Vị trí địa lý

  • 07/05/2023
  • Giáo phận Thái Bình bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Bình và gần hết tỉnh Hưng Yên. Phần đất tỉnh Thái Bình ngày nay, thời Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ; đời vua Minh Mạng, trấn Sơn Nam Hạ được đổi tên thành trấn Nam Định, sau đổi tên thành tỉnh Nam Định.
     

     

    Giáo phận Thái Bình bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Bình và gần hết tỉnh Hưng Yên. Phần đất tỉnh Thái Bình ngày nay, thời Lê thuộc trấn Sơn Nam Hạ; đời vua Minh Mạng, trấn Sơn Nam Hạ được đổi tên thành trấn Nam Định, sau đổi tên thành tỉnh Nam Định. Ngày 21/3/1890, tỉnh Thái Bình được thành lập tách ra từ tỉnh Nam Định. Phần đất tỉnh Hưng Yên ngày nay, thời Lê có tên là Phủ Khoái Châu thuộc trấn Sơn Nam Thượng; thời vua Minh Mạng, trấn này được đổi tên thành tỉnh Hưng Yên. Giáo phận Thái Bình có tổng diện tích 2.220 km2, bắt đầu từ Giáo xứ An Vỹ, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên trải dài theo hướng Đông Đông Nam đến vịnh Bắc Bộ và chấm dứt ở bờ biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. 

    Giáo phận Thái Bình nằm gọn trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, vị trí địa lý vào khoảng 20,17 - 20,44 độ Vĩ Bắc và 106,06 - 106,39 độ Kinh Đông, phía Bắc giáp Giáo phận Hà Nội và Bắc Ninh; phía Đông Bắc giáp Giáo phận Hải Phòng; phía Tây và Tây Nam giáp Giáo phận Bùi Chu và phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ. 

    Địa bàn Giáo phận không có rừng núi, bốn phía được bao bọc bởi hệ thống sông và biển. Bờ biển dài trên 52km và có bốn con sông lớn chảy qua, bao gồm: Sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng và sông Trà Lý. Những con sông này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông, canh nông, bồi đắp phù sa, mà còn là nơi ghi dấu nhiều biến cố lớn trong lịch sử dân tộc. Năm xưa, để giữ vững tinh thần quân sỹ trong lần thứ 3 chống quân Nguyên (năm Đinh Hợi 1287), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ vào sông Hóa mà thề rằng: “Phen này không phá được giặc, thề không trở lại khúc sông này nữa”. Đồng thời, Thái Bình có năm cửa sông lớn là: Cửa Văn Úc, cửa Diêm Điền, cửa Ba Lạt, cửa Trà Lý và cửa Lân. Các con sông này đều chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều: mùa hè mức nước dâng nhanh, lưu lượng lớn với hàm lượng phù sa cao; mùa đông lưu lượng giảm nhiều nên lượng phù sa không đáng kể. Nước mặn ảnh hưởng sâu vào đất liền. Vùng đất nơi đây có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với bốn mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình vào khoảng 23 - 24oC. Với vị trí địa thế như vậy, nên từ thời Hùng Vương dựng nước, nơi đây đã là chốn dừng chân của lớp người đi khai hoang mở đất. 
    Cũng giống như cái tên thân thương Thái Bình, người dân nơi đây vốn tính cần cù chất phác, quanh năm làm bạn với ruộng đồng một nắng hai sương, vì phần đa đều sống bằng nghề nông. Ngoài những ngành nghề truyền thống như trồng lúa, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy hải sản, ... thì những nghề phụ như trồng dâu, nuôi tằm, dệt chiếu, chạm bạc, ... cũng đã có từ xa xưa, qua dòng thời gian đã nhiều phen khởi sắc. Còn vùng Hưng Yên nổi tiếng với đường mía và nhãn lồng. Quả là: 

    “Ngọt ngào đường mía Hưng Yên
    Tơ tằm làng Mẹo, dệt duyên Hưng Hà
    Chiếu cói Quỳnh Phụ bao la
    Trên sông dưới bến ngân nga điệu chèo”

    (Ca dao).

     

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan