sai thì khiển trách. Người chính trực luôn trọng chữ tín: nói là làm, hứa là phải giữ; không biết nói dối, nhưng luôn tôn trọng sự thật và lẽ phải; Khi làm sai, sẵn sàng can đảm nhận lỗi.

    Câu 41: Theo anh chị, để luyện tập đức Chính trực, ta phải làm gì?

    Để luyện tập đức Chính trực, trước tiên cần loại bỏ những thành kiến (những ý kiến, nhận xét không tốt đã thành cố định, khó thay đổi – gián nhãn). Tiếp đến, cần nghe theo tiếng lương tâm ngay thẳng. Và sau cùng, tập nhìn anh chị em theo cách nhìn của Chúa.

    Câu 42: Thành thật là gì?

    Thành thật là có lời nói, hành vi đúng như ý nghĩ và tình cảm có thật của mình, không có gì giả dối.

    Câu 43: Những hành vi nào được kể là ngược với sự thành thật?

    Những hành vi ngược với sự thành thật bao gồm: Nói sai sự thật, thề gian, vu khống; Có những cử chỉ giả hình, đóng kịch; Làm chứng gian, quay cóp khi làm bài, ăn gian, nói dối…

    Câu 44: Theo anh chị, tại sao chúng ta phải thành thật?

    Chúng ta phải thành thật vì: Thứ nhất: Không thể đánh lừa người khác mãi được. Thứ hai: Kẻ giả hình rất đáng làm người ta sợ. Thứ ba: Người ta thường xa lánh kẻ giả dối. Thứ tư: Người không thành thật là tự đánh mất niềm tin nơi người khác, vì “Một sự bất tín, vạn sự không tin”.

    Câu 45: Công bằng được chia thành mấy loại?

    Có 4 loại công bằng, đó là: Công bằng xã hội; Công bằng giao hoán; Công bằng pháp lý và Công bằng phân phối.

    Câu 46: Theo anh chị, đâu là những lỗi nghịch lại đức công bằng?

    Những lỗi nghịch đức công bằng bao gồm: Thứ nhất: Lấy của người khác một cách trái phép: nghĩa là Ăn trộm, ăn cắp, ăn gian, ăn lời quá đáng, ăn hối lộ, tham nhũng. Tính cách nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào 2 yếu tố: Số lượng, hoàn cảnh và hậu quả. Thứ hai: Giữ của người khác cách trái phép, bao gồm: Không trả nợ, không hoàn lại của đã vay mượn hay nhặt được; Không trả lương, không đóng thuế; Tàng trữ, tiêu thụ của gian…

    Câu 47: Khi lỗi đức công bằng, ta phải làm thế nào?

    Đối với những tội lỗi đến đức công bằng, thì ăn năn xưng thú mà thôi vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải có bổn phận hoàn trả và đền bù những thiệt hại đã gây ra. Tức là: Đền trả cho chính chủ của nó. Nếu chủ đã chết hay mất tích, thì trả cho vợ con hay người thừa kế chính thức. Nếu không được, thì mới dùng số tiền ấy để làm phúc, bố thí. Phải đền trả càng sớm càng tốt, bởi không được phép giữ của người khác khi họ không bằng lòng.

    Câu 48: Khi lỗi đức công bằng, ta phải đền trả những thiệt hại đã gây ra bằng cách nào?

    Chúng ta có thể đền trả cách công khai nếu như tội đã trống, nghĩa là mọi người đều biết, nhờ đó mà cất đi gương mù gương xấu, hay minh oan cho người bị vu khống. Chúng ta có thể đền trả cách kín đáo nếu tội còn kín, để tránh đi việc mất danh dự hay những phiền phức xảy ra. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đền trả qua người trung gian đáng tin cậy.

    Bài 6 - DŨNG

    Câu 49: Tự chủ là gì?

    Tự chủ là làm chủ tình cảm, hành động của mình, không để bị hoàn cảnh chi phối. Tự chủ không phải là tự hào, kiêu căng, mà là biết giới hạn khả năng của mình để có phương cách ứng xử cho phù hợp.

    Câu 50: Theo anh chị, người tự chủ là người như thế nào?

    Người tự chủ là người luôn bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ, căng thẳng, nguy ngập… để có được những quyết định sáng suốt và hành động kịp thời. Họ biết tự điều khiển bản năng để hướng dẫn tư tưởng ,lời nói, cảm xúc, thái độ và việc làm của mình, đồng thời, biết nhẫn nhục trước sự khiêu khích của người khác.

    Câu 51: Người tự chủ trong tư tưởng là người như thế nào?

    Người tự chủ trong tư tưởng là người có tư duy độc lập, suy nghĩ kỹ lưỡng, cân nhắc cẩn thận và có quyết định dứt khoát.

    Câu 52: Người tự chủ trong lời nói là người như thế nào?

    Người tự chủ trong lời nói là người ít nói, nói năng thận trọng, nói đúng sự thật, không nói quá lời và nói có tính cách xây dựng.

    Câu 53: Người tự chủ trong cảm xúc là người như thế nào?

    Người tự chủ trong cảm xúc là người giữ sự quân bình trong biểu lộ cảm xúc: vui buồn, giận…

    Câu 54: Người tự chủ trong thái độ là người như thế nào?

    Người tự chủ trong thái độ là người chừng mực trong mọi phản ứng, nhất là trong những tình huống bất ngờ, nguy hiểm và khó khăn.

    Câu 55: Người tự chủ trong việc làm là người như thế nào?

    Người tự chủ trong việc làm là người không vội vã, nhưng luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước mọi tình huống xảy đến và không chùn bước trước những khó khăn.

    Câu 56: Theo anh chị, thế nào là người cương nghị?

    Người cương nghị là người quyết không để cho ý định của mình bị lung lay dù gặp trở lực; Sau khi đã suy nghĩ, họ quyết tâm làm cho tới nơi tới chốn; Không do dự, phân vân, thay đổi. Khi gặp trở ngại, không chùn bước.

    Câu 57: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của người thiếu cương nghị?

    Người thiếu cương nghị thường thiếu tập trung trong công việc. Không duy trì một mục đích; hay thay đổi, bỏ cuộc giữa chừng. Hậu quả là công việc bị bỏ dở dang, dẫn đến thất bại.

    Câu 58: Theo anh chị, để luyện tập tính cương nghị, ta phải làm gì?

    Để luyện tập tính cương nghị, trước tiên ta phải: Rèn luyện ý chí, tức là khi đã quyết tâm làm thì làm cho tới cùng. Tiếp đến, luyện tính dứt khoát, tức là sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, nên đưa ra quyết định rõ ràng; không coi thường những việc nhỏ và không hối tiếc khi đã ra quyết định.

    Câu 59: Can đảm là gì?

    Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Can đảm giúp ta cương quyết chống lại các cơn cám dỗ, vượt qua chướng ngại trong đời sống luân lý. Nhờ can đảm, ta thắng được sợ hãi, đương đầu với thử thách và bách hại, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chính nghĩa.

    Câu 60: Để luyện tập tính can đảm, ta phải làm gì?

    Để luyện tập tính can đảm, ta phải khắc phục mọi lo âu thử thách, dục vọng bất chính của bản thân. Bình tĩnh trước mọi biến cố nghi nan, hiểm nghèo, không sợ hãi, không lúng túng để: Có một quyết định chính xác và dứt khoát; có hành động nghiêm minh và kiên quyết. Luôn cậy trông vào quyền năng và tình yêu của Chúa. Sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đức tin và tuyên xưng đức tin.

    BÀI 7 - NHÂN

    Câu 61: Theo anh chị, tại sao chúng ta lại phải có lòng nhân ái?

    Chúng ta lại phải có lòng nhân ái vì tất cả chúng ta là anh em, con một Cha trên trời. Thứ đến, vì Chúa dạy chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Sau cùng, vì chúng ta là môn đệ của Chúa: “Cứ dấu này, người ta nhận biết các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).

    Câu 62: Theo anh chị, đâu là biểu hiện của lòng nhân ái?

    Biểu hiện của lòng nhân ái bao gồm: Sống vị tha; Lòng thương người và Sống bao dung.

    Câu 63: Theo anh chị, người sống vị tha là người như thế nào?

    Người sống vị tha là người sống quên mình vì người khác, chấp nhận thua thiệt để người khác được hạnh phúc.

    Câu 64: Theo anh chị, người sống bao dung là người như thế nào?

    Người sống bao dung là người sống cho và sống vì người khác; sẵn sàng thông cảm cho người khác. Người có lòng bao dung thường vượt lên trên những ti tiện thấp hèn, những trả thù nhỏ nhoi hay những tự ái cá nhân, những sự tức giận muốn trả đũa. Lòng bao dung là sự diễn tả của đức mến.

    Câu 65: Theo anh chị, đâu là lợi ích của việc sống bao dung?

    Sống bao dung đem lại sự bình an, thư thái cho tâm hồn; Giúp cho tương quan của ta với tha nhân nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, sống bao dung còn mở đường cho sám hối, ăn năn, vì người nhận được sự tha thứ sẽ quyết tâm trở về.

    Câu 66: Theo anh chị, để thực hành đức nhân ái, chúng ta cần làm gì?

    Để thực hành đức nhân ái, chúng ta cần mỗi ngày làm một vài việc thiện để phục vụ người khác, bắt đầu từ những thành viên trong chính gia đình của mình; Tập hy sinh vì người khác như: chia cơm sẻ áo, thấy người nghèo khổ không nhắm mắt làm ngơ. Tập nhẫn nhục, chịu đựng và bỏ qua những sai phạm thường ngày; Kiềm chế những cảm xúc bồng bột trong lúc nóng giận. Cầu nguyện và học nơi Chúa bài học bao dung. Mỗi ngày, trước khi nghỉ đêm, hãy xét mình, đặc biệt về đức nhân ái.

    BÀI 8 - LỄ NGHĨA

    Câu 67: Lịch sự là gì?

    Lịch sự là một hệ thống những hình thức được xã hội thỏa thuận chấp nhận như những con đường liên lạc giữa người với người, tùy theo tính chất những tương quan. Lịch sự còn là cách cư xử và giao tiếp nơi những người có văn hóa và có giáo dục nhằm giúp cho cuộc sống chung được êm dịu, bình an, nhẹ nhàng và hạnh phúc.

    Câu 68: Theo anh chị, đâu là đặc tính của lịch sự?

    Đặc tính của lịch sự diễn tả một thái độ kính trọng, biết ơn, yêu mến hay một cử chỉ nhã nhặn, một lời chào lịch thiệp, một câu cám ơn chân thành, một thái độ kính trọng, một cách đi đứng, ăn nói đoan trang.

    Câu 69: Theo anh chị, khi lịch sự phải thế nào?

    Khi giữ lịch sự phải chân thành. Lịch sự rất cần tình bác ái, bởi lịch sự là cách đối xử dựa trên sự tôn trọng và yêu mến tha nhân.

    Câu 70: Theo anh chị, lịch sự có tầm quan trọng như thế nào?

    Lịch sự có vai trò rất quan trọng, vì có những thất bại lớn chỉ vì một thất lễ nhỏ. Người ta có được cảm tình hay ác cảm, một phần cũng do lịch sự hay không lịch sự.

    Câu 71: Theo anh chị, lòng biết ơn được thể hiện thế nào?

    Biết ơn là một bổn phận và nghĩa vụ của con người cần phải có đối với những bậc ân nhân của mình. Thế nên, ta phải luôn nghĩ tới người làm ơn cho mình. Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn ai là phải biết ơn người đó.

    Câu 72: Theo anh chị, đối tượng của lòng biết ơn gồm những ai?

    Trước tiên, ta phải biết ơn Thiên Chúa vì Ngài là Đấng đã ban cho ta được làm người và làm con Chúa. Thứ đến, chúng ta phải biết ơn Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những bậc sinh thành, dưỡng dục; Tiếp đến, ta phải biết ơn thầy cô - những người dạy dỗ, mở mang trí tuệ. Sau cùng ta phải biết ơn ân nhân đã giúp ta trong mọi hoàn cảnh.

    Câu 73: Để biểu lộ lòng biết ơn, chúng ta phải làm gì?

    Để biểu lộ lòng biết ơn, đối với Chúa: Ta năng cám ơn Chúa và sống đẹp ý Ngài. Đối với Tổ tiên, ông bà: Ta thể hiện lòng tôn kính các ngài, cầu nguyện cho các ngài và sống thuận hòa trong gia đình. Đối với ân nhân: Ta bày tỏ lòng tôn kính, yêu mến, quý trọng; năng thăm viếng, cầu nguyện, giúp đỡ về tinh thần hay vật chất. Ngoài ra, chúng ta còn diễn tả lòng biết ơn qua lời nói, thái độ và việc làm. Sống xứng đáng với ân huệ đã nhận được và hãy biết cho đi, trao ban như là sự biết ơn đối với các ân nhân của mình.

    BÀI 9 - TRÍ

    Câu 74: Theo anh chị, đâu là ý nghĩa của khôn ngoan?

    Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, nhận ra điều thiện đích thực và chọn lựa những phương thế tốt để đạt tới. Khôn ngoan là người dẫn đường cho các đức tính, hướng dẫn các đức tính khác bằng cách vạch ra quy tắc và mức độ phải giữ. Đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn phán đoán của lương tâm. Dựa theo phán đoán này, người khôn ngoan chọn cách ứng xử của mình.

    Câu 75: Theo anh chị, để luyện tập đức khôn ngoan, ta phải làm gì?

    Để luyện tập đức khôn ngoan, ta cần tập nhận định sự việc; luôn suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá; biết quan sát, thu thập kiến thức, tìm hiểu cái hay cái mới, biết cải tiến việc làm, việc học hầu đạt được kết quả cao.

    Câu 76: Theo anh chị, người biết tiên liệu là người như thế nào?

    Người biết tiên liệu là người biết lo xa, luôn làm việc với một chương trình rõ rệt; dù việc lớn hay nhỏ, họ luôn đặt ra những tình huống bất ngờ, những nguy cơ thất bại và những hậu quả có thể xảy đến đang khi thực hiện hoặc sau khi công việc kết thúc.

    Câu 77: Theo anh chị, để luyện tập sự tiên liệu, chúng ta nên làm gì?

    Để luyện tập sự tiên liệu, chúng ta nên xây dựng một kế hoạch làm việc sâu sát, thực tế và cụ thể; Thiết lập chương trình làm việc cho từng công đoạn; Phối hợp sao cho nhịp nhàng, tuần tự, chặt chẽ và trôi chảy; Đặt ra những giả thuyết về những vấn đề hoặc sự cố có thể xảy ra trong quá trình thực hiện; Đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn sao cho vừa hiệu quả lại vừa không gây trở ngại cho công việc đang làm.

    Câu 78: Theo anh chị, để luyện cho mình có tinh thần học hỏi, chúng ta nên làm gì?

    Để luyện cho mình có tinh thần học hỏi, chúng ta nên năng đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách phù hợp với chuyên môn và nghề nghiệp của mình. Tập suy tư, rút tỉa và ghi chép; luôn tìm cơ hội để học thêm: “Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi và chớ coi thường bất cứ lời chỉ giáo nào hữu ích”. (Tb 4,18).

    Câu 79: Theo anh chị, người có sáng kiến là người như thế nào?

    Người có sáng kiến là người có những tư tưởng độc đáo và những phát minh mới lạ; biết quan sát, biết đặt vấn đề, tìm tòi, rút tỉa kinh nghiệm; biết học cái hay nơi người khác, nhưng cũng biết cải tiến phương pháp cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

    Câu 80: Theo anh chị, người có óc tổ chức là người như thế nào?

    Người có óc tổ chức là người biết sắp đặt mọi việc có trật tự. Biết áp dụng phương pháp tổ chức khoa học theo 5 bước sau: 1-Chuẩn bị; 2-Dự tính: Xác định công việc, nhắm mục tiêu, tìm phương tiện, tìm nhân sự; Soạn chương trình từ tổng quát đến chi tiết; 3-Phân công phân nhiệm rõ ràng; 4-Điều động và phối hợp để cho công việc chung được trôi chảy và đạt hiệu quả cao; 5-Kiểm soát: Đi sâu đi sát để nắm vững công việc, kiểm tra, rà soát để điều chỉnh kịp thời.

    Câu 81: Theo anh chị, để luyện tập trí phán đoán, chúng ta phải làm gì?

    Để luyện tập trí phán đoán, chúng ta phải có tinh thần khách quan: Vận dụng lý trí để phán đoán chứ đừng để tình cảm chi phối. Cần xem xét lại luôn luôn, không được khinh suất hay chủ quan; tránh bệnh thành kiến; đừng vội quy kết khi chưa xem xét kỹ lưỡng.

    Câu 82: Theo anh chị, để luyện tập tính thận trọng chúng ta phải làm gì?

    Để luyện tập tính thận trọng, chúng ta không được cẩu thả hay hấp tấp vội vàng. Nên suy tính cẩn thận để tránh sai sót. Cần thận trọng trong lời nói công việc và trong hành động. Trong lời nói: Cần cân nhắc trước khi nói. Điều gì nên, điều gì không; Trong công việc: Cân nhắc những điều thiệt hơn để quyết định làm hay không làm; Trong hành động: cần để ý đến thái độ, phong cách, để tránh những hiểu lầm không đáng có.

    BÀI 10 - TÍN

    Câu 83: Theo anh chị, người tự tin là người như thế nào?

    Người tự tin là người biết rõ và tin vào khả năng, sức lực của mình. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, họ bắt tay ngay vào việc. Họ tận dụng khả năng để vượt khó, nỗ lực đi đến thành công. Người tự tin cũng là người đặt hết niềm tin nơi Chúa và bình tâm sống giây phút hiện tại.

    Câu 84: Theo anh chị, người trung thực là người như thế nào?

    Người trung thực là người luôn sống sự thật, sống theo lương tâm ngay thẳng, không xu nịnh, không làm điều thất nghĩa, thất đức, thất tín. Người trung thực dám sống cho sự thật và chết cho chân lý.

    Câu 85: Theo anh chị, người có tinh thần trách nhiệm là người như thế nào?

    Người có tinh thần trách nhiệm là người luôn suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi nhận công việc. Nếu thất bại, họ không tìm cách đổ lỗi cho người khác, nhưng can đảm nhận trách nhiệm về mình.

    Câu 86: Theo anh chị, người vô trách nhiệm là người như thế nào?

    Người vô trách nhiệm thể hiện ở các mặt sau đây: Thứ nhất - Sợ trách nhiệm: nhút nhát. Chưa bắt tay vào việc đã ngại khó, sợ hỏng việc. Thứ hai - Tắc trách: Thi hành nhiệm cách hời hợt, không chuyên tâm chú ý, không gắng sức làm đến nơi đến chốn. Thứ ba- Đào nhiệm: Bỏ nhiệm vụ mình nhận lãnh vì những lý do không chính đáng. Thứ tư - Phản trắc: Chỉ huy truyền lệnh cho người dưới làm việc. Vì điều khiển kém, nên làm hỏng việc, đổ lỗi cho người khác.

    Câu 87: Để là người giữ chữ Tín, chúng ta phải làm gì?

    Để là người giữ chữ Tín, trước tiên, chúng ta cần học nơi Chúa – Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống; Tiếp đến, luôn nói sự thật, chỉ nói những điều cần nói; sống ngay thẳng thật thà; luôn chu toàn trách nhiệm được trao phó với phương châm: Sớm hết sức có thể. Nhanh hết sức có thể. Tốt hết sức có thể; sẵn sàng chịu trách nhiệm, không tìm cách đổ lỗi; luôn đứng về phía lẽ phải, không lập lờ, nửa vời; luôn giữ đúng hẹn và làm trọn điều mình đã hứa.

    LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN

    CHƯƠNG 1

    LINH ĐẠO GIÁO LÝ VIÊN LÀ GÌ?

    Câu 88: Giáo lý viên là ai?

    Giáo lý viên là người thi hành một sứ mệnh chính thức, quan trọng và siêu nhiên, được Chúa Ki-tô ủy thác qua Giáo Hội. Vì thế, Giáo lý viên không chỉ là người dạy, nhưng trước hết là một chứng nhân tình yêu và là người thông truyền và gặp gỡ Thiên Chúa.

    Câu 89: Linh đạo là gì?

    Linh đạo là con đường thiêng liêng, con đường nên thánh của một tập thể hoặc cá nhân được vạch ra và được sống dưới ơn soi sáng và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

    Câu 90: Linh đạo Giáo lý viên là gì?

    Linh đạo Giáo lý viên là theo Chúa Ki-tô rao giảng, là sống thật tốt tương quan của mình với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với con người được biểu lộ qua những thái độ yêu mến Chúa Ki-tô, gắn bó với Giáo Hội, và tìm cách thăng tiến đời sống con người.

    CHƯƠNG II

    YÊU MẾN CHÚA KI-TÔ

    Câu 91: Người giáo lý viên yêu mến Chúa Ki-tô bằng cách nào?

    Người giáo lý viên yêu mến Chúa Ki-tô bằng cách: Đặt Chúa lên trên hết; Yêu mến Chúa và Vâng theo thánh ý của Ngài.

    Câu 92: Người giáo lý viên cần làm gì để được gọi là “Đặt Chúa lên trên hết”?

    Người giáo lý viên cần quy tụ tất cả cuộc sống về Thiên Chúa như đỉnh cao duy nhất để Ngài hướng dẫn và chi phối tất cả hoạt động của mình. Vì nền tảng của mọi việc tông đồ chính là Thiên Chúa và trục giao liên giữa giáo lý viên với Thiên Chúa chính là lòng mến.

    Câu 93: Giáo lý viên biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa bằng cách nào?

    Để yêu mến Thiên Chúa, giáo lý viên cần: Siêng năng học hỏi và sống Lời Chúa; Tham gia tích cực vào việc cử hành Phụng vụ; và phải là con người của cầu nguyện.

    Câu 94: Để học hỏi và sống Lời Chúa, giáo lý viên cần phải làm gì?

    Để học hỏi và sống Lời Chúa, giáo lý viên cần: Đón nhận Lời Chúa với tất cả sự khao khát của tâm hồn; Đón nhận Lời Chúa như một hồng ân và Gia tăng những dịp nghe và học hỏi Lời Chúa.

    Câu 95: Để tham gia tích cực vào cử hành phụng vụ, giáo lý viên cần phải làm gì?

    Để tham gia tích cực vào cử hành phụng vụ, giáo lý viên cần tham gia việc cử hành phụng vụ cách chủ động và ý thức: Qua việc đối đáp; qua thái độ và cử chỉ; và qua tinh thần hiệp thông.

    Câu 96: Để trở thành con người của cầu nguyện, giáo lý viên cần phải làm gì?

    Để trở thành con người cầu nguyện, giáo lý viên cần:

    • Dành thời giờ cho Thiên Chúa ngay cả những lúc công việc dồn dập, cấp bách
    • Chuẩn bị giờ cầu nguyện cho cẩn thận: có khoảng lặng và lắng; khung cảnh, bầu khí cầu nguyện, ý thức mình đang hiện diện trước mặt Chúa.
    • Giúp người khác cầu nguyện và yêu mến việc cầu nguyện. Vì không thể có đời sống tôn giáo đúng nghĩa nếu không cầu nguyện.

    Câu 97: Để có thể vâng theo thánh ý Thiên Chúa, giáo lý viên cần phải làm gì?

    Để có thể vâng theo thánh ý Thiên Chúa, giáo lý viên cần sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa, tôn kính, yêu mến và vâng nghe lời Ngài.

    CHƯƠNG III

    GẮN BÓ VỚI GIÁO HỘI

    Câu 98: Để có thể gắn bó với Giáo Hội, giáo lý viên cần phải làm gì?

    Để có thể gắn bó với Giáo Hội, giáo lý viên cần: Vâng phục và yêu mến Giáo Hội; Bênh vực Giáo Hội và Cộng tác với Giáo Hội.

    Câu 99: Đâu là lý do chúng ta phải vâng phục và yêu mến Giáo Hội?

    Chúng ta phải vâng phục và yêu mến Giáo Hội vì:

    • Giáo Hội là thân thể Chúa Ki-tô
    • Chính Đức Ki-tô trao quyền cho Giáo Hội.
    • Giáo Hội trực tiếp thay quyền Chúa, luôn chỉ cho chúng ta con đường đi để đạt tới ơn cứu độ.

    Câu 100: Đâu là lý do giáo lý viên phải vâng bênh vực Giáo Hội?

    Qua Giáo Hội, Giáo lý viên là người được Chúa sai đi rao giảng. Vì thế, trong mức độ của mình, giáo lý viên có bổn phận bệnh vực Giáo Hội, không phải bằng các cuộc đấu khẩu hay chiến tranh, nhưng bằng việc phổ biến giáo lý lành mạnh của Giáo Hội, nhất là bằng đời sống gương mẫu của mình.

    Câu 101: Giáo lý viên phải làm gì để được gọi là cộng tác với Giáo Hội từ bên trong?

    Để cộng tác với Giáo Hội, Giáo lý viên cần:

    • Từ bỏ thái độ “thầy dạy”, có tinh thần khiêm tốn và phó thác vào Chúa;
    • Đặt cho đúng trách nhiệm của mình;
    • Không chặn đứng sự tiến triển đức tin của người khác. Giúp cho học viên khám phá ra chân lý Tin Mừng và tăng trưởng đức tin trong điều kiện của họ.

    Câu 102: Giáo lý viên phải làm gì để được gọi là cộng tác với Giáo Hội từ bên ngoài?

    Để cộng tác với Giáo Hội về mặt bên ngoài, giáo lý viên cần:

    • Tích cực tham gia vào việc mở rộng Nước Chúa;
    • Làm chứng tá bằng sự hiện diện, bằng thái độ sống và bằng gương sáng;
    • Dấn thân trong các hoạt động tông đồ, xã hội.

    CHƯƠNG IV

    THĂNG TIẾN CON NGƯỜI

    Câu 103: Giáo lý viên cần làm gì để từng ngày thăng tiến bản thân?

    Để thăng tiến bản thân, giáo lý viên cần củng cố đời sống tâm linh của mình; trau dồi những đức tính nhân bản và không ngừng học hỏi để làm giàu kỹ năng về chuyên môn.

    Câu 104: Giáo lý viên cần làm gì để đời sống tâm linh của mình ngày càng tiến triển?

    Để đời sống tâm linh được tiến triển, giáo lý viên cần:

    • Rèn luyện đời sống nội tâm qua việc vận dụng mọi phương tiện có thể để giúp đào sâu hiểu biết về Chúa Ki-tô như học hỏi Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa, đọc sách đạo đức, tham dự Thánh lễ, viếng Thánh Thể, kinh Mân côi…;
    • Tiếp đến, giáo lý viên còn cần tôi luyện cho mình tinh thần tông đồ và nhiệt tình truyền giáo qua việc đồng hành với các em học sinh;
    • Ngoài ra, giáo lý viên cũng cần ý thức vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mình, để Ngài tự do tác động, uốn nắn ngang qua những biến cố trong đời sống thường ngày.

    Câu 105: Giáo lý viên cần làm gì để có được nhiệt tình truyền giáo?

    Để có được nhiệt tình truyền giáo, giáo lý viên cần nuôi dưỡng trong mình tinh thần dấn thân phục vụ. Với tinh thần này, họ tích cực đón nhận sứ mệnh truyền thông Lời Chúa; Can đảm đối diện với những khó khăn trong khi thi hành sứ mệnh;  Có lòng trắc ẩn, ân cần đón tiếp người khác và quan tâm đến vấn đề của họ.

    Câu 106: Để đảm nhận trách nhiệm được trao phó, giáo lý viên cần có những đức tính nhân bản nào?

    Để đảm nhận trách nhiệm được trao phó, giáo lý viên cần phải có những đức tính nhân bản sau:

    • Lịch sự trong tác phong, cách nói năng, ăn mặc;
    • Vui vẻ, hòa nhã với mọi người, nhất là niềm vui nội tâm;
    • Biết kính trọng tha nhân qua việc: Biết lắng nghe, có tâm hồn cởi mở và có niềm tin nơi học trò;
    • Biết sáng tạo, dung hòa và mở rộng các mối tương quan để xây dựng tình liên đới trong tập thể.

    Câu 107: Giáo lý viên cần làm gì để trau dồi và nâng cao khả năng chuyên môn?

    Để trau dồi và nâng cao khả năng chuyên môn, giáo lý viên cần:

    • Chủ động học hỏi, làm giàu kiến thức của bản thân hơn là thụ động ỉ lại vào người khác;
    • Biết mình đang có gì và đang thiếu gì, để đầu tư nhiều hơn vào thế mạnh của mình;
    • Ngoài những kỹ năng chuyên môn, giáo lý viên cũng cần trang bị cho mình một khả năng đa dạng về nhiều lĩnh vực để bổ trợ cho sứ vụ của mình.

    Câu 108: Giáo lý viên cần làm gì để thăng tiến tha nhân?

    Để thăng tiến tha nhân, giáo lý viên cần:

    • Có thái độ luôn sẵn sàng tiếp nhận các học viên với ý thức rằng: mọi người đều có quyền học giáo lý và có quyền được hưởng sự kính trọng, sự ân cần niềm nở và sự quan tâm đặc biệt của chúng ta;
    • Có khả năng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cả những khổ đau của tha nhân;
    • Tích cực tham gia vào việc xây dựng cộng đoàn xứ đạo.

    PHẦN III

    TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

    TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA TRỜI

    LÀ CHA PHÉP TẮC VÔ CÙNG DỰNG NÊN TRỜI ĐẤT

    Câu 109: Thiên Chúa tạo dựng những gì ?

    Thiên Chúa tạo dựng trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình.

    Câu 110: Vũ trụ được tạo dựng để làm gì ?

    Để tôn vinh Thiên Chúa và đem lại hạnh phúc cho con người.

    Câu 111: Sự quan phòng của Thiên Chúa là gì ?

    Là việc Thiên Chúa tiếp tục chăm sóc và hướng dẫn muôn loài tiến dần đến mức hoàn hảo như Ngài muốn.

    Câu 112: Con người cộng tác vào sự quan phòng của Thiên Chúa thế nào?

    Con người cộng tác vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua hành động, kinh nguyện và sự đau khổ.

    Câu 113: Ta phải có thái độ nào đối với Đấng Sáng Tạo?

    Ta phải luôn sống tâm tình con thảo, yêu mến, tôn thờ, phó thác vào Người và cùng với mọi người bảo vệ, phát triển thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

    Câu 114: Con người được Thiên Chúa dựng nên thế nào ?

    Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, nghĩa là có khả năng nhận biết và yêu mến cách tự do Đấng tạo dựng nên mình.

    Câu 115: Thuở ban đầu, Thiên Chúa đã ban cho con người có những đặc ân nào?

    Thiên Chúa ban cho con người được sống thân tình với Ngài, sống hòa hợp với bản thân, với mọi người mọi vật, không phải đau khổ và không phải chết.

    Câu 116: Được Thiên Chúa ban cho sự sống và phẩm giá cao quý như vậy, chúng ta phải làm gì ?

    Chúng ta phải biết cám ơn và yêu mến Thiên Chúa, đồng thời làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và đầy yêu thương.

    Câu 117: Các Thiên Thần có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không?

    Có một số Thiên Thần đã dứt khoát từ chối vương quyền của Thiên Chúa, quyến rũ loài người chống lại Ngài; đó là ma quỷ.

    Câu 118: Loài người có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không ?

    Tổ tông loài người đã nghe ma quỷ cám dỗ, lạm dụng tự do, không tin tưởng và tuân phục Thiên Chúa, nên đã phạm tội mất lòng Chúa; đó là tội tổ tông.

    Câu 119: Tội tổ tông gây nên những hậu quả nào?

    Tội tổ tông làm cho loài người mất hết ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự hòa hợp với bản thân, với mọi người mọi vật, hướng chiều về tội lỗi, phải đau khổ và phải chết.

    Câu 120: Vì sao chỉ riêng tổ tông phạm tội mà cả dòng dõi loài người đều mắc tội?

    Vì mọi người đều có chung một nguồn gốc duy nhất, nên tội này truyền lại cho loài người.

    Câu 121: Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa có bỏ loài người không ?

    Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa không bỏ, mà còn hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu độ loài người.

    TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ

    LÀ CON MỘT THIÊN CHÚA…

    Câu 122: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để làm gì?

    Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người

    - Một là để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi;

    - Hai là để tỏ cho chúng ta biết tình yêu của Thiên Chúa;

    - Ba là để làm mẫu mực cho chúng ta sống thánh thiện;

    - Bốn là để chúng ta được kết hợp với Ngài mà trở nên con cái Thiên Chúa.

    Câu 123: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người như thế nào?

    Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần, mà cho Ngôi Hai nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.

    Câu 124: Cuộc sống trần thế của Chúa Giê-su đã diễn ra thế nào ?

    Chúa Giê-su đã sinh ra tại Bê-lem, sống ẩn dật tại Na-da-rét nước Do-thái. Khoảng 30 tuổi, Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sau cùng, Ngài chịu chết trên thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, rồi sống lại và lên trời.

    Câu 125: Đời sống ẩn dật của Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì?

    Dạy chúng ta sống thánh thiện trong đời sống thường ngày qua cầu nguyện, lao động và yêu thương. Đồng thời, còn dạy chúng ta sống hiếu thảo với cha mẹ.

    Câu 126: Tại sao Chúa Giê-su chịu phép Rửa của ông Gio-an Tẩy Giả?

    Chúa Giê-su chịu phép Rửa của ông Gio-an Tẩy Giả, để báo trước cái chết của Ngài và Bí tích Rửa Tội của chúng ta.

    Câu 127: Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ và chiến thắng để làm gì?

    Chúa Giê-su chịu ma quỷ cám dỗ để chia sẻ thân phận yếu đuối của loài người và Ngài đã chiến thắng để tỏ lòng vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối.

    Câu 128: Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo điều gì?

    Khi rao giảng, Chúa Giê-su loan báo và mời gọi mọi người gia nhập Nước Thiên Chúa.

    Câu 129: Chúng ta phải làm gì để được vào Nước Thiên Chúa?

    Chúng ta phải sám hối, tin vào Tin Mừng và khiêm tốn đón nhận lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.

    Câu 130: Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem như Đấng Mê-si-a để làm gì?

    Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem để loan báo Nước Thiên Chúa đang đến và chính Ngài sẽ hoàn thành Nước Thiên Chúa bằng cuộc Vượt qua, là cái chết và sự sống lại của Ngài.

    Câu 131: Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su có tầm quan trọng thế nào?

    Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giê-su là trung tâm của đức tin Ki-tô giáo. Mầu nhiệm này bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Ngài.

    Câu 132: Những ai chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su?

    Một số người Do-thái và Rô-ma thời đó cùng mọi tội nhân, nhất là người Ki-tô hữu phạm tội, đều chịu trách nhiệm về cái chết của Chúa Giê-su.

    Câu 133: Vì sao Thiên Chúa lại muốn Chúa Giê-su phải chết?

    Vì Thiên Chúa muốn giao hòa chúng ta với Ngài, nên đã “sai Con Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta”.

    Câu 134: Hy tế của Chúa Giê-su trên Thập giá đem lại cho chúng ta điều gì ?

    Hy tế của Chúa Giê-su trên thập giá xóa bỏ tội trần gian và giao hòa toàn thể nhân loại với Chúa Cha.

    NGÀY THỨ BA, BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI

    Câu 135: Sau khi Chúa Giê-su chết và được mai táng trong mồ, điều kỳ diệu gì đã xảy ra ?

    Sau khi chết chưa đủ ba ngày, Chúa Giê-su đã sống lại như Người đã báo trước.

    Câu 136: Sau khi sống lại, Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông để làm gì?

    Sau khi sống lại, Chúa Giê-su xuống ngục tổ tông để giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và mở cửa trời cho họ.

    Câu 137: Có những “dấu chỉ” nào cho biết Chúa Giê-su đã phục sinh?

    Có những “dấu chỉ” này:

    • Một là ngôi mộ trống, không còn xác Chúa;
    • Hai là Ngài đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ.

    Câu 138: Sự phục sinh của Chúa Giê-su mang lại cho chúng ta điều gì?

    Sự phục sinh của Chúa Giê-su mang lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa và thân xác chúng ta được sống lại trong ngày sau hết.

    Câu 139: Tin vào Chúa Giê-su Phục sinh, chúng ta phải sống thế nào?

    Chúng ta luôn sống lạc quan, tin tưởng, can đảm theo đường lối Chúa, dầu phải chấp nhận những thiệt thòi, mất mát, vì tin rằng chúng ta sẽ được dự phần vinh quang với Ngài.

    Câu 140: Việc Chúa Giê-su lên trời có ý nghĩa gì?

    Việc Chúa Giê-su lên trời có những ý nghĩa này:

    • Một là Ngài được Chúa Cha tôn vinh và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta;
    • Hai là cử Thánh Thần đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng được lên trời với Ngài.

    Câu 141: Việc Chúa Giê-su lại đến trong vinh quang có nghĩa gì?

    Đó là sự chiến thắng tối hậu và là cuộc phán xét cuối cùng của Ngài đối với kẻ sống và kẻ chết.

    Câu 142: Chúa Giê-su sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết thế nào?

    Ngài sẽ xét xử và thưởng phạt mỗi người tùy theo các công việc họ đã làm.

    Câu 143: Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất thế nào trong ngày Chúa Giê-su trở lại?

    Vào ngày trở lại, Chúa Giê-su sẽ thực hiện cuộc chiến thắng cuối cùng của sự thiện trên sự ác và quy tụ vạn vật để dâng lên Thiên Chúa Cha.

    Câu 144: Khi nào Chúa Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang?

    Chắc chắn Người sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta không biết được lúc nào. Vì vậy, ta được mời gọi luôn sống tỉnh thức đợi chờ.

    TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

    Câu 145: Chúa Thánh Thần là Đấng nào ?

    Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.

    Câu 146: Điều gì đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần?

    Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Giê-su ban tràn đầy Thánh Thần cho các tín hữu, nhờ đó, họ được hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và được sai đi để công bố và loan truyền mầu nhiệm hiệp thông này.

    Câu 147: Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh thế nào ?

    Chúa Thánh Thần xây dựng, ban sức sống và thánh hóa Hội Thánh.

    Câu 148: Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh thế nào?

    Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Hội Thánh, hợp nhất các tín hữu nên một trong Chúa Ki-tô, và thúc đẩy Hội Thánh chu toàn sứ mệnh Chúa Ki-tô giao phó.

    Câu 149: Chúa Thánh Thần thánh hóa Hội Thánh thế nào?

    Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu trở nên con cái Chúa Cha, và dự phần vào chính sự sống của Chúa Ki-tô. Người còn cho họ nhận biết sự thật, dạy họ cầu nguyện, thúc đẩy họ sống mến Chúa yêu người, và làm chứng cho Chúa Ki-tô.

    Câu 150: Ta phải sống với Chúa Thánh Thần như thế nào ?

    Ta phải tin kính, thờ phượng Chúa Thánh Thần và vâng theo ơn Người soi sáng, cùng tôn trọng hồn xác ta là đền thờ của Người.

    Câu 151: Ơn Chúa Thánh Thần là gì?

    Ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường xuyên, giúp chúng ta dễ dàng tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.

    Câu 152: Có mấy ơn Chúa Thánh Thần?

    Có bảy ơn Chúa Thánh Thần. Đó là: Ơn khôn ngoan, Ơn hiểu biết, Ơn thông minh, Ơn biết lo liệu, Ơn sức mạnh, Ơn đạo đức và Ơn biết kính sợ Thiên Chúa.

    Câu 153: Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?

    Hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều tốt lành mà chúng ta có được nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

    Câu 154: Có bao nhiêu hoa trái của Chúa Thánh Thần?

    Theo truyền thống của Hội Thánh, có 12 hoa trái của Chúa Thánh Thần là: Bác ái, hoan lạc và bình an, kiên nhẫn, quảng đại và nhân từ, từ tâm, khoan dung và trung tín; khiêm nhu, tiết độ và khiết tịnh.

    TÔI TIN MỘT THIÊN CHÚA BA NGÔI

    Câu 155: Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Ki-tô giáo là gì?

    Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Ki-tô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Câu 156: Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thế nào?

    Hội Thánh tuyên xưng một Thiên Chúa mà Ngài có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần.

    Câu 157: Nhờ đâu chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

    Nhờ Chúa Giê-su mạc khải chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi

    Câu 158: Ba Ngôi hiệp nhất với nhau thế nào?

    Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể và một uy quyền như nhau, nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

    Câu 159: Ba Ngôi hoạt động thế nào?

    Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.

    TÔI TIN CÓ HỘI THÁNH

    Câu 160: Hội Thánh là gì ?

    Hội Thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ, làm thành cộng đoàn gồm những người nhờ đức tin và Bí tích Rửa tội, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Ki-tô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.

    Câu 161: Vì sao Hội Thánh là bí tích của ơn cứu độ?

    Vì Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ, giúp toàn thể nhân loại kết hợp với Chúa và với nhau.

    Câu 162: Vì sao gọi Hội Thánh là dân Thiên Chúa?

    Vì Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng quy tụ họ thành một dân duy nhất.

    Câu 163: Vì sao gọi Hội Thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần?

    Vì Chúa Thánh Thần luôn ở trong Hội Thánh như linh hồn của Nhiệm Thể. Người không ngừng xây dựng, thánh hóa và canh tân Hội Thánh bằng các ân sủng của Người.

    Câu 164: Hội Thánh có những đặc tính nào?

    Hội Thánh có bốn đặc tính này là: Duy nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông truyền.

    Câu 165: Vì sao Hội Thánh có đặc tính duy nhất?

    Vì Hội Thánh có:

    • Nguồn gốc và khuôn mẫu là Chúa Ba Ngôi;
    • Đấng sáng lập là Chúa Ki-tô;
    • Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu với Đức Ki-tô;
    • Một đức tin, một đức cậy, một đức mến, một đời sống bí tích;
    • Một sự kế nhiệm tông truyền duy nhất.

    Câu 166: Vì sao Hội Thánh có đặc tính thánh thiện?

    Hội Thánh có đặc tính thánh thiện vì:

    • Hội Thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa là Đấng chí thánh.
    • được Đức Ki-tô thánh hóa và làm cho có khả năng thánh hóa.
    • được Chúa Thánh Thần làm cho sống động và phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện.

    Câu 167: Vì sao Hội Thánh có đặc tính công giáo?

    Hội Thánh có đặc tính công giáo vì những lẽ này:

    • Một là Hội Thánh loan báo toàn bộ đức tin và đức tin toàn vẹn;
    • Hai là Hội Thánh gìn giữ và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ;
    • Ba là Hội Thánh được sai đến với muôn dân thuộc mọi thời đại.

    Câu 168: Vì sao Hội Thánh có đặc tính tông truyền?

    Hội Thánh có đặc tính tông truyền vì những lẽ này:

    • Một là vì Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ;
    • Hai là vì Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn của các Tông đồ;
    • Ba là vì Hội Thánh vẫn tiếp tục được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn bởi các đấng kế nhiệm các Tông đồ là các giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

    Câu 169: Hội Thánh Công giáo gồm có những thành phần nào ?

    Hội Thánh Công giáo gồm có hai thành phần là Giáo sĩ và giáo dân. Trong hai thành phần này, có những người sống đời thánh hiến gọi là tu sĩ.

    Câu 170: Giáo sĩ gồm những ai ?

    Giáo sĩ gồm những người đã lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh là Giám mục, linh mục và phó tế.

    Câu 171: Đức Giáo Hoàng là ai?

    Đức Giáo Hoàng là Giám mục Rô-ma, kế vị Thánh Phê-rô; là nguyên lý và nền tảng cho sự hợp nhất của Hội Thánh; là vị đại diện Đức Ki-tô, thủ lãnh giám mục đoàn, và là mục tử của toàn thể Hội Thánh.

    Câu 172: Giám mục là ai?

    Giám mục là những người kế vị các Tông đồ, có sứ vụ giảng dạy, thánh hóa, cai quản Hội Thánh địa phương và cùng với Đức Giáo Hoàng phục vụ Hội Thánh toàn cầu.

    Câu 173: Linh mục là ai?

    Linh mục là những người tham dự vào chức vụ tư tế thừa tác của các giám mục và chia sẻ sứ mạng của các ngài. Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Ki-tô Linh mục để rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu và cử hành việc phụng tự linh thánh như những tư tế đích thực của Tân Ước.

    Câu 174: Phó tế là ai ?

    Phó tế là những người được truyền chức thánh, để phục vụ dân Chúa qua việc cử hành phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và thi hành các việc bác ái.

    Câu 175: Giáo dân là ai ?

    Giáo dân là các Ki-tô hữu được dự phần vào sứ vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Ki-tô bằng việc nên thánh, làm chứng cho Đức Ki-tô và xây dựng Nước Trời theo ơn gọi riêng mình.

    Câu 176: Ơn gọi của giáo dân là gì ?

    Ơn gọi của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và dấn thân làm tông đồ giữa trần gian.

    Câu 177: Tu sĩ là ai ?

    Tu sĩ là những Ki-tô hữu muốn bước theo Chúa Giê-su cách triệt để hơn, qua việc giữ các lời khuyên Phúc Âm về khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, trong một bậc sống bền vững được Hội Thánh công nhận.

    CÁC THÁNH THÔNG CÔNG

    Câu 178: Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào?

    Các tín hữu ở trần gian, các linh hồn nơi luyện ngục và các thánh trên thiên đàng cùng hiệp thông trong Đức Ki-tô và chia sẻ mọi ơn lành cho nhau. Đây là mầu nhiệm các thánh thông công.

    Câu 179: Vì sao các tín hữu trong Hội Thánh hiệp thông với nhau?

    Vì tất cả các tín hữu cùng làm thành một gia đình duy nhất là Hội Thánh trong Đức Ki-tô, để ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

    Câu 180: Các tín hữu ở trần gian hiệp thông với nhau thế nào?

    Các tín hữu ở trần gian hiệp thông với nhau trong đức tin, đức ái, kinh nguyện, các bí tích và các đoàn sủng; đồng thời họ chia sẻ của cải vật chất với nhau trong tinh thần liên đới và tương trợ.

    Câu 181: Các tín hữu và các linh hồn trong luyện ngục hiệp thông với nhau thế nào?

    Các tín hữu dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn, còn các linh hồn chuyển cầu cùng Chúa cho các tín hữu.

    Câu 182: Các tín hữu và các thánh trên trời hiệp thông với nhau thế nào?

    Các tín hữu noi gương đời sống thánh thiện của các thánh và xin các ngài chuyển cầu cùng Chúa cho mình.

    TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI

    Câu 183: Khi chết con người sẽ ra sao?

    Khi chết, linh hồn và thân xác con người sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ bị hủy hoại, còn linh hồn sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ ngày kết hợp lại với thân xác được biến đổi, khi Chúa lại đến trong vinh quang.

    Câu 184: Vì sao chúng ta tin xác loài người ngày sau sống lại?

    Vì Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và sẽ làm cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, với một thân xác không còn hư nát.

    Câu 185: «Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại » nghĩa là gì?

    Nghĩa là thân xác con người sau khi chết sẽ hư nát, nhưng Thiên Chúa sẽ cho thân xác ấy được sống lại trong ngày tận thế.

    Câu 186: Phán xét riêng là gì?

    Là cuộc phán xét ngay sau khi chết, tùy theo đức tin và các việc làm, mà được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục hoặc vào luyện ngục.

    Câu 187: Phán xét chung là gì?

    Phán xét chung là sự phán xét cuối cùng về hạnh phúc hay án phạt đời đời mà Chúa Giê-su công bố cho mọi người khi Ngài trở lại trong vinh quang.

    PHẦN IV

    KINH NGUYỆN KI-TÔ GIÁO

    Câu 188: Cầu nguyện là gì ?

    Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Ngài trong tình yêu thương.

    Câu 189: Vì sao chúng ta phải cầu nguyện?

    Vì tự bản chất, con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa là nguồn sự sống và vì Ngài vẫn hằng kêu mời chúng ta đến gặp gỡ, thưa chuyện với Ngài.

    Câu 190: Vì sao cầu nguyện là chính ân huệ của Thiên Chúa?

    Vì chính Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp cho chúng ta và vì chính Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc cầu nguyện.

    Câu 191: Vì sao nói: Cầu nguyện là giao ước?

    Vì cầu nguyện vừa là hành động của Thiên Chúa, vừa là hành động của con người. Qua cầu nguyện, con người giao ước, nguyện thề với Thiên Chúa Cha, do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trong sự hiệp nhất với Đức Giê-su, Con Thiên Chúa làm người.

    Câu 192: Vì sao nói: Cầu nguyện là hiệp thông?

    Vì trong Giao Ước mới, cầu nguyện là đi sâu vào trong tương quan sinh động với Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì vậy, sống đời cầu nguyện chính là luôn sống trước mặt Thiên Chúa Ba Ngôi và sống trong sự hiệp thông với Người.

    Câu 193: Đâu là thái độ và tinh thần cầu nguyện căn bản của tổ phụ Áp-ra-ham?

    Thái độ trước tiên của tổ phụ Áp-ra-ham là Tuân phục. Ông đã lắng nghe tiếng Chúa và quyết định tuân phục thánh ý Ngài. Thái độ và tinh thần cầu nguyện này đạt đến tột đỉnh khi ông chấp nhận cuộc thanh luyện cuối cùng là hiến tế chính người con một duy nhất của mình là I-xa-ác.

    Câu 194: Đâu là hình thức cầu nguyện của tổ phụ Áp-ra-ham?

    Ban đầu, tổ phụ Áp-ra-ham cầu nguyện bằng việc làm: cứ mỗi chặng dừng chân, ông lại dựng bàn thờ kính Chúa. Về sau, ông mới cầu nguyện bằng lời: Ông than thở, kín đáo nhắc Chúa nhớ đến lời hứa chưa được thực hiện. Ông cũng mạnh dạn cầu thay cho toàn dân, như khi ông nài nỉ Thiên Chúa để Ngài tha phạt cho dân thành Sô-đô-ma.

    Câu 195: Tại sao nói: Việc Thiên Chúa gọi Mô-sê từ bụi gai đang cháy là hình ảnh hàng đầu của cầu nguyện?

    Vì Thiên Chúa đi bước trước, Người tôn trọng, nài nỉ, tín nhiệm và mạc khải tên Ngài cho Mô-sê; còn Mô-sê, ban đầu từ chối, rồi thắc mắc, đòi hỏi, nhưng cuối cùng, ông đã thuận theo ý Thiên Chúa.

    Câu 196: Chúng ta học được gì qua cách cầu nguyện của vua Đa-vít?

    Thứ nhất, lời cầu nguyện của Đa-vít là lời cầu nguyện cho dân và nhân danh toàn dân. Thứ hai, ông luôn cầu nguyện với tâm tình vâng phục Thánh ý Chúa, ca ngợi, sám hối, gắn bó, tín thác vào lời Chúa hứa, yêu mến, hân hoan trong Đức Ki-tô duy nhất.

    Câu 197: Chúng ta học được gì qua cách cầu nguyện của ngôn sứ Ê-li-a?

    Trước tiên, ngôn sứ Ê-li-a giúp chúng ta hiểu rằng: cầu nguyện không phải chỉ là thực hiện những nghi lễ bề ngoài, mà là hoán cải tâm hồn, là kiếm tìm Thánh Nhan Thiên Chúa. Tiếp đến, lời cầu nguyện của Ê-li-a còn là lời cầu nguyện trong niềm tin vững vàng vào lời Thiên Chúa; là lời khẩn cầu với Thiên Chúa; là lặng nghe tiếng Chúa từ trong sâu thẳm của tâm hồn.

    Câu 198: Đâu là nội dung của việc cầu nguyện trong Thánh Vịnh?

    Trong Thánh Vịnh, Lời Chúa trở thành lời cầu nguyện của con người, do tác động của Thánh Thần. Thế nên, Thánh Vịnh vừa dưỡng nuôi, vừa diễn tả tâm tình cầu nguyện của Dân Chúa. Lời cầu nguyện này vừa có tính cá nhân, vừa có tính cộng đoàn; vừa tưởng niệm những điều vĩ đại Chúa đã thực hiện và vừa trông đợi Đấng Cứu Thế sẽ đến.

    Câu 199: Đâu là đặc điểm của việc cầu nguyện trong Thánh Vịnh?

    Thánh Vịnh luôn là lời cầu nguyện đơn sơ, tự phát; nói lên nỗi niềm khao khát Thiên Chúa qua và với vũ trụ kỳ diệu. Thánh Vịnh còn nói lên niềm tin yêu, chờ đợi nơi lời hứa, nơi tình yêu và thánh ý Thiên Chúa, cho dù còn người có gặp bao gian truân, đau khổ, cám dỗ và thù địch. Sau cùng, Thánh Vịnh là lời chúc tụng, ngợi khen của cộng đoàn, là tiếng nói và là lời tuyên xưng đức tin của Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa.

    Câu 200: Trong Tân Ước, ai là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất?

    Trong Tân Ước, chính Chúa Giê-su là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất.

    Câu 201: Đâu là tâm tình cầu nguyện của Chúa Giê-su?

    Chúa Giê-su luôn cầu nguyện với tâm tình tạ ơn, tâm tình cầu xin và tâm tình hiến tế. Người cũng luôn mang lấy mọi người trong lời cầu nguyện của mình.

    Câu 202: Đối với Đức Giê-su, cầu nguyện chiếm vị trí quan trọng thế nào?

    Cầu nguyện chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời cứu thế của Đức Giê-su, nhất là trong những năm Người đi giảng đạo: Người cầu nguyện trước những lúc quyết định của sứ vụ cứu độ; Người cầu nguyện trước những lúc quyết định đối với các tông đồ.

    Câu 203: Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện thế nào?

    Ngài dạy chúng ta cầu nguyện với tâm hồn hoán cải; Cầu nguyện với đức tin, dạn dĩ như một người con; Cầu nguyện trong tâm tình tuân phục ý Chúa; Cầu nguyện trong tỉnh thức và Cầu nguyện nhân danh Đức Ki-tô.

    Câu 204: Có bao nhiêu hình thức cầu nguyện, đó là những hình thức nào?

    Có 6 hình thức cầu nguyện. Bao gồm:

    • Kinh nguyện chúc tụng và thờ lạy
    • Kinh nguyện khẩn cầu
    • Kinh nguyện chuyển cầu
    • Kinh nguyện tạ ơn
    • Kinh nguyện ca ngợi
    • Bí tích Thánh Thể

    Câu 205: Đâu là những nguồn mạch của cầu nguyện?

    Đức Ki-tô là nguồn mạch đích thực phát sinh đời sống cầu nguyện. Trong cuộc sống Ki-tô hữu có những điểm nguồn sau: Lời Chúa, Phụng vụ của Hội Thánh, Các nhân đức đối thần và Cái hôm nay (tức là những vấn đề của giây phút hiện tại).

    Câu 206: Đâu là con đường cầu nguyện?

    Trong truyền thống cầu nguyện rất sống động của Hội Thánh, tùy nơi, tùy thời, mỗi Giáo Hội giới thiệu cho các tín hữu ngôn ngữ kinh nguyện của mình: Những lời kinh, những bài thánh ca, những cử điệu, hình ảnh… được coi như những con đường dẫn ta đến cầu nguyện. Nhưng lối đường cầu nguyện nào thì cũng phải đi qua Đức Ki-tô là con đường cầu nguyện duy nhất. Giáo Hội hướng dẫn chúng ta những con đường cầu nguyện như: Kinh nguyện dâng lên Chúa Cha; Kinh nguyện dâng về Chúa Giê-su; Kinh nguyện trong Chúa Thánh Thần và Kinh nguyện với Mẹ Maria.

    Câu 207: Chúng ta có thể cầu nguyện trong những hoàn cảnh nào?

    Chúng ta có thể cầu nguyện trong bất cứ hoàn cảnh nào như: khi vui, buồn, thành công, thất bại; hoặc tạ ơn Chúa khi lãnh nhận những ơn lành; ngợi khen Chúa khi chúng ta hân hoan vui sướng và có thể xin Ngài ban cho chúng ta, hay cho người khác những ơn cần thiết.

    Câu 208: Chúng ta có thể cầu nguyện ở đâu?

    Chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ nơi đâu, nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện. Ngoài ra, những nơi thanh vắng, cô tịch… cũng thích hợp cho việc cầu nguyện.

    Câu 209: Thời điểm nào thích hợp cho việc cầu nguyện?

    Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện, nhưng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội Thánh đề nghị các Ki-tô hữu những thời điểm sau: Ban sáng và ban tối; trước và sau bữa ăn; phụng vụ Các Giờ Kinh; Thánh lễ; kinh Mân Côi; các lễ mừng trong Năm Phụng vụ.

    Câu 210: Khẩu nguyện là gì?

    Khẩu nguyện là cầu nguyện thành lời, thành tiếng: đọc kinh, ca hát… đây là hình thức cầu nguyện phổ biến nhất.

    Câu 211: Suy gẫm là gì?

    Suy gẫm là cầm trí lại để suy nghĩ và tìm kiếm: suy nghĩ để hiểu biết ý nghĩa đời sống Ki-tô hữu, và nhất là tìm kiếm để khám phá ra thánh ý Chúa muốn gì nơi ta, hầu ta có thể đáp lại.

    Câu 212: Chiêm niệm là gì?

    Chiêm niệm là một cuộc trao đổi thân tình, là hiệp thông, giao ước với Thiên Chúa. Chiêm niệm là biểu hiện đơn giản nhất của mầu nhiệm cầu nguyện. Chiêm niệm còn là chiêm ngắm Đức Giê-su, là lắng nghe lời Chúa và là yêu mến Chúa trong thinh lặng.

    Câu 213: Đâu là những quan niệm sai lạc về cầu nguyện?

    Những quan niệm sai lạc về cầu nguyện bao gồm:

    • Coi cầu nguyện chỉ là đọc kinh đi đôi với những cử chỉ, hình thức bên ngoài;
    • Coi cầu nguyện là mất thời giờ hoặc không có giờ để cầu nguyện, nên chỉ cầu nguyện khi rảnh rỗi mà thôi;
    • Coi cầu nguyện chỉ là việc của con người mà không biết rằng, trước hết, đó chính là việc của Chúa Thánh Thần.

    Câu 214: Đâu là những não trạng thế tục trong việc cầu nguyện?

    Những não trạng thế tục trong việc cầu nguyện bao gồm:

    • Chỉ coi khoa học kỹ thuật là có thật, còn cầu nguyện chỉ là viển vông;
    • Chỉ biết đến những tiện nghi vật chất, quý trọng những hưởng thụ, chi tiêu, và coi đó là văn minh, tiến bộ, là hạnh phúc, mà không cần biết đến những giá trị tâm linh;
    • Coi cầu nguyện là trốn đời, là thiếu lao động sản xuất, “ăn không ngồi rồi”, là chỉ biết chìa tay xin xỏ Thiên Chúa, làm mất phẩm giá con người.

    Câu 215: Đâu là những khó khăn khi cầu nguyện?

    Những khó khăn khi cầu nguyện bao gồm:

    • Thứ nhất là chia trí: Không tập trung vào lời kinh, vào lễ nghi Phụng vụ, vào mầu nhiệm đang suy niệm, mà thường nghĩ đến những chuyện ta đang bận tâm;
    • Thứ hai là khô khan: Ta cảm thấy như xa cách Chúa, mất hứng thú, không tìm được sự sốt sắng vẫn có.

    Câu 216: Đâu là những cám dỗ khi cầu nguyện?

    Có hai cám dỗ thường thấy trong cầu nguyện. Thứ nhất là cám dỗ thiếu đức tin. Đây là cám dỗ thường xuyên nhất, nhưng lại được che đậy khéo léo nhất. Thứ hai là sự nguội lạnh: làm ta dễ chán nản, thất vọng khi cầu nguyện.

    Câu 217: Làm thế nào để lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu quả?

    Để lời cầu nguyện của chúng ta có hiệu quả, chúng ta cần:

    • Thứ nhất: Cầu nguyện trong niềm tin tưởng phó thác của người con thảo vào tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại;
    • Thứ hai: Tin tưởng vì Chúa Thánh Thần luôn cầu nguyện trong chúng ta;
    • Thứ ba: Vững tin vì Chúa Ki-tô luôn cầu nguyện trong chúng ta và cho chúng ta;
    • Thứ tư: Tìm thánh ý Chúa chứ không phải đòi Chúa phải theo ý riêng mình.

    Câu 218: Vì sao Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria và cầu nguyện cùng Đức Maria?

    Hội Thánh cầu nguyện với Đức Maria, vì Mẹ đã cộng tác cách độc đáo với hoạt động của Chúa Thánh Thần; cầu nguyện cùng Đức Maria, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo nhất.

    Câu 219: Các Thánh giúp chúng ta cầu nguyện thế nào?

    Các Thánh là những gương mẫu cầu nguyện. Các ngài hằng chuyển cầu cho chúng ta và để lại nhiều linh đạo dạy chúng ta cách sống và thực hành việc cầu nguyện.

    KINH LẠY CHA – LỜI KINH CỦA CHÚA

    Câu 220: Tại sao nói, Kinh Lạy Cha là tâm điểm của Thánh Kinh?

    Kinh Lạy Cha là tâm điểm của Thánh Kinh vì: Kinh Lạy Cha là "bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng" (Tertullianô), là "lời cầu nguyện tuyệt hảo" (thánh Tôma Aquinô). Kinh Lạy Cha nằm ở trung tâm Bài giảng trên núi (Mt 5-7), và lấy lại nội dung chính yếu của Tin Mừng dưới hình thức một kinh nguyện.

    Câu 221: Tại sao kinh Lạy Cha được gọi là "lời kinh của Chúa"?

    1. Lạy Cha được gọi là "lời kinh của Chúa," vì do chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta.

    Câu 222: Kinh Lạy Cha giữ vị trí nào trong kinh nguyện của Hội thánh?

    Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt hảo của Hội thánh. Kinh này chỉ được "trao" cho những người con của Thiên Chúa vào lúc lãnh nhận Bí tích Rửa tội để nhấn mạnh việc tái sinh vào đời sống thần linh. Bí tích Thánh Thể mạc khải ý nghĩa tròn đầy của lời kinh này: những lời cầu xin của kinh này, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, sẽ được nhậm lời cách trọn vẹn khi Chúa đến. Kinh Lạy Cha còn là thành phần chính yếu của Các giờ kinh Phụng vụ.

    Câu 223: Làm sao chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là "Cha"?

    Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.

    Câu 224: Tại sao chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha "chúng con"?

    Thuật ngữ "chúng con" diễn tả một tương quan hoàn toàn mới mẻ với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện với Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Ngài cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong Đức Kitô, chúng ta là Dân "của Ngài" và Ngài là Thiên Chúa "của chúng ta", bây giờ và mãi mãi. Thật vậy, chúng ta gọi Ngài là Cha "chúng con" vì Hội thánh của Đức Kitô là sự hiệp thông gồm đông đảo anh em, tạo nên "một trái tim và một linh hồn " (Cv 4,32).

    Câu 225: Thuật ngữ "ở trên trời" có nghĩa là gì?

    "Ở trên trời" là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người "hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa" (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời.

    BẢY LỜI CẦU XIN

    Câu 226: Kinh Lạy Cha được cấu tạo như thế nào?

    Kinh Lạy Cha có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài: lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Đấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin: sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi thần Dữ.

    Câu 227: Lời cầu xin "Nguyện danh Cha cả sáng" có ý nghĩa gì ?

    "Danh Cha cả sáng" trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Mô-sê và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.

    Câu 228: Hội thánh xin gì khi cầu nguyện "Nước Cha trị đến"?

    Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê: "Lạy Chúa Giêsu! Xin hãy đến" (Kh 22,20).

    Câu 229: Tại sao chúng ta cầu xin: "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời"?

    Ý muốn của Cha chúng ta là "tất cả mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Đức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể "nhận ra ý muốn của Thiên Chúa" (Rm 12,2) và "kiên trì thi hành thánh ý" (Dt 10,36).

    Câu 230: Lời cầu "xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" có nghĩa gì?

    Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Đấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.

    Câu 231: Tại sao chúng ta nói "xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"?

    1. xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, "chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.

    Câu 232: Làm sao có thể tha thứ được?

    1. thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.

    Câu 233: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ" nghĩa là gì?

    Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.

    Câu 234: Tại sao chúng ta lại kết thúc bằng lời cầu xin "nhưng cứu chúng con cho khỏi sự Dữ"?

    Sự Dữ muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, "kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại" (Kh 12,9). Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Đức Kitô lại đến, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.

    Câu 235: Chữ "Amen" cuối cùng có nghĩa là gì?

    "Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là 'xin Chúa cứ làm cho con như vậy', chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này" (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    Bài viết liên quan