Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 - Cùng nhau Loan Báo Tin Mừng

  • 23/11/2024
  • Dưới sự ủy thác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Loan báo Tin mừng nhận trách nhiệm xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam. Sau đây là “Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 - Cùng nhau Loan báo Tin mừng” được soạn thảo bởi Ủy ban Loan báo Tin mừng.

     

    ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

    72/12 Trần Quốc Toản - Võ Thị Sáu - Quận 3 - Tp.HCM - Việt Nam

    Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022

     

    KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

    SỐNG NĂM THÁNH 2025  CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG

    Kính gửi quý cha, quý phó tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa,

    Trong dịp Hội nghị Thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 16 đến 20 tháng 9 vừa qua, quý Đức cha đã thống nhất uỷ thác cho Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBLBTM/HĐGMVN) xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam. Lãnh nhận trọng trách này, hôm nay UBLBTM/HĐGMVN kính gửi đến tất cả anh chị em “Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 – Cùng nhau Loan báo Tin Mừng” và mời gọi mọi người cùng nhau thực hiện.

    Kế Hoạch Thực Hiện này tiếp nối tinh thần Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được công bố vào ngày 20/09/2024, để chuẩn bị cho việc sống Năm Thánh 2025 và năm “Cùng nhau Loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam. Trong tương lai, UBLBTM/HĐGMVN sẽ phối hợp với các Ủy ban của Hội đồng Giám mục để đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn. Trong Năm Phụng vụ 2025 này, chúng ta cùng nhau thực hiện một số việc cụ thể được đề nghị như sau:

    1. Hành Hương Cầu Nguyện

    Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta đi hành hương và cầu nguyện. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

    a. Trong giờ cầu nguyện tại điểm hành hương, các tín hữu cùng nhau đọc trực tiếp và suy niệm các bản văn Lời Chúa đề cập đến sứ vụ truyền giáo.[1] Việc này sẽ giúp các tín hữu ý thức sâu xa hơn rằng sứ mệnh Loan báo Tin Mừng chính là ơn huệ Chúa ban cho mỗi người qua Bí tích Rửa tội và chúng ta đừng để ơn ấy trở nên vô hiệu.[2] Các bản văn Kinh Thánh có thể được chuẩn bị bởi các giáo phận, các trung tâm hành hương hoặc do chính mỗi người chúng ta.

    b. Trước khi kết thúc các giờ cầu nguyện tại các Trung tâm Hành hương, mọi người cùng đọc kinh cầu cho việc truyền giáo.[3]

    2. Loan báo Tin Mừng từ Gia đình

    Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

    a. Cầu nguyện cho việc truyền giáo là tiếp lửa cho công cuộc truyền giáo. Vì thế, vào trước lúc kết thúc giờ kinh hằng ngày, riêng hoặc chung, mỗi cá nhân và gia đình đọc Lời nguyện dưới đây:

    Lạy Cha, xin cho tất cả mọi dân tộc nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng được Cha sai đến. Xin cho chúng con không mệt mỏi rao giảng về Đức Giêsu cho anh chị em mình để mọi người được hưởng sự sống đời đời.[4]

    Thêm vào đó, mỗi người sốt sắng đọc Kinh Truyền Giáo cùng cộng đoàn trước hoặc sau khi tham dự Thánh lễ, các buổi gặp gỡ cầu nguyện chung tại nhà thờ hoặc nơi thôn xóm.

    b. Sống chứng tá Tin Mừng: Mỗi cá nhân và gia đình ghi nhớ rằng một đời sống đậm chất Tin Mừng là dấu chỉ rõ nét nhất để cho mọi người nhận biết Chúa Kitô.[5] Các gia đình trở nên chứng tá của Tin Mừng qua những cách thức như sau:

    1) Các thành viên sống hòa thuận trong gia đình và thân tình với xóm giềng. Tránh bàn tán nói xấu hay cãi vã lớn tiếng; tập kiên nhẫn trước những bất hoà; học cách giải quyết khó khăn, xung đột bằng đối thoại chân thành, và sửa lỗi cho nhau theo tinh thần Tin Mừng[6].

    2) Mỗi thành viên trong gia đình Công giáo kết thân với một người hay một gia đình chưa nhận biết Chúa và siêng năng thăm hỏi họ, đồng thời lắng nghe cũng như chia sẻ với họ những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống hằng ngày.

    c. “Bốn bước Rao giảng Tin Mừng theo lời dạy của Chúa Giêsu”[7]

    Đời sống Giáo hội hệ tại ở việc học nơi Chúa Giêsu và thực thi lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ …” (Mt 28,19-20). Chính Ngài đã hướng dẫn cụ thể về các bước rao giảng Tin Mừng mà chúng ta có thể thực hiện, để giới thiệu Chúa cho mọi người. Nội dung này đã được Văn phòng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Việt Nam phổ biến.

    3. Sử dụng phương tiện truyền thông để Loan báo Tin Mừng

    Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cách sáng tạo và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau: 

    a. Chuyển tải sứ điệp Tin Mừng: Hãy ưu tiên cùng nhau chia sẻ những đoạn Lời Chúa trên các phương tiện truyền thông. Hãy cùng nhau học hỏi Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh về công cuộc Truyền giáo. Nhờ đó, chúng ta không bị “đánh gục” bởi phương tiện truyền thông; trái lại, biết sử dụng nó phục vụ sứ mệnh Loan báo Tin Mừng.

    b. Tránh xa bạo lực ngôn từ: Các Kitô hữu trước hết cần tránh sử dụng ngôn ngữ bạo lực trên không gian mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, vì điều này không xuất phát từ Thiên Chúa và không thể chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho tha nhân.[8] Thay vào đó, hãy tích cực chia sẻ và khích lệ nhau bằng lời lẽ khiêm nhường, yêu thương, để lan tỏa hương thơm Tin Mừng trên không gian mạng, như lời thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29).

    c. Cảnh giác với những trang mạng nguy hại: Anh chị em hãy cảnh giác với các trang mạng giả danh và có tính hủy hoại giá trị Tin Mừng nhằm trục lợi cá nhân hoặc gây chia rẽ tình hiệp thông trong các cộng đoàn Hội thánh. Chúng ta cần cảnh giác để không bị mắc vào bẫy, và cần có sự “khôn ngoan của con tim” để sử dụng và xây dựng một hệ thống “truyền thông nhân bản trọn vẹn”.[9]

    4. Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu

    Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi các giáo xứ cần chuẩn bị chu đáo hành trang đức tin, đức cậy, đức mến, và lòng nhiệt thành truyền giáo cho các tín hữu của mình và cần có những nâng đỡ cụ thể, giúp họ (đặc biệt anh chị em di dân) hội nhập và sống tinh thần truyền giáo. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

    a. Chầu Thánh Thể để hun đúc hồn tông đồ truyền giáo

    Đề nghị mỗi giáo phận chọn MỘT ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm dành cho việc chầu Thánh Thể cầu nguyện cho truyền giáo, với khát khao cho mỗi chúng ta ngày càng hiểu biết Đức Giêsu hơn, yêu Ngài hơn và bước theo Ngài sát gần hơn để có thể dấn thân hơn trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. Hình thức thực hiện có thể như sau:

    1) Vào ngày được ấn định, sau thánh lễ sáng, nhà thờ không đóng cửa để các tín hữu tự do lui tới chầu Thánh Thể thầm lặng (10-15 phút). Đến cuối ngày, mời gọi cộng đoàn chầu 30 phút trọng thể.

    2) Vào ngày được ấn định, tùy theo hoàn cảnh, mỗi giáo xứ (dòng tu) tổ chức một hoặc nhiều giờ chầu 30 phút trọng thể.

    3) Vào ngày được ấn định, có thể tổ chức “24 giờ dành cho Chúa.” Tất cả các giờ chầu này chỉ nhằm một mục đích là xin cho mỗi người chúng ta ngày càng hiểu Đức Giêsu hơn, yêu Ngài hơn và bước theo sát Ngài hơn trên con đường sứ vụ, dấn thân hơn trong hành trình loan báo Tin Mừng.[10]

    b. Khai mở chương trình tìm hiểu Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa

    Để mọi thành phần Dân Chúa và những anh chị em lương dân thiện chí có cơ hội tiếp cận trực tiếp với Lời Chúa và được Lời Chúa nuôi dưỡng, các linh mục tu sĩ, đặc biệt là các cha xứ, có vai trò quan trọng trong việc tích cực khai mở chương trình tìm hiểu Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa trong năm 2025. Thêm vào đó, UBLBTM/HĐGMVN rất mong quý cha và quý tu sĩ, ngoài những bổn phận hằng ngày, cộng tác với nhau và dành ít là 10 tiếng đồng hồ trong năm 2025, để tham gia vào việc hướng dẫn lớp Kinh Thánh.[11]

    c. Hình thức đọc kinh liên gia và sinh hoạt theo các tổ sống đạo.

    Đây là cách loan báo Tin Mừng của những tín hữu thời sơ khai. Các ngài đã đọc kinh cầu nguyện tại tư gia và từ đó các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản được hình thành. Tiếp tục cách thức đó, UBLBTM/HĐGMVN rất mong các giáo xứ hình thành những nhóm đọc kinh liên gia, các tổ sống đạo, để từ đó Lời Chúa được vang lên trong mọi hoàn cảnh và mọi ngõ ngách của cuộc sống. Cách đặc biệt, chúng tôi xin anh chị em di dân luôn ý thức rằng: chúng ta xa quê không chỉ để kiếm sống, nhưng còn để loan báo Tin Mừng. Vì vậy, anh chị em hãy khích lệ nhau trong đời sống đức tin; hãy quy tụ lại với nhau trong các giờ kinh nguyện, các giờ học hỏi Lời Chúa, và hãy hiệp thông với vị chủ chăn của giáo xứ nơi anh chị em đang sinh sống, vì tất cả chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa.[12]

    d. Đến với những vùng ngoại biên

    Các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm được hình thành phát triển và đi vào ổn định, đặc biệt tại các giáo xứ kỳ cựu và truyền thống, đem lại niềm vui cho hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, hãy đề phòng với những thói quen trong nhịp sinh hoạt đức tin và mục vụ, cha xứ dâng lễ, giảng lễ và giải tội, giáo dân dự lễ ngày Chủ Nhật, thiếu nhi học giáo lý, ban điều hành giáo xứ /giáo họ lo xây dựng hoặc tổ chức mừng các lễ lớn và các sự kiện; các tu sĩ lo chu toàn bổn phận hàng ngày, đọc Kinh Phụng Vụ, tham gia các hoạt động từ thiện…. Đừng coi như thế là đủ!

    Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta rằng như thế chưa đủ! Ngài nhấn mạnh: “Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình…” (EG 49).

    Trong tinh thần “cùng nhau Loan báo Tin Mừng,” mọi thành phần Dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân, được mời gọi đến với vùng ngoại biên của chính mình, gia đình và giáo xứ mình, hãy cùng nhau đi thăm viếng một số gia đình trong địa bàn của mình, để từ đó Lời Chúa được vang lên qua các cuộc thăm viếng đó. Việc này không phải chỉ thực hành trong Năm Thánh 2025 nhưng là bước khởi đầu cho một lộ trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam trong thời gian tới.

    Thưa anh chị em, trên đây là một vài gợi ý cụ thể do UBLBTM/HĐGMVN đề nghị để giúp chúng ta sống Năm Thánh 2025 một cách ý nghĩa và thiết thực hơn. Những gợi ý này được khởi đầu trong Năm Thánh 2025 và tiếp tục trong những năm sau. Ủy Ban rất mong được các thành phần dân Chúa đón nhận và thực hiện trong tinh thần hiệp nhất của người môn đệ Chúa Giêsu. Ủy Ban cũng rất mong mọi người góp thêm sáng kiến để các hoạt động truyền giáo ngày càng sinh động và đem lại hiệu quả như lòng Chúa mong muốn.

    Chúng tôi xin trao phó Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh 2025 – Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng nơi lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho tất cả chúng ta.

    Hưng Hóa, ngày 20 tháng 11 năm 2024

    UBLBTM/HĐGMVN

    Chủ Tịch

    +Đaminh Hoàng Minh Tiến

    Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

    ---- + ----

    PHỤ LỤC 1

    CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH VỀ TRUYỀN GIÁO

    Những bản văn Kinh Thánh về truyền giáo dưới đây được khuyến khích công bố và suy niệm trong các cuộc hành hương tại các trung tâm hành hương, hoặc các nhà thờ được chỉ định cho việc hành hương trong Năm Thánh 2025.

    A. Cựu Ước

    1. Sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất: 1 Sb 16, 8-24.

    2. Sách tiên tri Isaia: Is 6, 8-13; 57, 7-12.

    3. Sách tiên tri Giêrêmia: Gr 1, 7-15.

    B. Tân Ước

    1. Tin Mừng theo thánh Matthêu: Mt 28, 18-19.

    2. Tin Mừng theo thánh Maccô: Mc 16, 14-20.

    3. Tin Mừng theo thánh Luca: Lc 10, 1-12; 10, 17-20.

    4. Tin Mừng theo thánh Gioan: Ga 20, 21-23.

    5. Sách Công vụ Tông đồ: Cv 1, 6-11; 13, 44-49.

    6. Thư gửi tín hữu Rôma: Rm 10, 12-17.

    ---- + ----

    PHỤ LỤC 2

    MẪU KINH TRUYỀN GIÁO

    Thêm Kinh Truyền giáo vào cuối các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ hoặc trong khu xóm. Có thể chọn một trong hai mẫu dưới đây:

    Mẫu 1 – Cuối giờ kinh, người hướng dẫn gợi ý: 

    Giờ đây chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho việc truyền giáo trong Hội Thánh

    Sau một vài giây thinh lặng, cộng đoàn đọc chung kinh Lạy Cha.

    Mẫu 2 – Cuối giờ kinh, cộng đoàn đọc Kinh Truyền giáo, hoặc hát một bài về chủ đề này.

    Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha yêu thương sáng tạo và cứu độ muôn loài, Cha đã sai Con Một làm người ở giữa chúng con.

    Người đã hy sinh chịu chết và phục sinh, để quy tụ tất cả nhân loại vào Nước Cha. Cha đã gửi Thánh Thần đến để xây dựng một cộng đồng nhân loại mới biết yêu thương và hiệp nhất theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, chúng con cảm tạ Cha vì hồng ân cứu độ Cha đã thương ban cho chúng con. Xin Cha thắp lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn chúng con.

    Xin Cha dạy chúng con biết chiêm ngắm và bước theo Đức Kitô trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước. Xin dạy chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ, biết chia sẻ của cải tinh thần và vật chất cho người nghèo khổ, bất hạnh và biết góp phần vào việc mở mang Nước Cha.

    Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh Mân Côi, xin Cha làm cho chúng con trở nên những chứng nhân Tin Mừng, hôm nay và mãi mãi. Amen.

    ---- + ----

    PHỤ LỤC 3

    BỐN BƯỚC RAO GIẢNG TIN MỪNG THEO LỜI DẠY CỦA CHÚA GIÊSU

    “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệlàm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

    Bước 1 – ĐI

    - Hãy bước ra khỏi lòng mình để hướng tới một người lương dân.

    - Hãy bước ra khỏi nhà mình để đến thăm một người lương dân.

    - Hãy gọi điện hoặc nhắn tin cho một người lương dân.

    Bước 2 – LÀM cho muôn dân TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ 

    - Hãy trở nên người hàng xóm tốt với láng giềng.

    - Hãy là người tiên phong mời gọi mọi người chung tay kiến tạo khu xóm mình trở nên tốt đẹp hơn.

    - Hãy mạnh dạn chia sẻ câu chuyện đức tin của mình về Chúa Giêsu cho mọi người và mời gọi họ làm quen với Ngài.

    Bước 3 – LÀM PHÉP RỬA cho họ…

    - Hãy dẫn đưa họ vào Cộng đoàn Hội Thánh

    Bước 4 – DẠY BẢO HỌ tuân giữ những điều Thầy đã truyền…

    - Đừng bỏ họ dọc đường nhưng hãy tiếp tục đồng hành với họ sau khi Rửa Tội thêm nhiều năm nữa…

    - Hãy huấn luyện họ trở thành người có khả năng “đi và làm… môn đệ Chúa Giêsu…”

    ---- + ----

    PHỤ LỤC 4

    CÁC ĐỀ TÀI SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ VỀ RAO GIẢNG TIN MỪNG

    Đề tài 1: Khởi đầu Sứ vụ trong Thánh Thần

    Đề tài 2: Thiên Chúa – Đấng là chủ Sứ vụ

    Đề tài 3: Đức Giêsu – Đấng trực tiếp thi hành Sứ vụ

    Đề tài 4: Hội Thánh – Người tiếp nối Sứ vụ của Thiên Chúa

    Đề tài 5: Chúa Thánh Thần – Đấng đồng hành với Hội Thánh trên con đường Sứ vụ 

    Đề tài 6: Trong lòng Hội Thánh – Chúng ta cùng nhau thi hành Sứ vụ

    Đề tài 7: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống cầu nguyện

    Đề tài 8: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống thanh thoát

    Đề tài 9: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống thanh khiết

    Đề tài 10: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống vâng phục

    Đề tài 11: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Yêu thương và Phục vụ

    Đề tài 12: Đức Maria người môn đệ mẫu mực để Rao giảng Tin Mừng

    Lưu ý

    1. Trên đây chỉ là các đề tài tổng quát. Những gợi ý chi tiết sẽ được gửi qua phương tiện truyền thông khoảng từ 2-3 tuần trước khi sử dụng.

    2. Những gợi ý trong các đề tài suy niệm của năm 2025 đều lấy nguồn từ Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, cụ thể Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gemtes.

    3. Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.

    4. Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một điểm. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.

    5. Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.

    Tải file về tại đây!

    _______

    [1] x. Phụ Lục 1: Gợi Ý Những Đoạn Kinh Thánh Về Truyền Giáo, tr.6.

    [2] x. 1Cr 15, 9.

    [3] x. Phụ Lục 2: Mẫu Kinh Truyền Giáo, tr.6-7.

    [4] x. Ga 17, 2-3.

    [5] x. AG 20.

    [6] x. Mt 18, 15-17.

    [7] x. Phụ Lục 3: Bốn Bước Rao Giảng Tin Mừng, Văn phòng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Việt Nam – PMS VN, tr.7.

    [8] x. Cl 3, 8.

    [9] x. Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2024, ĐTC Phanxicô.

    [10] UBLBTM/HĐGMVN gợi ý một số suy niệm chầu trong phần phụ lục 4, tr.8. 

    [11] Chương trình tìm hiểu và cầu nguyện với Lời Chúa, gồm 10 tiết, đã được soạn và thực hiện bởi Văn phòng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Việt Nam (PMS-VN). 12 x. 1 Cr 3, 21-23.

    [12] x. 1 Cr 3, 21-23.

    Nguồn: hdgmvietnam.com

    Bài viết liên quan