“Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình”.
BÀI ĐỌC I (năm II): Nk 1, 15; 2, 2; 3, 1-3. 6-7
“Khốn cho thành khát máu”.
Trích sách Tiên tri Nakhum.
Kìa xem, trên núi có người đưa tin mừng chạy đến. Hỡi Giuđa, hãy mừng các ngày lễ trọng của ngươi, hãy thi hành lời ngươi khấn nguyện. Vì Bêlial từ nay sẽ không còn đi qua đất ngươi: nó đã bị hoàn toàn tận diệt.
Vì Chúa sẽ trồng lại cây nho Giacóp, cũng như cây nho Israel, bởi quân phá phách đã tàn phá chúng và đã bẻ cành chúng.
Khốn cho thành khát máu, tràn đầy gian dối, hung bạo, người ta không ngừng cướp phá ngươi. Hãy nghe tiếng roi quất, tiếng bánh xe lăn, ngựa hí, xe phóng nhanh, quân kỵ binh xông đến, gươm lấp lánh, giáo sáng ngời, nhiều người bị giết, tàn phá nặng nề, xác chết vô vàn, ngã quỵ trên nhau.
Ta sẽ vứt đồ ô uế trên mình ngươi, làm nhục ngươi, bêu xấu ngươi. Lúc bấy giờ, hễ ai thấy ngươi cũng ngoảnh mặt mà nói: “Ninivê thật tiêu điều! Ai thương được ngươi? Tìm đâu ra người an ủi ngươi”.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Ðnl 32, 35cd-36ab. 39. 41
Ðáp: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại (c. 39c).
Xướng: Ngày huỷ diệt đã gần rồi, và kỳ hẹn lại chóng đến. Chúa sẽ phán xét dân Người, và xót thương kẻ làm tôi Chúa.
Xướng: Các ngươi hãy xem có một mình Ta, và ngoài Ta, không có Chúa nào khác: Ta sẽ giết chết và sẽ làm cho sống lại; Ta sẽ đánh đập và sẽ chữa lành.
Xướng: Nếu Ta mài sáng gươm Ta như chớp, và nắm giữ phán quyết trong tay Ta, Ta sẽ trả oán những kẻ thù nghịch, sẽ trả thù những kẻ ghen ghét Ta.
Tin mừng: Mt 16, 24-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy.
Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống.
Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình ?
“Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người”.
Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã bằng lòng đón nhận khổ đau và chịu chết trên thập giá, nên Chúa đã được phục sinh vinh quang. Chúa mời gọi ta là môn đệ Ngài, hãy bước theo Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã yêu thương con và đã để lại cho con một mẫu gương yêu thương tuyệt vời. Cuộc đời của Chúa chiếu tỏa rạng ngời tình yêu cứu độ. Chúa đã yêu thương và yêu đến cùng, dù phải chịu bao gian nan, bao chống đối, bao khổ đau và cả cái chết trên thập giá.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bằng lòng đón nhận tất cả vì yêu, vì Chúa mời gọi con chấp nhận cùng mang lấy thân phận tôi tớ với Chúa trong cuộc sống và trong cái chết.
Xin cho con hiểu và xác tín rằng phải qua thập giá mới được vinh quang phục sinh. Xin cho con can trường quảng đại trước gian nan khổ đau vất vả, để đem lại hạnh phúc, niềm vui và ơn cứu độ cho mình và anh em. Con sẽ chấp nhận khổ đau không chỉ vì khổ đau, nhưng vì muốn biểu lộ tình yêu cứu thế. Xin giúp con quảng đại hy sinh để cộng tác với Chúa làm cho Nước Trời lớn lên trong con, trong gia đình, trong xóm ngõ, trong giáo xứ, và góp phần làm cho bộ mặt trần thế nên trời mới đất mới.
Lạy Chúa, xin cho con ghi nhớ Lời Chúa: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì ?”. Con vẫn thường đi tìm những cái lợi mau qua trước mắt mà coi nhẹ sự sống linh hồn và chẳng quan tâm đến số phận đời đời. Xin Chúa giúp con hằng ngày biết hy sinh, từ bỏ chính mình để theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình”.
Điều kiện phải có để theo Chúa (Mt 16,24-28)
Lời tuyên bố trên là một điều kiện Chúa đề ra và đòi ý chí tự do của mỗi người. Chúa không cưỡng bách ai, Chúa không ép buộc ai phải theo Chúa. Đây là quyền tự do của con người để có thể tự do lựa chọn hay từ chối, nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự tự do lựa chọn của mình.
Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong cuộc sống. Tại sao con người phải đau khổ ? Tại sao con người phải vác thập giá ? Chúa Giêsu không đưa ra một giải đáp nào. Ngài vác lấy Thập giá. Ngài sống như một con người đau khổ, và Ngài nói với chúng ta: Thập giá là con đường giải thoát, con đường dẫn tới sự sống... (Mỗi ngày một tin vui).
Muốn hiểu câu nói này, chúng ta phải biết thánh Mátthêu viết sách này vào khoảng năm 80-90 SC, nghĩa là ông viết vào những ngày cay nghiệt nhất. Những lời này có ý nói rằng: “Đã đến lúc con người có thể cứu mạng sống mình bằng cách chối bỏ niềm tin, nhưng như thế thì chẳng những không cứu được mạng sống mình theo đúng nghĩa thật sự mà là đánh mất nó”. Người giữ lòng trung tín có thể chết, nhưng chết để mà sống. Còn người bỏ đức tin mình để được an thân thì có thể sống để mà chết. Trong thời đại chúng ta, không có những cuộc cấm đạo khắt khe như thế, nhưng của cải vật chất, chức quyền, danh vọng... có thể làm cho chúng ta chết mà mất linh hồn.
Khi kêu gọi con người từ bỏ mình để đi theo Ngài, Chúa Giêsu cũng không mời gọi con người khinh chê hay ghét bỏ sự sống đến mức huỷ diệt sự sống, nhưng là đừng để mình làm nô lệ cho lợi lộc vật chất, trái lại đặt Chúa và tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự.
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một ngày kia, thiên thần hiện đến phán bảo:
- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và lựa chọn thánh giá vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:
- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.
Câu chuyện
Khi nhắc đến ông Leonardo da Vinci, chúng ta thường nghĩ đến những phát minh khoa học và những bức họa nổi tiếng của ông. Chúng ta không biết rằng để giải trí ông Leonardo de Vinci còn sưu tầm những chuyện cổ tích hoặc đặt ra những câu chuyện vui sau đây về một cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một tờ giấy trắng và cái bút:
Tờ giấy trắng từ lâu nằm ù lì trên bàn giấy cùng với những đồng bạn khác, nhưng bỗng nó được chọn đem ra nằm giữa bàn và chịu cảnh cây viết mực đen ngòm vẽ lên nó không biết bao nhiêu là dấu hiệu mà nó không hiểu gì cả. Nó phàn nàn với cái bút như sau:
- Tại sao anh lại làm thế ? Anh vẽ trên mình tôi những dấu đen làm mất đi sự trong trắng ban đầu. Anh làm nhục tôi như thế này sao ? Anh làm hư cả cuộc đời tôi rồi.
Nhưng cái bút trả lời:
- Không đâu anh giấy ạ, anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi không bôi đen anh đâu, tôi vẽ lên anh những dấu hiệu, những dòng chữ kể từ nay anh không còn là tờ giấy vô dụng nữa, nhưng có mang trên mình những sứ điệp. Anh trở thành kẻ cộng tác với con người. Lưu giữ những tư tưởng cao siêu. Và vì thế được con người nâng niu, bảo vệ. Anh sẽ được sống mãi để trợ giúp cho con người.
Tờ giấy chưa kịp trả lời cái bút thì nó bỗng nhìn thấy một bàn tay người quơ lấy những tờ giấy khác, trước kia trắng tinh nay đã đổi màu, đầy bụi mà quăng vào ngọn lửa bên cạnh. Tờ giấy bị vẽ trên mình những lằn mực đen kia mới hiểu được hành động của cái bút và lấy làm sung sướng, vì được trở thành như người cộng tác lưu giữ trong kho tàng trí khôn con người (R.Veritas, Mạch nước trường sinh, tr 52).
Suy niệm
Lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ, đồng thời cũng nói với mọi người chúng ta, người tin theo Ngài như môn sinh: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Mối tình thâm sâu của người môn sinh Chúa Giêsu được biểu tượng bằng hình ảnh thập giá, chính thập giá liên kết vận mệnh của môn đệ với vận mệnh của chính Thầy: Thầy sao trò vậy, như Chúa Giêsu đã từng quả quyết: “Môn sinh không hơn Thầy”, Thầy vác thập giá, trò cũng mang thập tự. Như lời Chúa mời gọi các môn đệ, chúng ta cũng được mời gọi đi theo bước chân Ngài: Bước đầu là từ bỏ và vô hiệu hóa những ràng buộc chính mình với thế gian, để được tự do thanh thoát dưới ân sủng của Thánh Linh và tình yêu, bước tiếp những bước đi mới, những bước đi huyền nhiệm thập giá để có thể tiếp nhận khổ đau và cái chết theo kế hoạch và tình yêu của Chúa Cha, như Thầy đã bước đi trong hành trình thập giá tiến về đồi Canvê. Trong thập giá, khám phá ra sự phục sinh vinh quang, mà Thầy Giêsu đã khai mở bằng sự phục sinh của chính Ngài khi bước qua thập tự.
Hình ảnh đó được ẩn dụ dưới hình ảnh chim cú đã phát triển được đôi mắt sáng nhờ “bị” đẩy vào bóng đen. Chính trong bóng tối, chim cú được khai mở khả năng thấy sáng của mình và bóng đêm không thể khuất phục được sức sống của chim cú ngay trong đêm. Hình ảnh chim cú sáng mắt trong đêm tối là biểu tượng của sự khám phá ra nét công hiệu của những “mũi tên ngược” trong cuộc sống của kiếp nhân sinh, cách đặc biệt của đời sống niềm tin đó là những thập giá mà chúng ta mang qua những thử thách, với những chén đắng mà chúng ta uống xuyên qua những nghịch cảnh xảy đến trong cuộc sống. Thập giá và chén đắng này làm bừng sáng con mắt đức tin và khai mở con mắt tình yêu nơi người sống trong huyền nhiệm thập giá. Chính họ có một nhãn quan mới nhìn vào cuộc sống với biết bao nhiêu biến động có thể mang dáng dấp của bóng tối.
Trong thập giá tình yêu trở nên hy lễ sống động: Hy lễ tình yêu mà Chúa Giêsu dâng tiến lên Chúa Cha để đền tội cho nhân loại. Hy tế đó luôn kéo dài trong lịch sử và mời gọi mọi người chúng ta bằng sự đóng góp của bản thân tham dự vào hy tế qua cuộc sống được thánh hóa dưới thập giá, như tâm tình thánh Phaolô khuyên tín hữu thành Rôma “hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).
Hãy cùng lên Giêrusalem để vác thập giá theo Chúa là lời mời gọi từ bỏ những thực tại hào nhoáng phù du lôi kéo con người đi vào thế gian với vỏ bọc an toàn tạm bợ “được cả thế giới”, nhưng lại đánh mất chính mình, mất tư cách bạn hữu, mất tư cách môn sinh. Từ bỏ tất cả để vác thập giá tiến lên Giêrusalem, để tôi và bạn được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô” (Pl 1,21) và “biết Đức Kitô là một mối lợi” (Pl 3,8). Khám phá ra thập giá trong đời mà mỗi chúng ta mang và tiến đến đồi Canvê với một tinh thần “vượt qua” mang tình yêu Thiên Chúa.
Nơi thập giá, Ngài mời gọi tôi và bạn cùng xốc vác cuộc đời, trong đó có cái tôi của tài năng, thánh thiện, nhưng cũng có sự khiếm khuyết, bất toàn, đau khổ, thử thách… Ngài không ngừng cứu thoát chúng ta, và chúng ta vác thập giá là cùng Ngài chiến đấu như lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy cùng tôi chiến đấu...” (Rm 15,30).
Từ bỏ mình vác thập giá và nhờ đó mà thập giá của tôi và bạn trở nên hy lễ tình yêu, để xứng đáng tham dự vào hiến tế sống động của Chúa Kitô trên thập giá.
Ý lực sống
“Vinh dự của tôi là thập giá” (Gl 6,14).
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 97 | Tổng lượt truy cập: 3,229,716