Ban Giáo dân GIỚI THIỆU: Bài 2 - Vai trò của lãnh đạo giáo dân trong Giáo Hội hiệp hành

  • 07/06/2024
  • Bài 2 - Vai trò của lãnh đạo giáo dân trong Giáo Hội hiệp hành

    BÀI II

    VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

     

    Lm Antôn Hà Văn Minh

    Giáo dân trong Vatican II Công đồng Vatican II đã khai sáng sự hiểu biết về căn tính và nhiệm vụ của giáo dân trong Giáo hội. Đó là kết quả của một cái nhìn mới về Giáo hội như “Dân Chúa”. Hiến chế tín lý về Giáo hội làm nổi bật bản chất và nhiệm vụ của người giáo dân qua khái niệm “ Dân Chúa”. Với khái niệm nầy  công đồng nhấn mạnh nhiều về các thành phần Dân Chúa: Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Công đồng nói đến lại sự bình đẳng và phẩm giá của tất cả những người đã được rửa tội và nhiệm vụ nẩy sinh từ bí tích Rủa tội.  Đặc biệt Lumen Gentium số 31 đã minh định sứ vụ của người tín hữu giáo dân qua  phép rửa đã trở thành một thân thể với Chúa Kitô , và cách riêng của họ, họ được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Họ thực hiện phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn thể tín hữu Kitô đối với Giáo hội và thế giới. Công đồng cũng nêu bật “đặc tính trần thế” của người giáo dân. Người giáo dân  tham gia vào các công việc trần thế, làm việc trong một nghề thế tục và sống trong hoàn cảnh bình thường của đời sống gia đình và xã hội. Giống như men, giáo dân được mời gọi sống trong thế giới và biến đổi thế giới. Giáo dân được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa trong thế giới. Giáo hội sẽ chỉ tồn tại trọn vẹn khi giáo dân tham gia vào ba chức vụ của Chúa Kitô.  Công đồng nhân mạnh, Giáo hội sẽ không thực sự được thiết lập,  không sống trọn vẹn căn tính của mình, cũng không phải là dấu chỉ hoàn hảo của Chúa Kitô, nếu không có những người giáo dân

    1. Hiểu thế nào về vai trò lãnh đạo giáo dân?

    Sự tham gia vào vai trò lãnh đạo của người giáo dân trong Giáo Hội hiệp hành được hình thành trong sự hiệp thông Giáo Hội, chẳng hạn trong việc cử hành  phụng vụ cần được hướng dẫn thực sự có tính tham gia chứ không chỉ là những buổi trình diễn hay biểu diễn của một người. Điều này cũng đòi hỏi người giáo dân phải tham gia vào việc lập kế hoạch phụng vụ – đặc biệt là các ngày lễ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “chính giáo dân, vì đã ý thức rõ ràng hơn về các công việc thuộc về họ trong cộng đoàn phụng vụ hoặc trong việc chuẩn bị cộng đoàn này, nên , nên rất sẵn sàng cho cử hành của họ: quả thực, cử hành phụng vụ là một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn, chứ không của riêng hàng giáo sĩ mà thôi. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi những họat động không thuộc riêng các thừa tác viên có chức thánh lại được các giáo dân thi hành. Một khi có được sự tham dự hữu hiệu của giáo dân vào trong họat động phụng vụ, thì đương nhiên ta cũng chấp nhận sự tham gia của họ vào việc loan báo Lời Chúa và công tác mục vụ”[1].

    Chủ chăn phải tạo điều kiện cho các tín hữu tích cực tham gia vào sứ mệnh trở thành lương tâm luân lý trong xã hội - lên án sự dữ và văn hóa sự chết, công bố điều thiện như về sự thánh thiện của sự sống công lý, sự thật, tình yêu và hòa bình. Các chủ chăn cũng cần đảm bảo sự tham gia tích cực của các tín hữu vào sứ mệnh biến vương quốc của Thiên Chúa thành hiện thực, qua các hoạt động vì hòa bình, công lý và sự toàn vẹn của tạo vật. Điều này có nghĩa là người giáo dân được mời gọi tham gia cùng nhau làm việc để giải quyết các khủng hoảng  liên quan đến  nghèo đói, bất công, bạo lực, biến đổi khí hậu, tham nhũng, v.v.

    Các chủ chăn phải nhận ra năng lực nẩy sinh từ đặc sủng của các tín hữu giáo dân trong sứ mệnh xã hội của Giáo hội. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của giáo dân trong Giáo hội không gì hơn chính là sự hiệp thông với chủ chăn, từ đó chủ chăn truyền cảm hứng cho họ tham gia tích cực vào việc thực hiện sứ mạng mà Chúa Kitô đã ủy thác cho họ nhờ phép rửa. Vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội hiệp hành loại bỏ thái độ quản trị độc tài, nhưng hình thành một phong cách hợp tác,  tham gia và hòa nhập, tập trung vào việc lắng nghe lẫn nhau và cùng nhau hành động. Thánh Giáo hoàng Giaon Phaolo II lưu ý: “Các vị chủ chăn có bổn phận phải nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. Ngòai ra, khi nhu cầu và lợi ích của Giáo Hội đòi hỏi, các vị chủ chăn có thể, chiếu theo quy tắc của luật chung, mà trao phó cho giáo dân một số chức vụ và nhiệm vụ, dù vẫn gắn liền với tác vụ riêng của vị chủ chăn, nhưng không buộc có ấn tích của bí tích Truyền Chức Thánh”[2]. Dĩ nhiên sự cộng tác của giáo dân trong vai trò lãnh đạo không có nghĩa là họ thay thế vai trò lãnh đạo của Giáo sĩ, sự hiệp hành không phải là đồng hóa cào bằng giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác. Không thể có một cơ cấu phục vụ trong Giáo Hội song song với cơ cấu đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức Thánh.

    Như vậy vai trò lãnh đạo giáo dân trong Giáo Hội Hiệp hành chính là tham gia tích cực vào công việc của Giáo hội theo bậc sống và đặc sủng của mình trong sự hiệp thông với các chủ chăn, với ý thức mình là một thành phần của Giáo hội, thuộc về Giáo hội . Công đồng Vaticano trong Hiến chế tín lý về Giáo hội đã nói: Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân có quyền nhận lãnh dồi dào từ các chủ chăn có chức thánh những ơn phúc chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích, đồng thời họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tuỳ theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội (Hiến chế về Giáo Hội, số 37) . Lumen Gentium trình bày mối tương quan giữa giáo dân và các mục tử bằng tính từ “thân thuộc”: “Người ta mong đợi nhiều lợi ích cho Giáo hội từ mối tương quan thân thuộc này giữa giáo dân và các mục tử. Ý thức trách nhiệm của họ được củng cố nơi giáo dân, lòng nhiệt thành của họ được khuyến khích, họ sẵn sàng hơn để hợp nhất sức lực của mình với công việc của các mục tử. Người sược giúp đỡ bởi kinh nghiệm của giáo dân, có khả năng phán đoán rõ ràng hơn và thích hợp hơn về các vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế”[3]

    1. Tinh thần đồng trách nhiệm

    Đức Bênêđictô XVI khích lệ người giáo dân chia sẻ trách nhiệm với Giáo hội trong việc sự dấn thân thi hành sứ mệnh của Giáo hội: “bằng việc cầu nguyện, học tập và tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội,  không ngừng tìm kiếm những dấu chỉ của thời đại qua việc quan tâm khám phá những điều tích cực trong thế giới” . Đức Bênêđictô XVI khẳng định: người giáo dân được mời gọi trở thành những chứng nhân can đảm và đáng tin cậy trong mọi môi trường xã hội để Tin Mừng có thể trở thành ánh sáng mang lại hy vọng cho những người có vấn đề, những người gặp khó khăn chồng chất, những tình huống đen tối mà con người ngày nay thường gặp phải trên hành trình cuộc đời”. Với vai trò lãnh đạo, người giáo dân “hướng dẫn mọi người đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, loan báo Sứ điệp cứu độ của Người bằng các ngôn ngữ và cách thức dễ hiểu đối với thời đại chúng ta, được đánh dấu bằng các tiến trình xã hội và văn hóa đang biến đổi nhanh chóng. Và Đức Thánh cha khuyến khích người tín hữu giáo dân kiên trì một cách quảng đại trong việc phục vụ Giáo hội, trên tinh thần hiệp nhất chặt chẽ với chủ chăn và tinh thần đồng trách nhiệm với các Mục tử của mình.

    Tinh thần đồng trách nhiệm của người giáo dân được xây dựng trên nền tảng bí tích Rửa tội và Thêm sức. Từ nguồn mạch bí tích này người tín hữu giáo dân được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô: Tiên tri, tư tế và vương đế. Với việc dự phần này mỗi người tín hữu hữu trong Giáo Hội đều mang lấy trách nhiệm xây dựng Hội Thánh Chúa trên trần gian nhằm đạt tới sự viên mãn trong ngày cánh chung. Trong bản báo cáo tổng hợp của Thượng Hội Đồng Giám mục lần Thứ XVI khóa I đã khẳng định: “Các bí tích khai tâm Kitô giáo trao cho tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu trách nhiệm thực hiện sứ vụ của Hội thánh. Giáo dân, những người thánh hiến và các thừa tác viên chức thánh đều có phẩm giá bình đẳng như nhau. Họ đã nhận được những đặc sủng và ơn gọi khác nhau cũng như thực hiện những vai trò và chức năng khác nhau, nhưng tất cả đều được Chúa Thánh Thần kêu gọi và nuôi dưỡng để hợp thành một nhiệm thể duy nhất trong Chúa Kitô. Tất cả họ đều là những môn đệ, tất cả những nhà truyền giáo, trong sức sống hỗ tương của các cộng đồng địa phương, những người cảm nghiệm được niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc loan báo Tin Mừng. Việc thực thi đồng trách nhiệm là điều cần thiết cho tính hiệp hành và cần thiết ở mọi cấp độ của Hội thánh. Mỗi Kitô hữu là một sứ vụ trên trái đất này”[4]. Thượng Hội Đồng khẳng định: Nếu sứ vụ là một ân ban liên quan đến toàn thể Hội thánh, thì người tín hữu giáo dân đóng góp một cách quan trọng vào việc thăng tiến sứ vụ đó trong mọi lĩnh vực và trong các hoàn cảnh thông thường hằng ngày[5]. Sự đóng góp này nói đến ý thức tinh thần đồng trách nhiệm của người giáo dân trong việc làm cho Giáo hội hiện diện và công bố Tin Mừng. Bất cứ nơi nào họ hiện diện, họ đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong đời sống hằng ngày và minh nhiên chia sẻ đức tin với người khác.

    1. Đào tạo người giáo dân ý thức về vai trò lãnh đạo của mình.

    Để giúp người giáo dân ý thức về vai trò lãnh đạo của mình trong Giáo hội Hiệp hành, các mục tử cần quan tâm đến việc đào tạo mang tính toàn diện.  Giáo hội mong muốn người giáo dân luôn được đối xử  như những Kitô hữu giáo dân trưởng thành, những ý kiến của họ phải được lắng nghe và tôn trọng, đồng thời họ mong muốn được các chủ chăn đối xừ phù hợp với ơn gọi họ lãnh nhận được từ bí tich Rửa tội. Nhưng để điều này được thực hiện hữu hiệu, người giáo dân phải được huấn luyện đúng đắn về đức tin, nghĩa là quay trở lại những điều cơ bản, tùy theo trình độ học vấn của mình.

    Người giáo dân cần được hướng dẫn sống đời thánh thiện,  phải được Tin Mừng định hướng và soi sáng nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, cảm nhận được yêu thương để can đảm dấn thân phục vụ cho Tin mừng không chút sợ hãi. Việc đào tạo giúp người giáo dân chia sẻ trách nhiệm kinh nghiệm mục vụ với các cộng đoàn tông đồ giáo dân trong giáo xú, giáo phận, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp và hiệp thông với các chủ chăn hầu làm nên một cộng đồng mục vụ và truyền giáo sống động.

    Thượng hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI khóa I/2024 đã nhấn mạnh: “Chăm sóc việc đào tạo của chính mình là câu trả lời mà mỗi người đã được rửa tội được mời gọi trao tặng những hồng ân của Chúa, làm cho những tài năng đã nhận được sinh hoa trái và dùng chúng để phục vụ mọi người. ... Thời gian Chúa dành cho việc đào tạo các môn đệ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này nơi Hội thánh, thường kín đáo nhưng có tính quyết định đối với sứ vụ. Trong việc khai tâm Kitô giáo, chúng ta tìm thấy những hướng dẫn tổng quát cho các khóa đào tạo. Trọng tâm của việc đào tạo là đào sâu kerygma [lời rao giảng tiên khởi], nghĩa là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban cho chúng ta hồng ân sự sống mới.... Ngoài việc đào tạo thần học, còn đề cập đến một loạt các kỹ năng cụ thể: thực hiện đồng trách nhiệm, lắng nghe, phân định, đối thoại đại kết và liên tôn, phục vụ người nghèo và chăm sóc ngôi nhà chung, dấn thân như “những nhà truyền giáo kỹ thuật số”, tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình phân định và đối thoại trong Thánh Thần, xây dựng sự đồng thuận và giải quyết xung đột. Phải đặc biệt chú ý tới việc đào tạo giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, việc này cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng”[6].

    Trong chiều kích Giáo Hội hiệp hành, người giáo dân được khích lệ tham gia tích cực vào vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội, dĩ nhiên cụm từ lãnh đạo được hiểu theo tinh thần Kitô giáo, có nghĩa người lãnh đạo nhằm phục vụ, chứ không lãnh đạo để cai trị. Và để người giáo dân tham gia vào vai trò lãnh đạo trong Giáo hội hiệp hành cần nhấn mạnh đến một nền văn hóa lắng nghe, đặc biệt hàng giáo sĩ lắng nghe  tiếng nói của các tín hữu – giáo dân. Trong khi tiếng nói của mọi người được lắng nghe, điều đó không có nghĩa là các quyết định được đưa ra chủ yếu bằng đa số phiếu bầu nhưng thông qua một quá trình phân định rõ ràng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, với một công thức thời danh: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định (Cv 15, 28), đấy là tinh thần lãnh đạo trong một Giáo Hội hiệp hành.

    Nguồn: UB Giáo dân trực thuộc HĐGMVN

    Nt[6]

    [5] Nt

    [4] Thượng hội Đồng Giám Mục Thê Giới lần thứ XVI, Báo Cáo Tổng Hợp Kháo đầu tiên từ ngày 4-29/10/2023, công bố ngày 28/10/2023. Nguồn: hdgmvietnam.com/chi-tiet/vatican-cong-bo-bao-cao-tong-hop-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-hiep-hanh-52883

    [3] Đức Bênêđictô XVI, Thơ gởi Đức cha Domenico Sigalini, Tổng linh hướng  của diễn đàn  diễn đàn quốc tế về hoạt động công giáo nhân dịp đại hội thường niên lần thứ VI vào ngày 22-8-2012. Nguồn: www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/pont-messages/2012/documents/hf_ben xvi_mes_20120810_fiac.html

    [2] Nt.

    [1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Người tín hữu Giáo dân (Christifideles Laici), số 23.


     

    Bài viết liên quan