Hồng Thủy - Vatican News
Đức Thánh Cha mở đầu video ý cầu nguyện tháng 1 với hai câu hỏi: “Tại sao lại vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều tôn giáo thiểu số chịu sự kỳ thị hay bách hại? Làm sao chúng ta lại có thể để xảy ra tình trạng mà trong xã hội vốn rất văn minh này, vẫn còn có những người bị đàn áp chỉ vì họ công khai tuyên xưng đức tin của mình?”.
THÁNG GIÊNG: CẦU CHO NẠN KỲ THỊ VÀ ĐÀN ÁP TÔN GIÁO
Theo báo cáo của tổ chức Tự do Tôn giáo trên Thế giới, được tổ chức Trợ giúp các Giáo hội đau khổ công bố hồi tháng 4/2021, tự do tôn giáo bị vi phạm tại 1/3 các quốc gia trên thế giới. Báo cáo cũng cho biết hơn 646 triệu Kitô hữu đang phải sống ở các quốc gia không tôn trọng tự do tôn giáo.
Tự do tôn giáo gắn liền với khái niệm tình huynh đệ
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng tự do tôn giáo gắn liền với khái niệm tình huynh đệ. Để bắt đầu bước đi trên con đường của tình huynh đệ mà ngài đã kiên trì khẳng định trong nhiều năm, chúng ta không chỉ tôn trọng người khác, những người lân cận mà còn phải thực sự coi trọng họ “trong sự khác biệt của họ và nhìn nhận họ như những anh chị em thực sự”.
Đối với Đức Thánh Cha, “là con người, chúng ta có rất nhiều điểm chung để có thể sống bên cạnh nhau, chào đón sự khác biệt của chúng ta với niềm vui được trở thành anh chị em”. Nếu không có tiền đề này, thì không thể thực hiện con đường hướng tới hòa bình và sống cạnh nhau.
Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy chọn con đường của tình huynh đệ. Bởi vì, hoặc chúng ta là anh chị em của nhau, hoặc chúng ta đánh mất tất cả.”
Tình huynh đệ là biên giới mới của nhân loại
Nhận định về ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 1, cha Frederic Fornos, giám đốc Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Giáo hoàng, nói: “Đức Phanxicô đã cho chúng ta một chiếc la bàn với thông điệp Fratelli tutti của ngài về tình huynh đệ nhân loại. Như ngài cũng đã nói trong sứ điệp của mình cho Ngày Quốc tế lần thứ nhất về Tình Huynh đệ Nhân loại rằng: “Ngày nay, tình huynh đệ là biên giới mới của nhân loại. Hoặc chúng ta là anh chị em hoặc chúng ta tiêu diệt lẫn nhau. Điều quan trọng là phải nhận ra điều gì làm tổn thương tình huynh đệ, để chữa lành nó và tránh bị chuyển thành kỳ thị và bách hại tôn giáo, như thường xảy ra, đặc biệt là đối với các Kitô hữu. Chúng ta hãy hết lòng cầu nguyện cho ý chỉ này: ‘cho tất cả những người đang chịu sự kỳ thị và bách hại tôn giáo; chớ gì các quyền và phẩm giá của chính họ được công nhận, điều xuất phát từ việc chúng ta là anh chị em trong gia đình nhân loại.’” (CSR_14_2022)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 33 | Tổng lượt truy cập: 4,413,691