THÁNH LỄ KHAI MẠC SỨ VỤ PHÊRÔ CỦA ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 18/5/2025
Quý Đức Hồng y,
Anh em trong hàng Giám mục và Linh mục,
Các vị đại diện chính quyền và Ngoại giao đoàn,
Tôi cũng chào các tín hữu trong Ngày Năm Thánh của Các Huynh Đoàn,
Tôi chào tất cả anh chị em với tấm lòng tràn đầy lòng biết ơn, khi bắt đầu sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho tôi. Thánh Augustinô đã viết: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa, và tâm hồn chúng con còn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài” (Tự Thuật, 1, 1.1).
Những ngày qua, chúng ta đã trải qua một khoảng thời gian vô cùng sâu sắc. Sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã khiến lòng chúng ta trĩu nặng nỗi buồn. Trong những giờ phút khó khăn ấy, chúng ta cảm thấy mình như đám đông mà Tin Mừng mô tả: “họ như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Thế nhưng, chính trong ngày Phục Sinh, chúng ta đã đón nhận phép lành cuối cùng của ngài. Dưới ánh sáng Phục Sinh, chúng ta bước vào giây phút này với niềm xác tín rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người, Người quy tụ họ khi họ tản mác và “chăn dắt họ như mục tử chăm sóc đàn chiên” (Gr 31,10).
Trong tinh thần đức tin ấy, Hồng Y Đoàn đã tụ họp để cử hành Mật nghị. Đến từ những hành trình và câu chuyện khác nhau, chúng tôi đã phó thác ước nguyện chọn vị kế nhiệm Thánh Phêrô, Giám mục Roma, vào tay Chúa: một mục tử biết gìn giữ gia sản đức tin phong phú của Kitô giáo, đồng thời biết hướng tầm nhìn xa hơn để đáp lại những khát vọng, băn khoăn và thách đố của thời đại. Được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của anh chị em, chúng tôi đã cảm nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng biết hòa hợp những nhạc cụ khác nhau, để tấu lên một bản hợp ca duy nhất từ sâu thẳm tâm hồn chúng ta.
Tôi được chọn không do công trạng nào, và với tâm tình khiêm tốn, tôi đến với anh chị em như một người anh em, mong được trở nên người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em, cùng nhau bước đi trên con đường tình yêu Chúa, Đấng muốn quy tụ tất cả chúng ta thành một gia đình duy nhất.
Tình yêu và hiệp nhất: đó là hai chiều kích của sứ vụ Chúa Giêsu trao cho Thánh Phêrô.
Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện bên bờ hồ Tibêria, nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng Chúa Cha trao: “lưới cá” nhân loại để cứu họ khỏi vực sâu của sự dữ và sự chết. Khi đi ngang bờ hồ, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô và các môn đệ đầu tiên để họ trở thành “kẻ lưới người” như Chúa. Giờ đây, sau Phục Sinh, chính họ được trao sứ mạng này: tiếp tục thả lưới để đem hy vọng Tin Mừng vào giữa dòng đời, lênh đênh trên biển cả cuộc đời để mọi người được tìm thấy nhau trong vòng tay Thiên Chúa.
Làm sao Phêrô có thể chu toàn sứ mạng này? Tin Mừng cho chúng ta biết điều đó chỉ có thể xảy ra khi ngài đã cảm nghiệm tình yêu vô biên và vô điều kiện của Thiên Chúa, ngay cả trong giờ phút thất bại và chối từ. Vì thế, khi Chúa Giêsu hỏi Phêrô, Tin Mừng dùng động từ Hy Lạp agapao, ám chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, một sự hiến dâng không tính toán, khác với tình yêu bạn hữu mà Phêrô dùng để đáp lại.
Khi Chúa Giêsu hỏi: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16), Người muốn nói đến tình yêu của Chúa Cha. Như thể Chúa Giêsu nói với ông: chỉ khi con đã biết và cảm nghiệm tình yêu không bao giờ phai nhạt này của Thiên Chúa, con mới có thể chăn dắt chiên con của Thầy; chỉ trong tình yêu của Chúa Cha, con mới có thể yêu thương anh em mình cách trọn vẹn, thậm chí hiến mạng sống vì họ.
Vậy là Phêrô được trao sứ vụ “yêu thương nhiều hơn” và hiến mạng sống vì đoàn chiên. Sứ vụ của Phêrô được đánh dấu bằng tình yêu hiến dâng này, bởi Giáo hội Roma lãnh đạo trong đức ái, và thẩm quyền đích thực của ngài chính là đức ái của Đức Kitô. Không bao giờ là việc chiếm đoạt người khác bằng quyền lực, tuyên truyền tôn giáo hay thống trị, mà luôn luôn chỉ là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu.
Chính Ngài — như Thánh Phêrô khẳng định — “là viên đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, nhưng lại trở nên viên đá góc tường” (Cv 4,11). Nếu viên đá ấy là Đức Kitô, thì Phêrô phải chăn dắt đoàn chiên mà không bao giờ sa vào cám dỗ trở thành một thủ lĩnh đơn độc hay một người đứng trên anh em, thống trị những người được trao phó (x. 1Pr 5,3). Trái lại, ngài được mời gọi phục vụ đức tin của anh em, đồng hành cùng họ: tất cả chúng ta đều được trở nên “những viên đá sống động” (1Pr 2,5), nhờ Bí tích Rửa Tội, để xây dựng ngôi nhà Thiên Chúa trong hiệp thông huynh đệ, trong sự hòa hợp của Chúa Thánh Thần, trong sự đa dạng của các nền văn hóa. Như Thánh Augustinô nói: “Giáo hội gồm tất cả những ai sống hòa hợp với anh chị em mình và yêu thương tha nhân” (Bài giảng 359, 9).
Anh chị em thân mến, đây là ước nguyện lớn lao đầu tiên của tôi: một Giáo hội hiệp nhất, dấu chỉ của hiệp thông, trở nên men cho một thế giới được hòa giải.
Trong thời đại chúng ta, chúng ta vẫn thấy quá nhiều chia rẽ, quá nhiều vết thương gây ra bởi hận thù, bạo lực, thành kiến, sợ hãi người khác, bởi một mô hình kinh tế khai thác tài nguyên Trái đất và gạt người nghèo ra bên lề. Chúng ta muốn trở thành một chút men nhỏ bé của hiệp nhất, hiệp thông, tình huynh đệ trong khối bột ấy. Chúng ta muốn nói với thế giới, với sự khiêm tốn và niềm vui: hãy nhìn lên Đức Kitô! Hãy đến gần Người! Hãy đón nhận Lời Người, Lời soi sáng và an ủi! Hãy lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Người để trở thành một gia đình duy nhất của Người: trong Đức Kitô duy nhất, chúng ta là một. Và đây là con đường chúng ta cùng nhau bước đi, không chỉ với nhau mà còn với các Giáo hội Kitô chị em, với những người thuộc các tôn giáo khác, với những ai khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người thiện chí, để xây dựng một thế giới mới, nơi hòa bình ngự trị.
Đây là tinh thần truyền giáo phải thúc đẩy chúng ta, không khép kín trong nhóm nhỏ của mình hay cảm thấy mình cao trọng hơn thế giới; chúng ta được mời gọi trao tặng tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, để đạt tới sự hiệp nhất không xóa bỏ khác biệt, nhưng trân quý hành trình cá nhân của mỗi người và văn hóa xã hội, tôn giáo của mỗi dân tộc.
Anh chị em thân mến, đây là giờ của tình yêu! Đức ái của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, là trái tim của Tin Mừng. Với Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: nếu tiêu chuẩn này “được áp dụng trên thế giới, có phải mọi xung đột sẽ chấm dứt và hòa bình sẽ trở lại không?” (Thông điệp Rerum novarum, 21).
Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, để lịch sử chất vấn mình, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại.
Cùng nhau, như một dân tộc duy nhất, như anh chị em một nhà, chúng ta hãy bước đi về với Chúa và yêu thương nhau.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 114 | Tổng lượt truy cập: 6,399,244