Bài 12 - Người trẻ chung tay xây dựng Hòa bình

  • 23/09/2023
  • Bài 12 - Người trẻ chung tay xây dựng Hòa bình

    BÀI 12
    NGƯỜI TRẺ CHUNG TAY XÂY DỰNG HÒA BÌNH

     

    1. Hòa bình là gì?

    Nhiều người nói rằng hòa bình là không có chiến tranh; những người khác cho rằng hòa bình là một trạng thái cân bằng ổn định giữa các thế lực thù địch. Tuy nhiên, các định nghĩa này là không đủ. Hòa bình là sự yên bình có trật tự, sâu xa hơn là hạnh phúc trong trật tự thiện hảo của Thiên Chúa. Loại hòa bình này là mục đích của chúng ta. Chúng ta thấy được mình trên con đường hòa bình khi chúng ta làm việc trong công bình và yêu thương tiến đến một thế giới trong trật tự theo ý muốn của Thiên Chúa. Hơn nữa, chúng ta cũng thấy được mình bên cạnh tất cả những người tìm kiếm chân lý cách ngay thẳng và chân thành, họ chăm sóc cho hạnh phúc và sự an toàn của đồng loại trong công lý, và đem tình thương của họ đến với tha nhân mà không nghĩ đến lợi ích bản thân. Đồng thời, chúng ta làm việc vì Thiên Chúa hằng hữu khi chúng ta cổ võ các quyền của tất cả mọi người và bảo vệ họ bằng mọi cách.

    Tâm niệm: “Người trẻ là nguồn hy vọng cho tương lai. Sứ mệnh lịch sử của các con là xây dựng một nền văn minh tình yêu, tình huynh đệ và tình liên đới” (Thánh GH Gioan Phaolô II, Ngày Giới Trẻ Thế Giới 1995 tại Manila).

    2. Tại sao cần Thiên Chúa, nếu muốn hòa bình?

    Trước tiên hòa bình, bình an là một thuộc tính của Thiên Chúa trước khi hòa bình là một nhiệm vụ đối với con người chúng ta. Bất cứ ai cố gắng mang lại hòa bình mà không có Thiên Chúa là họ quên rằng chúng ta không còn sống ở thiên đường hạ giới mà chúng ta là những tội nhân. Chúng ta thiếu hòa bình trên trái đất là một dấu chỉ cho thấy sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại đã bị đứt đoạn. Đặc điểm của lịch sử nhân loại là bạo lực, chia rẽ, và giết chóc đổ máu. Mọi người đều khao khát bình an mà họ đã đánh mất vì tội lỗi, vì vậy, họ cũng đang âm thầm khao khát Thiên Chúa.

    Tâm niệm: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù; để con đem thứ tha vào nơi lăng nhục; để con đem tin kính vào nơi nghi nan; chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui đến chốn u sầu” (Lời kinh in trên thiệp giấy năm 1913).

    3. Tại sao các Kitô hữu cần phải loan truyền hòa bình?

    Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập hòa bình giữa Trời và Đất, và mở ra tất cả các cánh cửa cho cuộc sống hòa giải và niềm vui nội tâm. Nhưng sự bình an của Người không tự lan tỏa. Con người có tự do tin và chấp nhận lời kêu mời hòa giải của Thiên Chúa hay hoài nghi từ chối lời mời gọi ấy. Để đưa ra quyết định của mình, trước tiên mọi người phải được nghe lời mời gọi có Thiên Chúa sẽ có hòa bình, cả trong đời sống cá nhân cũng như giữa các nhóm hoặc các quốc gia thù địch với nhau. Họ có thể biết được điều này nếu họ gặp được những người đã được hòa giải: những người không đánh lại, không trả thù, không sử dụng bạo lực. Chia sẻ Tin Mừng bình an bằng lời nói và hành động để tạo ra sự khởi đầu và ngày càng gia tăng hòa bình đích thực.

    Tâm niệm: “Trước những nguy hiểm mà nhân loại sống trong thời đại của chúng ta, bổn phận của tất cả những người Công giáo là gia tăng sự loan báo và làm nhân chứng cho “Tin Mừng Hòa Bình” trên khắp thế giới và chứng tỏ rằng sự nhìn nhận chân lý trọn vẹn của Thiên Chúa là điều kiện tiên quyết và thiết yếu để củng cố chân lý của hòa bình” (ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình 2006).

    4. Tại sao Kitô hữu phải dấn thân xã hội?

    “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8), và “Bác ái là tâm điểm trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội” (ĐGH Bênêđictô XVI, CiV 2). Tuy nhiên, là Kitô hữu còn có nghĩa nhiều hơn là chấp nhận các xác tín và các giá trị đặc biệt. Điểm cốt lõi của Kitô hữu là sự gặp gỡ con người của Chúa Kitô. Tìm Chúa trong “người bé nhỏ nhất” trong anh em chúng ta (Mt 25:40), theo Chúa đích thực là noi gương Chúa Giêsu (Thomas à Kempis) là con đường hoàn thiện nhất của Kitô hữu. Chúa Giêsu tôn trọng tự do và phẩm giá của kẻ tội lỗi và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chính Chúa Giêsu là → Chương trình hoạt động xã hội của Giáo Hội. Giáo huấn xã hội Công giáo chỉ là sự phát triển có hệ thống về những gì đã hiện hữu trong sự viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô: Con người đã được tái khám phá trong phẩm giá độc đáo của mình (nhân vị), con người đã được giải thoát khỏi lòng tham và tội lỗi và tìm kiếm phục vụ tha nhân (tình liên đới), chú tâm đến (công ích) “phúc lợi cho thành” (Gr 29: 7), cũng như một xã hội trong đó các nhóm và các cộng đồng có thể tự do phát triển trong hòa bình và công lý (tính bổ trợ) – đó là tầm nhìn cao quý.

    Tâm niệm: “Tôi không thể nghĩ đến yêu thương mà không cần phải hòa đồng, và trên hết là chia sẻ tất cả những nỗi đau đớn và khó khăn, tất cả những nỗi khổ cực của cuộc sống. Sống cách thoải mái và giàu sang nhàn hạ nhờ vào của cải của mình khi người anh chị em nghèo khó, đau khổ, và sống khổ sở vì lao động khó nhọc – Lạy Chúa, con không thể, con không thể yêu thương như thế” (Charles de Foucauld).

    5. Đâu là bước đầu tiên dấn thân xã hội được đặt trên nền tảng đức tin?

    Không gì tạo động lực sâu sắc hơn tình yêu. Người có lòng mến thì làm được những công việc lớn lao và bền vững. Vì vậy, bước đầu tiên bao giờ cũng là có được tương quan cá nhân sâu đậm với Chúa Giêsu (“Những gì Trái Tim Chúa Giêsu muốn, tôi sẽ làm”, Charles de Foucauld), để phát triển một tình yêu sâu xa hơn bao giờ hết với Giáo Hội, và dẫn tới một cuộc sống dấn thân xã hội. Điều này sẽ thúc đẩy Kitô hữu không bỏ qua ngay cả những “người nhỏ bé nhất” mà Chúa Giêsu rất coi trọng. Mối tương quan này tạo động lực cho Kitô hữu làm chứng cho đức tin của mình ngay cả trong môi trường thù địch. Điều đó thúc đẩy đi đến lối sống được biến đổi thành lòng mến khách, hòa giải và hòa bình. Nếu cần, mối tương quan này cũng thúc đẩy Kitô hữu thậm chí hy sinh mạng sống của mình khi cần vì chính nghĩa của sự thật và công lý.

    Tâm niệm: “Tình yêu là sức mạnh lớn nhất để biến đổi thực tại vì nó kéo đổ các bức tường của ích kỷ và lấp đầy những hố ngăn cách chúng ta” (ĐGH Phanxicô).

    6. Những điều đặc biệt nào Kitô hữu phải cống hiến cho đồng loại của mình?

    Không phải những điều đặc biệt nào ngoài một người đặc biệt: Chúa Giêsu Kitô. Kitô hữu đấu tranh cho một thế giới nhân đạo hơn giữa đói nghèo và đau khổ mà họ không nhất thiết phải có những chương trình xã hội tốt hơn hoặc các chính sách tài chính tốt hơn; thường thì thậm chí họ không có chủ nghĩa lý tưởng nào quan trọng hơn trong ba lô của mình. Cơ bản họ chỉ có một điều cần loan truyền: một Thiên Chúa đã làm người. Không triết lý nào và không tôn giáo nào khác biết được nhiều đến thế về Đấng Toàn Năng. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa biết và hiểu chúng ta nơi nhân tính của chúng ta. Nhiều người ngày nay cô đơn và cảm thấy bị bỏ rơi trong một xã hội vô danh. Ngay cả Internet với tất cả các loại mạng xã hội vẫn không có thể thay thế được sự gặp gỡ giữa các cá nhân với nhau. Chúng ta vẫn khao khát được chấp nhận là những con người với những ưu điểm và khuyết điểm của mình. Lời công bố của Kitô giáo diễn tả: Mỗi cá nhân được chính Thiên Chúa yêu thương, và mỗi cá nhân có thể gặp gỡ tình yêu này nhờ vào mối tương quan với Chúa Giêsu Kitô. Đó là một thông điệp tuyệt vời, đặc biệt đối với những người đang trải qua khủng hoảng và tự hỏi mình những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống và tương lai.

    Tâm niệm: “Vào năm 1973, chúng tôi quyết định mỗi ngày chầu Thánh Thể một giờ. Chúng tôi rất bận rộn. Các nhà chăm sóc người đau ốm và những người khốn khó của chúng tôi chỗ nào cũng có người đang hấp hối. Kể từ khi chúng tôi bắt đầu chầu Thánh Thể hằng ngày, tình yêu của chúng tôi với Chúa Giêsu trở nên sâu đậm hơn, tình yêu chúng tôi dành cho nhau thắm thiết hơn, tình yêu chúng tôi dành cho người nghèo nhiệt thành hơn, và số ơn gọi tăng gấp đôi” (T. Têrêsa Calcutta).

    Bài viết liên quan