“Hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã,
rồi trở lại dâng lễ vật của mình”. (Mt 5, 24)
BÀI ĐỌC I: (Năm II) 1 V 18, 41-46
“Êlia cầu nguyện và trời đổ mưa” (Gc 5, 18).
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Êlia tâu cùng Acáp rằng: “Xin bệ hạ lên ăn uống, vì tôi nghe có tiếng mưa to”. Acáp liền lên ăn uống. Phần Êlia, ông trèo lên đỉnh núi Carmel, cúi mình xuống đất, gục mặt vào hai đầu gối. Ðoạn ông nói với người đầy tớ rằng: “Hãy lên đây nhìn về phía biển”. Người đầy tớ leo lên, đưa mắt nhìn, rồi thưa ông: “Không có gì hết.” Êlia lại nói với y: “Cứ xem lại bảy lần”. Ðến lần thứ bảy (nó báo:) “Kìa, có đám mây nhỏ bằng vết chân người, từ biển kéo lên”. Êlia liền bảo: “Hãy lên tâu với Acáp chuẩn bị xe xuống gấp kẻo mắc mưa”. Ðang lúc vua còn loay hoay thì bỗng trời tối om, mây bao phủ, gió thổi lên, trời đổ mưa như trút. Acáp lên xe đi Giêrahel. Tay Chúa phù hộ Êlia: Ông thắt lưng chạy trước Acáp cho đến khi tới Giêrahel.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 64, 10abcd. 10e-11. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa đáng ca tụng trên núi Sion (c. 2a).
Xướng: Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới giội, Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần. Sông ngòi của Thiên Chúa tràn trề nước, Ngài đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì. – Ðáp.
Xướng: Vì Ngài đã chuẩn bị như thế này cho ruộng đất: Ngài đã tưới giội nước vào những luống cày, và Ngài san bằng mô cao của ruộng đất, Ngài làm cho đất mềm bởi thấm nước mưa, Ngài chúc phúc cho mầm cây trong đất. – Ðáp.
Xướng: Chúa đã ban cho năm hồng ân, và lốt xe ngự giá của Người khơi nguồn phong phú. Ðống đất hoang vu có nước chảy đầm đìa, và các đồi núi bận xiêm y hoan hỉ. – Ðáp.
Tin mừng: Mt 5, 20-26
20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.
22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng.
Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.
26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
Sứ điệp: Luật yêu thương Chúa Giêsu dạy cần thực hiện cách cụ thể: sống hòa thuận và biết tha thứ. Ta cần phải sống yêu thương tha thứ như lễ vật dâng Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha của con, con hân hoan dâng Cha tâm tình yêu mến cùng với anh em con. Hôm nay, con không đến với Cha một mình, nhưng con đến cùng với anh em khác.
Lạy Cha, trên đường đến với Cha, con còn gặp biết bao trở ngại từ chính con. Con chưa hòa hợp được với anh em. Con còn khó chịu với người bên cạnh. Nhưng Cha muốn con nắm chặt tay bạn bè trong tình thương mến. Cha muốn con đi bước trước đến với người bất hòa với con, làm hòa với họ trước khi đến với Cha.
Lạy Cha, con chiêm ngưỡng hy lễ tuyệt hảo của Con Cha trên thập giá, hy lễ của Chúa Giêsu. Trước khi hoàn tất hy lễ ấy, chung quanh thập giá đông vô kể những kẻ bất bình và thù oán, họ đang hả hê vì đã giết được Ngài. Con Một Cha đã ngước mắt lên thưa với Cha: “Lạy Cha xin tha cho họ”. Thật là cao cả. Chính Thiên Chúa đã làm hòa với người đang cướp mất mạng sống mình. Lạy Cha, đây chính là lý do duy nhất thôi thúc con tha thứ cho anh em. Tha thứ không phải là nhát đảm nhưng là hành động anh hùng, không phải là thua thiệt, nhưng là nhận được nhiều hơn. Cùng với hy lễ thập giá của Chúa Giêsu, hôm nay, con xin dâng Cha không phải chỉ lời cầu nguyện, không phải chỉ tâm tình yêu mến, nhưng xin dâng lên Cha lòng quảng đại tha thứ cho anh em. Amen.
Ghi nhớ: “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt”.
A- Phân tích (Hạt giống...)
Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ: phải công chính hơn những người biệt phái. Công chính của người biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình.
Sau đó Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:
Luật “không được giết người”: môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.
Luật dâng lễ vật: lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy lòng yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với người anh em nào có chuyện bất hòa với mình.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Có hai thứ thước để đo mức công chính. Thước đo của người biệt phái là xem mình có giữ luật đàng hoàng hay không; thước đo của người môn đệ Chúa là xem mình có sống trọn tình yêu thương không. Tôi thường dùng thứ thước nào ?
2. Cách nói cường điệu của Chúa Giêsu khi giải thích các khoảng luật “chớ giết người” cho tôi thấy thêm được rằng giận, mắng và chửi người anh em cũng là một cách giết chết người đó. Giết chết người anh em bởi vì tôi không coi người đó là anh em nên mới nặng lời như thế. trong lòng tôi “người anh em” kể như đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.
3. Nếu Chúa đã chọn việc làm hòa trọng hơn của lễ, thì tôi có biết bao của lễ có sẵn hàng ngày chung đụng và nhiều va chạm này. Sao tôi không dâng cho Chúa ?
4. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21)
Phần lớn chúng tôi, những người trẻ, không giết người nhưng lại “giết” mình. Tội ấy có đáng xét xử không ? Chúng ta ít hỏi mình như thế bởi vì còn đắm say với men rượu, men tình trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là hủy hoại thân xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình cách thảm hại.
Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quý trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng con. (Hosanna)
Đức công chính của người môn đệ (Mt 5,20-26)
Thưa bởi vì, theo họ, thánh thiện là chu toàn cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những quy luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.
Đả phá quan niệm và cách thực hành của những người biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người biệt phái, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn những biệt phái và luật sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước trời”.
Luật Maisen quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tùy nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai.
Sự kiện toàn của luật Tin mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, và ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hỏa ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiến kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào...
Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.
Việc bất bình ở đây hiểu thế nào?
Nhưng điều Chúa Giêsu đòi hỏi là: để đến gần Chúa, chúng ta không được là nguyên nhân phát sinh bất công hay thiếu bác ái làm đau lòng người anh em. Điều này Chúa muốn dạy chúng ta.
Một trong những đền thờ cổ nói lên tinh thần của người Rôma xưa, đó là đền thờ dâng kính nữ thần có sứ mệnh hoà giải loài người với nhau, nhất là những đôi vợ chồng bất hoà.
Người Rôma xưa coi định chế hôn nhân là điều quan trọng trong sinh hoạt chính trị, xã hội; do đó, họ rất quan tâm đến việc bảo toàn gia đình. Khi hai vợ chồng bất hoà và như vậy có thể nguy hại cho đời sống gia đình, người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải.
Nghi thức diễn ra trước nữ thần rất đơn sơ: mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong đời sống gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói một lúc, hễ ai ngắt lời người kia hoặc cả hai cùng nói một lúc thì điều đó bị coi như phạm thánh.
Nghi thức này có thể mang đến những kết quả phi thường: sau khi trình bày lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, bác bỏ mọi lời buộc tội, hai vợ chồng thường làm hoà với nhau trước mặt vị thần.
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 87 | Tổng lượt truy cập: 4,063,337