Ủy ban Giáo dân - Thường huấn tháng 02/2025: Giới trẻ và sức sống mới mẻ của Giáo Hội

  • 02/02/2025
  • Ban Nghiên huấn của Ủy ban Giáo dân đã có loạt bài thường huấn dành cho giáo dân trong tháng 02/2025 với chủ đề: “Giới trẻ và sức sống mới mẻ của Giáo hội”.

     

    Ủy ban Giáo dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

                              Ban Nghiên Huấn

    THƯỜNG HUẤN GIÁO DÂN THÁNG 02/2025

    Chủ đề: Giới trẻ và sức sống mới mẻ của Giáo hội

    BÀI I - MẦU NHIỆM GIÁO HỘI: DÂN THIÊN CHÚA, DÂN ĐƯỢC SAI ĐI

    BÀI II - MỤC VỤ GIỚI TRẺ: HẠT NHÂN CỦA SỰ ĐỔI MỚI

    BÀI III - THÁI ĐỘ CỞI MỞ VÀ TÔN TRỌNG: NHẠY BÉN TRONG GIAO TIẾP VỚI CÁC NỀN VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

    BÀI IV - CẦU NGUYỆN: VIỆC TÔNG ĐỒ ƯU TIÊN

    BÀI I - MẦU NHIỆM GIÁO HỘI: DÂN THIÊN CHÚA, DÂN ĐƯỢC SAI ĐI

    Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng

    Dân Thiên Chúa là danh hiệu đặc thù và ưu tuyển được Công Đồng Vatican II dùng để chỉ về Giáo Hội. Hiến chế tín lý về Giáo Hội dành cả chương hai cho chủ đề này. Bởi Giáo Hội là một mầu nhiệm, nên lý trí loài người không thể am tường trực tiếp qua khái niệm trừu tượng được; vì thế, Công Đồng dùng những ẩn dụ hoặc hình bóng của Kinh Thánh để mô tả thực thể của Giáo Hội. Hình bóng thứ nhất là “Dân Thiên Chúa”.

    1. Dân Thiên Chúa: Bình thường một người sinh ra đều có quốc tịch, nguồn cội. Họ có nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân. Trong Giáo hội cũng thế, những ai được rửa tội thì được gọi là con cái của Thiên Chúa, hoặc người ấy thuộc về một cộng đoàn dân của Thiên Chúa. Thực ra thuật ngữ “dân Chúa xuất hiện khá sớm trong Kinh Thánh. Trải qua dòng lịch sử thánh và phát triển của Giáo hội, thuật ngữ này mang nhiều ý nghĩa mỗi ngày một sâu sắc hơn. Khi gọi Giáo Hội là “dân” Thiên Chúa, Công Đồng Vaticanô II muốn nêu bật sự kiện Giáo Hội bén rễ vào cả trong lịch sử cứu độ lẫn trong lịch sử loài người: Giáo Hội cùng mang thân phận với con người, và sống trong tầm tác động của ảnh hưởng hỗ tương với loài người. “Bụi trần của lịch sử” đã để lại trong Giáo Hội những di sản vinh quang cũng không thiếu mà đen tối cũng quả là nhiều, và Giáo Hội nhận trách nhiệm về mọi điều tốt xấu đã do mình tạo ra. Mang tính lịch sử, Giáo Hội đang từng bước hình thành, chưa hoàn tất; đã, đang, và sẽ tiếp tục biến đổi; đàng khác, Giáo Hội sống cộng sinh với xã hội loài người: Công Đồng Vatican II nhận định rằng “Giáo Hội biết mình đã nhận được rất nhiều từ nơi lịch sử và đà tiến hóa của nhân loại”; giữa Giáo Hội và các nền văn hóa bao giờ cũng có một quan hệ trao đổi hỗ tương, với kết quả là “Giáo Hội có thể được phong phú thêm và thực sự đang được giàu có thêm nhờ đà tiến hóa của cuộc sống xã hội nhân loại”. (Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 44.) Ðể rời riêng một mình thì khái niệm “dân Thiên Chúa” khó mà hiểu được, vì thế cần phải được bổ túc bằng khái niệm “thân thể Ðức Kitô” và Dân Thiên Sai.

    2. Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Kitô (GLHT 789 - 793): Vì mọi người trong Giáo Hội được Chúa Thánh Thần liên kết với Đức Kitô và với nhau, tạo thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu. Việc so sánh Giáo Hội với một thân thể làm sáng tỏ sự ràng buộc thân mật giữa Giáo Hội và Đức Kitô. Giáo Hội không chỉ được quy tụ quanh Đức Kitô; Hội Thánh được nên một trong Người, trong Thân Thể của Người. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể Đức Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn vinh.” Sự hợp nhất trong Thân Thể không làm mất tính đa dạng của các chi thể: “Trong việc xây dựng Thân Thể của Đức Kitô, có sự đa dạng của các chi thể và các phận vụ. Chỉ có một Thần Khí, Đấng phân phát các hồng ân khác nhau của Ngài, theo sự phong phú của Ngài và theo nhu cầu của các thừa tác vụ để mang lại lợi ích cho Hội Thánh.” Sự hợp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và cổ võ đức mến giữa các tín hữu. “Từ đó, nếu một chi thể đau khổ, thì tất cả các chi thể đều đau khổ; còn nếu một chi thể được vinh dự, thì tất cả các chi thể đều chung vui.” Sau cùng, sự hợp nhất của Thân Thể Đức Kitô chiến thắng mọi chia rẽ nhân loại: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô; không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,27-28).

    3. Dân Thiên Sai : Hiến chế Lumen Gentium gọi Giáo Hội là “Dân Thiên sai”,(Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, số 9b) nghĩa là dân của Ðấng Thiên sai, của Ðức Kitô. Dân tộc này ở vào “thời đại cuối cùng”, đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Ðức Kitô, cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung (Congar, Y.,Le peuple Messianique, Paris 1975). Thiên sai” có nghĩa là gì? Ðó thành ngữ dịch từ “Mêsia” (Hipri) hoặc “Khristós” (Hy Lạp), tức là “Kitô”, có nghĩa là được “xức dầu”, và chỉ về nhà vua Israel trong tư thế là vị đại diện của Yahweh (x. 1Sm 9:16). Những lúc gặp khủng hoảng, dân Israel hằng hy vọng Chúa Yahweh sẽ sai một “Vị được xức dầu” (Thiên sai) để phục hồi tình trạng thịnh vượng an bình; niềm hy vọng ấy biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Giáo Hội là thân thể của Ðấng được xức dầu (Mêsia, Thiên sai), tức là Dân thiên sai vậy. Ðược xức dầu do chính Thần Khí xuống trên nhóm tông đồ (x. Cv 2), và mọi phần tử cũng đều được xức dầu qua các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức. Mãi cho đến ngày Cánh chung, Giáo Hội có bổn phận phải tiếp tục thực thi sứ mạng Ðức Kitô đã trao phó.

    Trước hết, Dân Thiên sai mang trong mình một niềm hy vọng. Trong một thế giới lộ rõ thất vọng, lạc mất hướng, lẫn lộn giá trị nhân văn với siêu việt, dân Kitô phải xác tín làm chứng cho những giá trị ấy. Như thế nào? Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân nhận định: “Tự bản chất của chúng, một số công việc có thể biểu lộ tình yêu cách sống động. Chúa Kitô đã muốn những việc đó làm dấu chỉ cho sứ mệnh thiên sai (x. Mt 11:4-5)”;(Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, số 8a.) Sắc lệnh về đời sống linh mục xác định cụ thể hơn: Chúa Kitô lấy “việc rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ và yếu đuối làm biểu chứng cho công tác thiên sai”.(Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, số 6c) Là Dân thiên sai, Giáo Hội có bổn phận trở nên “một dân cho muôn dân”, nghĩa là dấn thân cho mọi người được sống như Thiên Chúa muốn; hoặc nói cách khác, cho vương quyền Thiên Chúa đến được với họ. Bởi là Dân thiên sai “tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo”.(Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes, số 2a) Phải cất cao tiếng rao truyền cho thiên hạ nghe biết Tin Mừng cứu độ. Kinh Thánh gọi Ðấng Thiên sai là “niềm hy vọng của muôn dân” (Mt 12:21; Rm 15:12); giờ đây Dân thiên sai phải quyết tâm sống và hành động làm sao để có thể đưa Ðức Kitô đến với những ai “không có niềm hy vọng” (1Tx 4:13). Ðức Kitô muốn Giáo Hội phải là niềm hy vọng cho thế giới; nhưng thực tế cho thấy là nhiều người trong thế giới không còn tín nhiệm Giáo Hội; chính vì thế, dân Kitô càng cần phải cải thiện không ngừng. Dân thiên sai lữ hành sẽ về tới vương quốc cánh chung, lúc mà Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự.

    Như thế, nhờ tin vào Đức Ki-tô, qua Phép Rửa, chúng ta được gia nhập Dân thánh này, một Dân Có Thủ lãnh, có Đấng làm đầu là Đức Ki-tô (Cl 1, 18). Có phẩm giá là được làm con cái Thiên Chúa, là anh em của Đức Ki-tô (Ga 20, 17), là Đền thờ Chúa Thánh Thần (Eph 2, 22). Có giới luật là yêu thương (Ga 13, 34; 15, 12). |Có sứ mạng làm muối ướp mặn, và làm ánh sáng soi dẫn trần gian (Mt 5, 13-16) qua sứ mạng Loan Báo Tin Mừng.

    Câu hỏi thảo luận

    1) Vì sao gọi Giáo Hội là Dân Thiên Chúa?

    2) Là chi thể trong thân thể Đức Kitô anh chị em đã xây dựng sự Hiệp nhất yêu thương như thế nào trong gia đình và trong cộng đoàn?

    3) Thuộc về Đức Kitô, là dân được sai đi, anh chị em có nghĩ mình phải thực hiện sứ mạng Loan Báo Tin Mừng không?

    _______

    BÀI II - MỤC VỤ GIỚI TRẺ: HẠT NHÂN CỦA SỰ ĐỔI MỚI

    Lm. Antôn Hà Văn Minh

    Thế giới thay đổi rất nhanh, thế hệ trẻ của thế kỷ hôm nay đang đối diện với nhiều thách đố trước sự phát triển như vũ bão về khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sơ, được gọi thời đại 4.0. Theo Science Alert, ngày 1/1/2025 đánh dấu sự khởi đầu của Thế hệ Beta, bao gồm những người sinh từ năm 2025 đến 2039. McCrindle cho rằng cuộc sống của Thế hệ Beta sẽ được định hình bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, đồng thời họ sẽ đối mặt với những thách thức xã hội lớn như khủng hoảng khí hậu và biến động dân số toàn cầu.

    Tuy nhiên giới trẻ hôm nay, mặc dầu được tiếp cận với một nền khoa học công nghệ tiến bộ vượt bực, nhưng vẫn bị rơi vào một vòng xoáy của chủ nghĩa hưởng thụ ích kỷ, để rồi những tiến bộ khoa học kỹ thuật thay vì mang lại cho các bạn trẻ một niềm vui tràn đầy hy vọng trong cuộc sống, các bạn lại phải mang nhiều nỗi thất vọng đắng cay, khi trong tay chỉ nắm chắc một chiếc điện thoại thông minh, có thể tương tác với nhiều người trên khắp thế giới, nhưng lại có cuộc sống cô độc, vắng hơi ấm của tình người. Như một bà mẹ đơn thân đã xẻ chia: “Xã hội hiện đại, nơi phụ nữ không còn kém cạnh đàn ông, cũng làm mờ nhạt dần hình ảnh của mái ấm gia đình truyền thống. Tất cả chạy theo vòng quay của vật chất, sự nghiệp, và những giấc mơ to lớn. Nhưng khi đêm về, trong căn phòng trống trải, phụ nữ chỉ còn lại chính mình với những suy tư không hồi kết. Những người phụ nữ có nhan sắc thường đạt được gần như mọi thứ: Công việc, tiền tài, sự ngưỡng mộ. Nhưng hạnh phúc gia đình, thứ vốn dĩ giản dị, lại là điều mà họ mãi không thể có trọn vẹn”[1].

    Đứng trước thực tại này Đức thánh cha Phanxicô đã khích lê: Này các bạn trẻ, chúng ta thường thấy mình đang phải chiến đấu chống lại một lực hấp dẫn tiêu cực kéo chúng ta xuống, một lực quán tính áp đặt muốn chúng ta nhìn mọi thứ đều xám xịt. Khi điều này xảy ra thì chúng ta phải làm gì? Hãy trỗi dậy! Nhưng để trỗi dậy, chúng ta đừng quên rằng, trước hết chúng ta phải để cho mình được nâng lên. Chúng ta hãy để cho Chúa nắm lấy tay chúng ta, vì Ngài là Đấng không bao giờ làm những ai tin cậy nơi Ngài phải thất vọng, mà luôn nâng đỡ và tha thứ”[2].

    Do đó mục vụ giới trẻ hôm nay phải làm sao giúp các ban trỗi dậy. Trỗi dậy để đối diện với cuộc sống chứ không phải ngồi trên ghế. Các bạn có từng nghĩ, có từng tưởng tượng xem một người trẻ sẽ như thế nào khi ngồi lì trên ghế sofa suốt cuộc đời mình chưa? Các bạn đã hình dung ra điều này chưa? Hãy tưởng tượng điều này; và có những “chiếc sofa” khác nhau bám chặt lấy chúng ta và không cho chúng ta đứng dậy[3].

    1. Hướng dẫn giới trẻ “trỗi dậy” đẻ lên đường tìm gặp Đức Kitô

    Đức thánh cha Phanxicô đã nhìn thấy giới trẻ không chỉ là tương lai mà là hiện tại của thế giới, ngài nói: “chúng ta không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú”.[4] Bởi đó, Giới trẻ phải là dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới hôm nay, một thế giới mà nơi đó giới trẻ đang gặp nhiều khủng hoảng và tổn thương. Tông Huấn Christus vivit đã vẽ lên bức tranh ảm đạm này: nhiều người trẻ đang sống trong bối cảnh chiến tranh và phải gánh chịu bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nô lệ tình dục và khai thác tình dục, hãm hiếp trong chiến tranh, v.v. Nhiều người trẻ khác vì đức tin của mình mà khó tìm được một việc làm trong xã hội và phải gánh chịu nhiều hình thức bách hại có thể đưa đến cái chết… Những trường hợp bị lạm dụng và nghiện ngập, cũng như bạo lực và những hành vi lệch lạc”[5] , hoặc là “hoàn cảnh khốn khó của những cô gái, vị thành niên lẫn thành niên, phải mang bầu, đến vết thương lòng của họ sau khi phá thai, đến tầm mức lan rộng của HIV, đến những hình thức nghiện ngập (ma tuý, cờ bạc, nội dung khiêu dâm, v.v.) và cả đến hoàn cảnh của những trẻ em và thanh thiếu niên đường phố, không nhà cửa, không gia đình và không nguồn lợi kinh tế”[6].

    Trước bối cảnh như thế, thay vì bi quan hoặc thất vọng chán nản, Đức Thánh cha khích lệ các bạn trẻ hãy trỗi, hãy lên đường như một người hành hương mang tràn đầy hy vong, “hãy bước đi trong hy vọng! Hy vọng vượt qua mọi mệt mỏi, mọi khủng hoảng và mọi lo lắng. Hy vọng cho chúng ta một động lực mạnh mẽ để tiến bước, vì đó là một ân ban từ Chúa. Chúa lấp đầy thời gian chúng ta bằng ý nghĩa, chiếu sáng trên con đường chúng ta và chỉ cho chúng ta phương hướng và mục tiêu cuối cùng của cuộc sống”[7].

    Trỗi dậy lên đường để tìm ra căn nguyên tuổi trẻ là dấu chỉ của niềm hy vọng cho thế giới hôm nay. Cuộc lên đường tìm kiếm này chắc chắn tuổi trẻ cần sự hướng dẫn của các chủ chăn trong Giáo Hội. Hơn bao giờ hết các chủ chăn phải lấy giới trẻ là tâm điểm của việc canh tân mục vụ. Trước tiên các vị chủ chăn phải hướng dẫn đích điểm của cuộc hành hương lên đường chính là gặp gỡ Chúa Giê-su Kito. Quả thật, trong một thế giới phát triển khoa học kỹ thuật các bạn trẻ đang bị cuốn hút vào chủ trương hưởng thụ tiện ích, và hầu như không còn giờ để tìm gặp Đức Kitô, hậu quả mang lại chính là hình thành một lối sống ích kỷ, vô cảm, con tim như đang chết dần và không còn những cảm xúc làm nên giá trị của cuộc sống, và tình yêu dành cho tha nhân trở thành món quà xa xỉ. Đức Ki-tô trở nên xa lại và từ đó tha nhân cũng thành kẻ xa lạ.

    Do đó việc canh tân mục vụ phải giúp các bạn trẻ ý thức về “một cuộc lữ hành hướng về Thiên Chúa, ơn cứu độ của chúng ta và sự viên mãn của mọi điều tốt lành. Mục tiêu, thành tựu và thành công của chúng ta trên đường đi, nếu chúng chỉ là vật chất, sau một khoảnh khắc hài lòng ban đầu, sẽ vẫn khiến chúng ta đói, khao khát một cái gì đó lớn hơn. Những điều này không thể làm linh hồn chúng ta mãn nguyện hoàn toàn, bởi vì chúng ta được tạo dựng bởi Đấng vô hạn; và do đó, chúng ta có một mong muốn siêu việt, một động lực liên tục hướng tới việc thực hiện những khát vọng cao hơn, hướng tới sự ‘lớn hơn’”, đó chính là cuộc gặp gỡ với Đức Kitô[8]. Chính Đức Kitô làm cho các bạn trẻ hiểu được tuổi trẻ và sống tuổi trẻ “không chỉ là đi tìm những thú vui thoáng qua và những thành công hời hợt. Để cho tuổi trẻ đạt được mục đích của nó trong cuộc đời của con, thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, của những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú”[9].

    2. Chìa khóa canh tân mục vụ giới trẻ

    Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị một phong cách mục vụ bắt nguồn từ đối thoại, lắng nghe và đồng hành. Ngài khuyến khích các cộng đồng đức tin và các nhà lãnh đạo mục vụ đảm bảo rằng những người trẻ tuổi có thể tiếp cận với những người cố vấn có chất lượng, những người sẽ đồng hành cùng họ trong cuộc sống và giúp họ trở nên gắn bó với cộng đồng. Đức Thánh cha nói: Mục vụ Giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung”, điều đó bao hàm “sự quý trọng các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi thành viên trong Giáo hội theo ơn gọi và vai trò của mình, đồng thời sẽ thúc đẩy mọi thành viên tham gia gánh vác trách nhiệm. […] Với tinh thần này, chúng ta sẽ có thể tiến đến một Giáo hội có nhiều tác nhân tham gia và cùng chia sẻ trách nhiệm, một Giáo hội có khả năng cho thấy được nét phong phú nhờ tính đa dạng, đồng thời chúng ta cũng đón nhận với lòng biết ơn sự đóng góp của các tín hữu giáo dân, nhất là của giới trẻ và nữ giới, cùng sự chung tay góp sức của các người sống đời thánh hiến nam và nữ, của các nhóm, hội đoàn và phong trào. Chúng ta không được gạt bỏ một ai hoặc làm cho một ai có thể muốn xa lánh chúng ta”[10].

    - Xây dựng nền tảng tâm linh

    Trong một thời đại phát triển khoa học kỹ thuật vượt trội, các bạn trẻ quan tâm nhiều đến lãnh vực IT, internet, AI, điện thoại thông minh, kỹ thuật số …. hơn là lãnh vực tâm linh, và vì thế các bạn trẻ hầu như đánh mất khả năng đối thoại, và đối diện với bao hiểm nguy. Quả thật, “thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến cực điểm là trường hợp các trang web đen (dark web). Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người. Nhiều hình thức bạo lực mới đang được phổ biến qua các phương tiện truyền thông xã hộichẳng hạn như việc ma cũ ăn hiếp ma mới bằng cách tra tấn tinh thần trên mạng; mạng cũng là một kênh để phổ biến các nội dung khiêu dâm và để khai thác người dùng nhằm mục đích tình dục hoặc bóc lột họ qua các trò chơi may rủi”[11], và có thể nói các bạn trẻ phải trả quá đắt cho một cuộc sống không con niềm tin, xa rời Thiên Chúa.

    Vì thế, việc canh tân mục vụ phải là cách thế để nuôi dưỡng mối quan hệ của các bạn trẻ với Chúa và giúp loại bỏ những gì có thể cản trở mối quan hệ đó. Chắc chắn phải có sự đồng hành thiêng liêng của các mục tử để giúp các bạn trẻ phân định để có thể định hướng lại mối tương giao với Chúa, và chuẩn bị nền tảng cho cuộc gặp gỡ với Người. Bởi đó việc kiến tạo đời sống tâm linh cho các bạn cấp thiết hơn bao giờ hết qua việc cần:

    - Khích lệ các bạn trẻ tham gia công việc mục vụ Giáo xứ với các sáng kiến thích hợp

    Việc tạo không gian cho cho bạn trẻ phát triển những năng khiếu độc đáo của các bạn trẻ sẽ giúp họ coi trọng vai trò của mình trong công việc mục vụ mà họ tham gia ". Việc canh tân mục vụ cần kết hợp sự sáng tạo và niềm đam mê của các bạn trẻ, với sự hướng dẫn khôn ngoan và kinh nghiệm của các các mục tử sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy được coi trọng và gắn bó hơn. Các bạn sẽ cảm nhận rằng họ không chỉ tuân theo một cách mù quáng mà còn được các mục tủ hướng dẫn để việc cộng tác của họ trở thành niềm đam mê và nỗ lực gìn giữ truyền thống tốt đẹp, và kiến tạo sự hiệp thông trong giáo xứ.

    Vì vậy các bạn trẻ cần được hưởng thụ nền giáo dục Kitô giáo phù hợp như thánh Công đồng Vat. II đề nghị: “Giáo Hội quan tâm đến tất cả các phương thế thích hợp, đặc biệt là những phương thế riêng của mình. Trước hết là chương trình huấn giáo nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc tham dự ý thức và linh động vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ”[12].

    Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Người trẻ giúp chúng ta nhận ra nhu cầu phải có những phong cách làm việc và chiến lược mới. Chẳng hạn, trong khi người lớn thường lo lắng mọi thứ phải được lên kế hoạch, với các cuộc họp định kỳ và thời gian biểu ổn định, thì đa số những người trẻ ngày nay ít quan tâm đến kiểu cách mục vụ này. Mục vụ giới trẻ cần được linh động hơn và mời người trẻ đến với các sự kiện mà nơi đó, người trẻ không chỉ có cơ hội để học hỏi, nhưng còn để chia sẻ cuộc sống, liên hoan, hát múa, nghe những câu chuyện thực của các chứng từ và cùng nhau gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong cộng đoàn”[13].

    - Hướng dẫn các bạn trẻ ý thức “thuộc về” cộng đoàn Giáo xứ

    Các bạn trẻ ngày nay “không coi mình là một nhóm yếu thế hay một nhóm xã hội cần được bảo vệ hoặc do đó, là những người thụ động tiếp nhận các chương trình hoặc chính sách mục vụ. Nhiều người muốn trở thành một phần tích cực trong quá trình thay đổi đang diễn ra tại thời điểm hiện tại, như đã được chứng minh bằng những kinh nghiệm tham gia và đổi mới ở cấp cơ sở, coi những người trẻ là những nhân vật chính, dẫn đầu cùng với những người khác”[14].

    Việc canh tân mục vụ đòi hỏi phải đề cao vai trò giới trẻ trong đời sống của Giáo xứ. Các bạn được trang bị khả năng tham gia vào các vị trí thích hợp trong mục vụ giáo xứ trong các sinh hoạt như loan báo Tin Mừng, giáo lý viên, các đoàn thể … Không phải tham gia như những thành viên thụ động, nhưng phải là những thành viên năng động với những sáng kiến, các mục tử phải khuyến khích các bạn trẻ phải chủ động đưa ra những cái nhìn tổng thể sinh hoạt mục vụ, không chỉ gói gọn trong nhà thờ nhưng còn phải hướng tầm nhìn đến những nhu cầu của các bạn trẻ trong thời đại để giúp các mục tử hình thành những mô hình sinh hoạt hầu biến cộng đoàn giáo xứ thực sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy để các bạn trẻ tìm đến. Đức Phanxicô đã nhắc nhờ: “Để được người trẻ tín nhiệm, đôi khi Hội Thánh cần tìm lại sự khiêm tốn và đơn sơ lắng nghe, biết nhận ra một ánh sáng nơi những gì người khác nói giúp Hội Thánh hiểu Tin Mừng tốt hơn. Một Hội Thánh luôn phòng thủ, thiếu khiêm tốn, không biết lắng nghe, không chấp nhận bị chất vấn, sẽ đánh mất đi sự tươi trẻ và biến mình thành một viện bảo tàng. Khi đó, làm sao Hội Thánh có thể đáp lại những ước mơ của người trẻ? Tuy Hội Thánh nắm giữ chân lý Phúc âm, nhưng không có nghĩa là Hội Thánh đã hoàn toàn hiểu rõ Tin Mừng; đúng hơn, Hội Thánh phải luôn lớn lên trong sự hiểu biết về kho tàng bất tận này”[15]

    Do đó việc canh tân mục vụ giáo xứ luôn hướng tới việc giúp các bạn trẻ ý thức sự “thuộc về” cộng đoàn giáo xứ của các bạn trẻ. Để được như vậy, việc canh tân phải làm cho các bạn trẻ cảm nhận được rằng, sự độc đáo và sáng tạo của các bạn được sự chào đón, và cộng đoàn giáo xứ trở thành điểm tham chiếu để đề xuất về những cách sống hoặc về một thế giới quan hướng tới ngoại vi như: hỗ trợ những người yếu nhất, cởi mở với người khác và hy vọng thay đổi mối tương giao với môi trường chung quanh. “Nhiều người trẻ được lôi cuốn bởi các cơ hội giúp đỡ người khác, nhất là trẻ em và người nghèo. Thường việc phục vụ này là bước đầu tiên để khám phá và tái khám phá đời sống Kitô hữu và Hội Thánh. Nhiều người trẻ mệt mỏi với những chương trình huấn luyện giáo lý và thiêng liêng, và đôi khi họ yêu cầu có cơ hội được tham gia tích cực vào các hoạt động giúp ích cho tha nhân”[16]. Khi những sáng kiến phục vụ được đón nhận, các bạn sẽ nhận ra rằng mình thuộc về cộng đoàn giáo xứ, đó là khởi điểm cho việc thúc đẩy các bạn hòa nhập vào cuộc sống của Giáo xứ và sẽ nhận ra rằng, một niềm tin không có sự gắn bó với giáo xứ đức tin đó sẽ không tồn tại

    Đức Phanxicô đã khẳng định: người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo. Vì vậy, sẽ dư thừa nếu tôi dừng ở đây để đưa ra một cẩm nang mục vụ giới trẻ hay những hướng dẫn thực hành mục vụ. Tốt hơn là hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ[17]. Vì thế việc canh tân mục vụ Giáo xứ phải lấy giới trẻ là hạt nhân của việc canh tân, các mục tử phải nỗ lực hành động để giới trẻ không là khách bàng quan, hay là người đứng bên lề của đời sống giáo xứ, nhưng giới trẻ phải là động lực cho việc canh tân mục vụ giáo xứ, bởi giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Giáo Hội, cụ thể là cộng đoàn Giáo xứ vì họ là những người lãnh đạo tương lai và tương lai của Giáo xứ, một cộng đoàn Giáo xứ mạnh khỏe là một cộng đoàn có sự cộng tác tích cực và sống động của giới trẻ. Do đó việc canh tân mục vụ Giáo xứ cần lấy giới trẻ làm hạt nhân, và là nền tảng cho việc xây dựng một cộng đoàn giáo xứ sinh động đáp ứng được với nhu cầu phát triển của xã hội hôm nay.

    _______

    BÀI III - THÁI ĐỘ CỞI MỞ VÀ TÔN TRỌNG: NHẠY BÉN TRONG GIAO TIẾP VỚI CÁC NỀN VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

    Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn

    “Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính Công giáo và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập (x. Mc 16,16), Hội Thánh dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người” (AG, 1), cho nên mọi Kitô hữu đều có nghĩa vụ và quyền lợi để đi khắp nơi và đến với muôn dân.

    Nhưng chúng ta phải ra đi gặp gỡ mọi người với một tâm thế như thế nào, vì mỗi người đều có những hoàn cảnh sống khác nhau, có những suy tưởng hành động khác nhau, sống trong các nền văn hóa tôn giáo khác nhau. Cho nên “Thay vì tỏ ra muốn áp đặt những bó buộc mới, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon. Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng “bằng sức thu hút” (EG, 14). Chúng ta cần phải có thái độ cởi mở và tôn trọng với tất cả mọi người.

    Trước hết chúng ta cần phải cởi mở tâm trí chúng ta, nhận biết rằng Thiên Chúa là Cha chung cho tất cả mọi người và tất cả đều là anh chị em của nhau. Mở ra tâm hồn để có thể thấy được Thiên Chúa là Tình yêu thương (1Ga 4,8), để có thể sống được với niềm vui của Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã trao tặng và để đón nhận ân ban của Thần Khí.

    Chúng ta cũng cần phải mở ra con người của mình với tất cả chúng sinh. Mở ra để nhận biết được những điều hay lẽ phải nơi các nền văn hóa khác và nơi các tôn giáo trên toàn thế giới; để nhận biết rằng mỗi người đều có nhân phẩm, lý trí, ý chí, tự do… cho riêng mình.

    Như “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”; và “Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng”, chúng ta cần phải có tinh thần tôn trọng với các nền văn hóa và tôn giáo của tha nhân. Trong Lời Chúa mời gọi đi loan báo Tin Mừng, chúng ta phải ra khỏi chính mình trong không gian và thời gian để trao ban mọi người, vì tha nhân và vì Tình yêu Thiên Chúa để phục vụ, chia sẻ trong tinh thần yêu thương và tôn trọng nhau.

    Trong khi vẫn giữ vững Chân lý Chúa Giêsu Kitô là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người và là Đấng Cứu Rỗi duy nhất của trần gian, chúng ta cũng cần phải có tâm tình và hành động tôn trọng các nền văn hóa và tôn giáo khác với chúng ta. Có những giá trị nhân bản rất cao quý nơi các văn hóa tôn giáo khác, cụ thể như ở Việt Nam người dân rất hãnh diện về các giá trị tôn giáo của mình, có tinh thần gia đình và ý thức về cộng đồng, yêu thiên nhiên, tôn trọng sự sống, đơn sơ chăm chỉ hòa đồng…

    Vì thế, khi hiệp thông chia sẻ loan báo Tin Mừng cho tha nhân, chúng ta cần phải nhận ra những điểm chung tốt lành của nhau và cùng tìm kiếm Chân lý qua những dị biệt với nhau, không phải trong sự chạm trán và đối nghịch nhưng trong tinh thần bổ sung và hòa hợp, chỉ trong tinh thần hiệp hành, lắng nghe chứ không đưa đến tranh luận rồi thành võ luận. Không quá khích, gây mâu thuẫn, chống đối nhau nhưng biết dung hòa và quân bình để chấp nhận nhau. Chúng ta cần phải thành thật và khách quan tìm hiểu về các nền văn hóa và các tôn giáo khác.

    Như vậy, chúng ta cần phải cởi mở và tôn trọng những khác biệt của nhau về văn hóa, tôn giáo cũng như chấp nhận những quan điểm ý tưởng của người khác, cởi mở và tôn trọng lắng nghe ý kiến lập trường của người khác, khiêm nhường tìm hiểu học hỏi những điều chân thiện mỹ nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác và nơi tha nhân để cùng nhau đi tìm Sự Thật toàn vẹn, tìm được về nơi Chân Lý Tuyệt Đối là Ông Trời, là Thượng Đế…, là Thiên Chúa của chúng ta.

    Hồi tâm

    1) Bạn đã giao tiếp, tương quan như thế nào với các tín đồ tôn giáo khác và những người sống trong một nền văn hóa khác trong địa bàn Giáo xứ của bạn?

    2) Khi tiếp xúc các tín đồ tôn giáo khác và những người sống trong một nền văn hóa khác, họ có thể giúp bạn xóa bỏ những thành kiến, hiểu lầm về họ và tôn giáo của họ; giúp bạn hiểu biết họ nhiều hơn, coi họ cũng chân thành như bạn trong việc đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa cuộc đời, cũng bận tâm như bạn về công lý, về hòa bình, về quyền con người ... Bạn có sẵn lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình tiếp xúc với họ không?

    3) Khi giao tiếp với các nền văn hóa và tôn giáo khác, bạn có thấy chỗ đứng của các nền văn hóa và tôn giáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không? Và bạn nhìn các nền văn hóa và tôn giáo khác như những người đồng hành hay như những đối thủ cạnh tranh?

    _______

    BÀI IV - CẦU NGUYỆN: VIỆC TÔNG ĐỒ ƯU TIÊN

    Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

    Dẫn nhập

    Loan báo Tin Mừng là sứ mạng Đức Giêsu uỷ thác cho từng người môn đệ, và cầu nguyện chính là việc ưu tiên của sứ mạng đó. Đức Giêsu không chỉ sai các môn đệ ra đi, đến các nơi mà chính Người sẽ đến, nhưng còn truyền dạy họ cầu xin “chủ mùa gặt sai thợ gặt lúa về” (Lc 10,2). Cầu nguyện giúp mỗi tín hữu kết hiệp với Chúa Giêsu để thực thi sứ mạng và chuyển cầu cho thế giới.

    Tông đồ Cầu nguyện, ngày nay được canh tân thành Mạng Lưới Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng (Pope’s Worldwide Prayer Network – PWPN),[18] là một con đường sống động và gần gũi để mỗi tín hữu thực thi sứ mạng bằng lời cầu nguyện. Dù không thể trực tiếp đi đến các vùng truyền giáo, các tín hữu sống tinh thần tông đồ cầu nguyện vẫn có thể thi hành sứ mạng và đồng hành thiêng liêng với những ai đang trực tiếp dấn thân trong sứ mạng. Khi cầu nguyện, mỗi tín hữu không chỉ góp phần vào sứ mạng mà còn để chính mình được biến đổi, trở nên dấu chỉ sống động của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày.

    Kết hiệp với Chúa Giêsu

    Đức Giêsu không chỉ sai phái các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, mà còn mời gọi họ cầu xin “chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2), vì loan báo Tin Mừng là hoạt động của chính Thiên Chúa. Một trong những hình thức cầu nguyện mang lại sức mạnh đặc biệt cho sứ mạng loan báo Tin Mừng là cầu nguyện chuyển cầu (EG, số 281). Lời nguyện chuyển cầu liên kết sâu xa mỗi người chúng ta với tha nhân (Pl 1,4.7). Qua cầu nguyện, chúng ta kết hiệp với Chúa và dâng lên Ngài ước nguyện cho Giáo Hội và cho thế giới.

    Kết hiệp với Chúa Giêsu là phương thế thiêng liêng hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu, lời cầu nguyện trở nên hành động yêu thương, hiệp thông và chia sẻ với tha nhân và thế giới. Cầu nguyện không chỉ là hành động thiêng liêng mà còn là lời đáp lại tiếng gọi của Chúa.

    Sự kết hiệp này không chỉ giúp mỗi người tham dự vào sứ mạng loan báo Tin Mừng mà còn giúp mỗi người mở rộng trái tim, được biến đổi trở nên đồng điệu với Trái Tim Thiên Chúa, Đấng luôn thao thức vì ơn cứu độ của con người. Thế giới chính là cánh đồng sứ vụ. Mỗi góc khuất của thế giới đều là một phần trong cánh đồng lúa chín của Thiên Chúa. Kết hiệp với Chúa Giêsu, lời nguyện chuyển cầu mở lòng mỗi người chúng ta ra với thế giới, ngắm nhìn thế giới qua nhãn quan thiêng liêng, và đặt mình vào dòng chảy sứ mạng toàn cầu của Giáo Hội.

    Tông đồ cầu nguyện

    Cầu nguyện không chỉ là một phần của sứ mạng mà chính là sứ mạng. Khi cầu nguyện, người tín hữu bước vào mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và Giáo Hội, góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng ngay cả khi không thể trực tiếp hiện diện tại một nơi chốn nào đó, như thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng ngay cả khi sống trong dòng kín.[19] Tông đồ cầu nguyện là lời đáp lại tiếng Chúa gọi, mời gọi ta dâng lên Ngài mọi tư tưởng, lời nói, việc làm, biến từng phút giây đời thường thành một lời kinh sống động. Qua đó, ta mở rộng tâm hồn, hướng đến những nhu cầu lớn lao của nhân loại và cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ.

    Tinh thần tông đồ cầu nguyện cũng thể hiện qua sự liên đới với những người đang dấn thân loan báo Tin Mừng. Khi cầu nguyện cho các nhà truyền giáo, ta trở thành điểm tựa thiêng liêng, nâng đỡ họ trước những khó khăn, thử thách. Một lời nguyện chân thành, một hy sinh nhỏ bé dâng lên Chúa có thể trở thành nguồn ơn nâng đỡ, giúp họ kiên trì và can đảm trong sứ vụ. Nhờ cầu nguyện, chúng ta không chỉ đồng hành với những người đang trực tiếp thi hành sứ mạng, mà còn tích cực góp phần vào sứ mạng.

    Cầu nguyện còn giúp mỗi người tín hữu biến đổi chính mình trở thành tông đồ thực sự trong môi trường sống hằng ngày. Khi gắn bó mật thiết với Chúa, ta học được cách yêu thương, tha thứ và phục vụ theo tinh thần Tin Mừng. Mỗi ngày, qua những việc nhỏ bé như dâng lời nguyện tắt, tạ ơn trong công việc, hay chấp nhận hy sinh vì tha nhân, ta đang thực sự sống tinh thần tông đồ cầu nguyện, góp phần đem Chúa đến với mọi người, mọi nơi.

    Cầu nguyện như một việc tông đồ

    Cầu nguyện thật sự là một việc tông đồ, thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Tham gia vào ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng là một cách thế cụ thể để thi hành việc tông đồ này. Hằng tháng, Đức Giáo Hoàng đưa ra ý cầu nguyện cho các nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và thế giới, mời gọi tín hữu hiệp thông cầu nguyện. Những ý cầu nguyện này là một nhịp cầu liên kết các tín hữu và là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông. Hiệp thông cầu nguyện theo các ý chỉ này, người tín hữu tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội một cách sống động và cụ thể.

    Một trong những thực hành cụ thể hằng ngày giúp mỗi người tín hữu thánh hoá bản thân và tham gia vào Mạng Lưới Cầu Nguyện Của Đức Giáo Hoàng chính là thực hành “Dâng ngày”. Mỗi ngày sống là một của lễ mà mỗi người được mời gọi dâng lên Chúa (1Cr 10,31). Khi cầu nguyện dâng ngày như thế, người tín hữu cũng cùng Chúa nhìn vào ngày sống của mình, nhìn đến tương lai trước mắt với niềm hy vọng và tín thác.

    Trong ngày, dù bận rộn với nhịp sống hối hả, mỗi người vẫn có thể kết hiệp với Chúa, đặc biệt khi đối diện với thách đố hay vấn đề trong cuộc sống, có thể dừng lại nhận định hoặc dâng lên Chúa lời nguyện tắt: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4). Mỗi công việc, dù nhỏ bé hay quan trọng, đều có thể trở thành cơ hội để hướng lòng về Chúa, xin Ngài đồng hành và chúc phúc. Khi vui, ta tạ ơn; khi mệt mỏi, ta xin ơn nâng đỡ; khi buồn, ta nương tựa vào Chúa.

    Cuối ngày là thời khắc quý báu để người tông đồ hồi tâm cầu nguyện, nhìn lại một ngày đã qua trong ánh sáng thiêng liêng. Dừng lại để cám ơn Chúa vì những hồng ân đã nhận, nhận ra những lỗi lầm và xin ơn sửa đổi. Phút hồi tâm giúp người tín hữu sống ý thức hơn về sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống thường ngày, nhận ra những cơ hội phục vụ đã bỏ lỡ, và chuẩn bị tâm hồn để ngày mai sống tốt hơn. Khi phó dâng tất cả cho Chúa trước khi nghỉ ngơi, người tín hữu an tâm vì biết rằng mình luôn được Chúa yêu thương và hướng dẫn.

    Kết luận

    Cầu nguyện là linh hồn của sứ mạng loan báo Tin Mừng. Khi kết hiệp với Chúa Giêsu, mỗi tín hữu trở thành tông đồ cầu nguyện, chuyển cầu cho Giáo Hội và cho thế giới. Dù không thể trực tiếp dấn thân truyền giáo, mỗi Kitô hữu vẫn có thể góp phần vào sứ mạng qua lời cầu nguyện và dâng hiến đời sống hằng ngày. Nhờ đó, không chỉ tham gia sứ mạng và nâng đỡ những người đang rao giảng Tin Mừng, mà chính mình cũng được biến đổi, trở thành chứng nhân sống động của Tin Mừng giữa lòng đời.

    Hồi tâm

    1) Tôi có thường dành thời gian gặp Chúa? Tôi thường dành thời gian trò chuyện với Chúa như thế nào? Tôi có thường nhớ đến Ngài trong những lúc vui, buồn hay mệt mỏi?

    2) Tôi cầu nguyện thế nào cho Giáo Hội, cho sứ mạng của Giáo Hội và cho những người đang gặp khó khăn không?

    3) Tôi quan tâm thế nào đến các nhu cầu của anh chị em sống quanh mình, trong cộng đoàn giáo xứ? Lời cầu nguyện của tôi giúp biến đổi đời sống tôi ra sao?

    _______

    [1] Nguồn: https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/hong-nhan-bac-phan-goc-khuat-hanh-phuc-cua-nguoi-phu-nu-thoi-hien-dai-20250103084245324.htm

    [2] Đức Phanxicô, Diễn từ của Đức Thánh dành cho Giới trẻ tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute vào Chúa Nhật thứ V Phục Sinh, ngày 28 tháng 04 năm 2024 nhân chuyến viếng thăm Venice

    [3] NT.

    [4] Đức Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, sô 64

    [5] Nt số 72

    [6] Nt số 74.

    [7] Đức Phanxicô, sứ điệp của đức thánh cha cho ngày giới trẻ thế giới lần thứ 39, ngày 24/11/2024

    [8] Nt.

    [9] Đức Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, sô 108.

    [10] Nt số 206

    [11] Tài liệu kết thúc Hội nghị Giới trẻ Tiền Thượng Hội đồng, chuẩn bị cho khóa họp thường lệ lần thứ XV của Thượng Hội đồng Giám mục, Roma (24/03/2018), I, 1.

    [12] Công đồng Vat. II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis - Giáo dục Kitô giáo, số 4

    [13] Đức Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, số 204

    [14] Tài liệu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ XV, “Giới Trẻ, Đức tin và sự phân định ơn gọi”. Nguồn: https://www.vatican.va/roman_curia/synod/documents/rc_synod_doc_20170113_documento-preparatorio-xv_en.html

    [15] Đức Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, số 41

    [16] Đức Phanxicô, Tông Huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, số 225.

    [17] Nt số 203

    [18] https://www.popesprayer.va

    [19] https://www.popesprayer.va/history-of-the-eucharistic-youth-movement/

    Nguồn: hdgmvietnam.com

    Bài viết liên quan